Ta nghe nhạc khi nào?
Khi nấu ăn?
Khi vui buồn?
Khi chạy bộ?
Khi chuẩn bị ngủ?
Khi làm việc?
Điểm chung của những hoạt động trên? Khi ta xem "Âm nhạc" như một thứ nào đó xoa dịu, làm ta xao nhãng. Thực tế là nó hiệu quả thật đấy.
Lấy ví dụ việc chạy bộ: về cơ bản thì chạy bộ có lợi cho sức khỏe, nhưng khá buồn chán. Cứ nghĩ đến cảnh chạy bộ trong một sân bóng đá nho nhỏ - vì hiếm có người nào có được một khung cảnh "Nên thơ" trong việc chạy bộ, nên thường người ta sẽ không được lựa chọn việc chạy bộ trong một khung cảnh nào, nếu việc chạy bộ là một hoạt động đều đặn và lâu dài. Khi đó, sự buồn chán diễn ra.
Một mẹo nhỏ mà Dan Ariely đề cập đến trong quyển "Phi lý trí" của ông, và "Nguyên tắc kỷ luật bản thân" của Peter Hollins, để hình thành nên một thói quen tốt, là tìm kiếm những thứ gì xoa dịu bản thân khi ta đang thực hành thói quen đó. Chẳng hạn với Dan Ariely, khi ông tiến hành liệu trình tiêm thuốc khó chịu, để làm xao nhãng sự khó chịu đó, ông xem phim và ngủ quên cho đến khi cơn đau tan đi. Việc nghe nhạc, hoặc Podcast trong lúc chạy bộ cũng vậy, nó làm xao nhãng những cơn đau và sự nhàm chán của việc chạy bộ, bằng việc ta "Tiết kiệm" một chút thời gian để lượm lặt thêm thông tin: Một quyển sách nói, hoặc một chia sẻ cá nhân thông qua Audio book.
Thế nhưng ta phải suy nghĩ một chút ở đây. Nếu bản thân ta xem "Âm nhạc" như một công cụ để xua tan nỗi nhàm chán, hơn là một dạng "Nghệ thuật" để chiêm ngưỡng và suy tưởng, thì có được không? Tất nhiên là được, nó không sai gì, vì khi đó ta xem Mục đích luận của Âm nhạc như công cụ để phục vụ cho bản thân đạt đến sự kỷ luật (Chạy bộ - Nấu ăn) và thành tựu (Chất lượng công việc - Một giấc ngủ sâu).
Thế nhưng, nếu có một hướng đi mới để chiêm ngưỡng Âm nhạc như bản thân nó vốn là, thì cũng đáng để thử một chút, đúng không?
Nghĩ về nhạc thính phòng. Vài trăm con người tắt tất cả điện thoại và chiêm ngưỡng Âm nhạc. Tất cả đều im lặng, và chỉ một tiếng ho cũng bị xem như một hành động bất lịch sự. Người ta nhìn người nghệ sĩ, nhưng người ta không nghĩ đến người nghệ sĩ, mà người ta suy tưởng, mỗi người tưởng tượng một kiểu. Khi bản nhạc kết thúc, người ta bừng tỉnh khỏi trí óc của họ, và vỗ tay.
Vậy, Âm nhạc trong hoàn cảnh này có phải là một "Công cụ" để ta suy tưởng không? Có lẽ không phải, việc Suy tưởng trong trường hợp này giống "Hệ quả" của việc chiêm ngưỡng âm nhạc thì đúng hơn, vì rất khó để chiêm ngưỡng Âm nhạc trong hoàn cảnh này mà không suy nghĩ gì.
Hoạt động nghe nhạc chủ động này cũng khá giống việc đi tham quan bảo tàng với hàng trăm bức tranh vẽ, nhưng môi trường đó ồn ào hơn, và khả năng ta bị xao nhãng khỏi Âm nhạc lớn hơn.
Và việc nghe nhạc cách chủ động này gần giống như tham dự một buổi sinh hoạt Tôn giáo cách đặc biệt, nó đòi hỏi người ta phải toàn tâm toàn ý cho buổi hòa nhạc và cho tâm trí họ.
(Nếu muốn trải nghiệm thử cách nghe nhạc chủ động, cũng không cần quá chỉn chu, chỉ cần một chiếc tai nghe xịn 30k, Youtube, và một khoảng thời gian tĩnh lặng tầm mười lăm phút, là đủ. Để tâm trí ta bay bổng, và để tinh thần ta thoát ra khỏi công việc - gia đình - áp lực).
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất