"Tụi bay biết gì mà nói ? Không biết thì câm mồm !" nói rồi bạn tôi đứng dậy,  cắt ngang cuộc nói chuyện mà bỏ về. Cả bọn chỉ biết kêu với lại rồi nhìn theo. Đó là lần cuối cùng, nó xuất hiện trong các cuộc hẹn uống nước của lũ bạn. Tất cả chỉ vì một thằng đã vô tình "lèo lái" chủ đề của cuộc nói chuyện đi quá xa, động chạm đến thứ mà chúng tôi lúc đó chưa từng trải qua. Nghèo. 
Lúc ấy tôi nhớ có thằng to mồm bảo người nghèo là do họ không có chí tiến thủ, tầm nhìn nông cạn, nên chỉ loay hoay mãi trong kiếp lận đận. Nó nói không sai. Tôi ở thời điểm đó chắc hẳn đã gật đầu đồng ý với quan điểm đó. 
"Tụi bay nên biết nghĩ xa hơn, làm như thế không có tương lai đâu." câu nói đó vừa ra khỏi cửa miệng thì một bạt tay từ đâu vả vào mặt tôi đau điếng, ba cầm chặt vai tôi mà bảo: "CÂM MỒM, mày không có tư cách dạy đời người khác ở đây!". Mọi người xung quanh yên lặng nhìn vào tôi, cảm giác ngột ngạt đến khó hiểu. Tôi không biết mình đã nói sai những gì. Ba không nói, chỉ đuổi tôi ra khỏi phòng. Tôi cũng chả thèm quan tâm, cứ nghĩ là ông hẹp hòi.
Sau này, lớn dần lên, tôi gặp gỡ vài người, những người sau này đã cho một thằng nhóc thấy những "gam màu tối" mà nó chưa từng và sẽ không muốn trải qua. 
Những gì tôi biết, nó vẫn không sai, chỉ là không còn... đúng nữa.

Vài mẫu đối thoại


Quãng thời gian sinh viên, tôi có cơ hội được làm việc cùng với những người công nhân trong xưởng cơ khí. Do chủ ý của "thầy" tôi, tôi bắt buộc phải chạy việc hết tất cả các khâu của quy trình gia công. Tôi trầy trật suốt ba tháng, phải may mắn lắm mới theo kịp nhịp độ, không làm vướng tay, vướng chân của mọi người. Ai cũng làm quần quật không ngơi tay. Nhiều đêm phải quằng mình tăng ca đến tận 3h sáng để kịp deadline của dự án. Những cuộc nói chuyện suốt sáng của những người anh em sau "trận chiến", chính là những trải nghiệm quý giá nhất mà tôi có được.
Một cậu nhóc 19 tuổi phải bỏ học, xa quê lên thành phố kiếm sống, lo cho bản thân và gia đình của mình. Tôi và nó đã trò chuyện với nhau thế này. 
- "Sao mày không ở quê tiếp tục học ."
- "Nhà em chỉ đủ lo cho em học hết phổ thông, ba em thì bệnh, em em còn đi học, mẹ một mình không nổi nên phải nghỉ thôi anh."
- "Ưkm, thế mày có tính toán gì cho sau này không ?"
- "Không..., à mà cũng có, nhưng em không chắc lắm."
- "Là gì vậy ?"
Cậu nhóc ngước mắt lên nhìn vào con đường đêm vắng vẻ.
- "Em muốn... sau khi chữa khỏi bệnh cho mẹ, lo cho thằng em tiếp tục đi học đại học xong, dành dụm ít vốn thi bằng lái xe du lịch, rồi làm tài xế, nghề đó kiếm cũng khá lắm. Nhưng..."
- "Lương em giờ chỉ có 7 triệu, tăng ca quần quật cũng chỉ có 9 triệu, tiền nhà, tiền thuốc của ba, tiền học của thằng em, bóp bụng dằn xẻ cũng chỉ dư chưa tới 1 triệu."
Tôi cũng chẳng biết phải khuyên gì cho "người đàn ông" bên cạnh mình. Điều duy nhất tôi có thể làm là vỗ vai cậu, rồi cả hai chỉ ngồi im lặng nhìn vào hai làn đường đêm khuya, làn phân cách giữa chúng, tựa như ranh giới giữa ước mơ và hiện thực.
Một chú thợ cả trong xưởng đã ngoài bốn mươi, vẫn chưa có gia đình, con cái. Trong trí nhớ của tôi chú là người ít nói, nhưng chất phát. 
Có lần trong cơn men chú chia sẻ:
"Chú lê lết trên cái đất Sài Gòn này tròn hơn 30 năm, mảnh đất hoặc cái nhà, cái gì cũng không, quanh đi quẩn lại chỉ đủ để lo cho bản thân. Chú có tuổi rồi, thân thể cũng bắt đầu sinh bệnh. Con gái ai mà chịu lấy người như chú nữa. Vả lại nếu có cưới con gái người ta về rồi có lo cho người ta đàng hoàng được không ? Con cái sau này không thể lo cho nó đàng hoàng, lại bắt nó như chú à. Chú thà không đẻ, mệt mình, khổ cho người ta, tội nó !"
Chú bảo tôi phải biết rằng tôi may mắn thế nào khi là con của ba, rằng tôi phải ráng học hành tử tế, rằng phải lấy một người vợ như thế nào. Chú dặn rất nhiều thứ, như thể dặn cho tôi thực hiện những điều mà chú có thể sẽ không thể hoàn thành trong cuộc sống này. 
Một lần nữa trong hàng chục lần, thứ tôi làm cũng lại chỉ có thể là im lặng và cho họ cái vỗ vai đầy bất lực.
Nếu ai đó hỏi:
Cậu nhóc 19 tuổi ấy, cậu có ước mơ không?
Người thợ cả có nông cạn không ? 
Tất cả họ có cố gắng không ?
Tất cả sẽ là có. 
Vậy tương lai họ sẽ không nghèo chứ ? 
Câu trả lời chỉ có thể là... không chắc chắn. 
Làm việc hơn 10 tiếng một ngày, trong đầu chỉ có thể quanh quẩn câu hỏi về cơm áo gạo tiền, thời gian còn lại là rất ít để họ có thể chăm lo cho cái gọi là sự cầu tiến của xã hội. Nó mỏng manh như thể chỉ cần một cơn bạo bệnh, hay một tờ giấy trễ lương đủ để khiến tương lai của một người sụp đổ từng chút.

Chuyện nực cười đến đáng thương


Trong một lần đi thăm công ty của bác, một anh công nhân trong xưởng phải vay tiền để chạy viện phí cho vợ. Tôi đã thấy anh khẩn khoản thế nào khi hỏi vay những đồng nhiệp của mình, thấy ánh mắt lảng tránh của vài người khi anh quay về phía họ, thấy sự tuyệt vọng đến căm phẫn trong anh.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những gì tôi đã thấy. 
Cuối ngày hôm ấy, bác tôi đã giúp anh trả khoản viện phí đó. 
Điều bất ngờ là số tiền đó lại là được bác tôi vay từ những người đồng nghiệp của anh chàng. Đúng! những người đã từ chối anh ban sáng.
Họ dễ dàng cho bác tôi mượn số tiền đó, nhưng lại không nỡ dùng cùng số tiền đó để trực tiếp giúp đỡ người đồng nghiệp của họ. 
Bác tôi giải thích rằng: "Nếu cho bác mượn thì họ có thể tin tưởng rằng bác có thể trả lại số tiền, còn anh chàng đó thì không. Vả lại nếu họ cho bác mượn thì họ sẽ có thể cho rằng bác nợ họ một ân tình, điều đó sẽ giúp ích cho họ sau này, còn với anh chàng đó thì không."
Tôi không trách, càng không đánh giá họ, chỉ là đột nhiên cảm thấy nực cười đến đáng thương, trăm người nghìn mặt, vạn chủng nhân tâm.
Bạn sẽ nhận ra cái nghèo nó đáng sợ đến mức nào:
Khi cái nghèo chỉ cách họ bằng một cơn bạo bệnh, hay một tờ đơn đuổi việc.
Khi một miếng đất chỉ cần sang tay cho vài lần thì giá trị của nó đã có thể bằng tài sản của vài đời người.
Khi phải cúi mình cầu xin sự giúp đỡ của người khác, trong khi họ chen nhau để xin phép "hỗ trợ" cho một người xa lạ "thân quen".
Có lẽ lúc trước tôi đã luôn thắc mắc sự nổi giận vô cớ của bạn tôi, hay cái tát của ba. Nhưng giờ đây, tôi đã hiểu câu nói đó đã khốn nạn thế nào, và tôi mãi mãi sẽ không đủ tư cách để phán xét họ.