Ngắn và Dài
Hôm này là một ngày mình học được rất nhiều điều từ thế giới xung quanh nên viết ra để chia sẻ lại với những bạn trẻ đang chơi vơi...
Hôm này là một ngày mình học được rất nhiều điều từ thế giới xung quanh nên viết ra để chia sẻ lại với những bạn trẻ đang chơi vơi giống mình.
Chắc hẳn các bạn đã từng có những lần tự đặt ra cho mình câu hỏi: "Sinh viên có nên đi làm thêm hay không?". Câu trả lời mà các bạn nhân được thì đa phần là "Còn tùy". Mình sẽ không đưa ra một lời khuyên nhủ hay chỉ bảo đối với ai vì mình biết mình chưa có thẩm quyền để làm việc đó. Cá nhân mình đang là sinh viên và mình đã không đi làm thêm từ quá sớm.
Thứ nhất, việc trang bị đầy đủ cho mình những kiến thức và kĩ năng cần thiết ở trường sẽ giúp bạn phát triển hơn về dài hạn. Nhiều bạn ngay từ năm nhất đã lựa chọn đi làm thêm để có thể có tiền trang trải thêm cuộc sống. Mình không phán xét việc đi làm là sai nhưng vì quá tập trung cho việc kiếm tiền nên các kiến thức của môn học đại cương trong trường bị "hổng" rất nhiều. Đi làm ở một môi trường thực tế như quán cafe, tiệm quần áo thì không những có thêm cho mình thu nhập mà còn có cho mình bạn bè. Vừa có thêm tiền trang trải cuộc sống vừa có thêm các mối quan hệ thú vị là một kỉ niệm đáng nhớ thời sinh viên. Tuy nhiên, những thứ mà bạn thu được chỉ là thỏa mãn những nhu cầu ngắn hạn về quần áo, ăn uống hay tụ tập bạn bè. Bạn không thể kiếm được 30, 40 triệu đồng một tháng từ việc bưng bê hay phục vụ bàn. Nhưng chính quá trình thỏa mãn cái vui ngắn hạn đã đẩy bạn xa hơn cơ hội kiếm được nhiều tiền trong tương lai. Nhưng kĩ năng hàn lâm ở trường đại học trong những năm đầu tiền thường được cho là khô khan và cứng nhắc. Việc các bạn không hứng thú với môn học một phần có thể là lỗi của giáo viên, của chương trình dạy học nhưng phần đa là ở động lực bên trong chính mình. Vì các môn học được thiết kế có tính gắn kết với nhau nên kiến thức mà bạn bỏ lỡ tại môn học A sẽ khiến bạn chán nản cả những môn học B, C, D nữa. Nhiều bạn may mắn có thể kiếm tiền nhưng nhiều bạn đen đủi còn mất tiền để học lại. Cuối cùng số tiền học lại là do bố mẹ chi trả nên suy cho cùng tiền chỉ chuyển từ túi này sang túi khác mà không giúp bạn tích lũy thêm được thứ gì. Chấp nhận cô đơn những quãng ngày đại học và sống một đời sống tiết kiệm là một lựa chọn không hề dễ dàng. Mình rất ấn tượng với một câu mà thầy Lê Thẩm Dương từng nói "thà ăn đói 4 năm để sau này có thể được ăn yến còn hơn là ăn cơm cả đời rồi vẫn cứ ăn cơm". Suy cho cùng cuộc sống này vẫn là chuỗi những sự lựa chọn. Bản chất cuộc sống là đau khổ nên bạn chỉ có cách là lựa chọn phân bố nỗi đau như thế nào. Bạn chọn thoải mái lúc trẻ tức nỗi đau sẽ kéo dài về phía sau của cuộc đời.
Thứ hai, bạn chỉ có 4 năm tuổi trẻ để học lí thuyết còn có cả đời để tích lũy kinh nghiệm. Cá nhân mình quan niệm kinh nghiệm thực chất chỉ là giá trị số tiền mình phải trả cho sự ngu dốt của bản thân. Bạn muốn đi làm thêm sớm để có kinh nghiệm sớm đấy là một lý lẽ không sai. Nhưng bạn đi làm muộn thì không có nghĩa là bạn sẽ bỏ lở toàn bộ những kinh nghiệm mà đáng lý ra khi đi làm thêm sớm bạn được nhận. Tức là nếu không đi làm thêm thì cơ hội vẫn còn đấy và chỉ sợ bạn không có tiền để trả cho sự ngu dốt của mình thôi. Hãy học tốt những lý thuyết trên trường học và sử dụng nó để quan sát và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Nếu lí thuyết không quan trọng thì chúng ta chả cần có các trường đại học viện nghiên cứu để làm gì cả. Lí thuyết thực chất chính là quá trình tổng kết thực tiễn để rút ra kinh nghiệm. Mục đích cuối cùng của lý thuyết vẫn là giúp các bạn khám phá thực tiễn nhanh chóng hơn và ít đổ máu hơn. Câu nói: "Chúng ta có thể vĩ đại bằng cách đứng trên vai những người khổng lồ" chính là ví dụ sinh động nhất cho mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn. Nếu bạn không giỏi để sáng tạo ra những phát kiến vĩ đại thì hãy thừa nhận sự yếu kém của mình và áp dụng lý thuyết của bậc tiền nhân đi trước.
Cuối cùng, nếu hoàn cảnh gia đình không cho phép bạn làm việc này thì hãy cứ tự nhắc nhủ bản thân mình rằng đây chỉ là tạm thời. Hãy cứ lao động để có thể tiếp tục tích lũy tri thức cho bản thân. Đừng quên chúng ta đi làm để có thể tiếp tục học chứ không phải đi học đại học để đi làm thêm. Kiếm tiền để trang trải cuộc sống là điều không sai nhưng nếu không phải là thứ vô cùng cấp thiết thì nên tạm gác nó lại một bên. Để kết thúc mình xin trích ra một câu nói mà mình vô cùng yêu thích: "The man who has a why to live can bear almost anyhow - Một người chỉ cần có một lí do để tiếp tục sống thì anh ta có thể chịu đừng hầu hết những bất hạnh trên cuộc đời này". Chúc các bạn một buổi tối ấm áp bên chiếc đèn học của mình.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất