Mình giảng dạy các môn ngoại khóa chuyên sâu cho trẻ ở một trường ngoại khóa tại Sài Gòn. Môn học mình yêu thích nhất là môn Thông minh cảm xúc - ở môn học này, các con được tìm hiểu về các loại cảm xúc khác nhau. Ví dụ ở bài học về “cảm xúc ghen tỵ” con được học cách nhận diện cảm xúc ghen tỵ, nó thường xuất hiện trong những tình huống nào, biểu hiện của cơ thể khi mình có cảm xúc ghen tỵ ra sao, và con nên làm gì trong tình huống đó.
Format chung của một bài học luôn luôn bắt đầu bằng việc con học cách nhận diện ra cảm xúc đó là gì? Gọi tên được nó. Cảm xúc đó thường xuất hiện trong những tình huống nào? Ở trường hợp này tại sao con lại có cảm xúc đó? Khi con có cảm xúc đó cơ thể con có những biểu hiện gì? Con nghĩ gì khi cảm xúc đó xuất hiện? Và con nên làm gì khi cảm xúc đó ghé tới?
Trong quá trình đồng hành cùng trẻ, và tự thực hành với chính mình, mình nhận được rất nhiều bài học về cảm xúc, về EQ, về cách chăm sóc và nuôi dưỡng bên trong chính mình. Để rồi mình nhận ra rằng, không chỉ đối với trẻ em, người lớn chúng ta cũng rất cần học thêm về thông minh cảm xúc, và nhiều khi ta đang đối xử với những cảm xúc ghé đến bằng những thói quen mà không hề ý thức được những thói quen đấy có phải là cách tốt nhất mà mình nên hành xử hay không? Những cảm xúc tích cực như vui vẻ, hào hứng  ít ảnh hưởng đến đời sống của mình, nhưng nếu chưa biết cách ứng xử đúng với những cảm xúc tiêu cực, nó sẽ là một rào cản, khiến cuộc sống chúng ta khó khăn hơn.
Source: Internet

1. Nhận diện cảm xúc

Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong hành trình mình thực hành và cải thiện thông minh cảm xúc. Muốn giải quyết bất kì thứ gì, trước hết bạn phải nhận diện và gọi tên được nó, cảm xúc cũng vậy. Chúng ta thường chủ quan và cho rằng mình đã gọi tên và nhận diện đúng tất cả các cảm xúc ghé tới, nhưng chưa chắc đâu nhé. Có rất nhiều trường hợp mình cảm thấy khó chịu, bực bội mà không biết mình đang có cảm xúc gì lúc đó. Những lúc như thế, mình thường nghĩ kĩ xem, mình đang có cảm xúc gì, mình cảm thấy khó chịu vì mình tức giận hay mình ghen tỵ, hay lo lắng, hay hồi hộp…. Và nếu chưa nhận diện và gọi tên được cảm xúc, mình sẽ gặp khó khăn trong quá trình làm lắng dịu cảm xúc và lấy lại trạng thái cân bằng.

2. Tìm hiểu nguyên nhân

Trong một khóa học về giao tiếp dành cho người hướng nội của Compassion.vn, mình học được từ Coach Kh một kiến thức về cảm xúc mà mình rất tâm đắc, đó là “đằng sau mỗi cảm xúc là một nhu cầu cần được thỏa mãn”. Mỗi cảm xúc là một tín hiệu cho thấy đang có điều gì đó bất thường xảy ra, tại sao mình lại cảm thấy vui vẻ, phấn chấn trong trường hợp này, tại sao mình lại tức giận, nổi nóng trong trường hợp kia. Liệu có phải ở tình huống nọ, một câu nói vô tình của ai đó đã đụng chạm đến cái tôi hay lòng tự trọng của mình nên mình mới tức giận và khó chịu không? Vậy lý do mình tức giận và khó chịu là gì? Liệu có phải nhu cầu lúc đó của mình là nhu cầu được công nhận – một trong những nhu cầu thiết yếu trong tháp nhu cầu của Maslow hay không?
Cứ lần theo tín hiệu và sợi dây liên kết đó, bạn sẽ tìm về sâu bên trong những nhu cầu của mình, để biết rằng, nhiều khi cái tôi của mình còn quá lớn nên mình mới dễ dàng tức giận và bị tổn thương, nhiều khi mình thấy hào hứng, vui vẻ vì nhu cầu nào đó của mình vừa được thỏa mãn. Mặc dù không phải bất kì cảm xúc nào cũng bắt nguồn từ một nhu cầu sâu xa, nhưng mình tin cứ lần theo tới cùng những dấu hiệu của cảm xúc, bạn không chỉ biết được nguyên nhân tại sao cảm xúc xuất hiện, bạn sẽ còn khám phá ra rất nhiều điều đặc biệt, riêng có ở bản thân mình.
Source: Internet
Cứ như vậy, mình đã biết cách đối đãi tốt hơn với những cảm xúc tích cực lẫn những cảm xúc tiêu cực mỗi khi nó ghé đến. Mình không còn chối bỏ những cảm xúc khiến mình khó chịu nữa, mình không còn cảm thấy mình không nên có những cảm xúc buồn phiền, chán nản hay bực bội nữa. Thay vào đó mình hiểu rằng, không phải tự nhiên mà cảm xúc xuất hiện, chúng là tín hiệu, là manh mối cho mình biết có điều gì đó chưa ổn đang xảy ra, là sợi dây liên kết bền chặt nhất với mình và bên trong bản thể, tâm thức của chính mình.
Để từ đó hiểu cách cảm xúc vận hành, hiểu mình hơn và trân trọng bản thân hơn.

3. Chấp nhận cảm xúc

Một bài học quan trọng nhất mà mình học được trong hành trình trưởng thành và khám phá bản thân đó là chấp nhận chính mình như những gì mà mình đang là. Cảm xúc cũng vậy, mỗi khi có cảm xúc tiêu cực ghé đến, mình không còn chối bỏ, phê phán hay lên án nó nữa, mình học cách chấp nhận nó, trước khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình lại có cảm xúc đó, mình sẽ chấp nhận rằng: "ờ, vào lúc này mình đang buồn, mình đang tức giận, mình đang tiệu cực này".
Mình không còn đặt câu hỏi rằng: “Ơ, sao cứ buồn vớ vẩn thế nhỉ?” nữa.
Chấp nhận cảm xúc cũng là một bài học cần rèn luyện và thực hành. Khi bạn biết chấp nhận những cảm xúc tiêu cực, là lúc bạn đã bước những bước đầu tiên trong hành trình xoa dịu nó.
Học cách chấp nhận cảm xúc là bước đầu tiên, tiếp theo, mình học cách vỗ về, xoa dịu những cảm xúc tiêu cực đó.
Khi bạn thân của bạn cảm thấy tức giận hay buồn phiền, bạn sẽ chẳng bao giờ nói rằng “mày có thôi ngay đi không, có mỗi chuyện cỏn con cũng tức giận” hay là “sao suốt ngày mày buồn phiền rồi ủy mị thế hả”. Nếu bạn yêu quý họ, bạn sẽ tìm cách vỗ về, xoa dịu, chia sẻ những cảm xúc đấy với họ. Thế mà bạn lại đối xử với bản thân mình theo cách đó. Hãy đối xử với chính mình như đang đối xử với một người bạn thân nhất vậy.
Source: Internet

4. Cách “giải quyết” những cảm xúc tiêu cực của mình

Mình cảm thấy mình thật may mắn khi càng quan sát mình và thực hành mỗi ngày, mình càng hiểu hơn về cách cảm xúc của mình vận hành, và đã học được rất nhiều bài học để biết cách đối xử với những cảm xúc tiêu cực mỗi khi chúng xuất hiện, mình đã dễ dàng hơn trong những cơn buồn phiền, tức giận hay lo lắng, sợ hãi.
Cách của mình khi có một cảm xúc khó chịu bất thường ghé đến, mình sẽ viết ra cảm giác, tâm trạng của mình lúc đó, mình đang cảm thấy như thế nào, mô tả thêm về tình huống đó, từ đó mình tìm hiểu nguyên nhân tại sao cảm xúc đó xuất hiện. Mình đang có nhu cầu nào cần thỏa mãn, đang có khúc mắc nào cần tháo gỡ… Thường mình sẽ tìm thấy câu trả lời thông suốt sau khi mình viết hết được chúng ra giấy. Sau đó mình ôm ấp, vỗ về, an ủi, thỏa hiệp với những cảm xúc khó chịu đang có bên trong mình. Mình trò chuyện thêm với nó, rằng mình chấp nhận nó vì nó là một phần của chính mình, và tìm xem có cách nào để giải quyết trong tình huống đó.
Source: Internet
Cứ như thế, việc quan sát cảm xúc đã trở thành thói quen trong cuộc sống của mình, khi mình biết mình đang khó chịu, đang tiêu cực, mình sẽ ý thức hơn những hành vi của mình sau đó, để không làm ảnh hưởng hay tổn thương đến ai. Khi mình quan sát chính mình, mình nhận ra được rất nhiều điều đặc biệt bên trong chính mình. Mình dần học cách tôn trọng cảm xúc, biết ơn mối dây liên kết giữa cảm xúc và tâm hồn, từ đó học cách tôn trọng và yêu quý mình hơn.
Bất kì khi nào mình có cảm xúc tiêu cực, mình sẽ dành thời gian quan sát và chăm sóc nó, vì mình tin rằng, cứ mỗi cảm xúc không được giải quyết/làm rõ, chúng sẽ tích tụ dần dần những bức bối, khó chịu vào bên trong mình. Chúng không đi đâu cả, một câu hỏi chưa có lời đáp, chúng sẽ mãi là câu hỏi mà thôi.
Và mình tin rằng, khi bạn biết tôn trọng và chăm sóc cảm xúc chính mình, bạn cũng sẽ dịu dàng hơn, tôn trọng hơn, bao dung hơn với những cảm xúc tiêu cực từ người khác.
Hành trình chăm sóc cảm xúc là hành trình mình học hỏi được rất nhiều điều, mình học được cách yêu thương bản thân, tôn trọng chính mình, sống tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, và quan trọng là từ đó biết cách thương yêu, tôn trọng và bao dung hơn với người khác.
Chăm sóc chính mình cũng bắt nguồn từ những điều nhỏ bé như vậy mà thôi.
-------------------------
Bài viết được truyền cảm hứng từ chuỗi Workshop: The Self - Chăm sóc cảm xúc chính mình của Compassion Hub Saigon