Những đứa học sinh hay phản biện lại thầy cô giáo, hay đề xuất mấy ý tưởng kỳ cục thường được xem là tụi cá biệt. Nhưng đa phần chúng lại là những đứa trẻ luôn mang trong mình khao khát được sáng tạo. Con người đi tìm cái mới khi ta không muốn tuân theo cái hiện tồn vì cái đó không làm ta bằng lòng. Khi là một đứa trẻ ngoan, chúng ta luôn vâng lời và không dám bộc lộ chính kiến riêng của mình. Khi là một đứa trẻ hư, chúng ta có thể sáng tạo hơn bởi vì bản thân sẵn sàng dám thử những thứ người khác không đồng ý. Chúng ta có thể mắc sai lầm hoặc tạo ra một đống rắc rối, hoặc bị đánh giá là ngỗ ngược, cá biệt. À thì ngỗ ngược, cá biệt... Nhưng mà có vấn đề gì không?  
        Khi cả lớp chọn viết bài văn khen ngợi tính cách dũng cảm và sự tốt bụng của Thạch Sanh thì có một đứa lại đi làm khác với dàn ý cô giáo cho, nó chọn Lý Thông là nhân vật yêu thích, viết bài văn dài phân tích những tính cách mà theo nó là "đáng học hỏi" ở một tiểu thương khôn khéo và lươn lẹo. Nhóc kia ở nhà táy máy tay chân, tháo tung hết tùm lum thứ trong nhà để xem cơ chế hoạt động của những đồ vật đó như thế nào khiến bố nó bực bội mắng inh ỏi. Bạn nhỏ ở nhà vẽ nguệch ngoạc bẩn cả bức tường mới, bị mẹ mắng bao nhiêu lần, vẫn vẽ vẽ tô tô bẩn nhà mà không biết sợ. Chàng thiếu niên nọ bài Toán nào cũng mày mò hai ba cách giải, tiết học nào cũng hỏi ông thầy Toán vô vàn câu hỏi hóc búa. Cô sinh viên kia đề xuất rất nhiều ý tưởng mới cho luận văn của mình, nhưng vị giảng viên hướng dẫn thì luôn gạt ngang tất cả những ý tưởng đó và bắt cô phải làm theo những gì đã có sẵn trong đề cương được giao. Dường như không khó để nhận ra rằng phần lớn trẻ em càng lớn lại càng gò mình vào một khuôn khổ bó hẹp, thiếu sự sáng tạo bởi môi trường giáo dục "đóng khuôn" truyền thống. 

        Sáng tạo là tìm ra cái mới, cách giải quyết mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có. Người có tư duy sáng tạo thường có các nét đặc trưng như: có óc tư duy độc lập và óc phê phán; không suy nghĩ gò bó, không phụ thuộc vào cái cũ, không theo lối mòn đã có. Và đôi khi, họ có các phát minh kiến giải mà một số người đương thời chưa hiểu, cho là họ phiêu lưu, mạo hiểm. Galileo và Copernicus có những khám phá sáng tạo mà trong thời đại các ông bị đánh giá là phạm thượng và nguy hiểm, trong khi trong thời đại của chúng ta, chúng là những khám phá xây dựng. Có thể nói, có bao nhiêu hoạt động của con người thì có bấy nhiêu dạng sáng tạo, ở mọi lứa tuổi, trong mọi nền văn hóa. Tiềm năng sáng tạo có ở mọi người bình thường và được huy động trong hoàn cảnh sống cụ thể. Einstein phát minh thuyết tương đối, Đen Vâu cho ra đời bài hát mới, bà nội trợ chế biến một loại nước sốt mới cho bữa tối... tất cả những việc này, chúng đều có thể được xem là mang tính sáng tạo, tất nhiên là tôi không thử xếp chúng theo trật tự sáng tạo nhiều hay ít. 
        Sẽ là lý thú nếu ta nhớ lại sự tự do, không vâng lời của những người sáng tạo, trong các thời đại khác nhau như thế nào và nó đã từng ảnh hưởng đến quan hệ qua lại giữa con người và nhà nước ra sao. Trong thời Phục hưng, Michelangelo - họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư - thời trẻ đã nhận làm đơn đặt hàng của Medici - một giáo chủ giàu có. Medici đã tỏ ý không hài lòng vì bức tranh không giống ông ta. Michelangelo không kém phần ngang ngược và trả lời: "Thưa đấng chí tôn, ngài đừng khó chịu, 1000 năm sau nó sẽ giống ngài". Ở Roma, Michelangelo vẽ theo đơn đặt hàng của Hồng y giáo chủ Huli II, nhưng tranh cãi với Hồng y giáo chủ và rồi khoác hành lý lên vai, tự tiện bỏ Roma và về quê ở Phlorangxia. Khi Hồng y giáo chủ biết việc này bèn lên xe cùng đám cận thần đuổi theo đến gần biên giới, năn nỉ ổng quay trở lại. Kẻ thừa hành thượng đế trần gian sẵn sàng xin lỗi thiên tài và tha thứ cho sự không vâng lời chỉ để không mất Michelangelo. Chuyện này đã nói lên thái độ của nhà thờ đối với nghệ thuật thời kỳ Phục hưng. 
        Có một biên bản ghi tốc ký chính thức của Viện sĩ Liên Xô Kapitxa kể câu chuyện như thế này. Lômônôxốp hồi còn là phụ tá, sau khi nổ ra incident đã bước lại gần Sumakhơ - hồi đó là thư ký khoa học Viện Hàn lâm Nga, là nhân vật thứ hai sau Iađumôpski nhưng thực ra nắm toàn bộ quyền hành, đã quặp ngón tay lại một cách ngạo mạn và dí vào mũi Sumakhơ mà nói rằng "...Liệu thần hồn"... Sau sự kiện đó, tất nhiên là Lômônôxốp đã phải điêu đứng nhiều lần tuy rằng lúc này tài năng của ông đã được thừa nhận. Có rất nhiều những trường hợp "nổi loạn", không vâng lời trong tiểu sử của những bậc thiên tài nổi tiếng khiến ta khó mà không đi đến kết luận rằng, sự không vâng lời là một trong những điều không tránh khỏi biểu hiện ra ở con người tìm tòi và sáng tạo cái mới trong khoa học, nghệ thuật. Và vì vậy, một trong những điều kiện để phát triển tài năng là sự tự do, không vâng lời. 
        Kapitxa cũng kể câu chuyện về những thăng trầm của một cậu học sinh tài năng lớp 10 như sau: "Trong ban biên tập tạp chí Vật lý thực nghiệm và lý thuyết chúng tôi có xem xét công trình nói về sự phóng xạ của mây. Công trình này tỏ ra chính xác nhưng không lý thú lắm để đem in, nó bị bác bỏ. Nhưng người ta lại thấy rằng đó là một công trình của một cậu học sinh lớp 10 trường phổ thông hơi xa Moskva gửi đến. Tìm hiểu cậu ta thì thấy rằng đó là một thanh niên đam mê Vật lý và Toán học, dành phần lớn thời gian cho việc học và làm việc độc lập. Cậu ta có xuất thân từ một gia đình nghèo khó và cha cậu hy sinh trong chiến tranh. Điều đó khiến tôi quan tâm đến mức bèn tổ chức cho cậu học sinh kia lên Moskva và chúng tôi quyết định giúp cậu ta vào một trường Đại học. Thế nhưng đến lúc phải lên Moskva thì đột nhiên cậu ta mất hút, chúng tôi nhận được thư nói là cậu ta gặp trục trặc. Vì vậy, chúng tôi phải đến thành phố đó để tìm hiểu sự tình thì mới vỡ lẽ ra cậu ta bị đuổi khỏi trường và không được thi tốt nghiệp phổ thông. Nguyên nhân vì cậu ta quá thích radio, đã tự mình lắp ráp đài và cần máy điện thoại nhưng do thiếu tiền nên đi cắt dây điện trong trạm telephone công cộng. Cán bộ kiểm sát phát hiện nhưng không truy tố nữa. Ngược lại, nhà trường đã làm to chuyện, ở trường này người ta vốn đã không ưa cậu ta vì cậu không ngoan ngoãn, không vâng lời và nắm một số môn giỏi hơn các thầy. Thế là cậu ta bị đuổi, phải vào nhà máy làm việc và cán bộ chúng tôi tìm thấy cậu ta ở đó. Tất nhiên chúng tôi can thiệp để bây giờ cậu ta đã tốt nghiệp Đại học điểm cao và trở thành cán bộ khoa học". 

        Nếu cậu nhóc lớp 10 kể trên kết thúc sự nghiệp học hành ở đó và dấn thân vào việc đi làm, mưu sinh, chẳng phải một nhân tài đã bị bỏ sót hay sao? Thay vì tiếp tục gây ra những mâu thuẫn giữa cá nhân sáng tạo và hiện thực cuộc sống. Thay vì ngăn cản sự sáng tạo ở những con người không vâng lời, tại sao người lớn không tìm cách ủng hộ, khuyến khích? Có thể làm gì để tạo được sự an toàn tâm lý tối đa, khuyến khích con trẻ sáng tạo? Thứ nhất, chấp nhận đứa trẻ như một giá trị vô điều kiện, giá trị riêng biệt. Thái độ này chỉ có thể thành khẩn khi người giáo viên, bậc làm cha mẹ không cần xét tới hiện trạng, do đó có một niềm tin vô điều kiện ở sức sáng tạo của đứa trẻ. Điều này tạo nên sự tự tin ở mức độ cao đối với cá nhân sáng tạo. Tiếp theo là tạo nên một bầu không khí trong đó vắng mặt sự lượng giá từ bên ngoài. Khi một người thấy mình đang ở trong một bầu không khí trong đó người ấy không bị lượng giá, không bị đo lường bằng tiêu chuẩn bên ngoài, thì người ấy cảm giác hết sức tự do. Sự lượng giá luôn luôn là mối đe dọa, luôn luôn tạo ra nhu cầu phòng vệ, luôn luôn là một phần nào đó của kinh nghiệm phải bị khước từ khỏi tầm ý thức. Điều đó có thể dẫn cá nhân xa rời khỏi sự sáng tạo, cho nên cần loại bỏ sự lượng giá ấy. Hiểu biết triệt để về đứa trẻ là yếu tố thứ ba kết hợp với hai điều kể trên để tạo nền tảng cho sự an toàn tâm lý tối đa. Nếu người lớn hiểu đứa trẻ, thấy và cảm được những điều nó đang làm, đang cảm, theo quan điểm của nó, đi sâu vào thế giới riêng tư của nó, và vẫn nhẫn nại chấp nhận nó, điều đó mới thực sự là an toàn. Trong bầu không khí đó, cá nhân sáng tạo có thể cho phép bản ngã thật xuất hiện. Đây chính là sự nuôi dưỡng căn bản của sáng tạo. Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể kể đến là, trình độ học vấn của bố mẹ, đặc điểm nghề nghiệp (nhất là của người bố), sự phong phú về sách báo, chất lượng vật dụng gia đình đóng vai trò to lớn trong quá trình hình thành trí tuệ, phát triển tư duy sáng tạo. 
          Tôi từng đọc thấy người ta bảo rằng thế giới cần hai loại người: loại người thứ nhất có trình độ trí tuệ phát triển cao và loại người thứ hai có trình độ kỹ năng, kỹ xảo giỏi. Chính hai loại người này sẽ sáng tạo ra tri thức, kỹ năng, thúc đẩy cộng đồng sáng tạo các giá trị vật chất - tinh thần phong phú, đa dạng, có chất lượng cao. Và để có được sự sáng tạo, mâu thuẫn là điều hiển nhiên. Mâu thuẫn không thể tránh khỏi của những tìm tòi sáng tạo với nếp sống hiện tồn là phép biện chứng của tiến bộ văn hóa loài người. Rõ ràng là nếu không có những mâu thuẫn đó thì nền văn minh nhân loại sẽ ngừng phát triển. 
        "Một con người thiên tài có thể thay thế bằng một tập thể những kẻ kém cỏi tài năng, và có thể đảm bảo hoàn toàn kết quả nghiên cứu khoa học của họ bằng một sự tổ chức tốt hay không, tức là có thể lấy số lượng thay thế cho chất lượng hay không?". Phải chăng nhà trường và gia đình đã quá đề cao sự ngoan ngoãn vâng lời hơn là tài năng? Tôi tự hỏi có bao nhiêu Lômônôxốp và cậu học sinh lớp 10 kia đã từng bị làm cho phải xa lánh khoa học? Những người năng động,  không bằng lòng là những người luôn trăn trở, và nếu ta xét theo kiểu tính cách của họ, thì chắc chắn họ không phải là những con cừu ngoan ngoãn... Viết tới đây tự nhiên thấy buồn buồn, vì chắc tôi là một con cừu ngoan ngoãn... 

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Lê (1998), Cơ sở khoa học của sự sáng tạo, NXB Giáo dục. 
2. Đức Uy (1999), Tâm lý học sáng tạo, NXB Giáo dục.