Năm 1948, nhà tâm lý học B.F.Skinner sử dụng một dụng cụ mà sau này được gọi là "hộp Skinner". Ông đặt con chuột vào trong chiếc hộp này, trong đó có gắn thanh lẫy đặc biệt. Mỗi lần con chuột ấn vào thanh lẫy là viên thức ăn sẽ rơi xuống. Tỉ lệ ấn thanh này được ghi lại. Mới đầu con chuột sẽ ấn thanh lẫy này một cách tình cờ, hoặc vì tò mò. Theo thời gian nó bắt đầu học được rằng bất cứ khi nào thanh lẫy được ấn thì thức ăn sẽ xuất hiện, nó bắt đầu ấn có chủ đích để được ăn.
Hình ảnh có thể có: văn bản cho biết 'Operant Conditioning Loudspeaker Lights Burrhus Skinner designed Skinner box to test learned behavior Put hungry rat box with lever that would release food Rat would soon learn to press lever to get food Response lever Food dispenser Electrified grid'

Skinner kết luận các con vật bị điều kiện hóa (operant conditioning) bởi những đáp ứng chúng nhận được từ hành vi và môi trường. Điều đấy có nghĩa là trong lúc chúng khám phá thế giới xung quanh, chúng học được rằng một số hành vi đem lại kết quả tích cực (ấn cần gạt rồi sau đó nhận được thức ăn), từ đó khích lệ chúng lặp lại hành vi đó.
Ông cũng đã lặp lại thí nghiệm tương tự với bồ câu và có thể áp dụng cách thức tương tự để huấn luyện chúng bay vòng tròn theo chiều kim đồng hồ.
Có thể thấy những lối tư duy này cũng rất phổ biến ở loài người. Mỗi khi điều gì đấy xảy đến với bạn, dù tích cực hay tiêu cực, bạn luôn cố đi tìm cách lý giải (chủ yếu đi tìm nguyên nhân) nó. Việc lý giải sẽ trở nên rất khó khăn khi phải xử lý quá nhiều thông tin hỗn độn từ bên ngoài. Vì thế tiến hóa đã chọn lọc ra những “lối tắt” trong tâm trí giúp chúng ta xử lý thông tin dễ dàng hơn, từ đó giúp ta có được cảm giác kiểm soát môi trường, biến động xung quanh. Điều đó trở thành bản năng bên trong mỗi con người từ khi sinh ra, bản năng này đã giúp tổ tiên chúng ta hay những loài động vật khác sinh tồn trong thế giới khắc nghiệt. Khi lý giải sự việc, cách đơn giản nhất là nhìn vào chính những trải nghiệm của chính mình, và thường sự việc A xảy ra sau một sự kiện B thì sự kiện B có khuynh hướng được cho là nguyên nhân của sự kiện A.
Ví dụ một đứa trẻ khi sờ tay vào ổ điện và bị giật thì lần sau hành vi “sờ tay vào ổ điện” sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Đứa trẻ đã học được rằng sờ vào ổ điện là bị giật. Chúng không cần phải xử lý những thông tin khác như những cơ chế hoạt động của dòng điện, những lý thuyết loằng ngoằng về những thế lực kinh tế và công nghệ cần thiết để xây dựng một mạng lưới điện hoàn chỉnh. Chúng không cần phải biết hành trình gian nan thế nào để con người có thể sử dụng được loại năng lượng này. Dù có hiểu chút thông tin gì về những thứ trên không, ta vẫn nhận ra từ trải nghiệm sờ vào ổ điện của mình. Cũng tương tự khi bật công tắc thì đèn bật, hay bỏ tiền vào máy bán nước tự động thì lon nước ngọt tự xuất hiện. Với những gì bạn có thể biết, có thể phép màu vô hình nào đó xảy ra sau hành động bỏ tiền vào làm lon nước xuất hiện, chỉ vậy thôi. Bạn không phải cân nhắc những giả thuyết khác như liệu có phải một người bán hàng nào đấy đằng sau đang đẩy lon nước ra cho bạn… Nếu không “đơn giản hóa” thế này, thì cuộc sống rất tạp nham, hỗn loạn khiến bạn không thể bắt tay vào làm bất cứ việc gì và bước tiếp.
Cũng chính bản năng này mà đã sinh ra vô số những mê tín dị đoan tồn tại trên thế giới từ xa xưa cho đến tận ngày nay. Từ những nghi lễ tôn giáo có hệ thống như cầu khấn, cúng bái thần thánh, những người sẵn sàng bỏ tiền để cầu nguyện trước bức tường, đi bộ xung quanh một tảng đá, tới những địa điểm được coi là ‘linh thiêng’. Cho đến những nghi thức nhỏ lẻ chỉ thực hành bởi những cá nhân như ‘có thờ có thiêng, có kiêng có lành’, chiêm tinh, bói toán, tử vi, phong thủy, thứ 6 ngày 13... Tất cả mọi niềm tin và cách thực hành đều có điểm chung là hy vọng những điều trên sẽ mang lại may mắn, phước lành trong cuộc sống.
Những niềm tin giúp con người có được cảm giác kiểm soát được sự việc xảy đến với mình, dẫu cho họ không hề đi nữa. Với những nghề nghiệp, công việc mà tỷ lệ rủi ro và ngẫu nhiên càng cao thì ta càng dễ bắt gặp những người tham gia vào một hình thức mê tín dị đoan. Cụ thể như trong lĩnh vực thể thao - một ngành nghề có xác suất rủi ro cao, trước khi thi đấu các cầu thủ hay vận động viên thường có các nghi thức rất kỳ lạ. Từ việc mặc cùng một quần áo dưới lớp bảo hộ trong mọi trận đấu, cho đến thức ăn mà một người thường hay ăn trước trận đấu, tới chính xác thời giờ mà một người dành ra để tập luyện. Ví dụ Tigers Wood, một vận động viên chơi golf chuyên nghiệp, luôn mặc áo đỏ vào Chủ Nhật tại các giải đấu gôn vì anh ta tin màu đỏ mang lại sức mạnh, phong độ cho anh. Wade Boggs, được cho là một trong những cầu thủ lỗi lạc nhất từng bước ra sân bóng chày, chỉ ăn thịt gà trước mỗi trận đấu. Anh cũng bị ám ảnh bởi con số 17, luôn tập dượt đánh bóng vào lúc 5 giờ 17 phút, và chuyển sang tập chạy lúc 7 giờ 17 phút.
Con người vốn không phải là loài vật có lý trí, chúng ta không giỏi phân tích, cân nhắc những tình huống, yếu tố khác có thể xảy ra. Đó không phải thứ vốn được lưu truyền trong bộ gen của ta. Mặc dù chúng ta phát triển được tư duy logic, có khả năng tiếp thu được nhiều thông tin hơn bất kỳ loài động vật nào khác, nhưng khi càng đào sâu vào trong não bộ chúng ta càng dễ thấy nhiều điểm tương đồng với các ‘họ hàng’ gần gũi của chúng ta như tinh tinh hay chuột. Thậm chí nếu đào đủ sâu vào cơ thể chúng ta có thể có những điểm tương đồng với thực vật, như có 50% DNA tương đồng với chuối. Bởi vì toàn bộ giống loài ngày nay đều có chung nguồn gốc, đều có chung tổ tiên từ dưới đáy đại dương 4 tỷ năm về trước và đã phải trải qua một quá trình tiến hóa bởi chọn lọc tự nhiên đầy khắc nghiệt. Những sinh vật tồn tại được là nhờ những gen giúp chúng sống sót và phát triển trong môi trường của chúng.
Khi còn sống trên đồng bằng, thảo nguyên, tổ tiên của ta đã phải liên tục đối mặt với vô vàn hiểm nguy. Việc nhận diện khuôn mẫu là sự sống còn đối với tổ tiên ta thuở ấy. Giả sử bạn nghe thấy tiếng xột xạt trong bụi cỏ, có thể chỉ là cơn gió thoảng qua, nhưng cũng có thể là một kẻ săn mồi đang rình rập. Nếu bạn dùng tư duy logic, cân nhắc khả năng rồi đi kiểm chứng, chẳng may đó là kẻ săn mồi, bạn đã bị loại ra khỏi vốn gen. Nhưng nếu bạn cứ mặc định đó là một điều gì đó nguy hiểm, một tác nhân hay bất cứ gì đấy đều được, rồi bạn cứ lặp lại hành động tránh xa mỗi khi âm thanh đó xuất hiện, khả năng cao bạn sẽ lưu truyền gen của mình sang thế hệ sau. Dù bản năng đó không còn cần thiết trong xã hội bây giờ, nhưng nó vẫn là trung tính và vẫn được lưu giữ, trừ khi có một yếu tố môi trường trong thời gian dài mà khiến cho bản năng trở nên bất lợi.
Nhiều người có thể nghĩ những niềm tin mê tín chẳng có hại gì, thậm chí nó đem lại niềm an ủi cho con người thì tại sao phải lên án nó. Đây là một suy nghĩ phổ biến, và có thể hiểu được vì sao nhiều người nói như vậy. Khi bạn tin vào điều gì dù mê tín hay không thì cũng là bạn đang cho rằng nó đúng và dùng nó để thúc đẩy những hành động trong đời sống. Đôi lúc nó có thể có ích giúp đem lại sự tự tin, từ đó giúp các cầu thủ thể hiện tốt hơn trên sân đấu. Nhưng không thể không tính đến những tác hại của nó, nếu bạn tin rằng vaccine gây ra tự kỷ, bạn sẽ không cho con đi tiêm vaccine và điều đó dẫn đến dịch sởi gia tăng. Có vô số những niềm tin thời Trung cổ đã dẫn đến việc thiêu đốt những người vô tội vì cho rằng họ là ‘phù thủy’ phù phép gây ra bệnh tật, tai ương. Có những niềm tin cho rằng những nhà chiêm tinh có thể dự đoán sự sụp đổ của các triều đại, và khi họ dự đoán sai bị xử tử. Hay việc tin vào các liệu pháp điều trị thay thế, dù ở mức độ nào, có thể dẫn đến việc giảm thiểu sử dụng những liệu pháp điều trị khoa học. Ngoài những tác hại lớn thấy rõ được cũng có những tác hại âm thầm, như nếu bạn tin lá số tử vi có thể xác định tính cách một người, nó ảnh hưởng ít nhiều đến cách bạn đối xử với người ấy, dù bạn có nhận ra hay không.
Nói chung mê tín là một hiện tượng không thể tránh khỏi trong đời sống. Không quan trọng bạn lý trí đến đâu, bạn vẫn sẽ luôn bị chi phối bởi bản năng xa xưa này ở một khía cạnh nào đó. Chống mê tín không hơn gì là chống lại bản năng tự nhiên còn sót lại bên trong mỗi người. Việc mắc sai lầm là chuyện hết sức bình thường, điều quan trọng không phải nằm ở niềm tin bạn phi lý đến đâu hay bạn có bao nhiêu niềm tin phi lý, điều quan trọng bạn có sẵn sàng sửa chữa niềm tin sai lệch của mình hay không. Phương pháp khoa học là công cụ tốt nhất chúng ta có thể sử dụng để loại bỏ những niềm tin sai, và dần dần mở khóa cánh cửa dẫn ta tiến gần hơn tới điều gì là đúng. Nhờ đó chúng ta mới đạt được vô số thành tựu như ngày nay và khiến cho cuộc sống luôn tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn, từ chiếc điện thoại, máy tính, phương tiện giao thông, phương pháp điều trị, hay thậm chí việc bạn đọc dòng chữ này đều nhờ vào một công cụ sắc bén mang tên khoa học. Những bản năng đã phục vụ tốt tổ tiên chúng ta, giờ là lúc phải chôn vùi nó đi và lấp lên trên bằng một hình thức khác.
Như nhà thiên văn học Carl Sagan đã nói: “Hành tinh nhỏ bé của chúng ta trong khoảnh khắc này tại đây đang đứng trước một mốc quan trọng trong lịch sử. Những gì chúng ta làm ngay lúc này sẽ được truyền đi hàng thế kỷ và quyết định vận mệnh con cháu chúng ta. Nếu chúng ta đầu hàng trước mê tín dị đoan, sự tham lam và ngu dốt, chúng ta sẽ nhấn chìm thế giới của mình vào sự tăm tối hơn cả giai đoạn giữa sự sụp đổ của nền văn minh cổ đại và thời kỳ Phục Hưng ở Ý. Nhưng chúng ta cũng có thể sử dụng lòng trắc ẩn và trí thông minh, công nghệ và của cải của mình để tạo ra một cuộc sống phong phú và ý nghĩa cho mọi cư dân trên hành tinh này, để mở rộng tầm hiểu biết của ta về vũ trụ, và để đưa ta tới các vì sao.”