Nên chọn ngành học gì? Có nhất thiết phải học Đại Học? Kinh nghiệm dành cho các em THPT
Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho các bạn chọn ngành học theo phương pháp phân tích ngược. Đó là: Tìm hiểu công việc -> Nắm được yêu cầu và các kỹ năng cần thiết cho công việc mình muốn hướng tới -> Học và trau dồi
Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho các bạn chọn ngành học theo phương pháp phân tích ngược. Nghĩa là, thay vì như thông thường, một số bạn sẽ chọn ngành học -> Chọn công việc -> Học việc & trau dồi kỹ năng rồi mới bắt đầu sự nghiệp, thì mình sẽ chia sẻ theo hướng ngược lại. Đó là:
1. Tìm hiểu công việc
2. Nắm được yêu cầu và các kỹ năng cần thiết cho công việc mình muốn hướng tới
3. Học và trau dồi
Phương pháp này mình nghĩ sẽ áp dụng chung cho tất cả những bạn đã, đang và sẽ là đối tượng lao động.
Cải thiện tư duy trước khi bước vào đời
Ngày mình còn bé, hay được các anh chị đi trước bảo rằng: “học thì cũng chỉ là học, ra trường đi làm khác lắm, đi làm rồi bắt đầu học lại từ từ”. Ngày nay, khi đã trưởng thành và ngẫm lại mình thấy tư duy đó tai hại thật sự! Nhiều bạn có tư duy cứ vác CV đi tìm việc rồi học từ từ. Không biết học từ từ sẽ biết. Thời mình là vậy, nhưng mình nghĩ thời nay khác nhiều rồi, các bạn được tiếp cận thông tin từ internet từ rất nhiều nguồn từ rất sớm. Vì vậy, các bạn có thể chủ động tìm hiểu được bất cứ thứ gì mà mình muốn, ngay cả công việc cũng vậy.
Thử nghĩ xem, một bạn học ra rồi lơ ngơ đi rải CV > lên phỏng vấn > vào học việc sao dễ dàng và đắt giá bằng một bạn biết mình muốn gì, đã hiểu rõ và có kỹ năng đáp ứng được công việc?
Thật sự ở góc độ nhà tuyển dụng, một ứng viên sẽ gây ấn tượng khi đã tìm hiểu rõ về công ty, biết được công việc và có đủ kỹ năng cho vị trí mà họ tìm kiếm.
Cần lưu ý gì trước khi lựa chọn ngành học?
1. Xác định được học xong rồi sẽ thế nào?
Mình thấy đây thật sự là một vấn đề rất rất phổ biến mà các bạn khi chọn ngành học không xác định được mục tiêu sự nghiệp ngay từ đầu.
Ngày trước mình cũng vậy, không có ai định hướng, thông tin cũng còn hạn chế, chưa thật sự được tiếp cận dễ dàng như hiện tại. Vì vậy, ngày đó mình cứ nghĩ “thấy ai cũng học quản trị kinh doanh (ngành đang “hot” thời của mình), với lại nghe nó cũng “kêu kêu”, học ra đi làm quản lý, làm sếp, làm doanh nhân các kiểu”. Nhưng lúc đó, mình đã hình dung được làm mấy cái nghe “kêu kêu” kia là làm cái gì đâu, cứ thế lao đầu vào học và mình thấy đây cũng có thể là một trong những bước đi khá sai lầm trong cuộc đời mình. Giờ ngẫm lại, mình cũng không có được kiến thức hay kỹ năng gì phục vụ cho công việc sau này. Há chẳng phải là lãng phí thời gian cũng như chi phí theo học mấy năm hay sao? Nếu lựa chọn phù hợp hơn, mình đã có khá nhiều thời gian để rèn giũa kỹ năng phục vụ cho công việc, ước muốn sau này hơn.
Rồi mình cũng có đứa bạn vì đủ điểm nguyện vọng 2 vào được một trường khá danh tiếng trong nước mà lao đầu vào học. Bạn ấy học ngành bên hệ nghiên cứu, nhưng tư tưởng thì lại thiên hướng thương mại, muốn kiếm thật nhiều tiền. Bạn cũng nỗ lực học hành thật chăm chỉ, là học sinh ưu tú với kết quả khá ấn tượng. Nhưng mãi đến khi đi thực tập, bạn mới nhận ra rằng công việc nghiên cứu sao nó chán thế, cứ mãi trong phòng lab, bạn muốn ra ngoài kia va chạm, tiếp xúc với nhiều người. Ngoài ra, qua dò hỏi mấy đàn anh đi làm ở phòng lab, bạn còn thấy mức lương quá bèo bọt, không như truy cầu và mong đợi của bạn. Để rồi sau khi tốt nghiệp, bạn lại theo một con đường trái ngược hoàn toàn với ngành học của mình, những 4 năm học hành chăm chỉ nhưng kiến thức hầu như không phục vụ nhiều cho công việc.
Mình không phủ nhận khả năng các bạn làm việc trái ngành có thể thành công và vẫn làm việc cực giỏi. Nhưng thử nghĩ, ở ngay cái độ tuổi cực nhạy, đầu óc nhanh nhẹn, dễ tiếp thu và nhiệt huyết đó, nếu các bạn dành 3-4 năm học này để theo đuổi đúng mục tiêu của bản thân ngay từ ban đầu thì bạn có thể có thật nhiều thời gian và môi trường để rèn giũa kỹ năng và trau dồi kiến thức thì sẽ rút ngắn thời gian tiếp cận được đúng công việc hay sao? Chưa kể con đường sự nghiệp về sau của bạn cũng sẽ nhàn hơn.
2. Làm thế nào để xác định được mình thích và phù hợp với công việc gì?
Trước tiên, các bạn cần biết khi làm một công việc gì bất kỳ, nó sẽ bao gồm cả những thứ mình thích, mình chấp nhận làm, và cả ty tỷ những công việc liên quan không tên khác mà có thể bạn sẽ không thích nhưng vẫn phải đối mặt trong suốt quá trình làm việc. Vì vậy, các bạn cần xác định rõ mục tiêu của bản thân lý do vì sao bạn lựa chọn công việc đó? Bạn phải đủ kiên nhẫn hoặc đam mê, hoặc cả sự chịu đựng đủ nhiều để vượt qua được những sự khó khăn đó.
Gợi ý và hệ thống các bước để reseach CV một cách đơn giản:
Bước 1: Tìm thông tin công việc qua các web tuyển dụng: tham khảo ngành nghề, mô tả và yêu cầu công việc, thu nhập,... qua một số web như:
…
Sau khi đã có cái nhìn tổng quát về CV, hãy lựa chọn ra một số ngành nghề/lĩnh vực cụ thể mà bản thân nghĩ mình có hứng thú và sẽ cố gắng để đạt được đủ yêu cầu mà CV đề ra.
Bước 2: Bắt đầu tìm hiểu và xem review về ngành nghề/lĩnh vực đó. Ngày nay, thông tin được chia sẻ rất nhiều, các bạn cứ gõ Google vào xem trên các trang blog, forum chia sẻ việc làm hoặc search các hội nhóm trên facebook (mình research một vòng thì thấy hầu như ngành nghề nào hiện tại cũng có rất nhiều hội nhóm với số lượng thành viên lên đến vài trăm nghìn người).
Vì sao cần xem review? Lý do là vì các anh chị đi trước đã có những trải nghiệm thực tế trong công việc. Ngoài kiến thức, niềm vui, lương thưởng thì chắc chắn công việc nào cũng đi kèm những vấn đề rắc rối và những khó khăn mà bạn không thể hình dung tới. Vì vậy, hãy đọc để biết được những góc khuất trong CV mà bạn có thể sẽ đối mặt khi lựa chọn ngành nghề này.
Thậm chí, nhiều anh chị có kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ luôn sẵn sàng chia sẻ nếu bạn mạnh dạn hỏi. Tuy nhiên, chỉ hỏi khi bạn đã cố gắng tìm hiểu thông tin rồi mà vẫn còn thắc mắc, đừng đụng đâu hỏi đó và hỏi vu vơ nhé.
Bạn nên nhớ, bạn có thể sẽ bỏ mấy năm trong cuộc đời để chuẩn bị hành trang vào đời. Vì vậy, đừng ngại bỏ vài ngày, hoặc thậm chí là tháng để tìm hiểu và xác định con đường sự nghiệp cho bản thân.
Không đi học Đại Học liệu có việc làm thu nhập ổn không?
Sẽ làm gì nếu sau 12 không học Đại Học?
Bạn cảm thấy không muốn đi học Đại Học vì nhiều lý do: không muốn xa nhà (trường hợp ở nơi bạn sống không có ngành học bạn muốn), bạn không có đủ điều kiện để theo học Đại Học? Bạn cảm thấy 3-4 năm chỉ để học lý thuyết quá dài và bạn không đủ kiên nhẫn?
Chẳng sao cả, bạn có thể không đi học Đại Học. Nhưng việc bạn phải học là bắt buộc. Việc học và tiếp thu thông tin ngày nay chúng ta có thể tiếp cận từ rất nhiều cách như:
Cách 1: Theo học 1 vài khóa học ngắn hạn và tự rèn giũa kỹ năng.
Cách 2: Tự học và tìm hiểu ở nhà như:
- Thông qua thông tin/tài liệu trên internet.
- Tham gia vào các hội nhóm trên các forum và mạng xã hội để học hỏi kinh nghiệm và có cái nhìn tổng quan về nghề nghiệp.
- Theo dõi các trang/blog chia sẻ từ các anh chị đi trước.
Cách 3: Học nghề tại các trường Cao đẳng nghề/Trung cấp nghề hoặc các cơ sở đào tạo nghề chuyên biệt: thường thời gian đào tạo sẽ ngắn hơn và chi phí học cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với theo học Đại Học.
Nếu có bằng cấp bổ trợ hẳn là tốt và dễ dàng tìm việc rồi. Nhưng ngày nay, có rất nhiều doanh nghiệp và nhà tuyển dụng họ không quan tâm quá nhiều đến bằng cấp. Như mình đã chia sẻ ở trên về việc gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, nếu bạn hoàn toàn giải quyết được vấn đề của họ, bạn có thể làm việc ngay cực kì tốt, bạn có thể pass test cũng như có những sản phẩm tự chế hoàn hảo của riêng mình thì sẽ có nhiều nhà tuyển dụng mong đợi đấy.
E ngại học nghề ra trường lương sẽ thấp và không có tương lai?
Trước tiên, cần hiểu rõ khó khăn khi tìm việc sau khi tốt nghiệp giữa các bạn sinh viên Đại Học mới ra trường so với các bạn được đào tạo nghề có thể làm việc ngay.
Ngày xưa, tại Việt Nam mình giáo dục chưa dễ tiếp cận, vì vậy các bạn cử nhân Đại Học, thạc sĩ còn hạn chế. Trong khi, thợ làm nghề lại chiếm khá cao vì lúc đó nói chung là đất nước còn quá nghèo, không phải là thế giới mở như ngày nay. Từ đó, theo quy luật cung cầu thì số lượng cử nhân và thạc sĩ khá ít nên sẽ có giá trị cao hơn và thợ thì nhiều quá nên giá trị thấp hơn rất nhiều kèm theo đồng lương cũng vậy.
Nhưng hiện tại, khi xã hội phát triển hơn thì số lượng cử nhân, thạc sĩ, và thậm chí là các bạn du học sinh quá nhiều. Trong khi, vì tâm lý trước giờ là làm thợ thu nhập thấp và không được đánh giá cao nên số lượng theo học nghề cũng giảm đi so với trước. Vì vậy, thu nhập giữa 1 người thợ và 1 nhân viên văn phòng không chênh lệch nhiều.
Thậm chí, thợ lành nghề sẽ có thu nhập cao lên đến 20-30 triệu, chỉ cần bạn chăm chỉ và chuyên tâm làm việc. Mức này ngang ngửa vị trí manager của nhiều doanh nghiệp - trong khi tỷ lệ chọi để bạn trở thành manager không hề thấp đâu nhé! Các bạn cử nhân mới tốt nghiệp sẽ khá chật vật sau khi ra trường nếu các bạn chỉ đơn giản là học trên trường mà không trau dồi thêm bất cứ kỹ năng gì. Ngược lại, nếu được đào tạo nghề xong là đã có thể làm việc ngay được rồi.
Đó là chưa kể nếu bạn là một thợ giỏi có tay nghề lâu năm, bạn có thể trở thành thợ cả, thầu dự án hoặc thậm chí là làm việc ở nước ngoài với mức thu nhập cao không tưởng. Những công việc như thợ hàn, thợ cơ khí,... có tay nghề cũng được nhiều nước cực kì săn đón vì thiếu nhân lực khá nhiều, bạn có thể bổ sung một ít ngoại ngữ và tìm hiểu để có được những công việc này
Vì vậy, nếu bạn thấy nuốt chữ không nổi khi đến trường thì hoàn toàn có thể học nghề. Bởi vì, tại những trường nghề, bạn sẽ được hướng dẫn thực hành khá bài bản, sau khi học xong đảm bảo bạn sẽ có đủ tay nghề để ra xin làm việc ngay. Vì vậy, hãy hiểu rõ và đánh giá được thực lực của bản thân. Đừng ép buộc bản thân mình phải cố sức theo học một ngành Đại Học. Đừng e ngại chọn một nghề theo học.
Thông tin và yêu cầu công việc có thể tìm ở đâu?
Các bạn có thể search dạo qua một vòng thị trưởng tuyển dụng (qua các website chuyên tuyển dụng/group trên Facebook,...) để nắm được thị trường việc làm và mức lương thưởng của các ngành nghề này. Những thông tin này có thể dễ dàng tiếp cận trên internet.
Gợi ý một số web có thể search tham khảo thông tin, yêu cầu CV:
P/S: Mình có đứa em năm nay lớp 12 vẫn chưa biết nên theo ngành nào, có một hôm em ấy hỏi mình “chị có thể chia sẻ về ngành học của chị không?”. Lúc đó, mình cũng chỉ bông đùa vài câu qua loa vì cũng khá là khó trả lời cho chỉnh chu được. Nên mình viết bài này để hệ thống lại những chia sẻ mà bản thân đã trải nghiệm qua cho các em còn đang ở lứa tuổi sắp trưởng thành và gặp khó khăn trong sự lựa chọn ngành học. Hy vọng sẽ hữu ích cho các em!
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất