Ở Hà Nội, tớ có một quán nước quen. Tớ giới thiệu với tất cả mọi người quán này, nên nếu cậu đi chơi với tớ ở Hà Nội rồi thì chắc chắn cậu sẽ biết. Quán nằm ven hồ Tây, ở một chỗ khá… kì cục.
Nó nhìn thẳng ra hồ Tây, mà không phải ở khúc san sát Trích Sài, mà ở chỗ khác, thoáng và ít nhà dân. Dù không cao bằng, nhưng tầm mắt ta ở đây nhìn ra xa hơn, cao hơn và lại cùng hướng hoàng hôn, nên chiều tối nào cũng tuyệt đẹp.
Nhưng, tớ lại nghĩ, khi tay đang cầm ly nước sấu thứ hai và viên bánh rán thứ ba, tại sao ta lại thấy đó là đẹp? Tại sao ta lại ngưỡng vọng hoàng hôn, hoặc hồ Tây, hoặc bất cứ chỗ cao ráo sáng sủa nào khác?

Có một giả thuyết thế này: Con người nguyên thuỷ là loài động vật vừa yếu ớt vừa ít năng lực. Chúng ta không nhìn được xa như loài chim, không chạy nhanh như loài thú. Nhưng chúng ta bền bỉ. Nhưng nếu chỉ có bền bỉ mà không có mục tiêu, thì chúng ta cũng chẳng có lý do để mà duy trì năng lượng của mình liên tục. Vậy là, có một giả thuyết cho rằng, khi chúng ta lên những đỉnh núi cao, nhìn ra được những bờ sông con suối, những “tài nguyên sống” trong thời nguyên thuỷ bấy giờ, chúng ta đực tiếp thêm “động lực sống”. Có vẻ như nó cũng tương đồng với việc quan hệ tì.nh dục ở người, khi chúng ta là một trong số ít những loài cảm thấy sung sướng khi qhtd. Có thể, giống “cảm giác sung sướng” là động lực để thúc đẩy ta qhtd, thì khi đứng ở những nơi cao ráo, ta sẽ được thúc đẩy để tiếp tục sự bền bỉ, thi gan trong thế giới nguyên thuỷ. Đứng trên cao, nhìn thấy những tài nguyên phong phú, trí não người nguyên thuỷ có thể tiết ra một chất gây hưng phấn chăng, một loại “phần thưởng” cho con người tiếp tục cố gắng chăng? Nói là “hy vọng” thì nghe có vẻ phức tạp quá và không phù hợp với con người nguyên thuỷ cho lắm, nhưng nếu hiểu nó như một “hệ thống khen thưởng” giống như thí nghiệm Pavlov thì có vẻ đúng hơn.
Giả thuyết này có vẻ đúng khi đưa ra tính “mục đích” của việc ngắm cảnh. Tuy nhiên, nó vẫn… sai sai sao đó?  Nếu đúng thật là như thế, tại sao chúng ta vẫn vui khi đứng trên những đỏ au cồn cát Phan Thiết, hay giữa tịch mịch một ngọn núi tuyết? Chúng chẳng có tài nguyên gì. Và, chẳng nhẽ những người vốn có nguồn gốc từ những nơi hoang mạc hay đồng bằng, họ lại không thể cùng thưởng thức cảnh đẹp trên cao, chỉ vì tổ tiên họ chưa bao giờ lên đó?

Lại một giả thuyết khác, cái này thì so sánh với cách con người nhận biết các chữ số: con người có thể “nhìn” được những con số như một triệu, mười triệu…v…v… nhưng họ không “hiểu” được nó. Chúng ta không thể hiểu “cơ hội 1/6 triệu” nhỏ tới cỡ nào, nên chúng ta vẫn chơi xổ số… Giả thuyết này áp vào những khung cảnh rộng lớn, nghĩa là ta cũng không tưởng tượng được những khung cảnh như vậy với trí tưởng tượng có giới hạn của con người. Thế nên, khi những khung cảnh đó bày ra trước mắt, ta bị choáng ngợp.
Giả thuyết này cũng có vẻ đúng và đơn giản thực. Nhưng, nếu tìm cách “cạnh khoé” một chút, thì cảm giác khi ta nhìn từ  trên cao xuống hồ Tây chẳng hạn, nó đâu chỉ là choáng ngợp đâu? Nó là hỗn độn cảm xúc của choáng ngợp, thanh thản, vui sướng và… chẳng có cảm xúc gì.

Kant nói thế này về vẻ đẹp, rằng vẻ đẹp cần BỐN yếu tố: Sự vô tư, Tính phổ quát, tính cần thiết và, quan trọng hơn cả, tính “không có mục đích” (without purpose). Ba quy tắc đầu thì dễ hiểu với cây trụ cột của Nghĩa vụ học (Deontology) và tin vào tính Đạo đức phổ quát (Moral universalism). Nhưng còn điều thứ tư thì sao? Kant tin rằng, vẻ đẹp phải nằm trong những vật có thể tác động ta như thể nó có tính mục đích, nhưng lại hoàn toàn không có mục đích gì cả. Tức là, khi nhìn những khung cảnh đó, ta được tận hưởng một cảm xúc cứ như dành cho ta, cứ như ai đó đã tạo ra những khung cảnh đó để ta ngắm, nhưng kì thực lại không phải. Chúng chỉ là khung cảnh thôi và chúng chẳng sinh ra cho mỗi mình ta, thế mà ta lại xúc động nhường ấy.
Với một người có “kỉ luật” như Kant và luôn muốn chúng ta phải đối xử với mọi thứ như “mục đích” (Ends) chứ không phải “phương tiện” (Means), thì những thứ đẹp đẽ có lẽ là khó hiểu với Kant hơn cả, vì chúng dù có điểm dừng nhưng lại chẳng có mục đích gì (final without ends).
Tớ thì tớ chẳng biết Kant có đúng không: Lần đầu, trong ba quyển Phê phán, tớ thấy Kant nhượng bộ cho khái niệm gì như vậy. Có thể ông ấy có cách giải thích nào khác chăng, nhưng dù sao tớ cũng đã ngừng đọc Critique of Judgement lâu rồi. Dài quá!

Tớ nghĩ giống Schopenhauer hơn, dù không tin vào những lý thuyết có phần than vãn và vô cùng tiêu cực của ông. Schopenhauer đại ý nói, vẻ đẹp là những phương thức khiến ta tạm quên được những mong muốn vật chất tinh thần khác. Thế nhưng tại sao chúng ta lại quên những mong muốn kia? Chúng ta choáng ngợp như giả thuyết thứ hai chăng? Nhưng nó sẽ chẳng kéo dài được lâu và chỉ tác dụng lần đầu.

Tri kỉ của tớ nói thế này lúc bọn tớ bàn luận về cảnh đẹp: Chúng ta là một phần của thế giới. Khi đứng trước một khung cảnh rộng lớn, chúng ta nhỏ bé đi và nhìn được thế giới nhiều hơn. Do đó, chúng ta chứng được chính mình, được hoà vào một bản thể to lớn khác, yên bình hơn và ít xáo động hơn, ấy là thế giới rộng lớn kia. Bạn ấy đọc nhiều về Đạo phương Đông hơn, nhưng chả hiểu sao nghe bạn nói thế, tớ lại nghĩ đến Thuyết phiếm thần của Spinoza.
Bạn bảo tớ nghĩ nhiều quá.

Thế là tớ chẳng nghĩ nữa. Tớ uống thêm chút nước sấu, ngập răng cắn giòn tan miếng bánh rán mật, và ngắm hoàng hôn rơi xuống hồ Tây.
Cảnh từ quán quen của tớ.