Nếu muốn thật sự hiểu về âm nhạc, bạn cần phải học một nhạc cụ
Xin chào mọi người, đến hẹn lại lên. Nhìn title thì các bạn có lẽ sẽ thắc mắc: “Huh? Nghe nhạc thì chỉ cần để ý xíu là có thể cảm thụ...
Xin chào mọi người, đến hẹn lại lên. Nhìn title thì các bạn có lẽ sẽ thắc mắc: “Huh? Nghe nhạc thì chỉ cần để ý xíu là có thể cảm thụ được bài nhạc ấy rồi mà? Cần gì học đâu ta?”. Mình cũng từng nghĩ như bạn ấy, cho đến khi mình bắt đầu nhận ra rằng có một ranh giới rất khác biệt ở một người có chơi nhạc cụ và một người không chơi.
Khi nghe một bài nhạc, thường chúng ta sẽ đi theo một vòng tuần hoàn: nghe nhạc -> thấy nhạc hay nên nghe vài lần nữa -> nhớ giai điệu -> một lúc nào đó sẽ không nghe nữa. Và thường bạn sẽ nhớ nhiều nhất ở đoạn điệp khúc, vì đó là đoạn catchy nhất, có nhiều hiệu ứng âm thanh và cũng cao trào nhất ở một bài nhạc. Nhưng bạn sẽ không thể hiểu được làm sao họ có thể tạo nên một đoạn điệp khúc hay như thế, nếu bạn chưa từng tiếp xúc với nhạc lý, và cả việc chơi một nhạc cụ nữa. Điều này thật sự quan trọng nếu bạn muốn nghiêm túc trong việc nghe nhạc đấy. Việc bạn nghe nhạc rồi thấy hay là một điều tốt vì nó mang đến niềm vui, nhưng cá nhân mình nghĩ đấy sẽ không phải là một niềm vui trọn vẹn. Bởi vì sẽ khá khó khăn để bạn có thể hiểu được bài hát một cách sâu sắc, qua từng lời nhạc, giai điệu, do đó cũng không có động lực để trả lời cho câu hỏi: “Ý nghĩa đằng sau bài nhạc ấy là gì nhỉ?”, nếu như chưa một lần bấm phím piano hay kéo dây violin.
Hãy lấy ví dụ với guitar, khi học cách chơi guitar (một cách nghiêm túc, hoặc hơi hơi nghiêm túc cũng được), bạn sẽ được tiếp xúc qua với các loại hợp âm như trưởng thứ, bảy, sus4, sus2, vân vân, bạn hiểu được vòng hoà thanh là gì và cách tạo một vòng hoà thanh như thế nào. Âm giai là gì, tại sao là có lúc xài trưởng có lúc xài thứ? Rồi bạn sẽ hiểu được tại sao nhạc sĩ lại sử dụng vòng hoà thanh, hợp âm, âm giai đó, điều này tác động đến cảm xúc của người nghe (và cả họ) ra sao. Tất cả như điều trên bạn sẽ chỉ có thể trả lời khi đã trải qua một hành trình gian khổ trên guitar nói riêng, và tất cả các nhạc cụ khác nói chung.
Mình bắt đầu bấm nốt piano từ năm 8 tuổi, tính đến nay cũng ngót nghét gần 10 năm rồi. Tuy cũng có lúc cày lúc nghỉ nên không thể gọi là pro, nhưng quãng thời gian mình được tiếp xúc với piano và guitar thật sự rất ý nghĩa. Như là cả một bầu trời mới lại càng mới hơn khi ta càng đi sâu vào trong đấy, khả năng cảm thụ âm nhạc của mình qua đó cũng càng sâu sắc hơn (nhưng xét mặt bằng chung thì chỉ là bé gà thôi :P). Cảm giác khi ta có thể khóc hoặc cười, trầm ngâm hay phấn khởi khi lắng nghe giai điệu của một bài hát là một trải nghiệm rất tuyệt vời mà ai cũng đã nhiều lần trải qua, và mình tin chắc rằng trải nghiệm sẽ còn hoàn hảo hơn nữa nếu bạn đã có một khoảng thời gian đau tay hay gãy ngón với các loại nhạc cụ. Mình cũng nhiều lần thử qua với trống và thật sự mỗi lần thử thì mình lại càng cảm thấy biết ơn các drummer hơn vì trống tuy không phải là tâm điểm của một bài nhạc (bị lyrics với mấy ông chơi lead át mất còn đâu :_) nhưng nếu thiếu nó trong một bài hát thì giống như mỳ tôm mà thiếu trứng vậy, ăn vẫn ngon nhưng sẽ thấy không trọn vẹn.
Nếu bạn đã đọc đến đây, cảm thấy thuyết phục và muốn xách đít để học một món thì mình nghĩ câu hỏi được quan tâm nhất là: “Học cái vẹo gì đây???”. Mình sẽ trả lời là: “Cái vẹo gì cũng được ;)”. Tuỳ vào sở thích và khả năng, bạn có thể chọn bất kỳ nhạc cụ nào. Bạn thích solo ảo lòi, thích cover nhạc từ đầu đến đít hay thích sự êm ái, sâu lắng nhưng tràn đầy cảm xúc? Hãy thử sức với piano. Bạn thích vai kề vai nghe người yêu (hoặc chính mình do bạn FA) hát, yêu sự mộc mạc, dân dã và có thể tạo sự hứng khởi? Guitar Acoustic là một lựa chọn không tồi. Bạn muốn bùng cháy, muốn hoà mình vào ngọn lửa của alternative rock? Sao không thử qua trống, guitar lead hay guitar điện nhở… Còn hằng hà sa số lựa chọn mà mình không thể liệt kê vì ngoài tầm khả năng của mình mà bạn có thể tìm thấy thông qua google. Còn chần chừ gì nữa, xách mông lên và gõ phím đi chứ!
Phía trên là quan điểm cá nhân của mình về việc chơi nhạc cụ. Vì nếu lặp cụm “theo mình nghĩ” nhiều quá thì nó sẽ khiến bài trở nên không hay nên sẽ có nhiều câu nghe có vẻ khách quan chân lý nhưng mình xin nhấn mạnh rằng đây chỉ là trải nghiệm cá nhân thôi nhé. Mình sẽ rất vui nếu có ai đó được truyền cảm hứng và xách lên tay mình một cây violin hay bass để học đấy. Xin cảm ơn vì đã đến đây và đọc bài viết của một thằng writer quèn này. Hẹn gặp bạn vào bài sau.
Peace.
Cre: ảnh trên là góc studio nho nhỏ để mình học và chơi nhạc. Nhưng đấy là của 2 năm trước, còn hiện tại thì mình bán mất cây keyboard và dàn PC rùi, nghèo quá mà :_)
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất