Một trong những điều khá hối hận trong thời phổ thông là những bài văn của mình chẳng bao giờ có dấu ấn riêng.


Mình sẽ không đổ lỗi cho sự dạy dỗ của thầy cô, cho sự ảnh hưởng từ những bài văn, bài giảng mẫu. Ngày đó không vui vẻ gì khi viết văn, đơn giản chỉ vì chẳng biết viết mà thôi. Suy nghĩ ngày đấy chẳng đủ để viết gì ấn tượng. Thật sự :P. Và giả như có thích điều gì đó đến mức muốn viết ra, thì lại sợ rằng “thế giới của mình” quá xa lạ, quá kỳ cục. Có lẽ đã luôn sợ rằng mình sẽ nói lên một góc nhìn khác biệt chăng :3


Nếu có cơ hội viết lại những bài tập làm văn ngày nữa, vẫn sử dụng thế giới quan của một đứa trẻ, mình chỉ hy vọng mình đã có can đảm viết lên cảm nhận thực của mình.


Ví dụ như miêu tả về gia đình em, sẽ không bối rối đến nỗi ép buộc mình phải vẽ nên một khung cảnh đẹp, như thể bố mẹ và anh trai luôn để ý đến bài vở và giúp đỡ em học bài. Thực tế thì không “hình mẫu” thế đâu. Bố mẹ em đi làm về rất muộn, em làm bài một mình và chơi với bà. Nếu như hỏi bài anh trai thì được dăm ba câu là anh trai em mắng em, vì em chẳng hiểu gì cả khi anh dùng kiến thức cấp 3 để giải bài cấp 2 :((. Và nếu viết bài văn nói về loại cây em yêu thích, em sẽ thừa nhận rằng em chẳng thích cây, hoa em cũng chẳng thích luôn. Em chỉ hay nhìn thấy cây bàng ở trước nhà, nên ừ em sẽ tả nó vậy. Hoặc nữa, nếu cô bảo em phân tích nhân vật trong truyện Kiều, em sẽ bảo rằng: Ủa, em chẳng hiểu gì về cô Kiều hết, ngoại trừ việc cổ xinh đẹp, cô bán mình chuộc cha và cổ cô đơn ở lầu Ngưng Bích. Những cái đó ­em nói thật ­đâu đã đủ để nói gì về một con người. Và vì em không hiểu mấy về Kiều, dưới đây là những gì em ­được ­học về cổ, em xin phép được viết. Em nhắc lại, đây không phải suy nghĩ của em đâu nha, em chẳng có suy nghĩ gì về cô Kiều cả..


Nếu có cơ hội làm văn phổ thông một lần nữa, liệu bạn có thành thực với mình hơn không?