⚕️ GIỚI THIỆU:

 Rắn là một loài động vật mà hẳn ai cũng sợ... Nhưng trái với ngoại hình mà mọi người thường cho là "nhìn ghê ghê và tởm tởm" ấy, nó là một loài động vật rất đáng yêu, thật đấy! Để giải quyết một số thắc mắc về loài rắn, mời mấy bạn mấy anh mấy em mấy cô mấy chú đọc đi nha...

 ⚕️ NHỮNG HIỂU LẦM VỀ LOÀI RẮN:

1️⃣️ "Có phải rắn nào cũng độc không?"

- Xin thưa là không, thật ra, số rắn có nọc độc và có độc ít hơn rất nhiều so với những loài không độc, trong 2.500 loài rắn đã được phát hiện, chỉ có 600 loài có nọc độc và 150 loài có thể gây nguy hiểm... Mình nói là gây nguy hiểm chứ chưa chắc chết đâu nhé!

Đọc thêm:

2️⃣️ "Mấy con rắn có màu lục độc lắm đó..."

- Đây là một sai lầm không hề nhỏ, vì sai lầm này đã gây ra thiệt mạng cho bao nhiêu con rắn rồi... Rắn lục chỉ là một cái tên mà người Việt đặt để gọi những con có màu lục, nhưng sau này trở thành tên gọi chung của họ Rắn lục Viperidae, và có một sự thật là trong họ đó, những đứa màu lục chỉ chiếm khá ít, còn lại là màu nâu, xám, v.v... Ví dụ như rắn chuông, ai cũng xem trên TV rồi, nó có màu xám và yes, nó là rắn LỤC.
- Ở Việt Nam, số loài trong họ Rắn lục có màu lục còn ít hơn cả mấy đứa họ Rắn nước Colubridae. Cách phân biệt dễ nhất giữa rắn nước có màu lục và rắn lục thật sự là dựa vào cái đầu chứ ko phải màu sắc, đầu rắn lục thường có hình tam giác và có thể có 2 lỗ nằm gần 2 lỗ mũi, đó là hố nhiệt, giúp rắn thấy được bức xạ nhiệt như camera hồng ngoại... Thật là zi ziệu.

3️⃣️ Nhắc đến rắn nước thì người ta thường bảo... "Rắn nước làm đ*o gì có độc???"

- Sai hoàn toàn... Tùy vào loài mà rắn nước có độc hay không, như loài rắn thạch anh (O.taeniurus) là loài rắn nước không có nọc độc, nhưng loài rắn hoa cỏ cổ đỏ aka rắn học trò (R.subminiatus) lại có độc khá mạnh, đã có người chết vì con này rồi, nếu muốn biết thêm về độc của nó, mình sẽ trả lời phía dưới comment. À, con này chưa có huyết thanh nên đừng để bị cắn.

Đọc thêm:

4️⃣️ "Rắn nước thì phải sống dưới nước chứ???"

- Đó là một hiểu nhầm khác dựa vào cách đặt tên của người Việt, họ Rắn nước gồm nhiều loài, một số loài sống dưới nước (VD: rắn bồng chì E.plumbea), một số loài sống trên cạn (VD: rắn khiếm barron - O.barroni) và một số sống trên cây (VD: rắn rào cây - B.dendrophila).

5️⃣️ "Con nào là rắn hổ, con đấy cắn chết người..."

- Lại một hiểu nhầm về việc đặt tên... Các loài như hổ mang bành/hổ Trung Hoa (N.atra), hổ mèo/hổ Xiêm (N.siamensis), hổ đất/hổ mang một mắt kính (N.kaouthia) và hổ mây/hổ mang chúa (O.hannah) là những loài thuộc họ Rắn hổ Elapidae có nọc độc chết người, còn hổ trâu/hổ vện/long thừa (P.mucosa), hổ ngựa/sọc dưa (E.radiata),... Lại thuộc họ Rắn nước không hề có nọc độc và hổ chì/hổ hành lại thuộc họ Rắn mống Xenopeltidae không độc.

6️⃣️ "Rắn nhớt và lạnh lắm..."

- Rắn không có tuyến nhớt, và nó cũng không cần nhớt làm gì, cho nên nó không nhớt, có lẽ, người ta hiểu nhầm vì rắn rất dài và vảy rắn bóng loáng, tạo cho người ta cảm giác nhầy nhớt, nhưng thật ra, da rắn khô, ấm hoặc mát chứ không hề nhầy và lạnh.

Đọc thêm:

7️⃣"Rắn nó đi theo cặp đấy, đập 1 con là con kia trả thù luôn đó"

- Rắn chả biết khái niệm thù bạn là gì đâu, và nó cũng ko đi theo cặp. Nguyên nhân của việc ấy là vì trong mùa giao phối, rắn xuất hiện nhiều, khi người dân đập rắn mà đập trúng tuyến pheromone tình dục khiến pheromone thoang thoảng trong không khí, những con rắn ở quanh đó đã bị kích dục mà còn ngửi thấy pheromone nên sẽ đi tìm đến nơi xuất phát ra mùi hương ấy :)

8 "Rắn là loài quỷ dữ, độc địa, cần trừ khử để "làm sạch" môi trường"

- Con người thường có một tính chất là luôn sợ hãi những gì mà mình không hiểu, không biết rõ, và điều đó khá đúng đối với họ hàng nhà rắn. Đã từ rất lâu, từ thời ăn lông ở lỗ, con người đã coi rắn như là một loại sinh vật thần bí, chết chóc nào đấy, toàn điềm xui. Nhưng bây giờ là thế kỷ 21, chúng ta cần phải suy nghĩ thoáng hơn, nhằm bảo vệ hệ sinh thái trên Trái Đất. Người ta khi nghĩ về rắn thì chỉ toàn nghĩ đến việc rắn cắn chứ không ai nghĩ đễn những lợi ích to lớn mà loài rắn mang lại:
+ Rắn ăn sên kiểm soát số lượng ốc sên, sên trần, từ đó hạn chế chúng phá hoại mùa màng.
+ Rắn nói chung ăn các loại gặm nhấm gây hại cho hoa màu.
+ Một số loài rắn ăn các loài rắn khác để kiểm soát số lượng rắn.
+ Nọc độc của các loài rắn hổ đang được nghiên cứu vì công dụng gây tê mà ít tác dụng phụ hơn hẳn những loài thuốc gây tê khác.
 + Nọc độc của các loài rắn lục và rắn nước được nghiên cứu để bào chế thuốc chống ung thư, chống đột quỵ, chống chứng máu khó đông cũng như chứng đông máu.
+...
Chúng có rất nhiều lợi ích, thế nên chúng ta cũng nên thay đổi cách nhìn về loài rắn cũng như nên nhân từ với chúng hơn. Hổ, báo, sư tử từng là những động vật bị con người cay ghét, nhưng qua thời gian, chúng ta lại đứng lên bảo vệ loài hổ và đấu tranh để bảo tồn chúng, thế vì sao loài rắn lại không có được đặc ân tương tự? Khác với suy nghĩ của mọi người rằng loài rắn rất "phổ biến", chúng đang bị tuyệt diệt dần vì ở Việt Nam, người dân thấy rắn là đập, không cần lý do, không cần suy nghĩ, có những người tự động kéo đến hang ổ của những loài rắn, lôi đầu nó lên chém cho dù chúng không hề làm gì nên tội, một số loài rắn như rắn sọc đốm đỏ, rắn sọc xanh, rắn ráo xanh, các loài rắn mắt mèo, rắn khiếm,... đang bị đe dọa vì chính sự tàn sát của loài người. Thế nên hãy công bằng với loài rắn, chúng ta có dư sức để tìm hiểu về chúng và có một cái nhìn tốt hơn về chúng!

 ⚕️ KẾT LUẬN:

 Dù là rắn có độc hay không thì chúng ta không nên giết nó vì bản chất của nó là một loài có lợi, rắn không tự nhiên cắn người, chỉ có chúng ta dẫm phải nó hoặc cố ý đánh nó, nó mới cắn chúng ta, tốt nhất, khi thấy rắn "Càng ít tương tác càng khó bị cắn" (Phỏng theo câu nói của một người anh), hãy dùng vòi nước xịt để đuổi nó đi, hay gọi những người chuyên về rắn để xử lý, KHÔNG TỰ Ý XỬ LÝ, và nếu có bị cắn, ĐI NGAY TỚI BỆNH VIỆN, KHÔNG THUỐC NAM BẮC GÌ CẢ, và hãy HỌC SƠ CỨU ĐI.
Ảnh: CreatureLovers