Phần 1: Khái quát về những triệu chứng lâm sàng khi bị rắn độc cắn.
<br>

Rắn cắn là một trong những loại bệnh rất phổ biến ở những quốc gia có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt và có hệ sinh thái đa dạng. Châu Á, nhất là ở khu vực Đông Dương, là nơi xảy ra rắn cắn thường xuyên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, ở khu vực này xảy ra khoảng 2 triệu ca rắn cắn, khiến đây trở thành một vấn đề hết sức nan giải ở cụm các quốc gia trong khu vực châu Á. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ với gần 230 loài rắn, 60 loài trong đó có nọc độc có thể gây nguy hiểm đến con người, trong số đó, có 7 loài rắn hổ, 2 loài rắn lục và 1 loài rắn nước thường hay gặp và chịu trách nhiệm cho nhiều ca rắn cắn nhất.
1. Họ Rắn hổ (Elapidae)(Hình minh họa Figure 2a):
Nước ta có gần 40 loài thuộc họ Rắn hổ, nhóm này thường có nọc độc tác động chủ yếu lên hệ thần kinh gây liệt cơ, tê bì, mất cảm giác, ngoài ra, nạn nhân còn có thể xuất hiện một số triệu chứng như hoại tử, suy thận, đau cơ,...v.v. Trong gần 40 loài rắn hổ, có 3 nhóm rắn thường hay gặp nhất.
a. Nhóm cạp nong, cạp nia (Bungarus spp.):
Nhóm cạp nong, cạp nia có 4 loài, 3 loài trong số đó rất dễ gặp là cạp nia Bắc (B.wanghaotingi) phân bố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, cạp nia Nam (B.candidus) phân bố từ Nam Trung Bộ trở vào Nam và cạp nong (B.fasciatus).
Nọc độc của nhóm rắn này có thể gây ra các triệu chứng khá giống nhau như tê bì chân tay, nhất là khu vực bị cắn nên những ca rắn cạp nia cắn trong lúc ngủ rất khó biết vì dường như vết cắn không hề đau đớn, không có cảm giác, sưng tấy ở vết cắn có nhưng rất ít, chủ yếu là nạn nhân sẽ bị tê liệt và không cử động được chân tay, mí mắt, khó nói, nặng nhất là liệt cơ hoành - một bộ phận giúp chúng ta thở - từ đó gây ra chết ngạt vì không thở được nếu không được đưa vào bệnh viện để điều trị kịp thời.
b. Nhóm hổ mang (Naja spp.):
Việt Nam ta có 3 loài hổ mang là rắn hổ phì hay hổ mang Trung Quốc (N.atra) phân bố ở miền Bắc Việt Nam, rắn hổ mang đất (N.kaouthia) phân bố từ Bắc Trung Bộ đến miền Nam Trung Bộ và rắn hổ mèo hay hổ mang Xiêm (N.siamensis) phân bố ở miền Nam Việt Nam.
Trong 3 loài trên thì nọc độc của 2 loài hổ phì và hổ đất có dấu hiệu tác động lên thần kinh là chủ yếu, làm cho nạn nhân không cử động được, khó nói, mắt sụp mí, nặng nhất là ngưng thở, kèm theo hoại tử tại nơi bị cắn, gây đau đớn cho nạn nhân, còn hổ mèo thì nọc độc gây ra triệu chứng hoại tử nhiều hơn, rất ít triệu chứng về thần kinh. Cả 3 loài rắn ở Việt Nam đều có thể phun nọc độc vào mắt kẻ thù, tiêu biểu là rắn hổ mèo, phun nhiều nhất, xa nhất, chính xác nhất và hung hăng nhất.
c. Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah):
Đây là một loài rắn hổ tuy không độc bằng những loài đã nói trên nhưng do lượng nọc độc của chúng lớn hơn những loài rắn trên từ 2-3 lần nên khả năng gây tử vong vẫn rất cao. Độc của loài này cũng gây ra các triệu chứng về thần kinh như tê liệt, không cử động được, ngưng thở, hay những triệu chứng hoại tử, chết tế bào, ngoài ra, nọc độc của rắn hổ chúa còn gây ngưng tim, ngăn tim co bóp để bơm máu đi khắp cơ thể.
d. Rắn biển (phân họ Hydrophiinae):
Đây là một nhóm rắn tuy không phổ biến bằng những nhóm rắn hổ trên, nhưng chúng vẫn có thể được bắt gặp bởi bà con ngư dân khi đánh cá ngoài xa. Có rất nhiều loài đẻn biển, nhưng đặc điểm chung của chúng là cái đuôi hình mái chèo, chỉ cần có đuôi hình mái chèo thì là đẻn biển, đuôi không có hình mái chèo thì dù ở ngoài biển cũng không phải đẻn biển.
Nọc độc của nhóm đẻn biển có thể đánh giá là nguy hiểm nhất trong những nhóm rắn trên vì tốc độ nhiễm độc của nạn nhân rất nhanh. Khi bị cắn, nạn nhân sẽ bị tê liệt từ vị trí bị cắn đến toàn thân, sưng nhẹ, kèm theo đó là suy thận rất nặng, nước tiểu của nạn nhân chuyển sang màu vàng sẫm hoặc màu đỏ như máu.
____________
KHI BỊ RẮN CẮN, HÃY ĐƯA NẠN NHÂN ĐẾN CƠ SỞ Y TẾ GẦN NHẤT ĐỂ ĐƯỢC CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ SƠ CỨU VÀ TƯ VẤN CHUYỂN VIỆN, TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG THUỐC NAM, THUỐC BẮC, ĐÔNG Y, THUỐC DÂN GIAN TRUYỀN MIỆNG HAY TỰ Ý ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC TÂY Y.
KHÔNG GARO, THẮT, BUỘC CHẶT NƠI BỊ CẮN ĐỐI VỚI VẾT CẮN CỦA MỌI LOÀI RẮN.
Còn tiếp...
____________
Bài viết về những loài rắn độc hay gặp ở Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/1054083081665622/permalink/1075681549505775/