Nếu biết trăm năm là hữu hạn- những lời tâm tình mộc mạc và sâu lắng ẩn sau một cái tên lãng mạn.
Nếu biết trăm năm là hữu hạn, hơn một cuốn sách, đó là suy tư của cả đời người.
Chúng ta chẳng thể mong đợi một cuốn sách kinh tế hay chính trị với những kiến thức khoa học được nghiên cứu kĩ lưỡng và xác nhận bằng thật nhiều thí nghiệm với cái tên Nếu biết trăm năm là hữu hạn. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ một cuốn tản văn nhẹ nhàng, lắng đọng, được chắp bút bởi “những” tay viết từng trải với tâm hồn bình lặng và tinh tế.
Phạm Lữ Ân- tác giả của cuốn sách, là bút danh chung của hai vợ chồng nhà báo Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy. Với những người yêu mến văn học Việt Nam hiện đại, đây chắc chắn là hai cây bút rất thân thuộc và gần gũi.
Để miêu tả những áng văn của vợ chồng tác giả nói chung và của Phạm Lữ Ân trong cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn nói riêng, “mộc mạc”, “giản dị”, “sâu sắc” và “yên bình” có lẽ là những từ khóa phù hợp nhất. Phạm Lữ Ân không viết về những gì xa vời ngoài kia, không viết về những đao to búa lớn trên đời, tác giả viết về những điều rất nhỏ, rất gần, rất thân thuộc, như gia đình, tuổi thơ, bạn bè...- những điều đã xuất hiện trong bất kì áng văn nào của bất kì tác giả nào. Nhưng điều khiến các tác phẩm của Phạm Lữ Ân được ưa chuộng trước hết là góc nhìn mới mẻ, những thông điệp lắng đọng ẩn dưới làn chữ êm đềm và nên thơ.
Nhà văn sử dụng ngôi thứ nhất để kể về những chuyện thường nhật, với góc nhìn của cá nhân, không hoa mĩ, không cầu kì. Chẳng phải cứ dùng những ngôn từ hoa mĩ với thật nhiều phép tu từ mới là những áng văn hay: “Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh. (trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn), một áng văn hay nên là một áng văn chạm được trái tim của độc giả. Và Phạm Lữ Ân chính là tác giả của thật nhiều áng văn hay.
Mình mua cuốn sách vào khoảng thời gian mệt mỏi và chênh vênh mà bất kì đứa trẻ đang lớn nào cũng phải trải qua. Thú thật, mình mua nó chỉ vì cái tên lãng mạn hoàn toàn khác biệt so với những “Việt Nam sử lược”, “Bố già”, “Tư duy nhanh và chậm” trên tủ sách. Có lẽ lúc đó thứ mình cần là một cái ôm ấm áp và một sự an ủi nhẹ nhàng từ những con chữ xinh đẹp nằm gọn gàng trên trang giấy trắng. Và cảm ơn tác giả Phạm Lữ Ân, cảm ơn Nếu biết trăm năm là hữu hạn vì đã làm được điều đó. Cuốn sách như áng mây bồng bềnh, êm dịu, đưa mình quay ngược quá khứ rồi lại trở về hiện tại, qua những câu chuyện của “một người bạn” đến chính tác giả, rồi đâu đó soi chiếu vào chính tâm hồn mình, rồi đặt mình trở lại căn phòng nhỏ với cuốn sách bìa xanh trước măt để suy ngẫm về những gì vừa trải nghiệm. Nó khiến mình suy tư về những gì gần gũi nhất, nhỏ bé nhất, những gì đã bỏ quên trên con đường tìm kiếm những giá trị (mà mình cho là) lớn lao, để rồi giật mình nhận ra thật nhiều điều quý giá.
Mình thích đọc đi đọc lại Nếu biết trăm năm là hữu hạn và mỗi lần đọc lại ngẫm ra một vài điều mới mẻ. Quá trình ấy chưa bao giờ kết thúc, nó không bao giờ khiến mình nghĩ bản thân đã hiểu tất cả những gì mới đọc. Có lẽ nhiều năm sau, khi mình bằng tuổi tác giả, trải nghiệm đủ và suy ngẫm nhiều, mình mới hiểu hết những gì Phạm Lữ Ân gửi gắm trong cuốn sách.
Nếu biết trăm năm là hữu hạn không dành riêng cho bất kì ai cả. Nó dành cho tất cả mọi người. Cuốn sách không chỉ dành riêng cho những người trẻ chênh vênh trước ngã rẽ của cuộc đời, cũng không chỉ dành cho những người đã bắt đầu nghỉ ngơi sau chặng đường dài mỏi mệt, nó dành cho tất cả chúng ta: những con người biết yêu thương và cần được yêu thương.
Nếu biết trăm năm là hữu hạn, hơn một cuốn sách, đó là suy tư của cả đời người. Hãy đọc cuốn sách như nghe một bản hòa ca, như ngắm một tác phẩm nghệ thuật, như đắm mình vào dòng nước mát, hãy đọc cuốn sách bằng cả tâm hồn.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất