Tôi được dạy: “Chế giễu, tọc mạch ngoại hình của người khác là ác tâm”.
Bài học được nhắc đi nhắc lại từ khi tập tễnh học đi, học nói bởi gia đình, họ luôn dặn không được bình luận ngoại hình, khuyết tật, khuyết điểm của con người. "Bởi vậy là sự không tôn trọng, xúc phạm và dễ dàng bẻ nát nạn nhân, thậm chí là sự vô tình", mẹ tôi răn.
Vậy, như một thói quen, tôi thừa hưởng sự chấp nhận, cảm thông và nhìn ra những điểm sáng ngời từ người xung quanh. Khi lên đại học, tiếp xúc với muôn hình vạn trạng phong cách, ta thấy cái tài giỏi, cái đẹp, cái đam mê trong mỗi cá nhân. Và tôi nhận ra cái duyên thầm, cái tốt bụng, cái hào phóng, cởi mở… Cuộc sống vì thế mà tràn đầy.
Ngồi gần lũ bạn bè hay tiếp xúc với cộng đồng mạng, thật dễ nghe về chủ đề "ai xinh nhất lớp", "bé nào xinh nhất khối" hay cô người mẫu gầy gò da bọc xương, những hoa hậu ganh đua biệt hiệu “đẹp không tì vết”, “đẹp như tiên giáng trần”… khiến tôi nghĩ thầm tại sao người ta lại chất chứa lắm sự ghét bỏ hận thù; có ai đã làm gì tồi tệ để họ phải trút cơn thịnh nộ lên bàn phím?
Thời đại social media, thật dễ dàng đặt những câu nói dưới mục comment, chúng ta chắc đã quá quen với các lời bình phẩm từ người khác, tích cực hoặc ngược lại. Chưa đẹp, bị chê tạm chấp nhận, nhưng khi đọc thấy những bình luận miệt thị, đến nỗi chửi rủa, chỉ vì họ thấy người trong hình không đẹp theo cách họ muốn??. Cô gái trẻ gầy gò đó, nhan sắc người đẹp kia, chàng ca sĩ thay đổi ngoại hình… họ chỉ là những người trẻ cố gắng kiếm cho mình một công việc yêu thích, có thu nhập như tất cả chúng ta. Vậy nếu không đồng tình, ta có thể bày tỏ quan điểm, đóng góp lịch sự, có thể gợi ý giúp đỡ họ. Cần thiết gì phải ném ra lời tàn nhẫn?
Có lẽ, xã hội đang đánh giá mọi thứ chỉ qua những cái lướt nhìn bề ngoài?
Có lẽ, cuộc sống, ta hay bất kì ai trong con mắt những người ném đá không nương tay thật khủng khiếp?
Đến bao giờ cộng đồng mới thoát khỏi những định hình đóng khuôn, là cô ấy phải cao bao nhiêu, mũi cao, mắt to, da trắng thế nào. Chưa hết, mặt còn phải phúc hậu, nụ cười phải e ấp, phải công - dung - ngôn - hạnh, ...
Những tư duy trên khiến rất nhiều cô gái sống trong sợ hãi, ra ngoài bịt kín mít từ đầu đến chân, phải chìm trong nhà đến khi mặt trời tắt nắng... vì sợ hủy hoại làn da bạch tuyết!
Khái niệm tận hưởng cuộc sống hồn nhiên, sống như là chính mình, trở thành thứ xa xỉ.
Những quan niệm độc hại đã khiến bao con người muốn bước chân vào showbiz, streamer, tiktok, ... phải dành dụm, vay mượn, thậm chí đánh đổi các "giá trị khác" để có tiền phẫu thuật thẩm mỹ cho cái sống mũi thật cao, phải cắt mí cho đôi mắt to hơn, nâng chỗ này độn chỗ khác. Có bao nhiêu cô gái “cắt gọt” thành công và trở nên nổi tiếng vì tài năng của họ? Còn bao nhiêu người dù có phấn đấu nỗ lực hay tài năng thế nào, nhưng không có cái “vẻ đẹp đạt chuẩn” thì chẳng bao giờ được nếm mùi vị của thành công?
Lil Nas X, Pink Guy hay Joji có 1 sự may mắn chung: trưởng thành tại những quốc gia văn minh, dân trí cao hàng đầu. Bởi nếu họ ở đây - nơi body shaming khủng khiếp thì cả thế giới chẳng được biết đến giọng ca tuyệt vời cùng tài năng xuất chúng của họ. Ngoại hình họ chẳng đủ hot. Một ca sĩ phải có một giọng ca tốt, một âm vực truyền cảm xúc. Nhưng buồn cười là một ca sĩ thành công ở Việt Nam, ngoại hình có khi lại quan trọng hơn cả. Ở đây ta chỉ cần gì? Chắc đó là câu hỏi thừa vì ai cũng đoán được rằng, cần ngoại hình tốt, vũ đạo tốt, giọng không tốt có thể xử lý trong phòng thu, khi biểu diễn lên hát nhép. Mục đích tối thượng là để phục vụ số đông.
Người đẹp, siêu mẫu ở Việt Nam rất ít có cơ hội toả sáng ở đấu trường quốc tế. Bởi ta mải chạy theo những tiêu chí đẹp không thực tế, không khớp với cấu trúc cơ thể, khí hậu nơi người Việt sinh ra. Phụ nữ Việt Nam sinh ra không có mũi cao như người châu Âu, không có hốc mắt sâu như người Tây Âu. Đất nước chúng ta là đất nước nhiệt đới, nhiều vùng miền nóng quanh năm. Vẻ đẹp Việt là sự pha trộn của 54 dân tộc Việt, Mường, Tày, Thái, Mon Khmer, Mông, Dao… Đây là điều tuyệt vời nhất người Việt thừa kế. Đó là vẻ đẹp khoẻ mạnh, năng động, tự tin chứ không phải vì sống mũi chúng ta chưa đủ cao, mắt chúng ta chưa đủ to, da còn đen quá. Ta thường tự làm khổ mình với việc đóng khung về cái đẹp để rồi tự thấy mình, thấy người kia đều xấu.


Đọc thêm:

Thấy sự đẹp mã ai cũng thích, có thể ngưỡng mộ, say mê. Nhưng bị ám ảnh tới mức sẵn sàng tung hô họ, ném đủ mỹ từ, không quan trọng có phải là người tốt, tài năng chỉ vì lý luận “họ đẹp, họ có quyền” thì ... chúa hề. Với Đức, dù quan điểm yêu hay ghét nhưng cực đoan, mà đã cực đoan là không nhân đạo.
Không đẹp, đâu phải tội để ta mang họ ra trừng phạt?
Mình xin trích tâm tư từ 1 cô gái mạnh mẽ: Hậu Như
[Gia cảnh/Ngoại hình - Shaming]

Mình không định lên tiếng, nhưng mình sợ nếu mình không lên tiếng thì sau này, sẽ có nhiều hơn những bạn nữ giống như mình, phải nghe, phải chịu những điều mà chúng mình - những người phụ nữ đẹp đẽ chưa và không bao giờ đáng phải nhận...
"Mồm em bị méo à?"
"Răng thế kia thì xước hết kèn?"
"Em này lép thế"

Mình đọc hết những bình luận kiểu như thế này, mình không muốn bỏ vào đầu, nhưng lạ là nó lại tự động in sâu vào trong não mình. Ơ kìa, mình đã nói là mình không muốn nghĩ nhiều, ấy thế mà mỗi lần nhìn vào gương, mình lại tự động chú ý tới những đặc điểm ngoại hình đó. Không biết là xấu hay tốt, chỉ biết là nếu không ai nói ra, thì mình cũng không để ý nhiều đến thế. Mình chỉ để ý vậy thôi, không buồn, còn mẹ mình, mẹ buồn không, mình không chắc. Vài chục nghìn lượt bình luận nhắm tới ngoại hình của cô con gái bé bỏng, "Mẹ không buồn" - câu nói dối này lộ liễu quá.
...
Vẻ bề ngoài không định nghĩa toàn bộ điều ta có. Nếu như không có điều gì tốt đẹp để nói với nhau, thì tốt nhất không nên nói gì. Cuộc sống đã đủ vất vả, đủ chuyện buồn vui để cần sự chia sẻ, hào sảng. Ta hãy tặng cho nhau năng lượng tích cực thay vì những chê bai, miệt thị.