Kính gửi thần Văn hóa, quản lý vùng đất Con Rồng cháu Tiên,
Tôi tên Tục, ngụ tại Nhân Gian, khai sinh ra Nhân Loại, là chị song sinh khác trứng với Thanh.
Tôi viết đơn này để bày tỏ nỗi oan khuất mà thị Tục tôi đây đã phải gánh chịu trong hàng trăm năm qua. Hiện tại, tôi như một dịch bệnh mà mỗi lần xuất hiện, người ta đều xa lánh. Những ai có quan hệ với tôi thì bị chỉ trích. Tình yêu giữa tôi và Thiêng bị cấm đoán; Ngưu Lang Chức Nữ một năm còn được gặp nhau một lần trên cầu Ô Thước, còn tôi và Thiêng mãi mãi cách trở bởi cánh cửa mang tên Đạo Lý.
Oan uổng thay!
Trong lịch sử nhân loại, tôi là người đã khai sinh ra họ, là cội nguồn của sự sinh sôi nảy nở, tạo nên tín ngưỡng, phong tục và cả văn học nghệ thuật. Tôi mang họ Trần, hiện thân của tất cả vấn đề nhân sinh như ăn uống, đi lại, mặc ở, sinh hoạt lao động và đặc biệt là tình dục. Với 4 linh khí trong tay là bộ phận sinh dục của loài người (Chim, Dái, Bướm, Vú), từ thời tiền sử, tôi được loài người tôn thờ, sinh ra tín ngưỡng phồn thực.
Với những nơi sinh sống chủ yếu bằng nghề nông trồng lúa nước như đất Việt, người dân rất chú trọng đến việc phát triển nòi giống, sinh sôi nảy nở để có nhiều người, nhiều sức lao động phục vụ cho công việc đòi hỏi nhiều nhân lực như nghề nông. Vì vậy họ tôn thờ bộ phận sinh dục, hình thành tín ngưỡng phồn thực (“Phồn” là nhiều, “Thực” là nảy nở). Mà tôn thờ bộ phận sinh dục cũng chính là tôn thờ Tục tôi đây. Nên khi ấy, tôi được ngồi chễm chệ trong các điện thờ, danh chính ngôn thuận quan hệ yêu đương với người tình tên Thiêng.
Hình ảnh bầu vú xuất hiện trong tác phẩm điêu khắc Chăm, thể hiện tín ngưỡng phồn thực. Nguồn: vovworld.vn
4 linh khí Chim, Dái, Bướm, Vú của tôi cũng được điêu khắc thành các hình biểu trưng hoặc cảnh làm tình để con người thờ phụng. Cho đến nay vẫn còn rất nhiều dấu tích để lại như các họa tiết trên tháp đồng Đào Thịnh, hình khắc trên đá ở thung lũng Sa pa, tượng ở nhà mồ Tây Nguyên...
Tượng nhà mồ ở Bắc Tây Nguyên. Nguồn: phuquocxanh.com
"Mây mưa" trên nắp thạp đồng Đào Thịnh. Nguồn: motbao.com
Tín ngưỡng phồn thực không chỉ thể hiện qua điêu khắc mà còn trong các phong tục ở một số vùng như tục thờ cúng nõ nường ở Hà Tĩnh (Nõ tượng trưng cho sinh thực khí nam, nường tượng trưng cho sinh thực khí nữ); tục rước sinh thực khí ở Hội làng Đồng Kị (Hà Bắc), lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn)...
Về tín ngưỡng phồn thực, trong khuôn khổ lá thư kêu oan này, tôi không thể nói chi tiết. Nếu thần muốn biết thêm thì có thể thân chinh đến hỏi cụ Gút Biết Tuốt ở ốc đảo In-Tẹt-Nét. Tóm lại, tôi muốn nói rằng từ thuở xa xưa, Tục tôi được con người thờ phụng với mong muốn có được sự phồn vinh, mang lại cơm no áo ấm cho một dân tộc luôn phải “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”, chứ không hề có ý nghĩa dâm dục.
Và người dân khi ấy gọi tên 4 linh khí theo đúng tên khai sinh của nó cũng chẳng phải có ý thô thiển mà chỉ là gọi đúng bản chất của sự vật. Nó thế nào thì gọi thế ấy, như nhìn con chim thì gọi là “chim” vậy!
Nhưng...
Oan uổng thay!
Từ vị trí được sủng trong điện thờ, tôi bị đá ra ngoài đầu đường xó chợ vì cái tư tưởng “khắc kỷ” của Khổng – Mạnh và “diệt dục” của Phật giáo bị giai cấp thống trị lợi dụng trong thời phong kiến.
Chúng ngang nhiên đổi họ của tôi từ “Trần” thành “Thô”, xem tôi là một cái gì đó tội lỗi, xấu xa và bẩn thỉu.
Chúng biến mối thâm tình giữa tôi và Thiêng trở thành mối thâm thù, làm tôi mất Thiêng từ đây.
Chúng khiến con người quay lưng lại với cội nguồn sinh ra mình chỉ để chứng minh là chúng có “đạo đức”, “văn hóa”.
Chúng thay tên 4 linh khí của tôi thành cái tên nghe thanh nhã hơn. Chẳng hạn không được gọi Chim, Cu, Cặc mà phải gọi là “Dương Vật”; không được gọi Bướm, Lồn, Hĩm mà phải gọi là “Âm Hộ”.
Nực cười thay! Dù có thay tên đổi họ, khoác trên mình bao nhiêu gấm hoa lượt là thì vẫn không thể che đậy bản chất thật bên trong. 4 linh khí vẫn là bộ phận đảm nhận việc làm sướng và duy trì nòi giống cho con người. Nhắc đến cái sướng, Tục tôi cảm thấy rất buồn cười. Những kẻ ban ngày tỏ ra thanh cao, khinh bỉ Tục tôi thì ban đêm vẫn phải vục mặt vào để tìm cái khoái lạc trần gian. Vậy chẳng khác nào là bọn đạo đức giả, thấy “đôi gò bồng đảo sương còn ngậm” thèm nhỏ giãi mà lòng cứ dùng dằng “đi thì cũng dở, ở không xong”!
Nguồn: bongtaduong
Xin hỏi khi cạ cạ, vân vê 4 linh khí “bẩn thỉu” của tôi để sướng, để thực hiện công việc duy trì nòi giống thì có ai thấy xấu hổ không? Hay chỉ những kẻ lợi dụng nó để làm chuyện bất chính mới “nhồn nhột” trong lòng?
Mặt khác, loài người tôn thờ đứa em song sinh khác trứng của tôi là Thanh, mãi đi tìm một thế giới Thánh Thiện, một Thiên Đường ở nơi cao xa. Nhưng họ không biết rằng, Thiên Đường chẳng nằm đâu xa mà ngay tại trần thế này. Hơn nữa, tôi và Thanh tuy hai mà là một, vốn không thể tách rời. Cũng giống như Bóng Tối và Ánh Sáng, Tốt Đẹp và Xấu Xa. Chính vì tồn tại cùng nhau, đứng cạnh nhau mới làm tôn giá trị cho nhau.
Oan uổng thay!
Chính cái tư tưởng phong kiến ấy đã đóng khung tôi vào cái khuôn của Thấp Hèn, Xấu Xa trong tâm trí con người. Và chính vì lẽ đó, tôi bắt đầu được con người sử dụng làm phương tiện để đạt mục đích của mình.
Mục đích đầu tiên chính là hạ nhục người khác. Không có gì hả hê bằng việc đem cái thứ được cho là xấu xa, thô bỉ nhất để gán cho kẻ mình thù ghét hoặc cho người thân của họ. Tại đây, tôi có dịp kết bạn với Chửi, tiện tay lây lan tiếng xấu của mình vào Chửi. Tôi đã lây tiếng xấu thế nào thì mời Thần vào đọc bài viết này:
Mục đích thứ hai là để bày tỏ cảm xúc, thái độ của mình một cách mãnh liệt, mạnh mẽ và dứt khoát. Mục đích này được thể hiện bằng hình thức văng tục – một câu nói đệm, phụ vào câu nói chính nhằm diễn tả một lập trường, một quả quyết của người nói mà không có ý gửi tới người khác. Ví dụ như “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” (Tục tôi ưng từ Đéo hơn).
Nguồn: Dân Trí
Ở mục đích này, Tục tôi luôn nằm trên cửa miệng của người nói. Bắt đầu nói là “Đụ mẹ, trời hôm nay mưa to thế!”, trong khi nói thì chêm thêm nhiều câu “Đụ mẹ” rồi kết thúc câu cũng “Đụ mẹ”. Đàn ông văng tục nhiều hơn là chửi tục hoặc không chửi nặng, chửi dai, chửi nhây như đàn bà. Có lẽ với sức mạnh sẵn có, họ không cần nhiều lời dông dài, xoắn tay áo lên và ... quẩy thôi. Và câu văng tục ưa dùng của họ thường bắt đầu bằng chữ “Đ.”: Đụ, đù, đéo, địt, đếch, đệch. Ngược lại, đàn bà thì chửi tục nhiều hơn văng tục.
Mục đích tiếp theo là dùng tôi với Thanh để đấu trí nhau mà người đời hay gọi là “Đố Tục giảng Thanh” hoặc “Đố Thanh giảng Tục”. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa của nông dân Việt Nam. Những lúc nhàn nhã ngồi nghỉ mệt, uống một bát nước lành sau một buổi cày cuốc vất vả, họ nhìn những con vật, đồ vật xung quanh, quan sát các đặc tính, cử chỉ, hình dáng rồi tức cảnh thành câu đố dưới hình thức các câu thơ. Chẳng hạn như câu đố cái bánh giầy dưới đây:
Bì bà bì bạch, trắng bạch như cò
Ôm lưng, bóp vú, kéo co lên giường
Điểm chính trong các câu đố này là người nghe một đằng nhưng phải hiểu một nẻo. Câu đố được tạo nên bởi mối quan hệ tương quan giữa hai sự vật, hai hình dáng, hai màu sắc, hai cử chỉ, hai đặc tính... Và nhiệm vụ của người giải phải tìm ra được mối quan hệ ẩn giấu ấy từ một sự vật đã biết.
Trong loại câu đố tục giảng thanh và đố thanh giảng tục, người đố phải có tài dụng ngôn ngữ thật tuyệt diệu sao cho có thể diễn tả linh hoạt giữa sự vật và các cơ quan sinh dục hoặc hành động làm tình. Ví dụ như trong đố tục giảng thanh, câu đố cái quạt như sau:
Rành rành ba góc rành rành
Khi thì ẹp lại, khi thì vành ra
Khi vui thì sướng hay là
Khi buồn thì chảy nước ra rì rì
Cũng là cái quạt nhưng qua bàn tay của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì:
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên này tác hợp tự ngàn xưa
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa
Hay với đố thanh giảng tục có thể kể đến những bài như Đèo Ngang, Hang Cắc Cớ, Cái Giếng của Bà chúa thơ Nôm:
Cửa son đỏ loét tùm bum nóc
Kẻ đá xanh xì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thổi
Đầm đìa lá liễu giọt sương reo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo
(Đèo Ngang)
Đọc bài thơ trên, Ngài muốn hiểu nội dung theo nghĩa đơn thuần là tả cảnh cũng được, mà muốn hiểu theo nghĩa tả Bướm cũng được, tùy theo mức  liên tưởng và độ trong đục của tư duy mỗi người.
Mục đích kế tiếp là dùng tôi để gây cười bằng hình thức kể chuyện tiếu lâm. Tất nhiên có nhiều cách để gây cười, nhưng dùng thị Tục tôi đây thì đạt được hiệu ứng bật cười hơn cả. Và tiếng cười trong truyện tiếu lâm chẳng phải là tiếng cười nhẹ, cười mỉm mà là cười rũ, cười mỉa vào cái thói rởm đời, là điệu cười vào cái sự ngốc nghếch, vụng về hoặc hiểu nhầm giữa hai tình huống tương đồng nhau.
Nhiều người chê bai cái tục trong truyện tiếu lâm và đề cao kiểu cười “văn hóa”, nghĩa là không dùng từ tục mà vẫn tạo được tiếng cười thâm sâu. Thị Tục tôi cảm thấy khá buồn vì, nếu tạm bỏ cái khuôn Thấp Hèn, Xấu Xa ra để nhìn cái tục trong truyện tiếu lâm bằng lăng kính trong vắt, rộng mở thì sẽ thấy tiếng cười không né tránh cái tục vẫn rất lành mạnh, hóm hỉnh, khỏe khoắn và tràn đầy lạc quan. Hãy buông lời phê phán nếu cái tục trong truyện tiếu lâm không gây cười mà chỉ gợi dục. Thần có cảm nhận gì khi đọc một truyện tiếu lâm dưới đây:
“Một phú ông có hai cô con gái xinh lắm. Một hôm thành gia thất chị, bố sai em đi xem người nào may khéo, để may nhiều quần áo lịch sự, mà may trong ba hôm xong. Cô ta đi đến một người và bảo như thế. Người thợ thấy cô ta xinh, muốn chim. Khi cô ả đến giục thì anh ta ngẩn mặt ra, không nói đến sự may. Cô ta hỏi rằng: sao anh ngẩn mặt thế". Anh ta nói rằng: "Bây giờ tôi có việc cần, chưa thể may được,, Cô ta hỏi rằng: việc gì". Anh ta nói rằng: "Bây giờ con tằm tôi nó đói phải cho nó ăn bồ hôi người mới no được". Cô ta hỏi: "Thế ăn bồ hôi tôi có được không?”'. Anh ta nói rằng: "Tốt quá” rồi dắt cô ta vào phòng, lấy cái "ấy” ra, di từ trên đến chân, rồi từ chân lại di đến trên, sau anh ta ấn ngay vào. Cô ta về một chút, lại đến hỏi rằng: "Tằm anh đã đói chưa?".”
(Tằm anh đã đói chưa – Sưu tầm)
Nguồn: Thăng Long Kỳ Đạo
Mục đích tiếp theo là dùng tôi để châm biếm, lột trần cái mặt nạ đạo đức giả, phê phán các phép tắc, lễ giáo quá khắc nghiệt, bất công trong xã hội phong kiến. Tại đây, tôi được kết bạn với Bi và Hài, tạo nên tiếng cười mà nghèn nghẹn nước mắt. Tôi – thứ được xem là xấu xa, bẩn thỉu – với mục đích này đã được “vinh dự” xuất hiện trong các tác phẩm văn học. Thơ của bà chúa Hồ Xuân Hương thể hiện sự bất mãn “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, chán ghét xã hội phong kiến thế nào ắt thần cũng từng nghe qua. Tôi thì lại muốn dẫn ra một bài thơ tục do vị Tam nguyên Yên Đỗ - chính danh nhà Nho – làm ra:
Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có miếu ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đó xắn quần lên
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trên mủm mỉm cười:
“Cái gì trông trắng như con cúi”
Đàn bà khép nép đứng lên thưa:
“Con trót hở hang, xin xá tội!”
“Không không mi chẳng tội tình gì
Chỉ tội làm ông cứng con buồi
Về bảo đàn bà khắp làng này
Ra đây ông cho giống ông Cuội”…
(Chuyện làng Cuội – Nguyễn Khuyến)
Nhiều người chỉ biết đến Nguyễn Khuyến là người làm thơ thanh nhã nhất. Nhưng ít ai biết vị thi sĩ này cũng là người làm thơ tục nhất trong thơ ca Việt Nam. Lại một người khác - Nguyễn Thiện Kế, anh rể của thi sĩ Tản Đà, một nhà thơ trào phúng đã có vài câu hóm hỉnh nhằm mỉa mai bọn quan nịnh Tây:
Khen thay phủ Quảng khéo ranh ngầm,
Phò nịnh anh Tây, cõng mẹ đầm.
Đôi vú ấp vai đầu nghển nghển,
Hai tay ôm đít mặt hầm hầm.
May mà vững gối, nhờ ơn tổ!
Khéo chẳng sa chân, chết bỏ bầm.
Ngoảnh bảo Huyện Hòa ôm váy hộ,
Rỉ tai, nhăn mặt, bảo nhau thầm.
Kêu oan đến đây, Tục tôi xin phép được cười nhếch mép lần nữa. Vì ngẫm lại, nếu cho rằng “văn hóa” phải là những thứ thanh cao, nho nhã thì há chẳng phải cả nền văn học dân gian (truyện tiếu lâm, câu đối, thơ ca) và các nhà Nho giáo như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyện Thiện Kế đều tục tĩu, vô văn hóa sao?
Không chỉ thơ châm biếm thời phong kiến mà Tục tôi còn xuất hiện cả trong văn chương thời hiện đại dưới ngòi bút của một số tác giả như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập...
Chẳng hạn trong truyện “Những bài học nông thôn” của Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật Bà Lâm kể: “Ngày xưa có ông Hai Chép lái đò ham đánh tam cúc ăn tiền, đầu tiên mất tiền, rồi mất ruộng, mất đến nhà, vợ nó cũng bỏ đi nốt. Thế là đến đêm ra thuyền ngồi khóc. Giận đời, lại muốn chuộc tội, ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sông. Vợ nó cũng chẳng quay lại”. Mẹ Lâm bảo: “Đàn bà thế là bạc”. Bà Lâm bảo: “Bạc gì? Có hai hòn dái là của quý thì mất rồi còn đâu?”.
Vâng, một câu hỏi rất thực tế và nếu thay từ “hòn dái” bằng một từ “thanh tao” khác thì chắc hẳn sắc thái câu nói đã giảm gần hết cái hay của nó. Thậm chí còn có phần gượng ép, giả tạo.
Rồi đến thời hiện đại văn minh, đám trẻ loi choi sử dụng tôi một cách buông tuồng, bạ đâu văng đấy, càng hạ thấp cái phẩm giá - vốn đã bị rẻ rúng – nay lại càng giảm xuống mức âm 1000 độ, làm lòng tôi lạnh giá đến tan nát. Vì vậy tôi viết bức thư kêu oan này với tất cả những mảnh lòng đã vụn vỡ, chỉ mong cầu một sự thấu hiểu.
Oan uổng thay!
Nguồn: HaiVN
Ngài thấy đấy, Tục tôi có mặt trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ tín ngưỡng, điêu khắc, phong tục cho đến văn học nghệ thuật. Họ càng ngăn cấm, tôi càng lồ lộ ra ngoài, bằng cách này hay cách khác, mãi không thể diệt trừ được. Vì như đã nói lúc ban đầu, tôi là hiện thân của cuộc sống con người. Chừng nào loài người còn tồn tại thì chừng ấy Tục tôi vẫn sống dai sống khỏe.
Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, từ thời nguyên thủy cho đến đương đại, dù cuộc đời có lên voi xuống chó thế nào thì bản chất của Tục tôi cùng 4 linh khí muôn đời vẫn như vậy: là cội nguồn của sự sống, là khoái lạc của trần gian. Chỉ có con người là thay đổi. Ở thời này, họ nâng tôi lên làm Thần. Vào thời khác, họ đá tôi ra ngoài với tất cả sự khinh bỉ.
Nên Tục tôi không còn mong được trở về nơi điện thờ để người ta thờ phụng, hay được ngồi chung chiếu với nàng Đẹp, em Thanh. Con người muốn thay tên 4 linh khí bằng những cái tên thế nào cũng được; đặt ra các quy định, luật lệ với Tục tôi ra sao cũng chẳng màng. Vì tất cả cũng chỉ là lớp áo ngoài mà con người luôn có thể tùy tiện khoác lên người tôi hàng nghìn cái.
Điều tôi mong muốn chính là người đời có thể bỏ cái khung thành kiến, nhìn thẳng vào bản chất thật của Tục tôi. Nhìn thẳng và chấp nhận rằng:

Tôi họ Trần, là Trần Tục, không phải Thô Tục!

Để mà đừng dùng tôi một cách bừa bãi, vô tội vạ.
Oan uổng thay!
Oan uổng thay!
28.11.2018
Sống sót qua cơn “đại hồng thủy” mang tên Usagi
Huỳnh Lê Kim Ngân