“Ly là một người có tiềm năng, chỉ cần Ly cố hết sức thì sẽ đạt được thành tựu"
1.
Câu nói này đã theo chân mình từ năm 10 tuổi, cho đến tận khi trưởng thành. Dù mình học gì, làm gì, thì những người thân, người thầy, người sếp, người hướng dẫn mình đều nói câu đó.
Mình hát, cũng được khen là có tiềm năng.
Mình chơi đàn, cũng được khen là có tiềm năng.
Mình chụp ảnh, cũng được khen là có tiềm năng.
Mình vẽ, cũng được khen là có tiềm năng. 
Mình thiết kế, cũng được khen là có tiềm năng.
Mình viết, cũng được khen là có tiềm năng.
Mình dạy học, cũng được khen là có tiềm năng.
Mình làm sáng tạo, cũng được khen là có tiềm năng.
Ôi hoá ra, có quá nhiều thứ mình có tiềm năng.
Và thế là câu nói đó đã trở thành một lời nguyền đối với mình từ lúc nào không hay.
2.
Đi kèm lời khen Tiềm Năng chính là những Kỳ Vọng về Thành Tựu.
Hồi nhỏ học đàn, mọi người kỳ vọng thành tựu của mình là trở thành nghệ sĩ Violon chơi trong dàn nhạc Quốc gia.
Lớn chút nữa học vẽ, mọi người kỳ vọng thành tựu của mình là thi đỗ trường Mỹ thuật, thành hoạ sĩ.
Ra đời đi làm, mọi người kì vọng thành tựu của mình là lên được vị trí cao hơn, làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, tạo ra nhiều dự án tầm cỡ hơn, ra nước ngoài sống và làm việc.
Công bằng mà nói, Kỳ Vọng còn đến từ chính bản thân mình, chính mình cũng thấy những thành tựu, danh hiệu thật hấp dẫn, thật oách, có được những thành tựu hẳn là trông mình sẽ rất xịn trong mắt của mọi người.
Vậy mà mình chẳng tạo ra được thành tựu nào vang dội trong số những kỳ vọng đó cả. Mình đã từng làm bố mẹ thất vọng rất nhiều khi nghỉ học Nhạc viện Hà Nội. Mình đã từng làm những người sếp thất vọng khi hoá ra cái "tiềm năng" mình có không đáp ứng được yêu cầu công việc họ đưa ra. Mình làm chính bản thân thất vọng khi chẳng làm được cái gì cho ra hồn. 
3.
Mình có sợ những kỳ vọng không? Có. Rất nhiều. Nếu nỗi sợ được hữu hình thành gạch, chắc cũng đủ để xây được nguyên một toà chung cư chứ chẳng đùa.
Ngày bé, mọi kì thi lớn nhỏ gì trong Nhạc viện Quốc Gia đều phải đứng lên "biểu diễn" trước mặt hội đồng giám khảo, dù trước đó có chuẩn bị kĩ đến đâu thì con bé Ly 10 tuổi cũng luôn bị nỗi sợ đánh bại, tim đập chân run, bài vở bay hết ra khỏi đầu. Ra đời đi làm, mình sợ những định kiến như: "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề" / "Một nghề thì sống đống nghề thì chết”. Sợ bị đánh giá là đứa hời hợt không có định hướng khi thay đổi công việc liên tục. Sợ thất bại. Sợ không có tiền. Sợ định kiến xã hội. Sợ định kiến giới. Sợ không hoàn thành được những nghĩa vụ với gia đình. Mình sợ đủ thứ. Sợ đến phát bệnh. 
Mình có vui với những tiềm năng mình có không? Câu trả lời đã từng là: Không. Trong một khoảng thời gian dài, mình luôn nghi ngờ rằng thực ra mình chẳng có nhiều năng lực đến thế đâu. Trong mỗi lĩnh vực mình khám phá, mình lại thấy có quá nhiều người giỏi hơn mình, tài năng hơn mình, và thế là mình lại co rúm người lại với cái cục tiềm năng cỏn con của mình. Mình có cố hết sức không? Mình cũng không biết nữa, mình chỉ thấy mình thường vật lộn trong sự trì hoãn, đấu tranh. Mình cố rồi mình bỏ. Mình thấy mình là một chú ếch ngồi đáy giếng miệt mài nhảy từ cái giếng này quá cái khác. Hoá ra mình không cố hết sức để đạt được thành tựu mà là cố hết sức để thoát khỏi những lời nguyền. Dần dần mình tự phán xét và dán cho bản thân những cái nhãn: kẻ bỏ cuộc, cả thèm chóng chán, không có khả năng gắn kết, không thể theo đuổi bất cứ một thứ gì đến cùng. Mình đã từng luôn miêu tả cuộc chiến lớn nhất cuộc đời mình là chống lại chính mình. 
Và từ lúc nào không hay, Sợ Hãi & Tự Phán Xét cứ thế ngấm ngầm ủ cho căn bệnh Trầm Cảm lên men từng chút một bên trong mình.

4.
Mình đã dành hàng năm trời ôm ấp cái mớ hỗn độn đó, cố bóc tách phân tích nó, cố đi tìm cho mình một tia nắng trong đám mây đen (aw, so cheesy!) Thật mừng khi mình tìm ra rằng, trái ngược với phần tối kia, ở phía ánh sáng, mình còn có khả năng Tự Nhận Thức (Self-Awareness) và Tự Trắc Ẩn (Self-Compassion) - những năng lực không cần thành tựu nhưng luôn có sẵn ở trong mỗi người. Những năng lực này nâng đỡ, đưa mình đến những nguồn lực cần thiết, dẫn đường cho chuyến hành trình Chấp Nhận - Chuyển Hoá - Chữa Lành.
Để có thể chấp nhận chuyện “mình là người có nhiều tiềm năng” là không có gì sai trái hay là một lời nguyền gì cả, mình đã quán chiếu quá khứ để tìm hiểu động lực nằm sau những tiềm năng đó, vì sao mình lại có những tiềm năng đó? À, hoá ra trước khi được gắn cho những cái nhãn “tiềm năng”, cô bé Ly 10 tuổi chỉ đơn giản là một đứa trẻ tò mò, thích khám phá. Ly 10 tuổi chỉ đơn giản là thấy thế giới này thật rộng lớn và nhiều điều bí ẩn. Ly chơi đàn vì Ly thích âm nhạc, tò mò muốn hiểu cách một thứ nhạc cụ phát ra âm thanh và tạo thành giai điệu như thế nào. Ly vẽ vì Ly muốn tái hiện và lưu giữ lại sự rực rỡ của thiên nhiên, của những gì Ly nhìn thấy bằng đôi mắt mình. Lớn lên Ly đi làm quảng cáo cũng vì tò mò muốn biết cách thực hiện một TVC 30 giây như thế nào. Và Ly viết vì muốn kể lại câu chuyện của chính mình, thế giới quan và góc nhìn của mình. Cứ thế những câu hỏi TẠI SAO cho Ly một cơ hội xác định lại căn tính của mình, khi đặt sang một bên toàn bộ những tiềm năng, kì vọng, thành tựu, sợ hãi và tự phán xét. Ly là một người tò mò và thích khám phá. Và đó là vì sao Ly có nhiều tiềm năng. 
Từ đó mình chuyển hoá, mình nhận ra rằng mỗi tiềm năng mình có đều đã được trao cho cơ hội để trở thành một năng lực ở một mức độ vừa đủ tốt, để ngày hôm nay, mình có thể tổng hợp, vận dụng những kỹ năng đó và cho ra đời Hít Vào Thở Ra - studio một thành viên, nơi mình làm mọi thứ từ việc lên ý tưởng, concept, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế sản phầm, vận hành, marketing, viết content. Tất nhiên còn nhiều lỗ hổng cần bổ sung, như mình chưa có năng lực hoạch định chiến lược hay quản lý tài chính, nhưng cũng chính căn tính Nhiều Tiềm Năng lại cho mình lòng tin vào việc mình có thể học hỏi và cải thiện. 
Và mình thực sự được chữa lành khi vào một ngày đẹp trời, mình biết được rằng ngoài kia, trên cuộc đời này, có rất nhiều người giống như mình, và đoán xem những người được gọi với cái tên gì nào? Multipotentialite / Người-Đa-Tiềm-Năng!
Thuật ngữ này do Emilie Wapnick giới thiệu trong một bài Ted Talk. Bản thân Emilie cũng là một người có rất nhiều năng lực và định danh. Và thuật ngữ này cũng chỉ là một trong nhiều cách diễn giải về một nhóm người đã luôn tồn tại rải rác trong suốt chiều dài lịch sử loài người, chúng ta có Leonardo da Vinci, có Einstein, có Bejamin Franklin, và có cả… Bác Hồ nữa (ngạc nhiên chưa!). Thậm chí ngay bây giờ, khi nhìn quanh có thể bạn cũng sẽ nhận ra có rất nhiều bạn bè mình là người đa tiềm năng, những người mà chúng ta hay gắn mắc là “nhiều tài lẻ”, là “cả thèm chóng chán”. Xem ai mới là người bị dính lời nguyền định kiến nào!?

5.
Ở thời điểm hiện tại, mình đã thiết lập được một mối quan hệ “hữu nghị” với tập thể: / Tiềm năng - Kỳ vọng - Thành tựu - Sợ hãi - Tự phán xét /.
Bạn tưởng mình sẽ nói rằng giờ mình rất tự tin, không còn sợ hãi hay không kỳ vọng nữa đúng không? Sự thật là một khi bạn đã nhận thức được sự có mặt của những trạng thái cảm xúc này, bạn sẽ không bao giờ có thể nhấn nút Delete hay Cancel được. Sự hiện hữu của chúng là tiến trình tự nhiên và bình thường. Thông qua việc thực hành Mindfulness, mình cho phép chúng hiện hữu, dùng khả năng tự nhận thức để quan sát chúng và hướng lòng trắc ẩn đến chúng để chuyển hoá. Chúng sẽ luôn xuất hiện nhưng sẽ luôn được mời đến hội nghị hoà giải để không được toàn quyền chi phối tình hình. Và chúng không còn được phép reo rắc một lời nguyền nào nữa. 
Ở thời điểm hiện tại, mình định danh mình là một người đa tiềm năng, tò mò, thích khám phá và mình hướng tới một cuộc sống tự do sáng tạo để có thể tạo ra nhiều sáng kiến có giá trị, trước hết là cho bản thân, sau đó là cho mọi người.
Còn bạn thì sao, bạn có một lời nguyền nào giống mình không? Bạn đã hoá giải được chúng chưa? hãy kể mình nghe nhé. 
.
Mong bạn đủ đầy trong từng hơi thở!
Ly Sei