Lưu ý: Bài viết này không mong và sẽ không tiếp nhận những câu chuyện mang tính chất "ông hàng xóm kể", "ông chú kể", "bà bán xôi đầu ngõ kể", "lên Wiki mà xem đi" và những thứ đại loại thế.

Việt Nam ta là một trong những quốc gia có hệ sinh thái rất đa dạng, có số lượng động thực vật rất lớn, trong đó, sự đa dạng các loài bò sát, lưỡng cư không thể không kể đến. Chính vì sự đa dạng đó, con người rất dễ đụng độ các loài bò sát, lưỡng cư, và một trong số đó là rắn, nhóm sinh vật huyền bí, khi nghe đến thì người ta chỉ nghĩ ngay đến một từ "chết chóc" và truyền tai nhau đủ thứ truyền thuyết và những câu chuyện bí ấn về tụi nó, thậm chí, có một số lượng lớn những câu chuyện đấy được lấy làm cốt lõi cho những bài báo giật tít, câu view. Hôm nay, chúng ta cùng điểm qua một số những cái "myths" đấy và giải mã chúng nhé! (mình sẽ cố gắng vận dụng tất cả những gì mình biết và có thể tìm hiểu được để giải mã những điều trên)

Hình ảnh Việt Nam chụp từ Google Maps. Nguồn: Google Maps.


Đọc thêm:

Trước hết, phải xem xem rắn là cái con chi chi đã! "Rắn" là tên gọi chung của những loài động vật thuộc phân bộ Rắn (Serpentes) trong lớp Bò sát (Reptilia), chúng là những loài bò sát ăn thịt (hoàn toàn chứ chẳng con nào ăn chay đâu), không có chân, thân dài, mí mắt tiến hóa thành một chiếc vảy trong suốt bao bọc mắt (ocular scale) và không có tai ngoài. Ok, xong định nghĩa, hãy đến với myth thứ nhất:

Hình minh họa: Cây phát sinh loài cho thấy mối quan hệ giữa rắn và thằn lằn và sự phân bố của các lời rắn độc... (Gốc: Phylogenetic tree showing lizard and snake relationships and the  distribution of venomous species. The black circle refers to the "  Toxicofera, " which includes all snakes and some lizards, and the red  circle represents the Caenophidia, which contains all known deadly  venomous snakes. The percentage of venomous colubrid snakes is an  approximation) (Jacobo Reyes-Velasco et al., 2014), DOI: 10.1093/molbev/msu294.

1. Đã bảo là rắn thì chắc chắn có độc, cấm có cãi!

Các cụ hay bảo con cháu như vậy, ý là để tránh mấy đứa nhỏ nghịch rắn, vì không phải người dân nào cũng có thể phân biệt được con rắn nào độc, con rắn nào không độc, nên tránh cho nó lành. Nhưng sự thật thì như thế nào nhỉ? Có hơn 3000 loài rắn trên Trái Đất đã được phát hiện, trong đó, chỉ có 600 loài là có khả năng gây nguy hiểm, và trong 600 loài ấy, chỉ có 200 loài là có khả năng gây tử vong với tỷ lệ cao. Ở Việt Nam thì sao? Trong hơn 200 loài rắn đã được công nhận ở Việt Nam, chỉ có khoảng 1/3, tức từ 60 loài đến 70 loài rắn độc, trong đó có cả những loài độc rất nhẹ, chỉ gây sưng tấy, và có cả những loài one-hit-one-kill. Ngoài 60-70 loài đã nói ở trên, còn lại đều KHÔNG CÓ ĐỘC!

Đọc thêm:

2. Con rắn nào màu càng sặc sỡ, lòe loẹt như PPA thì càng độc!

Cái myth này không hẳn chỉ xuất phát từ Việt Nam, một trong những nguồn góp phần tạo nên cái myth này chính là cách nhận biết nấm độc trong rừng từ những cuốn sách dạy sinh tồn và/hoặc khoa học, từ đó, không biết ai đã mang cách này để áp đặt lên tụi rắn và lan truyền nó rất mạnh mẽ (chắc một phần là do truyền thông), đến nỗi bây giờ, cả Tây cả ta đều tin sái cổ vào cái myth này. Vậy thì cái vụ càng sặc sỡ càng độc có thật không? CÓ! Chắc chắc là có. Các bạn có thể từng nghe qua ếch phi tiêu độc (họ Ếch phi tiêu Dendrobatidae) ở Nam Mỹ, chúng có màu sắc rất sặc sỡ để cảnh báo kẻ thù rằng "Lũ này có độc nhá! Ngon nhào dzô!" hay những cây nấm độc có màu sắc bắt mắt với tín hiệu tương tự. Nhưng đáng tiếc thay, quy luật này không đúng lắm ở rắn (mình dùng cụm "không đúng lắm" ở đây tức là phần nhiều tụi rắn không tuân theo quy luật này, có loài có, có loài không). Nếu như áp dụng quy luật này để đi vào rừng thì mình nghĩ rằng có khả năng rất lớn các bạn sẽ khó lòng mà trở ra, vì những loài rắn có độc ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, màu nó rất là nhạt nhòa để ngụy trang, tránh bị phát hiện. Rắn hổ mang có màu nâu đất, vâng, chúng có độc! Rắn mamba đen có màu nâu xám, vâng, chúng có độc! Rắn đuôi chuông có màu xám đất, chỉ có cái là có nhiều hoa văn thôi chứ màu mè chán lắm, và vâng, chúng có độc! Rắn taipan nội địa có màu nâu đen, rắn nâu phương Đông có màu vàng sẫm hoặc nâu, và vâng, chúng có độc! Mà cũng phải nói một tí chứ, có những loài rắn có độc nhưng màu cũng sặc sỡ đấy thôi, như rắn lục cây màu xanh lè nè, hay rắn lục bụi cây châu Phi (Atheris squamigera) xanh đỏ tím vàng gì cũng có,... chúng có độc và vẫn có màu sặc sỡ đấy thôi. Nhưng không thể suy ngược lại rằng những còn màu sặc sỡ đều là rắn độc được!

Đọc thêm:


Ờm... Cái này là một ví dụ điển hình của báo lá cả, đây là một trng những cách thức phân biệt rắn độc và rắn có độc theo M... Kênh 14, và nó sai bét nhè. Hiện tượng rắn sữa (Lampropeltis triangulum) bắt chước màu sắc của những con rắn san hô được gọi là hiện tượng "bắt chước" (mimicry), trong trường hợp này, rắn sữa bắt chước rắn san hô vì nó bắt chước vẻ ngoài của một loài có độc nhưng không có nghĩa rằng những con rắn có màu sắc sặc sỡ là rắn có độc. Đây là một điểm đánh tráo khái niệm hơi bị lớn đấy. Nguồn: Không cần là chuyên gia, liếc nhìn thôi cũng đủ giúp bạn biết đâu là rắn độc - rắn thường (Kênh 14), cái tiêu đề giật tít vãi rắn!


3. Rắn lục là những con rắn có màu lục, và con nào màu lục, đích thị là rắn lục!

Nói sao nhỉ? Cái này thuộc về khía cạnh ngôn ngữ của người Việt Nam ta. Cụm từ "rắn lục" vốn dùng để chỉ những con rắn có màu lục theo nghĩa đen, trong đó bao gồm cả những con rắn lục thuộc họ Rắn lục (Viperidae) và những con thuộc họ Rắn nước (Colubridae). Nhưng sau này, khi khoa học du nhập vào nước ta, cái tên "rắn lục" được dùng để gọi tên những loài rắn thuộc họ Viperidae. Lý do tại sao đặt cái tên đó thì là vì giống rắn có nhiều loài nhất và chạm trán người thuộc hạng top đầu trong họ "Rắn lục" ở nước ta là giống rắn lục cây Trimeresurus (tiêu biểu là rắn lục đuôi đỏ), và chúng nó thực sự có màu xanh lục để ngụy trang vì chúng nó sống trên cây. Tuy nhiên, họ rắn lục ở Việt Nam đâu phải chỉ có màu xanh lục, tụi nó còn có màu nâu (chàm quạp - hay còn gọi là rắn lục nưa, rắn lục cườm, rắn lục núi, rắn lục Hòn Sơn), màu xám (rắn lục sừng, rắn lục mũi hếch), màu giống như thảm rêu, kiểu vàng vàng xanh xanh xen đen đen ấy (rắn lục Jerdon), màu xanh xanh xám xám (rắn lục Trường Sơn), màu đen đen, đầu trắng, vằn da cam bóng chúa (rắn lục đầu trắng, rắn lục đầu bạc)... còn trên thế giới, tụi rắn lục này phát triển đủ màu, đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím,... Có một sự thật rất thú vị nữa, chính là số lượng những loài rắn nước ở Việt Nam có màu xanh lục ở hiện tại còn nhiều hơn cả số lượng những con rắn lục thực sự có màu xanh lục. Thế nên, tốt nhất cứ mặc định rằng: Những con rắn có màu lục chưa chắc đã là rắn lục, còn những con rắn không có màu lục thì chưa chắc không phải là rắn lục (???), cứ thấy đầu tam giác, đồng tử dọc, thân ngắn và hơi mập, né ra ngay!

Đọc thêm:

4. Rắn nước là phải sống dưới nước!

Cái này thì lại là một vấn đề về ngôn ngữ nữa. Trước đây, các cụ thường gọi chung những loài rắn sống dưới nước hoặc hay gặp ở những khu vực gần nước mà dưới thôn quê hay thấy là "rắn nước", ví dụ như rắn ri voi, rắn ri cá, rắn bù lịch, rắn ri cóc,... và thậm chí, có một con rắn tên là "rắn nước" hẳn hoi (Fowlea flavipunctatus, tên địa phương có thể là hoa cỏ, hổ lửa,...), và sau này, khi khoa học du nhập vào Việt Nam, những loài trên được phân loại và lòi ra rằng chúng có quan hệ với nhau, cùng thuộc (hoặc đã từng thuộc) một họ, nên người ta gọi đó là họ "Rắn nước" luôn. Nhưng trong thực tế, những loài trong họ đấy có loài sống hầu như cả đời ở trên cây, có loài sống trên cạn, và cũng có loài chui nhủi dưới lòng đất hết cả quãng đời chứ không chỉ sống dưới nước hoặc gần nước, thế nên đừng nghĩ là tất cả những loài "rắn nước" đều sống dưới nước nhé!

Ô kê, đây là một con "rắn nước" nhưng nó sống trên cây, rắn roi xanh - Ahaetulla prasina. Nguồn: Mình chụp tại Lâm Đồng.

Còn đây là một con "rắn nước" nhưng sống trên đất liền và chẳng liên quan gì đến nước trừ khi nó đi uống nước hoặc là cần băng sông, vượt suối gì đấy, rắn khiếm - Oligodon cf. ocellatus. Nguồn: Mình chụp ở Đồng Nai.

5. Rắn nước không có nọc độc, cho nên nếu có bị cắn thì đừng lo!

Ờm... Ở nước ta thì có kha khá những loài rắn có nọc độc, từ rắn roi đến rắn mắt mèo, từ rắn hoa cỏ cho đến rắn bồng, rắn bù lịch... nhưng đặc điểm chung của những con rắn nước (ở đây thì theo đúng thuật ngữ, "rắn nước" ám chỉ những loài thuộc họ Rắn nước Colubridae và những họ rắn đã từng được xếp vào hàng phân họ của họ Colubridae) có nọc độc ở nước ta đều có kiểu móc độc sau (nanh sau, rear fang, Opisthoglypha), kiểu nanh này chỉ có thể thực hiện tiêm nọc khi con rắn cắn thật sâu và nhai ngấu nghiến con mồi hoặc kẻ thù trong một thời gian vài giây, thế nên, tỷ lệ người bị tiêm nọc rất thấp, và vì vậy, người ta cứ mặc định rằng "rắn nước" là không có độc.

6. Rắn thích mùi sữa mẹ!

Hell no!!! Cái này là một cái fake news rất hoang đường được chia sẻ rầm rộ bởi các bà, các cô, các chị thích câu view, câu like, chẳng biết mục đích là gì. Rắn là một loài bò sát, chúng KHÔNG lớn lên bằng sữa mẹ, cho nên không bao giờ có vụ rắn "thèm sữa mẹ" hết. Sữa mẹ không có mùi giống sữa chuột, và con rắn biết điều đó vì chúng có thể đánh hơi bằng cơ quan Jacobson rất nhạy ở trong mũi, trường hợp duy nhất mà sữa mẹ có mùi giống sữa chuột là do người mẹ đấy ở dơ, rất dơ, thế thôi, nhưng dù cho có ở dơ đi chăng nữa, mùi hormone tiết ra từ cơ thể người mẹ sẽ không giống mùi hormone của con chuột, và con rắn biết điều đấy, cơ quan Jacobson của rắn cho phép chúng đánh hơi được cả mùi hương lẫn hormone. Vậy vì sao người ta hay tìm thấy rắn bên cạnh bà bầu và trong nhà người dân? Rắn là một loài bò sát và chúng có cơ thể biến nhiệt, vì vậy, chúng rất thích những nơi ấm áp, mà khi bà bầu sinh nở, thường thì người nhà sẽ cho các mẹ nằm trong những căn phòng kín gió, ấm áp để giữ cho mẹ và bé không bị lạnh, trang bị thêm một đống chăn bông để giữ nhiệt nữa cho nên căn phòng đấy có thể xem là một địa điểm lý tưởng về nhiệt độ cho rắn nằm sưởi, vậy heng!

7. Con nưa và hoàng xà.

Đối với những ai nghiên cứu, tìm hiểu hay thậm chí là chỉ thích tìm hiểu sâu về rắn thôi cũng đã từng một lần đau đầu với hai chủ đề này.
"Nưa là một loài bò sát có hình dạng bên ngoài rất giống con trăn, nhưng lại có độc nguy hiểm. Nưa có 2 sợi râu dài, trong đó có chất sệt sệt màu trắng giống như mủ cóc, rất độc. Nưa thường phun chất độc từ 2 chiếc râu này để giết con mồi và tự vệ. Nưa thường trú trong bọng cây tại những vùng rừng ẩm ướt. Còn các loại trăn lại thường sống trong hốc đá hoặc đào hang trú ẩn. Tiết và mật trăn đều không độc nhưng tiết và mật Nưa lại tuyệt đối không được ăn..." (Trích Báo Mới, một trang báo lá cải mình ghét nhất đến tận bây giờ)
Trên đây là trích đoạn của một bài báo từ trang Báo Mới, và rất nhiều bài báo khác cũng có nội dung tương tự, từ đó, nó làm người ta hoang mang. Theo như mình hỏi những người tin vào sinh vật huyền bí này, đa phần họ đều trích dẫn Wikipedia, một bài về "con nưa" với một cái tên mỹ miều khác: "rắn hổ bướm", hay rắn lục Russell (Daboia russelii) một loài rắn lục chỉ quanh quẩn ở Ấn Độ, Bangladesh và một số vùng Nam Á, Tây Á chứ không hề hiện diện ở Việt Nam và vùng lân cận. Có một loài khác có họ hàng gần với con "hổ bướm" kia, đó chính là rắn lục Russell Xiêm (Daboia siamensis), tụi này phân bố ở Thái Lan, Trung Quốc, nhưng tuyệt nhiên không phân bố ở Việt Nam. Điều đáng nói là, dù trang Wiki về con rắn lục Russell được lấy ra làm bằng chứng, mọi hình ảnh trong những bài báo và những tin đồn được lan truyền lại là hình của trăn gấm (Malayopython reticulatus), trăn đất (Python bivittatus) hay "trăn cộc" (Python curtus, một loài thậm chí cũng chẳng phân bố ở Việt Nam, loài này được đặt tên tiếng Việt và ghi nhận phân bố ở Việt Nam nhưng lại gây ra lùm xùm trong giới khoa học, không tiện để nói), nhưng tất cả bọn chúng đều không có nọc độc và cũng không tiết ra độc từ da thịt như các nguồn tin rao, loài rắn duy nhất có thể tiết ra độcf từ da ở nước ta là rắn học trò (Rhabdophis subminiatus). Với một đống những nguồn tin thiếu bất nhất, rất nhiều loài rắn không liên quan đã bị vô số người dân thanh trừng vì nghĩ là "con nưa có độc", tiêu biểu là loài trăn gấm, trước đây, có một video của một tài khoản tên là TXT đã đăng tải một video, trong video đó, TXT cùng đồng bọn hành quyết một con trăn gấm vì theo Gu gồ mà họ tra được thì đấy là một con nưa.
Vùng phân bố của loài rắn lục Russell (Daboia russelii) (Roger S. Thorpe và Anita Malhotra, 2007), ISSN: 0268-0130.


Phân bố của cả 2 loài rắn Daboia siamensisDaboia russelii (C. N. Antonypillai et al., 2010), DOI: 10.1093/qjmed/hcq214.


Phân bố của loài rắn lục Russell Xiêm (Daboia siamensis) (Janeyuth Chaisakul et al., 2019), DOI: 10.1371/journal.pntd.0007338.
Tương tự, vụ hoàng xà, cũng là một tin câu view, trong rất nhiều ảnh về hoàng xà trôi nổi trên internet, có những ảnh người ta bắt một con cá chình về rồi đập đầu nó bẹp dí để tạo mẫu giả, cũng có những ảnh người ta bắt những con chình bị dịt tật bẩm sinh, bị biến dạng phần hộp sọ để chụp ảnh, quay clip đăng lên mạng xã hội để tìm kiếm sự nổi tiếng. Hoàng xà được định nghĩa là một loài rắn độc trông giống con lươn, thịt có độc và cũng có thể cắn chết người (nghe quen quen, giống con trên kia), nhưng mà trong hình thì rõ ràng, đấy là một con vật thuộc nhóm cá vì chúng có vây và da trơn, còn rắn thì không hề có vây và da cũng không hề trơn, có nhớt.
Vậy thì vì sao người ta ngộ độc khi ăn những con vật trên kia? Đơn giản, 4 từ: Ngộ độc thực phẩm. Về con nưa, loài rắn mà người ta hay nghĩ là con nưa chính là trăn gấm, mà trăn gấm hay bất cứ một loài rắn hoang dã nào, trong cơ thể của chúng chứa rất nhiều giun sán và ký sinh trùng, từ trong thịt đến trong máu, trong da,... (mình từng mổ trăn và phát hoảng khi thấy mấy con giun dưới da trăn), chúng rất dễ dàng thâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, cụ thể là hành động uống tiết sống để "tráng dương bổ thận", cuối cùng lại thành "trúng thương nhập viện". Còn về con hoàng xà thì sao? Chưa có một ghi nhận chính thức nào về việc ăn thịt hoàng xà trúng độc, tin đồn đấy đi xa nhất cũng chỉ được lên những tờ báo lá cải, không chính thống, còn nếu như nó bước chân lên được những tờ báo chính thống thì lập tức sẽ có dấu (?) ở cuối bài (tức là tin chưa được xác thực" hoặc có nguyên một phần giải đáp và bác bỏ của các chuyên gia được học hành có bằng cấp đàng hoàng chứ không phải chuyên gia Facebook. Tốt nhất, trong thời đại mà công nghệ phát triển, tin giả tràn lan, chúng ta nên chắt lọc và bỏ vào đầu những thông tin từ những nguồn chính thống, có căn cứ khoa học rõ ràng, đừng vội tin những tin tức trôi nổi, tiếp tay cho người xấu trục lợi, và hơn hết, khi tranh luận, đừng mang "ông hàng xóm" ra làm bia đỡ đạn.

Hy vọng bài viết này có thể giải ngố và thỏa mãn được những thắc mắc và sự hiếu kỳ trong lòng các bạn về dòng giống không chân này, nếu có thắc mắc, hãy đặt câu hỏi ở dưới (và chú ý ngôn từ nhé, mình sẽ không rep những bình luận có tính công kích cá nhân). Ngoài mấy cái fact về rắn ra thì nếu như được khuyên bất cứ một ai về cách đối phó với tụi rắn thì mình chỉ có thể tóm gọn lại ba câu: THẤY RẮN THÌ NÉ XA RA, BỊ CẮN THÌ ĐI VÀO VIỆN và HỌC CÁCH SƠ CỨU ĐI. Peace!