Nhân câu chuyện về trường tiểu học Bình Chánh lại gọi nhớ về những cuộc tranh luận về vai trò của nghề giáo trong xã hội hiện đại: nghề giáo là một nghề cao quý hay chỉ nên xem là ngành dịch vụ đơn thuần như những ngành nghề khác

Đọc thêm:

1. Quan điểm nghề giáo là 1 nghề cao quý.

Quan điểm này xuất phát từ xa xưa không chỉ ở quan niệm của phương Đông mà của cả phương Tây vì ngày xưa độ phổ cập giáo dục chưa cao, kiến thức của giáo viên thường cao hơn mặt bằng chung của xã hội nên được tôn trọng. Nó được thể hiện ở tinh thần “tôn sư, trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “quân, sư, phụ”...
Ngày xưa để có thầy dạy không đơn giản là đưa con đến trường và đóng tiền mà phải thỉnh thầy về nhà dạy (đối với các gia đình danh giá), hoặc phải đưa con đến nhà thầy, xin đc vào học, thầy chấp nhận thì mới được vào học (đối với các tầng lớp thấp hơn).
Trong truyện ngắn Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp, ông Phạm Ngọc Gia phải mổ lợn, nấu xôi đích thân đem đến nhà Đồ Ngoạn để xin cho cháu mình học chữ. Vậy mới thấy vai trò của người thầy ngày xưa được trọng vọng như thế nào.
Các thầy giáo ngày xưa không chỉ đơn thuần dạy về chuyên môn (văn, võ, nghệ) mà bao trùm nhiều vấn đề xã hội khác như đi đứng, cách ngồi, ứng xử. Nên cái cốt cách, lối sống, kiến thức của người học trò phản ánh cái tâm và tầm của người thầy.
Ngày nay vai trò của nghề giáo không còn được đề cao như trước, nhưng quan điểm nghề giáo là một nghề cao quý vẫn còn, xếp cùng với nghề y. Không riêng Việt Nam mà các quốc gia khác cũng chọn một ngày trong năm để tôn vinh nghề giáo (Việt Nam là 20/11, Hàn Quốc là 15/05, Thái Lan là 16/01, Nga là 5/10, Mỹ là thứ 3 tuần đầu tiên của tháng 5...).

Đọc thêm:

2. Quan điểm nghề giáo là một ngành dịch vụ đơn thuần.

Ngày nay kiến thức được phổ cập rộng hơn, con người có thể tiếp cận kiến thức từ rất nhiều nguồn, chứ không chỉ bó buộc từ phía nghề giáo. Lượng kiến thức sâu và rộng hơn nên mỗi giáo viên phụ trách một chuyên môn riêng của mình, mặt bằng chung kiến thức của giáo viên không còn còn quá chênh lệch với kiến thức của các ngành nghề khác.
Việc nhận vào học không còn quá khó khăn như ngày xưa, vì nó là một quyền cơ bản của con người. Các quốc gia còn miễn học phí, tăng cường mở thêm trường, khuyến khích học trò đến lớp để học tập. Các bậc phụ huynh có nhiều lựa chọn về việc chọn trường, chọn lớp, chọ giáo viên cho con mình. Thậm chí ở một số quốc gia, trẻ em không bắt buộc phải đến trường, tự học ở nhà mà vẫn có thể được cấp bằng, chứng chỉ.
Những thay đổi của thời đại làm giảm đi vai trò của nghề giáo. Điều đó dẫn đến quan điểm thứ hai là nghề giáo chỉ đơn thuần là một ngành nghề dịch vụ. Nghề giáo cũng như bao ngành nghề dịch vụ khác: tư vấn luật, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh. Việc học của học sinh đơn thuần là giao dịch: chúng tôi trả tiền cho nhà trường để hưởng các dịch vụ mà nhà trường cung cấp, và giáo viên mà một người làm dịch vụ.

Đọc thêm:

3. Thực trạng của nghề giáo ở Việt Nam hiện tại.

Mặt bằng chung đầu vào của ngành sư phạm hiện đang rất thấp, các bạn trẻ cũng không thật sự mặn mà với nghề giáo viên (chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm).
Một trong những lý do đó là mức lương và áp lực công việc. Mức lương của ngành sư phạm hiện tại tương đối thấp so với mặt bằng lương chung của xã hội. Quá trình xin việc cũng khó khăn hơn các ngành nghề khác, để vào được biên chế lại càng khó hơn. Áp lực từ thành tích từ phía lãnh đạo: tỉ lệ học sinh giỏi, khá, tỉ lệ hạnh kiểm tốt, tỉ lệ tốt nghiệp, các hoạt động phong trào....
Nó như một vòng tròn: để tăng chất lượng giáo viên hay tăng mức đãi ngộ. Và ở thời điểm hiện tại bài toán đó vẫn chưa có lời giải.

4. Bạn theo quan điểm nào?

Bạn đang xem nghề giáo là một nghề cao quý hay chỉ xem đó là một nghề dịch vụ đơn thuần?
Điều kỳ lạ mà mình thấy ở các bậc phụ huynh là họ lại chọn 1 quan điểm có lợi cho mình trong từng trường hợp cụ thể chứ không nhất quán. Bình thường họ xem nghề giáo là một nghề dịch vụ đơn thuần, và tôi trả tiền cho nhà trường để hưởng dịch vụ đó. Nhưng khi có sự cố, con học không tốt, quậy phá họ lại đổ lỗi cho nhà trường và giáo viên, họ yêu cầu giáo viên phải hy sinh nhiều hơn cho con họ vì nghề giáo là một nghề cao quý, và theo nghề giáo là mặc định là phải chấp nhận hy sinh. Nếu ta xem nghề giáo là một công việc dịch vụ đơn thuần thì không nên đặt lên họ quá nhiều áp lực vô hình: khi dịch vụ không tốt ta có quyền từ chối và chuyển sang sử dụng dịch vụ của trường khác. Nếu ta xem nghề giáo là một nghề cao quý vì họ hy sinh nhiều hơn những nghề khác: hãy quan tâm và hỗ trợ các giáo viên nhiều hơn, đừng phó mặc con cái cho riêng nhà trường và thầy cô.
Nhưng cho dù quan điểm của bạn là gì thì hãy đối xử với giáo viên một cách tôn trọng theo những nguyên tắc ứng xử văn minh. Và trên hết bản thân cha mẹ chính là những thầy cô quan trọng nhất trong cuộc đời trẻ. Làm cha mẹ cũng chính là làm nghề giáo.