Bạn biết không, tiêu dùng lãng phí đến từ những thói quen chi tiêu rất nhỏ nhặt thường ngày mà chúng ta thường không để ý. Đó là khi bạn quyết định mua một chiếc áo xinh xắn ở ngay thời điểm nhìn thấy, đó là lúc bạn đi siêu thị để mua một lốc sữa nhưng loại sữa bạn cần đã hết, bạn trở về cùng một vài gói snack ăn đêm…


Thói quen mua những thứ bạn muốn thay vì những thứ bạn cần sẽ dễ dàng khiến bạn rơi vào tình trạng “cháy túi”. Tệ hơn, chi tiêu lãng phí không có kế hoạch còn có thể dẫn đến nợ nần và ngăn cản bạn có những khoản tiết kiệm. Khi có tình huống khẩn cấp, còn gì nguy hiểm hơn nếu như bạn không có một khoản tiền dự phòng nào trong ví?


Nhưng đừng lo, đó đã là những vấn đề của năm cũ. Năm 2017 này, hãy bắt đầu thói quen chi tiêu tiết kiệm cùng những tuyệt chiêu sau đây nhé:


7 tuyệt chiêu giúp bạn phá bỏ thói quen chi tiêu lãng phí


1. Điểm lại thói quen tiêu dùng năm 2016

Hãy bắt đầu bằng việc xem lại những khoản chi tiêu của bạn vào năm 2016. Hãy lấy giấy và bút để viết ra những món “đầu tư” lớn nhất của bạn trong năm vừa qua. Bạn đã chi nhiều tiền nhất vào thứ gì? Bạn có thể ước tính được số tiền bạn đã chi trong cả năm vừa qua không?

Nếu như bạn vẫn luôn theo dõi những khoản chi của mình trong suốt năm vừa rồi, bạn sẽ bất ngờ khi nhìn vào số tiền bạn đã tiêu vào những khoản không cần thiết. Nhìn vào bảng thống kê chi tiêu, bạn sẽ thấy có rất nhiều khoản chi tiêu của năm 2016 bạn có thể cắt giảm vào năm nay.

Năm 2017, bước đầu tiên để trở thành người chi tiêu tiết kiệm đó chính là theo dõi sát sao chi tiêu hàng ngày của bạn. Bạn có thể sử dụng  Money Lover để thống kê tất cả những khoản thu chi hàng ngày một cách đơn giản và thuận tiện nhất.


2. Tạo ngân sách

Sau khi theo dõi thói quen chi tiêu hàng ngày, bạn đừng quên lên ngân sách cho từng khoản. Hãy cho bản thân giới hạn chi tiêu và cố gắng không vượt qua hạn mức đó. Ví dụ bạn có thể cho phép mình tiêu mỗi tháng 5 triệu đồng cho tất cả các khoản, trong đó 2 triệu đồng cho ăn uống, 1 triệu cho điện nước… Hãy chỉ tiêu đúng số tiền đã lên kế hoạch và luôn có một khoản tiết kiệm để đề phòng những tình huống bất ngờ.


3. Chỉ mang tiền mặt vừa đủ tiêu

Nếu như bạn chuẩn bị ra chợ mua một gói bột mỳ giá 20 nghìn đồng, hãy chỉ mang theo 20 nghìn đồng trong túi. Hãy luôn mang vừa đủ số tiền bạn cần và để hết các loại thẻ tín dụng và ATM ở nhà để tránh chi tiêu những khoản không hợp lý.


4. Có những mục tiêu tiết kiệm thực tế

Lên mục tiêu thực tế

Sẽ rất khó cho bạn để cắt giảm những khoản chi tiêu hàng ngày đã trở thành thói quen như trà sữa, bánh kẹo… vì những khoản này thường rất nhỏ. Nhưng “tích tiểu thành đại”, những khoản chi đều đặn này sẽ trở nên không hề nhỏ vào cuối tháng hoặc cuối năm.

Chính vì vậy, bạn hãy bắt tay lên một mục tiêu tiết kiệm thật thực tế như một chiếc điện thoại mới hay một kỳ nghỉ xả hơi vào cuối năm. Bạn sẽ biết mình đang tiết kiệm cho một mục đích rõ ràng.


5. Chuẩn bị danh sách mua sắm 

Chuẩn bị danh sách mua sắm

Trước khi đi siêu thị, hãy viết ra danh sách những thứ bạn cần mua và chỉ mua những thứ có trong danh sách đó. Nếu như bạn vấn bị “cám dỗ” bởi những món đồ và luôn mua thêm những thứ ngoài kế hoạch, hãy thử nhờ hàng xóm hoặc người thân cầm danh sách đồ và mua giúp bạn. Cùng với việc chỉ mang đủ số tiền cần thiết, bạn sẽ hình thành được thói quen tiết kiệm và chỉ mua những thứ mình cần.


 6. Có “Giờ-mua-sắm-cùng-bạn thân”

Bạn cảm thấy khó khăn mỗi khi phải nói “Không” với một món đồ dễ thương nào đó? Hãy để bạn thân của bạn giúp bạn giải quyết vấn đề này. Nếu như hai người quá bận rộn để có thời gian gặp nhau tán gẫu, đây chính là một cách hữu ích giúp bạn vừa có thể đạt được mục tiêu mua sắm tiết kiệm vừa hâm nóng tình bạn của mình.

Hãy rủ bạn thân đồng hành cùng bạn mỗi khi đi mua sắm, hai người có thể lên kế hoạch từ 1 đến 2 tuần một lần để cùng đi siêu thị. Người bạn tốt sẽ cho bạn những lời khuyên và lý do đúng đắn trước khi bạn đưa ra quyết định mua sắm một món đồ nào đó. Kể cả khi hai người không thể sắp xếp thời gian, hãy nhấc máy lên và nói chuyện với bạn của bạn để hai người vẫn có thể cùng nhau quyết định mua sắm các món đồ.


7. Cất vào vị trí và quay lại sau 

Cất về vị trí cũ và quay lại sau

Bạn sẽ làm gì nếu như tình cờ bắt gặp một món đồ thú vị?

Đừng mua nó ngay lập tức, một số chuyên gia khuyên bạn hãy để món đồ đó vào vị trí cũ, quay về nhà và sau 24 giờ hẵng quyết định xem bạn có cần mua nó hay không. Thậm chí còn có một số chuyên gia khuyên bạn nên dành tới 30 ngày để đi đến quyết định. Tại sao vậy nhỉ?

Lý do chính là có rất nhiều món đồ được mua chỉ vì sự bốc đồng nhất thời, ngay khi về nhà có thể bạn sẽ cảm thấy hối hận vì đã mua chúng. Đừng để những món đồ trở nên vô dụng, hãy đặt ra thật nhiều câu hỏi trước khi mua thứ gì đó:

Bạn có cần món đồ đó không hay chỉ muốn nó thôi?

Bạn sẽ sử dụng nó như thế nào?

Bạn có sử dụng nó thường xuyên không?

Bạn sẽ để món đồ đó ở đâu?

Cân nhắc kỹ trước khi mua sẽ giúp bạn sử dụng tối ưu món đồ được mua và tránh trường hợp “cả thèm chóng chán”. Đây chính là một cách hữu ích giúp bạn trở thành người tiêu dùng thông thái.


Vậy là bạn đã nắm được 7 tuyệt chiêu đơn giản để thay đổi thói quen chi tiêu lãng phí. Còn chần chừ gì nữa, hãy bắt đầu từ ngay hôm nay để có một năm 2017 tiêu dùng thông minh thôi!