Nghệ thuật vị nghệ thuậtNghệ thuật vị nhân sinh, đây là hai thuật ngữ thường được mang ra làm vũ khí khi mọi phản biện khác ít còn hiệu quả trong các cuộc bút chiến để bảo vệ đứa con tinh thần của các tác giả.
Chúa Trời tạo ra Adam - MichelAngelo
Theo những quan niệm hiện nay, chúng ta có thể hiểu rằng, Nghệ thuật vị nhân sinh là thứ nghệ thuật dành cho đại chúng, dành cho mọi tầng lớp xã hội đều có thể tiếp cận và hấp thụ được. Còn Nghệ thuật vị nghệ thuật chỉ đơn giản là để biểu diễn “cái đẹp” trong mắt tác giả ra thành một hình hài nào đó, có thể chân thực nhất, cũng có thể trừu tượng nhất… chẳng để làm vừa lòng ai, ngoài chính tác giả.
Tuy nhiên, việc phân chia Nghệ thuật theo quan niệm như trên đã mặc định dẫn dắt, định hướng cả tác giả lẫn khán giả theo lối suy nghĩ của những người đứng ở cả hai bên của chiến trường và không muốn bị đánh đồng với phía còn lại.
Để cho chúng ta, những khán giả vô cùng siêng năng và cần mẫn làm giàu cho các tác giả không cảm thấy lạc lõng, khi không biết mình đang đứng ở bên nào của chiến trường kia. Ta hãy cùng lôi Nghệ thuật ra tra khảo xem mục đích của nó là gì?
“Nghệ thuật là vô dụng bởi mục đích của nó đơn giản là chỉ nhằm tạo nên một tâm trạng.”
OSCAR WILDE
Nếu theo như giải thích của Oscar Wilde, Nghệ thuật đang nghiêng về phía phục vụ cho chính nó. Nghệ thuật thực sự là vô dụng, nhiệm vụ của một tác phẩm nghệ thuật có lẽ đã kết thúc ngay khi nó được tạo ra. Tất cả những cảm xúc, những suy tưởng, ảo ảnh trong đầu tác giả về Nghệ thuật được nặn thành hình hài và đứa con tinh thần của họ được ra đời chẳng có mục đích nào khác ngoài việc cha mẹ chúng đã chắt lọc đủ tinh tuý cho sự xuất sinh của chúng, kết hợp với 1 giây phút thăng hoa. Đây chính là loại Nghệ thuật thuần tuý hay Nghệ thuật tuyệt đối.

Đọc thêm:

Nghệ thuật là vô dụng nhưng không có nghĩa là nó vô giá trị. Đến lúc này, chúng ta phải tự hỏi là giá trị của nghệ thuật được đánh giá bởi ai, cái gì, thang đo nào, quy chuẩn nào?
Chắc chắn là không có bất kỳ một quy chuẩn nào cho loại hình Nghệ thuật thuần tuý, vì những thứ trong đầu các nghệ sĩ, đa phần là quá khó hiểu, khó cảm thụ cho đại bộ phận người dân. Các tầng ý nghĩa, biểu tượng trong tác phẩm của họ có thể dày đặc, đan xen và đi trước nhận thức của khán giả đến cả vài thế hệ. Ví du như Leornado Davinci, đến ngày nay, chúng ta vẫn đang mày mò để hiểu hết mọi tầng ý nghĩa trong các tác phẩm của ông. Chính vì vậy, không ít nghệ sĩ, tác giả phải mồ yên mả đẹp cả chục năm thì xã hội mới bắt đầu nhận ra giá trị trong các tác phẩm của họ.
Với loại hình Nghệ thuật dành cho đại chúng, giá trị của nhóm này dễ đánh giá hơn. Khởi nguồn từ tập hợp một nhóm người Tinh Hoa trong xã hội, những người có vốn kiến thức chuyên môn và góc nhìn khách quan, kinh nghiệm tích luỹ theo năm tháng và đặc biệt là có tiếng nói với công chúng. Những người này có trách nhiệm thẩm định Nghệ thuật và cũng vô hình chung được cộng đồng giao cho trách nhiệm này qua các phương tiện thông tin truyền thông.
Đánh giá của nhóm người Tinh Hoa này có đáng tin hay không? Liệu họ có đại diện được cho cả nhân loại trong việc nhận xét một tác phẩm nghệ thuật? Chắc chắn là không một ai dám khẳng định 100% cho câu hỏi loại này. Ít ra thì họ cũng là những người có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực của họ, chúng ta chẳng còn ai tốt hơn để tin nên thôi đành vậy

Đọc thêm:

Tuy nhiên, theo thời gian, dưới ảnh hưởng của sự phát triển Công nghệ thông tin, chủ nghĩa dân tuý và văn hoá mỳ ăn liền, có một thực trạng đang dần phổ biến là tầng lớp khán giả đại chúng đang trở nên thiếu kiên nhẫn và nghiêm khắc hơn trong việc lựa chọn, đánh giá các tác phẩm nghệ thuật, họ tự nâng bản thân lên (hoặc ngược lại, dìm tầng lớp Tinh Hoa xuống ngang với đại chúng). Họ cho rằng một tác phẩm nghệ thuật sẽ không có đủ chất nghệ thuật nếu đa số mọi người không hiểu được. Họ tự biến bản thân thành những nhà phê bình chuyên nghiệp, tự đặt cho bản thân quyền và trách nhiệm phải lên tiếng, phán xét và hắt hủi một tác phẩm nghệ thuật nếu nó không phù hợp với tiêu chuẩn của đám đông (họ còn tự cho rằng tiêu chuẩn của họ là tiêu chuẩn của đám đông nữa).
Vậy nhưng, sẽ thật không công bằng khi đổ lỗi cho khán giả vì tất cả những cảm xúc hoặc phản ứng tiêu cực mà họ đẩy ngược lại cho những người làm nghệ thuật khi đã có những sáng tạo vượt ngoài khả năng chấp nhận của đại chúng. Vì chính những tác giả cũng chưa hiểu được đứa con cưng của mình thuộc về đâu? Mình sinh ra nó để cho riêng mình, hay mình sinh ra nó để cho cộng đồng? Nếu là vế đầu, tác giả nên đóng cửa, bịt tai và bỏ qua hết thảy mọi đánh giá của dư luận. Sinh thời, Van Gogh vẫn bị coi là kẻ điên và thất bại đấy thôi. Nếu mục đích sáng tác là để cho những tinh tuý của nghệ thuật trong ta thăng hoa thành tác phẩm, thì tác giả còn cần ai chấp nhận đứa con của mình ngoài chính bản thân mình đây!
Bầu trời sao - Van Gogh
Còn nếu các tác giả ngay từ đầu đã muốn đẩy đứa con mình ra để tranh giành sủng ái của xã hội, thì cũng nên chuẩn bị tinh thần cho sự lạnh nhạt, hắt hủi của thế nhân, vì đó là 2 mặt của 1 đồng tiền, khán giá có quyền với mọi lời khen hoặc lời phán xét của họ, và họ được chính tác giả trao cho quyền đó chứ không phải ai khác.
Nói như thế, không có nghĩa rằng, khán giả nên đề cao phong cách hành xử như hiện nay với nghệ thuật. Dù trong lĩnh vực nào, văn học, hội hoạ, âm nhạc hay kể cả kiến trúc, nếu một tác phẩm quá dễ dàng để cảm nhận và ưa thích thì nó khó để mang nhiều chất nghệ thuật, mà nó mang chất thị hiếu nhiều hơn. Nghệ thuật được rút ra từ linh hồn của người nghệ sĩ, ắt cũng cần khán giả dùng cả linh hồn để thấu hiểu.
Nghệ thuật nên cố gắng hiểu người dân hay người dân nên cố gắng hiểu nghệ thuật? Câu hỏi này giống như câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước vậy, để trả lời chắc ta sẽ cần một bài viết dài hơn, với hàm lượng kiến thức lớn hơn rất nhiều chỉ vài dòng phân tích trên đây. Nhưng có lẽ, trong quá trình thưởng thức nghệ thuật thật sự, chúng ta đều sẽ được gột rửa tâm hồn, để tâm linh thuế biến, chạm đến cái Chân – Thiện – Mỹ. Và con đường để dẫn ta đến cảnh giới đó, nếu quá dễ dàng và thoải mái, chắc có lẽ chưa phải con đường đúng …
Hiếu Minh
02/10/2019.