Hồi bé chắc chắn ai cũng từng được các phụ huynh thúc vào đýt để học Tiếng Anh. Tôi còn nhớ rõ cái quyển sách Let's Go hồi cấp 1 nó to hơn cả cái cặp của mình thường xuyên bị bố mẹ lôi ra "nhắn nhủ" như thế nào. Lời nhắn nhủ nó ăn vào từng thớ mông mỗi khi điểm kém, quên thế mợ nào được?

"Tiếng là tiền"
Bố tối nhắc đi nhắc lại cái câu đó khi tôi ăn con 4 môn Tiếng Anh. 
"Tiếng là tiền"
Bố thằng bạn tôi đè nó ra từ bé để giờ nó là cao thủ tiếng Tàu
"Tiếng là tiền"
Bố thằng bạn khác của tôi đè vào tai tôi khi tôi và nó đang ngồi học tiếng Anh.
"Tiếng là tiền"
Tôi nghĩ tiếng ở đây không chỉ là ngoại ngữ. Và có lẽ không phải ai cũng hiểu điều đó.

Ngày ấy tầm năm 2000 đổ đi, Tiếng Anh là một cái gì đó thuộc tầm vũ trụ. Các anh chị 8x về gõ đầu các em phải học Tiếng Anh, các bố mẹ đi làm công chức cũng phải đổ xô đi học Tiếng Anh, các ún tiểu như tôi thì mượn cớ "học Tiếng Anh" để được chơi game nghe "FOR THE HORDE!!!" mỗi trận DDay. 

Và tôi còn nhớ rõ điểm Tiếng Anh nó như kim bài miễn tử mỗi khi bảng điểm về mỗi kỳ họp phụ huynh.
Bố: Học 14 môn mà cả 13 môn chết là thế nào?!!!!
Tôi: Nhưng Tiếng Anh của con cao nhất lớp! 9 phẩy cơ mà!
Bố: CYKA BLYAT!!! (Bố tôi biết tiếng Nga)
Tiếng Anh ngày đó rất quan trọng vì đất nước mới bắt đầu mở cửa, Internet về và ai cũng cần học tập để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Các bố các mẹ chỉ muốn con mình cập nhật được kiến thức để không bị tụt hậu như họ trong thời đại đó.
Nhưng...tiếng đâu phải chỉ có Ngoại Ngữ?

Tiếng, ngôn ngữ, chỉ dành cho một mục đích duy nhất - truyền thông.
Truyền tải thông tin mà sai thì Tiếng Giời cũng vô dụng. Tôi nói anh không nghe thì tôi phải tìm cách khác nói cho anh nghe, nói đủ kiểu mà vẫn không nghe thì mời anh về nhà chui vào chạn. Đó là tác dụng của TIẾNG. 
"Tiếng là tiền" rất đúng! Nhưng nó không thể chỉ nằm ở phạm trù "ngoại ngữ" được!
Trong những năm qua tôi may mắn gặp được vô cùng nhiều người giỏi, giỏi ở tầm mà tôi đứng trong đám đông những người đó cảm thấy mình như Frodo đang đi tìm nhẫn giữa rừng các Legolas đẹp trai vậy. 
Nhưng ở vị trí tấu hài đó, tôi được quan sát và học tập những điểm mạnh của họ. Và sau khi ngẫm nghĩ lại thật kỹ, tôi thấy rằng tất cả bọn họ đều có một điểm chung - họ rất hoạt ngôn.

HOẠT NGÔN...

...ở đây không phải là nói nhiều. Họ giao tiếp rất tốt và đi vào đúng chủ đề, đúng đối tượng và đúng cái cần nói. Theo cách khác, họ nói đúng NGÔN NGỮ của người đối diện. 
Nếu tôi cần tiền, anh nói với tôi về tiền.
Nếu anh cần kiệm, tôi nói với anh về anh Kiệm.
Nếu tôi cần cù, anh đừng cù tôi, để yên tôi làm việc.
Trong hầu hết các tình huống, những người này đều có cách giao tiếp sao cho hiệu quả nhất, họ rất uyển chuyển trong ngôn từ, và nếu vốn từ hạn hẹp thì họ sẽ có cách khác để khiến cho người khác hiểu. 
Việc sử dụng ngôn ngữ này thể hiện rõ nhất khi họ bắt tay vào nghiên cứu một ai đó. Tôi đứng sau lưng anh, một người anh làm content, anh ngồi mò mẫm từng clip tiktok, học cách các em nhỏ múa may và học từng từ họ nói, hiểu từng chữ trên caption. Từ một thanh niên già cỗi viết nội dung cho các chú các bác, anh biến hình thành một thanh niên trẩu tre dùng teencode và lên rừng Pác Bó hái meme tươi mát về cho các đàn em. 
Với các chú các bác, anh sử dụng ngôn từ rất nghiêm túc, luôn đi thẳng vào vấn đề và không cợt nhả.
Nhưng với các em, anh chỉ cần một cái meme là đã bán được hàng rồi.

Ở đây anh đã nói được NGÔN NGỮ của độ tuổi từ 45 đến 50 và 18 đến 24. Như vậy anh có thể tiếp cận 2 đối tượng khách hàng hoàn toàn khác nhau. Và nếu khéo léo, anh có thể biến họ thành những khách hàng trung thành. À nói về độ khéo léo thì anh thuộc dạng bậc thầy rồi. 
Trong thời buổi hiện tại khi mạng xã hội ngày càng rộng mở, việc tiếp cận được khách hàng gần như là thử thách lớn nhất của mọi người mọi nhà. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ai cũng than phiền về việc bỏ ra cả đống tiền quảng cáo mà chẳng có đơn nào về. Ngôn ngữ chỉ là một phần nhỏ của vấn đề, nhưng đó lại là phần cực quan trọng. Nếu bạn có thể nói được ngôn ngữ của mọi người, bạn có thể bán hàng cho mọi người, có thể liên kết với mọi người. Nhưng đừng nghĩ NGÔN NGỮ chỉ là những câu, từ, tiếng nói, nó còn có thể là video, hình ảnh, những câu chuyện ngắn dài...
Người xem video sẽ được nhìn và nghe cùng lúc, bạn có thể tiếp cận họ bằng cả 2 ngôn ngữ (hình ảnh và âm thanh). Một bức hình có thể cũng hiệu quả nếu hình ảnh đủ câu chuyện và caption của ảnh đủ hấp dẫn. 
Đó là chưa kể đến vị trí địa lý của từng đối tượng cũng cần có những ngôn ngữ khác nhau. 
Người ở Hà Nội sẽ chẳng mấy khi gọi Cà Phê Sữa Đá và người Sài Gòn sẽ khá lạ lẫm với Cà Phê Nâu. Cà Vẹt xe? Thôi nào ý bạn là Biển số/đăng ký xe á? 

Bạn muốn nói chuyện với ai? Có chắc bạn biết ngôn ngữ của họ không? Ngôn ngữ giới trẻ là gì? Thành thị ra sao? Đây sẽ là những câu hỏi đầu tiên cần đặt ra khi bạn bắt đầu giao tiếp. Và sẽ thật tuyệt làm sao khi mình nói nửa câu họ đã hiểu ngay ý mình là gì.

Tiếng là Tiền, đúng vậy, nhưng để học được Tiếng bạn cần phải đi học, và trong thời buổi này thì tiếng nằm ở mọi nơi, tiền học gần như miễn phí và bạn có thể chủ động tiếp thu những kiến thức đó mọi lúc mọi nơi.
Dù viết khá nhiều nhưng hiện tôi mới chỉ nói được ngôn ngữ của tuổi 20-25, một chút của 25-30 và hoàn toàn mù tịt về ngôn ngữ của 30-40. Tạm gọi là bập bẹ tập nói và còn phải học hỏi nhiều. Bạn thì sao? Ngôn ngữ của bạn là gì?

PEACE


Các bài viết khác