Nhắc đến chửi, chắc hẳn ai cũng cho rằng đó là một hành động vô văn hóa, tục tĩu mà phàm là người có học thức cũng đều nên tránh. Nhưng có thật như vậy không? Nhân dịp tình cờ đọc được một bài viết bàn về sự chửi của người Việt Nam trong cuốn sách nọ, tôi bỗng thấy hứng thú muốn tìm hiểu sâu thêm về một trong những nét văn hóa rất đặc trưng của dân tộc này.
Và bài viết này ra đời, với các phần sau:
Chửi là gì?
Đặc điểm trong lời chửi của người Việt
Nguyên nhân hình thành cái sự chửi
Có phải cứ chửi là “tục”?
Thực trạng chửi của người Việt ngày nay
How to chửi có “văn hóa”?
Có một lưu ý nhỏ là vì bài viết bàn về văn hóa chửi nên phần nội dung sẽ không tránh khỏi việc trích dẫn những câu chửi trong đời sống thực. Nên bạn nào bị dị ứng hoặc có cái nhìn định kiến về chửi thì đừng đọc tiếp nhé. Kẻo đọc xong rồi lại downvote bài thì tội mình lắm. :(
Và ta cùng bắt đầu nào.

Chửi là gì?

Nguồn: The Oxford Review
Theo từ điển Tiếng Việt do GS. Hoàng Phê làm chủ biên thì chửi là hành động “thốt ra những lời xúc phạm cay độc để làm nhục cho hả giận”. Chửi khác với cãi nhau. Khi cãi nhau, chúng ta cố gắng dùng lý lẽ của mình để thắng đối phương. Chúng ta phải dõng tai nghe kỹ từng lời của họ, cố tìm ra chỗ hở để dùng cái lý của mình bẻ gãy cái lý của đối phương. Nếu đối phương đuối lý, chúng ta thắng.
Còn chửi thì khác. Chúng ta không cần phải nghe nhau, cứ việc dùng tất cả vốn liếng ngôn từ trong phần đời của mình để tung đòn hạ nhục đối phương, đồng thời đáp trả lại sự công kích tương tự. Kẻ thua cuộc là người vì quá mệt, đuối sức hoặc kho đạn ngôn từ quá ít ỏi nên đành ngậm ngùi im lặng lãnh đạn.
Tiếp theo sẽ xảy ra hai trường hợp. Trường hợp một là người thua cuộc tụng trong lòng hàng nghìn chữ “Nhẫn”, bật chế độ “phớt lờ”, xem như không nghe thấy tiếng chửi của đối phương. Trường hợp hai xảy ra khi chữ “Nhẫn” trở nên bất lực, người bị chửi cảm thấy bản thân bị xúc phạm nặng nề, không thể chịu đựng được nữa thì tiến đến giai đoạn “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Hai bên xô xát nhau: đàn ông thì dùng sức mạnh cơ bắp để đánh cho máu chảy đầu rơi; đàn bà thì túm tóc, lột quần xé áo. Cho đến khi có người can ngăn hoặc xảy ra thương vong nặng nề mới ngừng hẳn.
Như vậy, theo tác giả Tràng Thiên trong tùy bút Quê hương tôi thì “chửi là hình thức xung đột mạnh nhất bằng lời nói”.

Đặc điểm trong lời chửi của người Việt

Theo những gì đã tìm hiểu thì cách chửi của người Việt từ xưa đến nay có những đặc điểm chính như sau:
+ Lấy các từ chỉ cơ quan sinh dục, hoạt động bài tiết, hoạt động tình dục hoặc sản phẩm, kết quả của những hoạt động trên để chửi. Ví dụ: đ* mẹ mày, cái con c*c, dí l*n vào mặt mày, cười ỉa...
+ Lấy cha mẹ, ông bà, tổ tiên của đối phương để chửi. Ví dụ: Cha năm đời mười đời thằng đẻ ra bố đứa nào lấy con vịt của bà, nó mà không đem trả bà, thì bà đào mả ông bà ông vải nó lên, bà bắt nó chui vào váy bà... (Chuyện mất gà).
+ Dùng những con vật bị khinh rẻ, xem là thấp kém để so sánh đối phương. Ví dụ: đồ ngu như bò, đồ chó đẻ...
+ Đánh vào những điểm yếu, khiếm khuyết của đối phương để chửi. Ví dụ: đồ thọt, đồ què, đồ mắt lé...
+ Nguyền rủa, mong những điều xui xẻo, cái chết sẽ đến với đối phương. Ví dụ: Mày mà giết gà nhà bà, thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba, mày xuống âm phủ mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra, ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ạ!” (Bước đường cùng – Nguyễn Công Hoan).
Xét về mặt hình thức thì chửi được chia làm hai loại là chửi trực tiếp và chửi gián tiếp. Trong lối chửi trực tiếp, người chửi tự cho mình ở vị trí cao hơn và hạ thấp người bị chửi xuống hàng thấp kém nhất, ngang bằng con vật. Ngược lại, lối chửi gián tiếp thì tôn người bị chửi lên trên và xem khinh chính mình nhằm mục đích: chửi mình để chửi người.
Thế nên, thay vì chửi thẳng mặt người kia là đồ ngu như óc chó thì sẽ tự nhận mình là đồ ngu, đồng thời kể lể những chuyện, những việc đã xảy ra như thể là của mình nhưng thực chất lại là chuyện của người bị chửi. Ví dụ: “Cái Hoa nhà em học thì cũng không giỏi gì cho cam nhưng được cái không bao giờ lêu lỏng ngoài đường gần 9, 10 giờ đêm mới về, cũng không đòi hỏi món này thứ kia”. Lối nói gián tiếp này còn được gọi là nói mát, nói cạnh khóe.
Người bị chửi đương nhiên hiểu những lời trên là ám chỉ mình, ức lắm, tức lắm nhưng không làm gì được vì rõ ràng, người kia đang nói về con họ chứ có phải nói mình đâu! Nên lối chửi trực tiếp thì điếng tai còn chửi gián tiếp thì điếng lòng.
Xét về mặt đối tượng thì chửi cũng được chia làm hai loại là chửi đổng và chửi nhau. Chửi đổng là chửi không nhắm vào một đối tượng cụ thể nào, là loại chửi độc thoại, có thể làm thành một bài “tế” hoành tráng, kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Sau đây là một ví dụ rất thú vị về chửi đổng:
Chuyện kể rằng ở một làng quê nọ, có một chị đi hái rau muống để về nấu bữa cơm trưa. Ra đến ruộng thì phát hiện cả một ruộng rau muống tươi ngon mơn mởn nay chỉ còn lại cái gốc. Ức quá, chị mới cất cao cái giọng ngọt lịm của mình để chửi:
“Cha tiên sư bố đứa nào ăn cắp rau muống nhà tao, mày rửa nước rau, mày xào nước giếng, mày ăn không ngon mày cho thêm tí bột nêm vào”.
Tôi đã bật cười khi đọc câu chửi này. Trời hỡi có ai đời câu đầu chửi thằng trộm mà câu cuối lại chỉ cho cách xào rau muống ngon không? Dân ta ngày xưa thật thà chất phác dễ thương làm sao.
Còn chửi nhau là hai người mặt đối mặt, miệng đối miệng mà tru lên để chửi. Và thường đàn bà chửi nhiều hơn đàn ông. Khi có mâu thuẫn, đàn ông hay văng tục vài câu mào đầu như “Đ* mẹ mày muốn gì?” , xong xoắn tay áo lên rồi lao vào quật nhau như hai còn bò điên. Đàn bà thì khác, chỉ là phái yếu, có đánh nhau thì cũng như mèo cào nên chỉ còn cách cong môi lên chửi. Lại xin được trích dẫn một tình huống chửi nhau của hai người lấy trong cuốn Quê hương tôi của tác giả Tràng Thiên:
Người A: Mẹ mày, cả nhà mày ra đường bị gà nó mổ mất dái từ già đến trẻ.
Người B: Con khỉ trù, chó nó tha mất cu, chết đi thành con ma trơi bay dọc đường xó chợ.
Người A: Đ. Mẹ mày.
Người B: Tao ỉa vào đầu lâu hoa cái nhà mày.
Người A: Tiên sư mày, tao chẻ xương mày ra.
Người B: Đồ chết tiệt, mày đi ra đường xe cán, mày đi sông thuyền nó chìm...”
Nguồn: Stylist

Nguyên nhân hình thành cái sự chửi

Chửi xuất hiện từ bao giờ và tại sao người Việt lại chửi nhiều như vậy?
Cho đến giờ chưa có tài liệu nào đưa ra chính xác thời điểm tiếng chửi xuất hiện đầu tiên trong xã hội loài người. Nhưng theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ thì tiếng chửi xuất hiện rất sớm, manh mún từ thời nguyên thủy. Con người khi ấy hướng đến tự nhiên với hai thái độ: một là khi thời tiết thuận lợi (mưa thuận gió hòa), hai là khi thời tiết có hại (gió bão, lũ lụt, hạn hán).
Trí tuệ con người khi ấy chưa đủ phát triển để lý giải các hiện tượng trên nên họ thần thánh chúng và cố nghĩ cách để khắc chế loại thời tiết có hại. Họ cho rằng cái gì nói ra bằng tất cả tấm lòng chân thành thì sẽ thành hiện thực. Vì thế mới xuất hiện cầu khấn, chửi rủa nhằm xua đuổi các hiện tượng thời tiết xấu. Rồi dần dần khi con người hình thành các nhóm cộng đồng, xung đột cũng từ đó xuất hiện. Và con người bắt đầu dùng tiếng chửi để giải tỏa ấm ức trong lòng.
Lại nói về vấn đề tại sao người Việt lại chửi nhiều. Trước khi qua vấn đề này, tôi muốn làm rõ mục đích chửi của người Việt. Có phải chửi chỉ đơn thuần là những lời nói nhảm nhí, vô nghĩa phát ra từ những con người vô văn hóa, thiếu giáo dục không? Theo Nguyễn Văn Trung viết trong cuốn Ngôn ngữ và thân xác thì dân ta sử dụng tiếng chửi làm phương tiện để đạt được mục đích của mình.
Mục đích đầu tiên, và cũng là mục đích được sử dụng nhiều nhất, chính là làm nhục người bị chửi cho thỏa cơn tức giận. Mục đích thứ hai là thông qua lời chửi để buộc người bị chửi làm điều người chửi mong muốn. Lấy ví dụ về tiếng chửi của vợ Trương Thi vì mất gà trong tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Thím chửi cha, gọi mẹ thằng trộm gà, thím “đào thằng tam đại tứ nhà mày lên, khai quật san bằng ngũ đại lục đại nhà mày lên”, không chỉ để trút bỏ cơn tức mà cái chính là muốn cho kẻ trộm chịu không thấu những lời sỉ nhục nặng nề ấy nữa mà đem trả gà lại.
Mục đích này cũng được sử dụng trong chiến đấu dưới cái tên “Kích tướng kế”. Trong cuốn 36 kế và 36 đối kế, phần “Kích tướng kế”, tác giả Hầu Gia đã kể lại một câu chuyện như sau:
Khổng Minh đem quân ra Kỳ Sơn để đánh Ngụy. Bên Ngụy có Tào Chân làm đại đô đốc, Vương Lãng đã 76 tuổi làm quân sư. Quân hai bên dàn trận, Vương Lãng muốn Khổng Minh đầu hàng bèn nói khích. Khổng Minh nghe xong, cười ầm lên mà rằng:
“Ta tưởng ngươi là một vị lão thần nhà Hán, có cao luận gì chăng, ai ngờ ăn nói ngu dốt vậy... Ta biết ngươi vốn đỗ hiếu liêm, đáng lẽ phò vua giúp yên nhà Hán, không ngờ ngươi lại giúp giặc, đồng mưu cướp ngôi... Tội nhiều, ác nặng, trời tất không tha. Người trong thiên hạ, ai cũng muốn xé xác người... Ngươi là đứa xiểm nịnh, thì nên co đầu rụt cổ, cầu lấy cơm áo là đủ, sao dám ra đây nói năng càn rỡ, đổ tại số trờ. Tên thất phu đầu bạc, thằng lão tặc râu trắng kia! Nay mai ngươi chết, còn mặt mũi nào trông thấy hai mươi bốn vua nhà Hán nữa...”
Vương Lãng nghe xong, tức giận khí uất đầy ruột, rú lên một tiếng ngã lăn xuống đất chết ngay.
Qua đó ta có thể thấy, chửi, nếu biết cách sử dụng sẽ trở thành thứ vũ khí hữu hiệu mà ít gây thương vong. Tôi đồ rằng liệu đây có phải là lý do giải thích cho việc người Việt hay chửi không? Trong cuộc sống không thể tránh những cuộc xung đột, mâu thuẫn. Và để giải quyết thì thường sẽ có hai hướng: 1 là nhịn nhục cho qua; 2 là xoắn áo lên và choảng. Những quy định, luật lệ xã hội không cho phép con người sử dụng vũ lực nên đa số chọn cách nhịn nhục. Nhưng liệu rằng chỉ việc đè nén cơn giận dữ, niềm uất hận trong lòng là sẽ giải quyết mọi chuyện?
Không. Cơn giận là một chất độc hại. Khi ta tức giận, cơ thể sẽ kích thích tuyến thượng thận, làm tim đập nhanh, mạch máu căng, huyết áp cao, sản sinh ra nhiều gốc tự do. Các gốc này làm tổn thương các cấu trúc bên trong cơ thể người, là nguyên nhân thúc đẩy lão hóa da sớm. Cơn giận là chất độc nên không thể nuốt. Nuốt giận, ắt sẽ sinh bệnh tật. Vì thế, cách để trở nên không tức giận chẳng phải là nhịn nhục, kìm nén nó trong lòng, mà là xả hết ra.
Nhưng xả bằng cách nào? Choảng nhau với thằng/con làm mình điên máu ư? Không không, công dân mẫu mực chả ai làm thế. Thôi thì đi đập tạm chén, bát, ly cốc ở nhà? Không không, rồi lại phải tốn tiền mua cái mới, xót của bỏ mẹ. Phải cần một hành động thật mạnh, có tác dụng giải tỏa hiệu quả mà không gây ra thương vong hay tốn kém. Và chửi chính là biện pháp như thế.
Nguồn: RayKliu
Bằng tiếng chửi, ta có thể thoải mái đào mả tổ tiên kẻ thù, dí bộ phận sinh dục của mình vào mặt kẻ thù, nguyền rủa họ xuống 19 tầng địa ngục nhưng lại không gây sứt mẻ gì đến đối phương. Bằng tiếng chửi, ta có thể xả hết cơn ấm ức, tức tối trong lòng mà chẳng ảnh hưởng xấu đến ai. Tác giả Tràng Thiên cho rằng “Có lẽ nhờ hay chửi mà người bình dân Việt Nam bị thiệt thòi, áp bức, lại không mang nhiều ẩn ức trong tâm hồn, có thể lập được quân bình tinh thần, bớt cay đắng”.
Điều này làm tôi nhớ lại bài ca dao Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn đã được học trong cuốn Ngữ Văn nâng cao lớp 10:
Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn
Tháng khốn, tháng nạn
Đi vay, đi tạm
Được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên
Mua con gà mái
Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng
Một cái trứng ung
Hai cái trứng ung
Ba cái trứng ung
Bốn cái trứng ung
Năm cái trứng ung
Sáu cái trứng ung
Bảy cái trứng ung
Còn ba cái trứng nở ra ba con:
Con – diều tha
Con – quạ bắt
Con – cắt lôi.
Chớ lo phận khó ai ơi
Còn da – lông mọc, còn chồi – nẩy cây
 
Tôi đã được học rằng người dân ta thời xưa dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn lạc quan yêu đời, tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Điều đó cũng thể hiện trong tiếng cười của các tác phẩm văn học dân gian như truyện tiếu tâm, trào phúng, ca dao hài hước, châm biếm... Nhưng làm sao có thể luôn lạc quan nếu phải sống trong cảnh bị áp bức, bóc lột thời thực dân phong kiến? Bởi vậy, ngoài tiếng cười thì cần phải chửi. Chửi để xả hết cơn bất bình trong lòng. Chửi để kiên cường sống tiếp cho ngày mai.
Có lẽ vì vậy mà tiếng chửi đã ăn sâu vào máu của người Việt đến tận bây giờ. Dù hiện nay, có rất nhiều cách để ta trút cơn giận dữ một cách “văn hóa”, “sang” hơn chửi nhưng nhiều người vẫn cảm thấy văng một câu chửi thề có hiệu quả giảm stress hơn rất nhiều.

Có phải cứ chửi là “tục”?

Nhắc đến từ “chửi”, người ta hay đính kèm với từ “tục”. Nếu thế thì oan cho ẻm quá, vì người Việt không chỉ hay chửi, chửi tục mà còn chửi hay nữa. Hay về mặt nghệ thuật và ý nghĩa. Cùng xem một đoạn chửi trích trong truyện Khao của Đồ Phồn:
“Cha bố tiên nhân thằng Cò! Cha bố tiên nhân thằng Cốc! Cha họ nội họ ngoại, họ gần họ xa, họ năm đời giở lên, họ ba đời giở xuống nhà thằng Cò, thằng Cốc! Cha tam đại, tứ đại, ngũ đại mai thần chủ thằng Cò, thằng Cốc! Cha đứa già đứa trẻ, đứa nhớn đứa bé, đứa mẹ đứa con, đứa đỏ như son, đứa vàng như nghệ nhà thằng Cò, thằng Cốc, bảo nhau định vỗ nợ của bà!”
Nguồn: taringa.net
Bạn thấy đấy, đoạn trên không có lấy một từ tục tĩu nào mà vẫn nhận ra đó là lời chửi. Người chửi đã hạ nhục đối phương bằng cách tôn mình lên đứng ngang hàng với dòng họ, tổ tiên nhà đối phương. Hơn nữa, trật tự liên kết giữa các vế câu cũng rất chặt chẽ và logic: từ họ nội ngoại đến họ gần xa, từ năm đời đến ba đời, từ tam đại tứ đại đến ngũ đại, từ mẹ đến con. Có ai nghe mà chịu được kiểu làm nhục này không?
Một ví dụ khác rất tiêu biểu về câu chửi hay đầy chất nghệ, đó là của vợ Trương Thi trong Bước đường cùng của cụ Nguyễn Công Hoan. Tôi xin trích dẫn nguyên văn như sau:
“Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả bỏ nó ra, không thì tôi chửi cho đấy!
Chém cha đứa nào bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay con bà gọi nó nó hãy còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem!
Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra…”
Vâng, người Việt có thể làm thành một bài ca “chửi” dài dằng dặc mà lại không hề nhàm chán. Mỗi câu sử dụng nghệ thuật đối và lặp, lại có vần điệu, tiết tấu nhịp nhàng. Bởi người ta hay nói “chửi như hát” là vậy. Đất nước nào cũng có chửi nhau nhưng mấy ai được như người Việt ta, có thể kéo dài cuộc chiến đấu võ mồm từ ngày này sang ngày khác bằng vốn từ vựng cực kỳ phong phú của mình?
Đó là về mặt nghệ thuật. Còn ý nghĩa, tác giả Tràng Thiên có nhận định thế này: Thiết tưởng chửi có thể coi như hình thức xung đột khôn ngoan của một dân tộc khôn ngoan. Như tôi đã nói ở phần trên, chửi là một biện pháp hữu hiệu giúp làm nguội lửa giận trong lòng mà ít gây thương vong. Nếu chửi được sử dụng một cách đúng đắn, nghĩa là cả hai bên chỉ dừng ở mức độ xung đột bằng lời nói, sử dụng lời lẽ cay nghiệt nhất để thỏa cái bản năng hung bạo trong người, thì sẽ tránh được một cuộc đổ máu không cần thiết. Đó là cái hay, là mặt tốt của chửi. Và người Việt ta hay chửi, có lẽ một phần vì muốn tránh “động thủ” chăng? Như vậy cũng có thể nói, người Việt là một dân tộc khôn ngoan.
Tóm lại, chửi không chỉ tục mà còn rất hay nếu biết cách sử dụng và dùng đúng lúc, đúng chỗ. Đó được gọi là chửi có “văn hóa”.

Thực trạng chửi của người Việt ngày nay

Để chửi cho hay, cho thấm, có vần có điệu thì người chửi phải cực kỳ thông minh và sở hữu kho tàng ngôn từ phong phú. (Điều này có nghiên cứu chứng minh rồi, bạn có thể xem tại đây).
Nhưng thực tế hiện nay, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng lạm dụng “chửi”: chửi mọi lúc mọi nơi, chửi chỉ để thể hiện ta đây là cool, ngầu lòi, chửi cho sướng miệng mặc dù người kia không làm gì mình. Điều này vô tình làm cho cái chất hay, chất “văn hóa” trong chửi bị mai một đi. Nguyên nhân một phần là do thời đại đã thay đổi. Lối sống nhanh, sống gấp theo kiểu mì ăn liền cũng khiến cho tiếng chửi cũng “mì ăn liền hóa”.
Nhưng ở đâu đó cũng xuất hiện những câu chửi rất bài bản, dù không bằng người xưa nhưng ít ra chửi có đầu có đuôi, có nguyên cớ rõ ràng. Chẳng hạn như khi tôi đang ngồi gõ cọc cạch bài viết này, giữa chừng nghỉ mệt lướt Facebook thì tình cờ đọc được một bài viết sau:

“Sự việc toàn bộ được diễn ra như trên và sau đây em xin được phép khẩu nghiệp.
Địt cả lò con mặt lồn, địt mẹ cái loại mày trứng còn đòi khôn hơn vịt. Địt mẹ mày đéo có mã khuyến mãi giao hàng nên đặt grab bike để lấy mã khuyến mãi rồi đòi làm mẹ thiên hạ. Nếu bình thường thì cũng ok thôi. Nhưng cái thái độ làm mẹ thiên hạ nên thế đấy. Địt mẹ mày sống quái thai nó vận vào người đấy. Nó đéo vận vào mày thì nó vận vào con mày, vào cháu mày đấy. Thế nên mới có câu nhân quả 3 đời đấy con mặt lồn ạ. Địt mẹ mày nhân quả nó đến muộn nên người ta tưởng là đéo có, nhưng trời mà quá báo thì ăn cháo cũng gãy răng thôi con mặt lồn ạ.
Địt mẹ mày báo grab khoá tài khoản của bố mày cả lò nhà mày cũng đéo béo được lên cân nào đâu. Nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống của một người khác đấy con mặt lồn ạ.
Địt mẹ con mồm lồn răng cá mập, sống đéo có đức thì ngồi trong nhà cũng cẩn thận quạt trần đứt rơi chết cụ mày. Con hãm lồn dồn kẽ háng bố mày mà so mày với chó thì tổn thương loài chó vcl. Địt mẹ con giáp thứ 13. Bố mày trù cho mày tịt đẻ chết cụ mày đi con mặt lồn.”
Đoạn khẩu nghiệp trên đây hội tụ đầy đủ các đặc điểm trong lời chửi của người Việt mà tôi có nhắc đến ở phần trên. Bạn cũng rất dễ thương khi xin phép trước khi khẩu nghiệp. Hoặc một vài câu chửi không dùng đến một từ tục nào mà vẫn thấu tận tâm can người bị chửi:
“Gia môn bất hạnh, gia nhi bất tài, gia nô bất lực” (hình như trong Thách thức danh hài thì phải)
“Lười cái gì mà chảy xác nhớt thây. Lười trây ra đường phố, lười khủng bố tầng Ô zôn, lười héo hon vũ trụ, lười tích tụ 1 làng lười, lây lan từng cen-ti-met, lười vơ-đét, lười đi-va, lười tàng trữ, lười bao show nhất studio làng hài mở hội.” (Minh Dự)
“Mồm thì lúc nào cũng tỏ ra hiểu biết, thật tiếc cho cái mặt xinh nhưng trí thông minh lại không có, nhân cách méo mó mà thích làm chó trước mặt người ta.” (Sưu tầm)
“Băng vệ sinh đổ nước còn thấm, cớ sao cái loại mày nói mãi mà không chịu ngấm?” (Sưu tầm)
“Cái lưỡi mày không xương nhưng sức sát thương thì hơi bị lớn đó.” (Sưu tầm)
“Tiền rách nếu dán đúng cách thì vẫn còn giá trị. Nhân cách thối tha dù xịt nước hoa thì vẫn nặng mùi.” (Thích Rượu Mận).

Vậy làm thế nào để chửi có “văn hóa”?

Nguồn: Standoutbooks

Thực chất ranh giới giữa “vô văn hóa” và “có văn hóa” nó là một hằng số, thay đổi theo cách nhìn, quan điểm của mỗi người. Riêng tôi thì, nếu có con, tôi sẽ không cấm con chửi (vì chửi là “một dân tộc tính của người Việt”) mà sẽ dạy cho con hiểu đúng bản chất của “chửi” và một số cách để chửi “có văn hóa” như sau:
+ Chửi đúng địa điểm, đúng thời điểm và đúng đối tượng. Họp mặt chém gió với bạn bè, văng vài ba câu chửi tục thì không sao. Nhưng trước mặt người lớn, vào những lúc đứng đắn, nghiêm túc thì không chửi.
+ Không hoặc ít dùng những từ tục trong câu chửi. Đỉnh cao của chửi là không dùng từ tục mà vẫn tục. :))) Vậy nên phải học tiếng Việt thật nghiêm chỉnh.
+ Không chửi bừa, không chửi cho sướng miệng. Là người có học thì chửi cũng phải có bài bản.
Tôi xin mượn một “ca dao chửi” để kết thúc bài viết này:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà chửi cho chừa mặt nhau
Đã chửi, phải chửi thật đau
Chửi mà hiền quá còn lâu nó chừa
Chửi đúng, không được chửi bừa
Chửi cả nhà nó, không thừa một ai
Khi chửi, chửi lớn mới oai
Chửi hay là phải chửi dài, chửi lâu
Chửi đi, chửi lại mới ngầu
Chửi nhiều cho nó nhức đầu, đau tai
Chửi xong nhớ nói bai bai
Phóng nhanh kẻo bị ăn chai vào mồm
(Sưu tầm)
Tài liệu tham khảo:
1. Quê hương tôi – Tràng Thiên – 2012 – NXB Nhã Nam.
2. Ngôn ngữ và thân xác – Nguyễn Văn Trung – 1967
13.11.2018
Huỳnh Lê Kim Ngân

Đọc thêm: