Cậu làm giáo viên thật à? (Phần 1)
Dĩ nhiên là mình có muốn cống hiến và để lại một chút gì đó cho đời, chỉ là, nếu nhìn sâu hơn một chút, còn rất nhiều các khía cạnh khác của nghề giáo.
“Thực ra là do tớ thi trượt Y.”, đây là câu trả lời của mình khi có ai đó hỏi tại sao lại chọn sư phạm để trở thành giáo viên. Mình nghĩ mọi người hay hỏi vậy vì công việc này có nhiều đặc thù mà một người đi làm sẽ không muốn đối mặt: chiếm nhiều thời gian kể cả ngoài giờ hành chính, đôi khi bị chỉ trích một cách vô lí bởi những người có thể hoàn toàn không có chuyên môn (những phụ huynh đặt ý muốn của con mình và sĩ diện của bản thân lên trên việc giáo dục đứa trẻ), và quan trọng nhất, lương thấp. Rõ ràng câu trả lời trên của mình không đủ đáp ứng một chút nào cái mà mọi người mong đợi được giải đáp, rằng động lực nào đã giúp mình vượt qua những trở ngại trên để trở thành một người giáo viên. Mình có thể trả lời là do mình muốn thế, là vì đam mê, vì muốn cống hiến và để lại một chút gì đó cho đời; nghe hơi “văn mẫu” nhỉ?
Dĩ nhiên là mình có muốn cống hiến và để lại một chút gì đó cho đời, chỉ là, nếu nhìn sâu hơn một chút, còn rất nhiều các khía cạnh khác của nghề giáo. Mình sẽ chia sẻ với các bạn bằng việc phân tích những quan niệm phổ biến của nhiều người, và có thể cho các bạn một cái nhìn mới về công việc “quốc dân” này.
* Note: gọi là quốc dân vì nhà nhà đều đang có, hay từng có, người dành mười mấy năm cuộc đời tiếp xúc hàng ngày với giáo viên.
1. Chương trình không có tính mở, tư duy của học sinh bị bó buộc?
Có lẽ đây là điều nhiều người sẽ đồng tình nhất, khi cả nước vẫn có một bộ sách giáo khoa (rất ít thay đổi qua nhiều năm), hầu hết các tài liệu tham khảo đều dựa vào bộ sách này và chương trình học trên lớp cũng được biên soạn dựa trên nó luôn. Tuy nhiên nếu bạn tìm hiểu kĩ hơn sẽ biết được rằng yêu cầu của chương trình đối với môn học chỉ là các chuẩn kiến thức, kĩ năng ở trong sách mà không bó buộc về phương pháp học. Điều này có nghĩa là để giúp học sinh chiếm lĩnh được một mẩu kiến thức, kĩ năng nào đó thì người giáo viên có thể tiếp cận bằng cách nào cũng được miễn là đạt được yêu cầu trên. Ví dụ với môn Vật lí, khi dạy về lực ma sát trượt, có người đưa luôn lí thuyết trong sách ra; trong khi đó, có người lại cho các em kéo một vật bằng cái lực kế và đo một vài thông số; sau đó thảo luận để rút ra kết luận, thậm chí có thể trao đổi về điều gì đã gây ra các sai lệch không giống với lý thuyết. Thí nghiệm ở bài này (và nhiều bài khác) không cầu kì và không đòi hỏi các dụng cụ đắt tiền, nhiều nhà trường hoàn toàn có thể trang bị được.
Với các môn học khác, có rất nhiều cách khác nhau để bài học trở nên sinh động, đính kèm nhiều kiến thức thú vị và trang bị các kỹ năng cần thiết cho người học. Như ở trường mình, học sinh được tổ chức những cuộc triển lãm giới thiệu tác phẩm nghệ thuật, có một bạn giáo viên Văn (người mình rất quý và ngưỡng mộ, tên bạn ấy rất hay nữa) hay tổ chức debate trên lớp học, cứ thi thoảng lại thấy các nhóm học sinh tụ tập dưới sân trường, có thể đang vẽ các bức tranh trên sân trường hoặc là tập đóng kịch cho giờ học Lịch sử, vân vân.
Hơn nữa, chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn cho phép nhiều bộ sách giáo khoa song hành và linh hoạt hóa cách kiểm tra đánh giá cũng như tiến trình kiến thức ở các chương học. Điều này càng khuyến khích người giáo viên có quyền tự chủ trong việc tổ chức dạy học và giúp học sinh tiếp cận với những phương pháp học mang dấu ấn của chính người giáo viên đó. Và một hệ quả tất yếu khi học sinh được tự mình khám phá và lĩnh hội đó là sự xuất hiện của những tư duy phản biện, điều mà các em không có được khi thụ động hấp thụ toàn bộ những gì thầy cô giảng.
Tư tưởng “thầy cô (gần như) luôn đúng” phổ biến một cách đáng buồn. Năm đầu tiên mình đi dạy, khi một bạn học sinh đặt câu hỏi, thầy trò trao đổi một lúc thì bạn ấy có vẻ không được thuyết phục lắm, nhưng rồi bạn ấy lại buông xuôi và nói rằng “Vâng chắc là em nghĩ sai thôi”. Trước sự ngạc nhiên của cả lớp, mình có xua tay và đáp “Ơ đừng, nếu em cảm thấy lí lẽ của thầy chưa xác đáng thì là do nó chưa xác đáng; em hãy về suy nghĩ và tìm hiểu kĩ hơn để mình trao đổi lại nhé, thầy cũng thế.”. Và đoán xem, khi đã về nghiên cứu thêm, cậu chàng vẫn sai và thầy vẫn đúng, nhưng cái mình muốn nói ở đây là, việc tìm ra ai sai hay đúng nó không quan trọng bằng việc học sinh đã chủ động suy nghĩ để bảo vệ quan điểm của mình, sẽ sẵn sàng mở lòng cho những cuộc trao đổi khác trong cuộc sống với một thái độ cầu thị, tôn trọng người khác vì chính em đã được làm thế với người thầy của mình.
Mình không nói rằng chương trình không có hạn chế, tuy nhiên, mức độ hiệu quả và hứng thú của môn học phụ thuộc chủ yếu vào sự sáng tạo người giáo viên và mong muốn được truyền tải những điều hữu ích đến với học sinh.
2. Công việc có lặp đi lặp lại năm này qua năm khác?
Có vẻ thế nhưng cũng không hẳn thế. Nếu bạn dạy y sì hệt những gì trong sách giáo khoa thì có lẽ bạn sẽ nói đi nói lại năm này qua năm khác, lớp này qua lớp khác những kiến thức đó là điều dễ hiểu. Và đương nhiên là mình sẽ không làm như vậy.
Khi quay lại các khối cũ đã từng dạy thì mình có thể tự nhận thấy giáo viên nhất thiết cần có sự thay đổi, có hai lý do cho việc này. Thứ nhất, học sinh đã là những người khác, có những tính cách và sở trường khác, có thể có mindset khác và giáo viên cần tìm cách tiếp cận phù hợp hơn. Thứ hai, sẽ không bao giờ có một thứ gọi là tiết học hoàn hảo, khi nhìn lại tiết dạy của mình, mình luôn thấy có vấn đề, từ việc tiến trình kiến thức, tính thực tiễn, đến cách tổ chức hoạt động dạy học; ở mỗi hoạt động nên dùng phương pháp gì, công cụ gì, dùng ra sao để tiết kiệm thời gian, dễ hiểu và tạo ra những vùng phát triển hợp lí cho học sinh.
Nói cách khác, luôn có điều mới để giáo viên học hỏi, hoàn thiện; luôn có tài liệu mới để giáo viên đọc; luôn có những học sinh mới để áp dụng những hiệu chỉnh trên. Cá nhân mình, khi dạy có tham khảo nhiều các giáo trình của các nước khác, các kênh khoa học thú vị trên Internet (học sinh thậm chí còn làm meme về thầy ở cái này) một phần cho những thông tin thú vị và gợi mở sâu hơn về kiến thức, một phần để muốn đưa đến các bạn ấy một thông điệp rằng “khi thầy dạy mấy đứa thì thầy cũng đang học hỏi nhiều cái mới đấy nhớ, và cùng nhau, chúng ta sẽ trao đổi về điều đó”.
Một điều thú vị nữa là, bạn sẽ không bao giờ có thể mong đợi các hoạt động và phản hồi của học trò đúng với những gì bạn tưởng tượng; thậm chí là vượt xa những điều đó. Sẽ luôn có điều bất ngờ trong lớp học, theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Có khi mình cho rằng có một kiến thức này thật hữu ích và cách mình triển khai đã hay lắm rồi, nhưng học sinh lại không hứng thú lắm; nhưng đôi khi những hoạt động mình cho là không hấp dẫn lắm lại làm cho lớp sôi động và hứng khởi hơn rất nhiều. Nhất là lại làm việc với các cô cậu học trò "sáng nắng chiều mưa", tâm trạng có thể ủ rũ do có crush cả tiết vừa rồi chẳng thèm liếc nhìn một cái chẳng hạn, mình đã luôn chuẩn bị tâm thế đối mặt với mọi tình huống trước khi lên lớp.
Ơ mình vừa nhận ra có một việc mình làm lặp đi lặp lại trong tất cả các tiết học, đó là đặt ra câu hỏi tại sao cho học sinh, “tại sao lại cần làm điều này?”, “tại sao lại cần nghiên cứu thứ này?”, “tại sao sự việc diễn ra theo cách này chứ không phải theo cách khác?”, tại sao và tại sao. Nhưng mình nghĩ điều này là cần thiết.
3. Giáo viên sẽ muốn học sinh đi học lớp học thêm của mình?
Ồ không hề! Mình và gần như tất cả các đồng nghiệp đều có lớp dạy thêm (sự thật là mình dạy thêm rất ít), nhưng mọi người không ai có tư duy bắt buộc, hay thậm chí là khuyến khích học sinh ở trên lớp học chính đến với lớp học thêm của mình. Thầy tổ trưởng đã từng chia sẻ với mình nếu học sinh nó có đi học ở lớp học thêm của người khác và học tốt thì cũng rất tốt, vì gánh nặng của mình đã được san sẻ một phần; và dù sao học sinh đã học tốt hơn, đây mới là điều quan trọng.
Các bạn học sinh trên lớp và phụ huynh hỏi về việc mình có mở lớp học thêm hay không rất nhiều, nhưng mình đều trả lời rằng "Tất cả những gì hay và tốt nhất thầy đều đã cố truyền tải đến với các bạn ở trên lớp rồi, nếu có dạy thêm thì thầy cũng sẽ giảng lại những điều đó thôi và chủ yếu chúng ta sẽ luyện tập bài tập, cái mà các bạn hoàn toàn có thể tự làm được, và thầy khuyến khích điều đó".
Mình rất hiểu câu chuyện cần đi học thêm để có thể làm được nhiều bài tập nâng cao và đạt điểm cao trong các kỳ thi, nhất là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Nhưng điều này hoàn toàn có thể tự làm được, mình nói thật đó, học sinh có thể tự ôn luyện để làm được bài tập của kì thi. Vậy còn nguồn bài tập sẽ lấy ở đâu, các bạn có thể hỏi trực tiếp giáo viên trên lớp giao thêm các bài tập nâng cao và gợi ý tài liệu tham khảo hoặc xin kinh nghiệm từ các anh chị đi trước. Mình cá là rất nhiều giáo viên sẽ vui lòng giúp đỡ những em học sinh nào có nhu cầu. Bởi vì bạn cứ tưởng tượng giáo viên nhìn những bạn học sinh ham học, ham tìm hiểu như kiểu Wall-E nhìn Eve ấy.
Việc tự học chắc chắn sẽ khó khăn ở bước đầu, nhưng nếu học sinh kiên trì vượt qua thì về lâu dài sẽ có lợi vì nó giúp xây dựng tư duy độc lập và thái độ làm việc, học tập tự giác.
Hết phần 1.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất