“Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng đẹp như một bông hoa.” (Trịnh Công Sơn)
Sau gần 4 tháng bình tĩnh sống, và học cách đặt lại kỳ vọng, tôi đã thoát khỏi trạng thái burnt-out. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã dần tìm về với sự cân bằng giữa công việc lẫn ước mơ của chính mình. Trong bài viết lần trước: BURNT-OUT: Sức tàn lực kiệt từ công việc cho đến khát khao của chính mình, tôi đã để lại dòng kết lửng về lời hứa sẽ viết tiếp phần còn lại khi bản thân thực sự vượt qua nó. Và hôm nay, đã đến lúc tôi làm điều này.
Ban đầu, tôi nghĩ mình loay hoay lắm mới có thể tự trả lời những câu hỏi của bản thân rằng có chăng sự cân bằng cho mới cảm xúc hỗn độn này? Khi mà cuộc sống của tôi vẫn phải tiếp diễn, với tất cả những bánh răng không thể thiếu phần nào: công việc - học tập và ước mơ. Dĩ nhiên, tôi không thể bỏ học, vì con đường này tôi đã chọn lựa để đi dài và chấp nhận đánh đổi tất cả những cơ hội trong công việc. Tôi càng không thể bỏ việc vì đó là những chuỗi ngày tôi được rèn luyện, và được sống với những dự án và kế hoạch từ trang giấy cho đến thực thi. Và cuối cùng, tôi càng không thể từ bỏ những tiếng kêu cứu bên trong con người mình: tôi kiệt sức rồi và sắp bùng cháy. 
Vậy thì cuối cùng tôi đã BỎ gì để có thể chữa lành bản thân và vượt qua trạng thái burnt-out?
1. Bỏ thời gian ra đặt câu hỏi và đi đến tận cùng để tìm câu trả lời
Những bạn bè thuộc thế hệ Gen Z như tôi thường rất dễ mắc kẹt trong chính những ước mơ của mình. Có quá nhiều thứ cần phải làm, quá nhiều thứ cần chinh phục, quá nhiều mục tiêu và quá nhiều thứ không hài lòng về chính mình. Tuy nhiên, phần lớn những lý do dẫn đến trạng thái burnt-out không hẳn đến từ tác động ngoại cảnh, mà là đến từ bên trong những trái tim kiêu hãnh và nhạy cảm. Kiêu hãnh đến mức không muốn thừa nhận rằng mình không ổn và tìm cách phớt lờ nó để chạy theo những vòng quay, và để rồi chính sự nhạy cảm sẵn có lại gửi đi rất nhiều những tín hiệu kêu cứu về tình trạng tuyệt vọng ấy.
“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.”
(Trịnh Công Sơn)
Tôi quyết định hẹn một người bạn ra quán cafe, và anh hỏi tôi rằng: ''Em có thật sự biết cách từ bỏ không? Em chắc chứ?''. Câu hỏi đó buộc tôi phải suy nghĩ về thực tại và tự hỏi bản thân nhiều lần. Tôi đã nghĩ mình chọn cách tạm dừng công việc, off một hai ngày để nghỉ ngơi và xem một quyển sách, hẹn vài người ra cafe để nói về những điều tích cực, ước mơ,... như thế thôi là đủ để chữa lành những thương tổn bên trong. Nhưng dường như tôi thật sự chưa bao giờ hoàn toàn gỡ mọi vấn đề ra khỏi đầu, chỉ là chếnh choáng tìm cách để bắt đầu với niềm hy vọng còn sót lại. Đó là cái kiểu của câu nói “Điên rồ nghĩa là làm đi làm lại một việc và kỳ vọng là sẽ có kết quả khác đi”.
Và tôi bắt đầu hành trình ''bỏ'' một vài thứ thật.
2. Bỏ lại tất cả mọi cảm xúc tiêu cực để đón nhận chính mình ở một trạng thái bình thường nhất
Tôi đã gặp sếp và xin được nghỉ ngơi một thời gian, sau đó tôi tắt hết thông báo của các group công việc, thậm chí là thoát li hẳn khỏi các thiết bị điện tử và mạng xã hội. Thay vì mỗi ngày trôi trong vội vã và căng thẳng, tôi chọn cách nghe nhạc không lời trước khi đi ngủ và cố gắng vào giấc sớm hơn mọi ngày khoảng 2 tiếng (tôi thường ngủ lúc 3h sáng). Tôi bắt đầu có những buổi ăn sáng và các buổi chính trong ngày đều ăn đúng giờ, tránh bỏ bữa. Ngoại trừ việc học, tôi không sử dụng laptop quá nhiều, và bắt đầu tìm kiếm những công việc vận động tay chân lành mạnh hơn.
Tôi không để mình rơi vào trạng thái khó chịu chỉ vì những việc nhỏ nhặt: mua đồ uống ở chỗ không ngon như cái quán quen (nay cô bán đóng cửa), bạn hứa qua đón nhưng thất hứa vì ngủ quên hay việc nhận bản kế hoạch chương trình không giống như mình hướng dẫn,...Và dĩ nhiên việc này không hề dễ dàng với một người khó tính như tôi chút nào. Nhưng khi đã đi đến tận cùng của sự xét nét, mệt mỏi, áp lực và khó chịu, bạn sẽ nhận ra rằng phản ứng nhẹ nhàng với mọi thứ không đồng nghĩa với việc bạn dễ dãi. Mà điều đó thể hiện rằng bạn thật sự có thể kiểm soát cơn giận dữ của chính mình.
Tôi đi bộ trên sân thượng vào lúc 7h tối, nhìn ngắm mọi thứ chìm dần vào sự tĩnh mịch và dùng thời gian đó tranh thủ hít thở thay vì phải chạy ngược xuôi ngoài đường cho những cuộc hẹn hay những buổi họp lê thê. 
Art: Behance
Tôi dọn dẹp nhà cửa và tìm cách tinh gọn đồ cá nhân vì tôi nghĩ rằng khi góc làm việc và căn nhà trở nên tối giản, đó cũng là lúc cuộc sống thường nhật phần nào trở nên nhẹ nhàng hơn.
Tôi không để những điều người ta nói hay những gì tôi đọc được cắm rễ trong lòng mình. Ví dụ trước đây mỗi khi lướt story thấy bạn bè liên tục viết những điều tiêu cực, tôi sẽ tìm cách hỏi cho ra lẽ để có thể khuyên can bạn mình. Tuy nhiên, tôi không hề biết rằng điều đó lại vô tình làm tôi lún sâu hơn vào chuyện tiêu cực của người khác, cộng với những cơn stress sẵn có trong lòng, tôi ôm khối nặng nề ấy lặng lẽ chịu đựng mỗi ngày. Bây giờ thì tôi sẽ không đọc, hoặc thậm chí là không lướt story nữa, và nếu có thấy, tôi chỉ lặng lẽ nghĩ: ai cũng sẽ có những ngày như thế, và rồi họ cũng sẽ tìm thấy bình yên. Giống như hành trình tôi tự chữa lành cho chính mình thế thôi.
Ngày qua ngày, tôi học cách xem mình là một người bình thường với đầy đủ sự vui tươi, hạnh phúc, thậm chí là những thiếu sót và sự yếu đuối của bản thân. Đối xử công bằng với những tiếng nói từ bên trong, lắng nghe xem mình thật sự hạnh phúc nhất khi trở thành một phiên bản thế nào chính là cách mà tôi chầm chậm cảm nhận về mình. 
Ngoài ra, tôi cũng cố gắng bỏ đi suy nghĩ là mình bận bịu tới mức không thể viết nổi một bài viết 500 chữ mỗi ngày, hay đọc vài trang sách hoặc có thể xuống bếp tự pha một ly cafe cho chính mình. Tất cả những điều đó, tôi đều có thể phân bổ lại thời gian, sao cho mọi thứ thật vừa vặn bằng cách tập trung vào trạng thái deep work, và thời gian còn trống lại trong ngày, tôi sẽ dành cho bản thân - việc mà trước giờ tôi vốn nghĩ là mình không có thời gian để làm nhất.
3. Bỏ ''những thói quen cố hữu'' trong cách nghĩ và cách vận hành mọi việc
Cái ''bỏ'' tiếp theo này tốn khá nhiều thời gian vì thật ra không phải chỉ vì lần burnt-out này mà tôi mới học cách từ bỏ. Quá trình đào thải này xảy ra theo từng giai đoạn và đối với riêng tôi, nó diễn ra như sau:
* Đặt xuống cái tôi ngang ngược và sự cứng đầu để hòa nhập môi trường mới ở Đại học
* Đặt xuống hình dung một chú ngựa hoang đơn độc trong mọi hành trình để bắt đầu một hành trình rất nhiều người, thậm chí là cả một tập thể, một cộng đồng những người rất trẻ, nhiệt huyết và tích cực
* Đặt xuống những quy tắc của bản thân, tháo dần những thành trì và rất nhiều những điều mà bản thân tự cho rằng là không đúng, không nên hay thậm chí là không được phép xảy ra. Thay vì đòi hỏi mọi thứ phải làm đúng ý mình và mọi người xung quanh không được phép sai làm, tôi học được cách đón nhận mọi thứ xảy ra một cách bình tĩnh và tìm giải pháp cho các vấn đề.
* Đặt xuống những phán đoán và cảm nhận cá nhân - thứ đã từng giết dần giết mòn mọi sự cân bằng mà tôi cố gắng dựng xây trước đó. Muốn biết rõ sự việc, hãy chủ động tìm cách hỏi đúng người đúng việc, không suy đoán và im lặng suy diễn mọi vấn đề theo hướng tiêu cực.
Art: DeviantArt
Được rèn luyện 4 năm trong môi trường nổi tiếng về kỷ luật, và bản thân lại làm công tác cán bộ nên ít nhiều những quy tắc đã in sâu vào máu, trở thành tính cách và tác phong. Dù không phải là một người cứng nhắc nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy mình có xu hướng giải quyết các vấn đề theo quy tắc quá mức. Vốn quen với việc giải quyết công việc qua mail hệ thống và thể hiện các phản hồi bằng văn bản ở trường đại học, nên khi đi làm và bước sang trường học thứ 2, mọi người đã phải thốt lên rằng tôi không nhất thiết phải làm thế. Cô bạn đồng nghiệp của tôi thậm chí còn phải nhắn tin cho tôi nói rằng tôi chỉ cần tin nhắn zalo cho cổ biết cổ phải làm gì, không nhất thiết phải viết ra file word online đâu.
Một tháng sau khi thực hành trạng thái quên đi mọi quy tắc cũ để hòa nhập vào những môi trường mới, tôi thấy mọi chuyện nhẹ nhàng và đơn giản hơn rất nhiều so với những gì tôi đặt ra trước đó. Và để có thể tìm thấy sự hài lòng nhất định, bạn cần biết cách hài lòng với chính mình. Những gì giản đơn và dễ thở nhất, lại không tổn hại đến ai, không tổn hại đến quy trình công việc thì hãy làm những điều đó một cách bình thản và ngừng nghĩ về những quy tắc cố hữu của chính mình.
4. Bỏ sự cầu toàn cứng nhắc, nhìn vào thực tế và học cách đặt lại kỳ vọng của bản thân
Tôi còn nhớ rất rõ, ngày nhắn tin cho sếp xin nghỉ việc, chị sếp đã dặn tôi một câu: ''Sự tương đối mới là tuyệt đối'' và mong tôi đừng quá cầu toàn mọi thứ để thả lỏng mình hơn. 
Những người làm sáng tạo hay bất cứ một lĩnh vực nào liên quan đến tư duy duy mỹ cũng truy cầu sự hoàn hảo. Sự chi tiết và chỉn chu đều rất cần thiết dù cho bạn đang làm ở bất kỳ vị trí nào. Tôi còn nhớ có lần mình còn yêu cầu tạm dừng shoot chụp chỉ vì phát hiện ra tấm lịch trên bàn của khách hàng đang hiển thị không đúng ngày và vô tình ngày sai đó lộ rất rõ trong khung ảnh profile. 
Tôi là người luôn làm việc có kế hoạch, chi tiết và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào làm một dự án hay một hoạt động quan trọng (dù cho đó là hoạt động lợi nhuận hay phi lợi nhuận thì phong cách này vẫn không thay đổi). Chính vì điều đó mà khi phải handle rất nhiều những dự án gấp rút, thậm chí là thời gian để lên kế hoạch quá ít đã khiến tôi rơi vào khủng hoảng, khó chịu và sinh ra cảm xúc tiêu cực. Tôi nghĩ rằng công việc đang đi theo hướng không tốt và tôi bắt đầu bắt ép bản thân phải tăng tốc hơn. Và dĩ nhiên, trạng thái bùng nổ cũng sẽ đến rất nhanh chóng, trong vòng khoảng 3 tháng.
Khi cảm nhận bản thân thật sự quá bất ổn, căng thẳng tột độ và đánh mất đi sự bình tĩnh của chính mình, sức khỏe thì suy sụp, tôi bắt đầu khao khát cảm giác thoát ra, như một gã tuyệt vọng nơi đường hầm chờ ánh sáng hắt ra từ đâu đó.
Art: Kenh14
Mỗi lần làm proposal cho khách hàng, chúng tôi luôn phân tích SWOT (Strengths - Điểm mạnh, Weaknesses - Điểm yếu, Opportunities - Cơ hội và Threats - Thách thức) để đưa ra chiến lược và những giải pháp phù hợp cho từng doanh nghiệp. Tôi chợt nghĩ, chúng tôi luôn cố gắng đào bới các ngõ ngách của một thị trường, một lĩnh vực, một hoạt động kinh doanh mà rất ít khi nhìn nhận thực tế và phân tích SWOT về bản thân mình. Hiểu mình ở một dạng thức cảm nhận thôi chưa đủ, chúng ta cũng cần hiểu mình ở góc độ lí trí và khoa học hơn, từ đó đo lường những mục tiêu trong công việc. Nói cách khác đó là khi ta học cách đặt lại kỳ vọng của chính mình, tránh việc chạy theo những ước vọng quá sức để rồi sự thất vọng ghì chúng ta xuống. 
Nói như trên không có nghĩa là tôi sẽ ngưng phát triển bản thân, ngưng truy cầu sự chuyên nghiệp hay bớt đi sự chi tiết. Tuy nhiên, tôi cần học cách hài lòng trong một số tình huống nhất định, tiết chế sự cầu toàn đối với những công việc mang bản chất chỉ yêu cầu làm đủ và làm đúng, thậm chí là bài học chấp nhận sự thật rằng có những thứ buộc phải từ bỏ vì vốn dĩ không phù hợp ngay từ đầu.
Những cái bỏ này nói ra thì có vẻ khá nhàm chán và nhẹ nhàng quá, nhưng để làm được điều đó, tôi đã mất rất nhiều thời gian để tự cảm nhận, tự thuyết phục mình và cố gắng thay đổi cho đến ngày hôm nay. Hy vọng rằng bài viết này sẽ có ích cho những bạn đã từng hoặc đang trong trạng thái burnt-out như mình đã từng.