Source: Unsplash
PHẦN 2: LÀM VIỆC CÙNG BÓNG TỐI (SHADOW WORK)

“I must also have a dark side if I am to be whole. “

Tôi phải sở hữu mặt tối của chính mình, để trở nên toàn vẹn.

- Carl Jung

Trong bài viết trước: MẶT TỐI - P1 mình đã bàn về Shadow self – “bóng tối” trong tâm lý mỗi người (hay vùng tối, góc tối, phần tối tâm hồn,…), tầm quan trọng của việc thấu hiểu “cái bóng” này và nguyên nhân hình thành cái bóng. Ở phần 2, mình sẽ đi sâu hơn về một số phương pháp để “làm việc” cùng cái bóng (Shadow Work), đặc biệt lưu ý đến các phương pháp tự thực hành, dễ áp dụng, thân thiện với người mới bắt đầu – để các bạn có thể dần dần làm quen với phần tối trong tính cách của mình.
Tóm gọn lại phần 1: 
- “Bóng tối là những phần của con người bạn mà bạn không nhìn thấy, không công nhận hoặc không chấp nhận.” – “Phần con người” ở đây được hiểu rất rộng, không chỉ là những tính cách, mà còn bao gồm cả những năng lượng cảm xúc, suy nghĩ bị xua đuổi, chối từ bởi phần “nhận thức” (conscious mind). 

- Những năng lượng bị chối từ bởi phần nhận thức này dần dần bị chìm vào phần “vô thức” của con người, trở thành “cái bóng”, thao túng hành vi của con người ta trong vô thức. Đấy là lý do có những người đang hiền lành, tốt đẹp, bỗng dưng nổi khùng, trở nên “xấu xí” bất ngờ; hay ở ngay chính bạn, bạn đôi lúc thực hiện những hành vi mà bạn không hiểu tại sao, cứ như bị “ai đó” điều khiển vậy (thực chất “ai đó” ở đây chính là “cái bóng” – một phần tính cách của bạn bị chìm trong vô thức).

- Nếu bạn không dần dần làm quen, thấu hiểu “cái bóng”, thì bạn sẽ không thể làm chủ được cảm xúc, hành vi của chính mình, dễ bị môi trường xung quanh “kích động” lên cảm xúc cá nhân => điều này dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống tinh thần bạn, làm lung lay, đổ vỡ các mối quan hệ đáng giá trong cuộc sống (đặc biệt các mối quan hệ gần gũi như gia đình, tình yêu), tạo ra rào cản ngăn chặn bạn có được hạnh phúc thực sự.

- Bài viết này tập trung vào “cái bóng” trong tính cách (personality) của con người. Nếu bạn muốn đi sâu hơn về chủ đề “bóng tối” - shadow trong tâm linh học (đi sâu về năng lượng, chữa lành tiền kiếp), bạn có thể tìm hiểu ở video này:

1. LỢI ÍCH CỦA "LÀM VIỆC VỚI BÓNG TỐI" – SHADOW WORK

Thay vì đưa ra một list dài dằng dặc những lợi ích của Shadow Work, thì để mình kể luôn với bạn câu chuyện của mình – một người đã và đang thực hành làm việc với Bóng tối mỗi ngày. 
Mình bắt đầu nhận ra “bóng tối” bên trong khi mình bước vào một mối quan hệ tình cảm cá nhân. Nếu trước nay, trong công việc mình luôn tự nhận bản thân “lý trí”, biết kiềm chế hành vi của bản thân, thì khi bước vào mối quan hệ này, mình mới nhận ra bản thân có những hành vi kỳ quái mà mình không thể hiểu nổi. Mình bị ám ảnh bởi đối phương, ghen tuông, đau đớn vật vã (dù người kia chỉ vô tình buông ra vài câu làm mình phật ý) – bề ngoài thì vẫn tỏ ra bình thường, nhưng bên trong mình có vô số nỗi căm giận kìm chặt, ảo tưởng, nỗi sợ phi lý, và hành vi của mình thì thực sự rất “dramatic”, lúc nóng lúc lạnh. Bản thân mình không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với bản thân, và mình luôn đổ lỗi cho đối phương vì hành vi của họ, thay vì chịu nhận lỗi về mình.
Tuy nhiên, quãng thời gian kinh khủng về mặt tâm lý như thế này đặt ra cho mình những câu hỏi lớn: “Mình là ai? Tại sao mình có những hành vi như vậy? Nguồn gốc của những hành vi đấy là gì?”. Việc thấu hiểu bản thân của mình một phần là nhờ Chiêm tinh học (Astrology), bởi qua công cụ này, mình mới nhìn thấu được tâm lý của bản thân và nguồn gốc của nỗi đau trong mình. Từ việc nghiên cứu về Chiêm tinh học, mình dần tìm hiểu sâu hơn về tâm lý học, về việc thấu hiểu và chấp nhận bóng tối bên trong chính mình – qua việc quan sát những hành vi của bản thân hàng ngày, quan sát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, quan sát cả cách mình nhìn nhận, đánh giá hành vi của người khác – bởi những gì mình không chấp nhận được ở người khác phản ánh “bóng tối” bên trong tính cách của mình. 
Thấu hiểu “bóng tối” bên trong giúp mình dễ dàng cảm thông với hành vi của người khác hơn, cũng như thấu hiểu cho chính mình hơn, biết cách nói thật ra những gì bản thân khao khát và sẵn sàng theo đuổi những gì trái tim mình thực sự mong muốn, thay vì để nỗi sợ kìm hãm mình lại đằng sau lớp mặt nạ của sự giả tạo, không dám sống thực với chính mình. Shadow work giúp mình trở nên “toàn vẹn” – bởi giờ đây, mình chấp nhận, yêu thương, thấu hiểu bản thân, và Shadow Work cũng giúp mình “đối mặt” với món quà mà mình chưa từng nghĩ bản thân có – khả năng sáng tạo vô biên và khả năng thấu hiểu cảm xúc (ngày trước mình rất mất kết nối với cảm xúc). Những nỗi sợ trong vô thức không còn điều khiển, làm mình “lú” đi trong ảo giác nữa, thay vào đó, mình học cách đối mặt với nỗi sợ, bóng tối bên trong mình, chấp nhận mọi mặt của bản thân – rằng bên trong mình, hay bất kỳ ai, đều “chứa một phần nào đó của tên tội phạm, kẻ thiên tài, và vị thánh nhân”.

“Everyone has in him something of the criminal, the genius, and the saint.”

Ai cũng chứa bên trong họ một phần nào đó của tên tội phạm, kẻ thiên tài, và vị thánh nhân.

- Carl Jung

Những món quà mà Shadow Work mang lại cho bạn là: 
- Tình yêu và sự thấu hiểu bản thân một cách vẹn toàn, sâu sắc
- Gia tăng lòng cảm thông, thấu hiểu cho người khác – đặc biệt những người mà bạn từng “không ưa”
- Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với thế giới xung quanh – đặc biệt trong những mối quan hệ tình cảm, gia đình
- Tự tin thể hiện con người thực của mình 
- Phát hiện những “món quà” ẩn – hay những năng lực bị ẩn sâu trong tiềm thức của bạn 
- Tăng khả năng sáng tạo
- Tăng sự can đảm để sống một cuộc đời đầy màu sắc, phá tan nỗi sợ hãi không thực 
- Cân bằng cảm xúc, suy nghĩ, phát triển tâm linh 
- …
Những món quà khác, mình để bạn tự điền vào nhé ;) Một điều mình dám chắc, một khi bạn dám học cách đối diện với chính mình, đối diện với mặt tối của bản thân, kho tàng món quà ẩn giấu trong vùng tối đấy là cả một chân trời mới mà bạn chưa từng nhận ra – bởi một khi bạn bước vào hành trình quay trở lại với chính mình này, bạn đang chính thức bước vào một quá trình chuyển đổi bản thân hết sức toàn diện, trở thành một con người toàn vẹn hơn, làm chủ cuộc sống, số phận của mình – thay vì để “bóng tối” trong tiềm thức giật dây trong mọi hành động.
Lưu ý: Nếu bạn đang gặp vấn đề liên quan đến tự ti, lòng tự trọng thấp (low self-esteem), bạn KHÔNG NÊN thực hiện Shadow Work, bởi việc đối mặt với bóng tối bên trong có thể sẽ gây ra sự tự hận thù (self-hatred). Việc thực hành Shadow Work chỉ nên được thực hiện khi bạn đã có một sự tự tin nhất định, có giá trị về bản thân lành mạnh và có mối quan hệ thân thiện với chính mình. Nếu bạn đang gặp vấn đề về lòng tự trọng thấp, bạn có thể đọc qua bài viết về: [Yêu bản thân] của mình, và tìm hiểu thêm về cách tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với bản thân, trước khi tham gia vào Shadow Work.

2. MỘT VÀI TIPS TRƯỚC KHI THỰC HÀNH SHADOW WORK:

1. Cân bằng cảm xúc: 
Trước khi thực hành Shadow Work, bạn cần có sự cân bằng về mặt cảm xúc, bình yên từ bên trong. Nếu cảm xúc bạn đang không ổn định, đầu óc nghĩ linh tinh, bạn sẽ khó mà có sự quan sát, nhìn nhận được rõ ràng, tỉnh táo về hành vi của bản thân và những mặt tối của bạn. Bạn có khả năng trở nên gay gắt, phán xét, hoặc sẽ hết sức hoảng loạn, rối trí khi đối mặt với mặt tối bên trong. 
Bởi vậy, để thực hành shadow work hiệu quả, bạn cần ở trong trạng thái điềm tĩnh, cân bằng, cảm xúc trung lập. Bạn có thể thử các phương pháp cân bằng cảm xúc, đưa suy nghĩ về thực tại (grounding techniques) tại bài viết này: [Để bớt suy nghĩ nhiều] Một vài ví dụ về phương pháp cân bằng cảm xúc: hít vào, thở ra thật sâu – cảm nhận 2 chân trên mặt đất; quan sát thực tại xung quanh mình – đưa lý trí về thực tại,…
2. Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với chính mình (Self-compassion): 
Việc xây dựng tình yêu thương, chấp nhận đối với bản thân là tối quan trọng trong hành trình làm việc với bóng tối – bởi lẽ, bóng tối sinh ra do sự xua đuổi, không chấp nhận những phần tính cách của bản thân. Nếu thiếu đi sự trắc ẩn, sự sẵn lòng thấu hiểu, không phán xét, việc thực hành shadow work sẽ phản tác dụng, khiến bóng tối bên trong tiềm thức càng dày đặc, và bạn càng thấy tệ về chính mình nhiều hơn.
Một phương pháp để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với chính mình là “kết nối với trái tim”:
- Đặt sự chú ý của bạn lên trái tim mình – có thể để hai tay lên lồng ngực. 
- Hít vào, bạn cảm nhận trái tim trong lồng ngực mình. 
- Thở ra, bạn nói với trái tim mình rằng: “Cảm ơn bạn!”; “Tôi yêu bạn.”; “Tôi trân trọng bạn.”; “Tôi chấp nhận bạn như chính con người bạn!”
3. Xây dựng sự tự nhận thức (Self-awareness):
Để nhìn thấu được mặt tối của bản thân đòi hỏi một tư duy biết quan sát bản thân (self-reflective) – khả năng nhìn nhận, quan sát hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của chính mình, và sẵn sàng đặt câu hỏi: “Tại sao?” để thấu hiểu chính mình, thay vì đưa ra phán xét.
Một số phương pháp để gia tăng sự tự nhận thức:
- Thiền Chánh niệm: Thiền định giúp bạn tăng khả năng quan sát những suy nghĩ, cảm xúc bên trong mà không phán xét. Bạn có thể đọc bài viết về Thiền ở đây: [THIỀN CHỮA LÀNH]
- Viết ra giấy/điện thoại những cảm xúc, suy nghĩ của mình: Tự hỏi bản thân: “Mình đang cảm thấy như thế nào? Mình đang có suy nghĩ gì về vấn đề này?” – Viết ra – Rồi quan sát, đọc lại những suy nghĩ, cảm xúc đó, chỉ để hiểu bản thân hơn.
- Đặt tên cho cảm xúc: Khi bạn có cảm xúc, suy nghĩ nào, hãy thả lỏng và hỏi bản thân: “Mình đang cảm thấy như thế nào?”. Có lúc bạn cảm thấy bực bội, có lúc bạn thấy ghen tị – không sao cả, miễn là bạn nhận thức được những suy nghĩ, cảm xúc bên trong, thế là đủ
4. Trung thực với chính mình: 
Thành thật với chính mình cũng là một điều rất quan trọng khi làm Shadow Work. Nếu bạn phủ nhận, trốn tránh những nét tính cách, cảm xúc mà bạn “không ưa” ở chính mình, chúng sẽ mãi mãi là “cái bóng” trong bạn, điều khiển bạn trong vô thức. Việc thành thực với chính mình kết hợp với lòng từ bi, thấu hiểu cho bản thân là điều kiện tiên quyết giúp bạn tiến xa khi thực hành Shadow work.

3. PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH SHADOW WORK:

Woohoo, đã đến lúc thực hành! Nhưng để làm việc được với bóng tối, bạn cần biết cái đích của Shadow Work là gì đã.

Mục tiêu của việc thực hành Shadow Work là gì? 

- Đấy là “tích hợp mặt tối” (shadow integration) – Hợp nhất tính cách mặt tối của bạn vào làm một với bạn, rọi sáng lên vùng tối bên trong nhận thức của bạn. Nói đơn giản hơn: Tích hợp cái bóng là việc đưa những mặt tối tính cách bị ẩn trong tiềm thức vào trong nhận thức của bạn.
- Việc tích hợp cái bóng đòi hỏi qua các bước: 1. Nhận thức được cái bóng; 2. Chấp nhận cái bóng; và 3. Biến cái bóng thành một phần trong tính cách, bản ngã (ego) của bạn – Shadow work.

Làm sao để nhận thức được “cái bóng” bên trong?

1. Sự phóng chiếu (projection):
Như đã bàn ở phần 1, những gì bạn từ chối chấp nhận ở chính bạn, bạn sẽ thấy nó ở người khác – đây chính là “sự phóng chiếu”. Những nét tính cách bạn không chấp nhận được ở người khác phản chiếu những nét tính cách mà bạn không chấp nhận được ở bản thân bạn – hay chính là “bóng tối” của bạn.
Ví dụ: Bạn rất ghét một người vì người đấy “kiêu ngạo”, không quan tâm đến người khác – thì khả năng cao là bạn cũng sở hữu những nét tính cách đấy ở bên trong chính bạn, và quan trọng hơn, những nét tính cách đấy còn nằm trong phần “bóng tối” của bạn – chưa được bạn nhận thức, thấu hiểu, chấp nhận (Vì nếu bạn thấu hiểu rằng bạn cũng có những mặt tối này – thì bạn sẽ cảm thông được cho người ta, thay vì căm ghét họ đến thế).
Để nhận thức được sự phóng chiếu, bạn cần để ý đến cách bạn nhìn nhận thế giới và những người xung quanh – bởi những gì bạn thấy được ở người khác, bạn cũng sở hữu những nét tính cách đấy bên trong mình! Đặc biệt, bạn cần để ý tới những nét tính cách làm bạn thấy hết sức khó chịu ở người khác, bởi những nét tính cách đấy đang nằm trong “vùng tối” của nhận thức bạn.
Ví dụ: Khi thấy người khác tỏ ra giận giữ, bạn thấy hết sức bực mình, khó chịu – thì hãy xem xét lại, liệu rằng có phải bạn cũng chưa chấp nhận, làm chủ được nét tính cách “hung hăng” (aggression) bên trong bạn hay không. Có thể bạn là người hay bị nổi giận, buông ra lời cay nghiệt trong vô thức, hoặc nổi giận thụ động (passive aggressive) – không dám thẳng thắn bảo vệ quan điểm của mình mà luôn để người khác đàn áp, rồi chỉ biết giữ chặt căm hờn trong lòng. Như vậy, tính “hung hăng” là một phần thuộc “cái bóng” của bạn.
Bên cạnh để ý tới những nét tính cách làm bạn thấy khó chịu ở người khác, hãy để ý luôn cả những tính cách làm bạn ngưỡng mộ ở người khác – bởi những nét tính cách mà bạn ngưỡng mộ ở người khác thì bạn cũng sở hữu, có thể bạn chưa làm chủ, nhận thức được những tính cách này mà thôi!
Ví dụ: Bạn hâm mộ một người vì họ là người có tâm hồn tự do, phóng khoáng, dễ kết bạn. Nếu bạn nhìn nhận ra được những điểm này ở họ, thì khả năng cao là bạn cũng sở hữu những tố chất này, chỉ là bạn chưa nhận ra ở chính mình mà thôi.
2. Sự kích động cảm xúc (Emotional triggers):
Khi cảm xúc của bạn bị kích động, “mặt tối” xuất hiện, thì thay vì phản ứng ngay tức thì, bạn hãy hít vào một hơi thật sâu và hỏi bản thân: “Tại sao mình cảm thấy như thế này? Điều gì làm mình thấy bị kích động?”. Nếu mỗi khi bị kích động và bạn phản ứng lại ngay lập tức, thì bóng tối bên trong bạn sẽ dày thêm, và khả năng điều khiển bạn trong vô thức của cái bóng lại càng gia tăng.
Ví dụ: Khi người yêu của bạn nói chuyện với một người khác giới cuốn hút, và nỗi lo sợ, ghen tuông nảy sinh, thì hãy dành cho mình thời gian hít vào, thở ra, tự vấn bản thân: “Tại sao mình lại thấy ghen tuông đến vậy?”. Việc thấu hiểu này giúp bạn nhận thức được một mặt tối của chính mình – sự ghen tuông – và từ đó dần học cách đào sâu về nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. “Mình thấy ghen vì mình sợ mình không đủ thu hút, mình sợ bị bỏ rơi”. Như vậy, “nỗi sợ bị bỏ rơi”, sự ghen tuông – là một phần bóng tối của bạn mà bạn cần học cách chấp nhận, thấu hiểu (bởi nếu bạn không chấp nhận là bạn “đang ghen”, thì sự ghen tuông, nỗi sợ này sẽ luôn điều khiển hành vi của bạn trong vô thức).
3. Những khuôn mẫu lặp đi lặp lại (patterns):
Với phương pháp này, bạn cần quan sát lại những vòng lặp trong cuộc đời bạn.
Ví dụ: Bạn luôn gặp đi gặp lại một kiểu người trong mối quan hệ; các mối quan hệ liên tục đổ vỡ vì cùng một lý do;…
=> Sau đó, quan sát hành vi của bản thân qua những vòng lặp này. 
Ví dụ: Bạn luôn gặp đúng một kiểu người trong mối quan hệ – kiểu người không biết tôn trọng bạn – như vậy, mặt tối của bạn có thể là do bạn chưa biết cách tôn trọng chính mình, chưa biết cách xây dựng ranh giới trong mối quan hệ,…
4. Tự vấn – viết nhật ký:
Dưới đây là 3 câu hỏi để bạn tự vấn và làm quen với mặt tối bên trong mình:
* Mình ghét phần tính cách nào bên trong mình?
* Mình phán xét những nét tính cách nào ở mình?
* Mình sợ những nét tính cách nào ở mình?
Khi bạn viết câu trả lời cho 3 câu hỏi trên, một phần của “cái bóng” trong bạn sẽ dần dần được hé lộ ra.

Phương pháp thực hành làm việc với bóng tối: 

1. Chiêm nghiệm:
Vào mỗi cuối ngày, dành từ 10-15’ chiêm nghiệm, viết lại những hành vi của mình trong ngày, đặc biệt vào những thời điểm bạn có những phản ứng cảm xúc mãnh liệt. Hãy tự vấn bản thân: “Tại sao mình hành xử như vậy? Nguồn gốc của phản ứng này, cảm xúc này đến từ đâu?”
Mỗi khi bạn dành thời gian quan sát lại những phản ứng cảm xúc mãnh liệt này của bản thân, bạn sẽ càng thấu hiểu hơn về mặt tối bên trong. Hãy học cách làm quen với mặt tối này, chấp nhận nó, biến nó thành một phần trong nhận thức của bạn (thay vì chối bỏ nó đi), thì lần sau, mỗi khi mặt tính cách này xuất hiện, bạn sẽ thấu hiểu nó hơn, và không còn bị cái bóng “giật dây” trong vô thức nữa.
Bên cạnh chiêm nghiệm về hành vi của bản thân, hãy chiêm nghiệm lại cả về những người làm bạn khó chịu mà bạn gặp trong ngày. Tự hỏi bản thân: “Nét tính cách ở người ta mà mình rất ghét là gì?” – Từ đó, xem xét lại bên trong mình liệu rằng mình có những nét tính cách tương tự hay không.
⇒ Khi chiêm nghiệm, viết nhật ký (journal), bạn cần tập trung vào những con người, sự việc gây ra những cú kích động về cảm xúc bên trong bạn. Bất kể cảm xúc đó, con người đó là ai, họ đều đại diện cho một phần tối trong bạn đang bị bạn xua đuổi, không chấp nhận.
2. Thách thức “mặt sáng” trong bạn: 
Ai ai cũng thích làm người tốt, “trai tốt”, “gái ngoan”, “người đàn ông/người phụ nữ tuyệt vời” – và cái giá của cái nhãn “người tốt” (nice guy/girl) đấy thì không hay ho tí nào – bởi những nhãn dán đấy tạo ra sự cách biệt của mặt tối và mặt sáng trong tâm lý mỗi người.
Để thách thức mặt sáng, cái nhãn “người tốt”, thì bạn cần viết ra tất cả những nét tính cách mà bạn cho là tuyệt vời ở bản thân. Sau đó, BÔI ĐẬM những nét tính cách hoàn toàn trái ngược, đặc biệt là những tính cách mà bạn cảm thấy căm ghét. Hãy tìm kiếm những mặt tối – những tính cách mà bạn không ưa đấy – ở bên trong bạn.
Ví dụ: Bạn tự hào vì bạn là người “vị tha, luôn vì người khác” – thì mặt tối của bạn là “sự ích kỷ, quan tâm đến lợi ích cá nhân”. Tính cách “ích kỷ” là một phần thuộc bóng tối của bạn, liên tục điều khiển bạn trong vô thức. 
⇒ Học cách “tích hợp” bóng tối của bạn vào nhận thức bằng cách chấp nhận rằng: Chẳng sao cả nếu bạn ích kỷ, chẳng sao cả nếu bạn quan tâm đến lợi ích của mình đầu tiên. 
=> Mặt tối của bạn chẳng hề tồi tệ hay tốt đẹp hơn mặt sáng, quan trọng là cần chấp nhận mặt tối trước đã, rồi dần dần cân bằng cán cân giữa mặt tối và mặt sáng (ví dụ: cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của mọi người).
3. Đối thoại nội tâm:
Tự nói chuyện với chính mình một cách chủ động – đối thoại nội tâm – là một phương pháp hay ho để bạn có thể gắn kết với bóng tối của chính bạn. 
Bạn có thể tự kết nối với bóng tối của chính mình bằng cách ngồi ở một nơi thật yên tĩnh, nhắm mắt lại, và hỏi “cái bóng” bên trong bạn rằng: “Cái bóng, bạn muốn chia sẻ với mình điều gì? Bạn muốn mình biết gì về bạn?”
→ Hỏi xong, giữ yên lặng, để cái bóng tự trả lời – bằng hình ảnh, âm thanh, ngôn từ – tuỳ ý. Ngay khi có câu trả lời, bạn có thể viết ra giấy những thông điệp từ cái bóng, hoặc thậm chí, bạn còn có thể nói chuyện được với cái bóng của mình.
⇒ Lưu ý: Khi nói chuyện với cái bóng, hãy lựa chọn thái độ lắng nghe, thấu hiểu, và yêu thương, trân trọng cái bóng của bạn – đừng tìm cách chỉnh sửa, ép nó phải nghe theo lời bạn.
Khi mình thực hiện phương pháp “đối thoại nội tâm” này, cái bóng của mình đã chỉ ra cho mình những mặt tối hết sức “khác biệt” (thậm chí bạo lực, đáng sợ) mà mình chưa bao giờ nhận ra ở bản thân. Tuy nhiên, thay vì phán xét cái bóng, mình lựa chọn thấu hiểu, yêu thương, chấp nhận nó, và cái bóng cũng đã chỉ ra cho mình nguyên nhân, tổn thương gốc từ tuổi thơ mình – lý do “cái bóng” (vùng tối tính cách) này – ra đời. 
⇒ Bởi vậy, hãy luôn lựa chọn thái độ chấp nhận, yêu thương, lắng nghe cái bóng của mình, thay vì phán xét nó – bởi cái bóng chính là bạn, là một phần của bạn. Nếu bạn còn phán xét chính mình, những mặt tối đấy ở bản thân, thì còn ai có thể yêu thương, thấu hiểu cho bạn nữa?
Ngoài 3 cách trên, còn một số phương pháp khác như khám phá các nguyên mẫu bóng tối (Shadow Archetypes), Thôi miên hồi quy kiếp trước, sử dụng các công cụ bói toán (Divination tool) như: Bài Tarot, Chiêm tinh học,… để thấu hiểu hơn về bóng tối của mình. Tuy nhiên, mình chỉ giới hạn bài viết đến đây – như một lời mời để bạn bắt đầu cuộc hành trình đi sâu, khám phá bản thân, khám phá thế giới nội tâm sâu kín mà ẩn chứa đầy bất ngờ, đầy món quà đáng giá trong bạn. 
Kết bài, mình gửi bạn câu trích dẫn từ Carl Jung: 

One does not become enlightened by imagining figures of light, but by making the darkness conscious.

Người ta giác ngộ được không phải nhờ tưởng tượng ra những đấng quang minh (ánh sáng) mà nhờ ý thức được bóng tối trong mình.

- Carl Jung

Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Mystic Cat Lady

Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady 
---
NGUỒN TÀI LIỆU CHO BÀI VIẾT: