Không có mô tả ảnh.


Điện thoại di động đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Không chỉ đóng vai trò như một phương thức giao tiếp, điện thoại còn là công cụ truy cập mạng xã hội, công cụ quản lý cá nhân, mua sắm trực tuyến, lịch, đồng hồ báo thức và ngân hàng di động. Tuy nhiên, đằng sau những tiện ích thường nhật đó, một số ý kiến cho rằng việc lạm dụng thiết bị kỹ thuật số có thể là một triệu chứng nghiện.

Trên thực tế, trong một thế giới mà nhu cầu kết nối xã hội dường như quan trọng hơn bao giờ hết, thuật ngữ nomophobia được đặt ra khá gần đây nhằm mô tả nỗi sợ hãi khi không thể sử dụng điện thoại; nghĩa là bao gồm việc mất, quên hoặc làm hỏng điện thoại, ở ngoài vùng phủ sóng v.v.

Tình trạng không thể sử dụng điện thoại có thể dẫn đến cảm giác căng thẳng và lo lắng — hoặc thậm chí là hoảng sợ.

Nỗi sợ hãi thiếu vắng thiết bị di động thường được coi là dấu hiệu bất thường; một số chuyên gia cho rằng có thể có tác động xấu đến sức khỏe tâm lý.

1/Nomophobia là gì?
Bạn đã bao giờ cảm thấy lo lắng hoặc thậm chí hoảng sợ khi không thể tìm thấy điện thoại của mình chưa? Ý nghĩ bị mắc kẹt ở một nơi biệt lập không có dịch vụ di động có khiến bạn cảm thấy sợ hãi?

Nomophobia là một dạng viết tắt của "no-mobile-phone phobia" (tạm dịch “nỗi sợ thiếu điện thoại”). Thuật ngữ này lần đầu tiên được đặt ra trong một nghiên cứu năm 2008 do Văn phòng Bưu điện Vương quốc Anh ủy quyền. Trong một khảo sát trên 2.100 người lớn, nghiên cứu chỉ ra rằng 53% người tham gia trải qua nomophobia. Tình trạng này được đặc trưng bởi cảm giác lo sợ bị mất điện thoại, điện thoại hết pin hoặc không có sóng di động.

Nghiên cứu chỉ ra rằng nỗi sợ hãi này có thể nghiêm trọng đến mức nhiều người không bao giờ tắt điện thoại, kể cả vào ban đêm hoặc những lúc họ không sử dụng. 55% đối tượng khảo sát đưa ra nhu cầu giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, 10% vì lý do công việc và 9% cho biết việc tắt điện thoại khiến họ lo lắng.

Nỗi sợ bỏ lỡ điều gì đó có lẽ là điều khiến rất nhiều người sẵn lòng gián đoạn các hoạt động trong cuộc sống để đáp lại một cuộc gọi hoặc tin nhắn. 80% chọn nhấc máy khi đang xem tivi, 40% sẽ nhấc máy khi đang ăn một bữa ăn và 18% sẵn sàng nhấc máy khi họ đang ở trên giường với một người khác.

2/ Nomophobia phổ biến như thế nào?
Mặc dù nghiên cứu về hiện tượng này vẫn còn hạn chế, những phát hiện có sẵn cho thấy nomophobia tương đối phổ biến. Một nghiên cứu trên các sinh viên ở Ấn Độ cho thấy hơn 22% số người tham gia có dấu hiệu nomophobia nghiêm trọng. Khoảng 60% những người tham gia nghiên cứu có các dấu hiệu của tình trạng này ở mức độ trung bình.

3/ Các triệu chứng:
Nỗi sợ hãi - “Phobia” - là một loại rối loạn lo âu được đặc trưng bởi nỗi lo lắng thiếu lý tính về một đối tượng hoặc tình huống cụ thể. Trong trường hợp này, nỗi sợ hãi là khi không có điện thoại hoặc không có dịch vụ điện thoại di động.

Mặc dù nomophobia không phải là một chẩn đoán lâm sàng, một số triệu chứng thường được xác định là có liên quan đến nó bao gồm:
‣ Không thể tắt điện thoại
‣ Liên tục kiểm tra điện thoại để tìm tin nhắn, email hoặc cuộc gọi nhỡ
‣ Sạc pin ngay cả khi điện thoại gần như đã được sạc đầy
‣ Mang theo điện thoại ở mọi nơi bạn đến, ngay cả khi vào phòng tắm
‣ Liên tục kiểm tra để đảm bảo không quên điện thoại
‣ Lo lắng không có Wifi hoặc không thể kết nối với mạng dữ liệu di động
‣ Sợ hãi không thể kêu cứu trong tình huống xấu
‣ Căng thẳng vì bị ngắt kết nối
‣ Bỏ qua các hoạt động hoặc sự kiện đã lên kế hoạch để lướt điện thoại

Ngoài các triệu chứng về cảm xúc và nhận thức, các triệu chứng về thể chất cũng thường được biểu hiện: thở nhanh hơn, nhịp tim tăng lên, đổ mồ hôi nhiều hơn và run rẩy, có thể bắt đầu cảm thấy yếu hoặc chóng mặt. Nghiêm trọng hơn, các triệu chứng sợ hãi này có thể leo thang thành một cơn hoảng loạn.

4/ Đặc điểm của Nomophobia:
Trong một nghiên cứu năm 2015, các nhà nghiên cứu đã xác định một số khía cạnh chính của chứng nomophobia, cụ thể:
‣ Không thể giao tiếp với người khác
‣ Nhìn chung cảm thấy bị mất kết nối
‣ Cảm giác không thể truy cập tin tức
‣ Ngại từ bỏ một tiện ích trong sinh hoạt

Những người mắc chứng ám ảnh này kiểm tra điện thoại liên tục, sử dụng nó ở mọi nơi họ đến (ngay cả trong phòng tắm) và trải qua cảm giác bất lực khi bị tách khỏi điện thoại.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại di động quá thường xuyên có liên quan đến mức độ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

5/ Nguyên nhân:
‣ Tính tiện ích:
Sự lệ thuộc vào những tiện ích của điện thoại di động góp một phần quan trọng trong việc hình thành nomophobia. Mọi người sử dụng điện thoại để giữ liên lạc, tra cứu, thực hiện công việc kinh doanh, tổ chức bản thân, chia sẻ thông tin cá nhân và cả quản lý tiền bạc.

Trong cuộc sống hiện đại, con người chuyển rất nhiều công việc quan trọng vào nhật ký điện thoại, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi người ta sợ hãi viễn cảnh thiếu vắng nó. Mất đi quyền sử dụng thiết bị công nghệ có thể khiến họ cảm thấy bị cắt đứt và bị cô lập khỏi các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của họ, ví dụ như bạn bè, gia đình, công việc, tài chính và thông tin.

‣ Tần suất sử dụng mỗi ngày:
Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên “Journal of Behavioral Addictions” (tạm dịch: “Tập san Hành vi gây Nghiện”) cho thấy sinh viên đại học dành tới 9 giờ mỗi ngày trên điện thoại di động của họ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng điện thoại di động liên tục thể hiện một nghịch lý của công nghệ. Điện thoại thông minh có thể vừa là “người giải phóng” vừa là “kẻ đàn áp”. Mọi người có thể giao tiếp, thu thập thông tin và hòa nhập xã hội, nhưng đồng thời việc sử dụng điện thoại di động có thể dẫn đến sự lệ thuộc gây ra giới hạn và căng thẳng.

‣ Làm quen với công nghệ từ sớm:
Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy đối với Thanh thiếu niên cho rằng nỗi lo lắng khi bị tách khỏi điện thoại di động có thể phổ biến hơn ở thanh thiếu niên. Đối tượng trong nhóm tuổi này chủ yếu là thế hệ X hoặc những lứa cuối thế hệ Y, nghĩa là họ được sinh ra và lớn lên trong thời đại bùng nổ công nghệ kỹ thuật số. Vì đã sớm tiếp xúc và làm quen với máy tính, internet và điện thoại di động, những thiết bị này thường là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của lớp trẻ ngày nay.

6/ Chẩn đoán:
Điều quan trọng cần lưu ý: mặc dù nhiều người cho biết họ cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi khi không có điện thoại, nomophobia KHÔNG được chính thức công nhận là một chứng rối loạn theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5).

Loại sợ hãi này có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cho chứng sợ hãi một tình huống cụ thể tùy thuộc vào các triệu chứng. Một nỗi sợ hãi - “phobia” - cụ thể được đặc trưng bởi sự ám ảnh không thể giải thích và phản ứng sợ hãi khuếch đại hơn nhiều so với mối đe dọa thực tế.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển Bảng câu hỏi Nomophobia (NMP-Q) để đánh giá các triệu chứng của nomophobia. Các nghiên cứu cho thấy rằng bảng câu hỏi là một thước đo hữu ích để đánh giá mức độ sợ thiếu vắng điện thoại di động.

Bảng câu hỏi yêu cầu người trả lời đánh giá mức độ đồng ý hoặc không đồng ý với những nhận định như sau:
"Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái nếu không có quyền truy cập liên tục vào thông tin qua điện thoại thông minh"
"Điện thoại thông minh hết pin sẽ làm tôi phát hoảng"
"Tôi sẽ cảm thấy lo lắng vì mất liên lạc với gia đình và / hoặc bạn bè của mình"

Một nghiên cứu cho thấy rằng mức độ nomophobia cao hơn được đo bằng NMP-Q tương ứng với mức độ ám ảnh cao hơn, cho thấy nomophobia có thể có mức độ liên đới cao với một số chứng rối loạn tâm thần. Ví dụ, một số nghiên cứu khác đề xuất một người mắc chứng hoảng loạn và lo lắng cao độ có thể có nhiều khả năng mắc phải nomophobia.

7/ Liệu pháp:
Nếu bạn có các triệu chứng của nomophobia, hoặc nếu bạn cảm thấy việc sử dụng điện thoại di động đang gây ra các vấn đề trong cuộc sống của mình, nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm lý có thể hữu ích với bạn đấy! Mặc dù không có phương pháp điều trị cụ thể cho nomophobia, bác sĩ trị liệu có thể đề nghị liệu pháp tiếp xúc, liệu pháp nhận thức - hành vi, hoặc kết hợp cả hai. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc để giải quyết các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm liên đới mà có thể bạn đang mắc phải.

‣ Liệu pháp tiếp xúc:
Liệu pháp tiếp xúc là một kỹ thuật mang tính hành vi, trong đó bạn sẽ học cách dần dần đối mặt với nỗi sợ hãi của mình. Trong trường hợp nomophobia, bạn sẽ dần quen với tình huống không có điện thoại. Bạn có thể bắt đầu từ một việc rất nhỏ (chẳng hạn như để điện thoại ở phòng khác trong một khoảng thời gian nhất định) và sau đó tăng dần khoảng thời gian không sử dụng điện thoại (chẳng hạn như để điện thoại ở nhà trong khi bạn đến cửa hàng hoặc tắt khi bạn đang bận làm việc khác).

‣ Liệu pháp nhận thức - hành vi:
Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) là một quá trình liên quan đến việc giải quyết các khuôn mẫu suy nghĩ tiêu cực và phi lý trí dẫn đến những hành vi không tương ứng. Chuyên gia trị liệu sẽ giúp bạn học cách xác định những cách suy nghĩ này và thay thế những suy nghĩ đó bằng những suy nghĩ thực tế và hợp lý hơn.
Ví dụ, thay vì nghĩ rằng bạn sẽ bỏ lỡ điều gì đó quan trọng nếu bạn không trực điện thoại để tìm tin nhắn cứ vài phút một lần, CBT sẽ nhắc nhở bạn rằng bạn sẽ không bỏ lỡ bất cứ điều gì miễn là bạn thỉnh thoảng kiểm tra điện thoại.

‣ Thuốc men:
Mặc dù không có loại thuốc được FDA chấp thuận để điều trị nomophobia, bác sĩ hoặc cố vấn tâm lý của bạn có thể kê đơn thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống trầm cảm để giải quyết một số triệu chứng nghiêm trọng. Các chất ức chế tái hấp thu serotonin-có chọn lọc như Lexapro, Zoloft và Paxil thường được sử dụng làm phương pháp điều trị ban đầu cho chứng lo âu và trầm cảm.

8/ Đối mặt
Nếu bạn cho rằng mình mắc phải nomophobia hoặc cảm thấy rằng bạn đang lãng phí quá nhiều thời gian, sau đây những điều bạn có thể làm để quản trị tốt hơn tần suất sử dụng điện thoại.

‣ Đặt ranh giới: Thiết lập các quy tắc cho thiết bị cá nhân. Chẳng hạn: tránh sử dụng vào những thời điểm nhất định trong ngày, chẳng hạn như trong bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
‣ Cân bằng cuộc sống: Thật dễ dàng sử dụng điện thoại của mình để tránh tiếp xúc trực diện với người khác đúng không nào, hãy cố gắng tiếp xúc với những người xung quanh mỗi ngày nhé.
‣ Nghỉ giải lao: Thói quen sử dụng điện thoại di động có thể thật khó từ bỏ ngay lập tức. Giống như liệu pháp tiếp xúc đã được đề cập ở mục trước, hãy bắt đầu tập những thói quen nhỏ nhất.
‣ Tìm những thú vui mới: Buồn chán cũng khiến cho tần suất sử dụng điện thoại trở thành quá nhiều. Hãy thử đọc sách, đi dạo, chơi thể thao hoặc tham gia vào một sở thích mà bạn yêu thích xem sao.

9/ Nhắn nhủ:
Nomophobia - cùng với những nỗi sợ hãi và hành vi gây nghiện khác gắn liền với thời đại số - ngày càng nhận được nhiều sự lưu tâm từ xã hội. Với mức độ phụ thuộc của nhiều người vào điện thoại di động vì công việc, học tập, tin tức, giải trí và kết nối xã hội, tạm biệt nomophobia có thể là một vấn đề cực kỳ khó khăn.

Ngừng sử dụng điện thoại di động hoàn toàn chắc chắn là không thực tế, nhưng quan trọng là chúng ta học cách đặt ra mức độ giới hạn cho phép điện thoại can thiệp vào cuộc sống của mình. Thỉnh thoảng tạm dừng sử dụng điện thoại, tham gia vào các hoạt động tách biệt với nó và trải nghiệm những thú vui mới đều là những gợi ý khá hay ho đấy!