Chào các bạn, mình - phóng viên thường trú tại Thâm Quyến đã quay trở lại rồi đây. Sau một thời gian khá dài dùng mạng xã hội Wechat, mình nghĩ đã đến lúc mình chia sẻ tất tật về những tính năng và trải nghiệm bản thân về ứng dụng đang có 902 triệu người dùng với 38 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày này rồi.

Như các bạn đã biết, Facebook bị chặn ở Trung Quốc từ năm 2009 sau vụ bạo động lịch sử ở Tân Cương. Chính phủ Trung Quốc ngay sau đó cũng từ chối ông lớn Google sau thất bại trong việc yêu cầu Google kiểm duyệt tất cả các thông tin mà chính phủ Trung Quốc cho phép hiển thị kết quả trên công cụ tìm kiếm. Sau đó LINE - ứng dụng từ Nhật Bản (do Naver của Hàn Quốc đầu tư) cũng bị chặn từ 2015, và mới đây nhất, Whatsapp cũng bị chặn không thương tiếc từ cuối năm 2017.
Chớp được cơ hội vàng, các ông trùm công nghệ nội địa Trung Quốc đã chiếm được thị phần cực lớn. Bên cạnh Baidu - Google nội địa, thì bằng cách tấn công vào mảng thị trường khổng lồ mà chưa ai động đến, WeChat đã thu hút được 889 triệu người sử dụng thường xuyên hàng tháng.
Ra đời từ năm 2011, điểm khởi đầu của WeChat, tương tự WhatsApp, Line, Signal hay Facebook Messenger, là ứng dụng nhắn tin qua Internet (OTT). Tuy nhiên, theo thời gian, nó dần tích hợp nhiều tính năng hơn. Giờ đây, nó không còn là một phần mềm dùng để trò chuyện nữa, mà đã trở nên đa năng, tích hợp 5 loại ứng dụng phổ biến nhất là mạng xã hội, nhắn tin, thanh toán điện tử, gọi taxi... vào một giao diện duy nhất.
Thực sự là những ngày đầu dùng Wechat mình thấy rất tẻ nhạt, vì mình chưa khám phá được hết những tính năng của nó. Nếu bạn chỉ biết chức năng đơn thuần của Wechat là nhắn tin, gọi điện miễn phí và đọc báo, thì vâng - Zalo đã quá quen thuộc với chúng ta rồi. Vậy nếu Wechat đơn thuần như thế, tại sao chỉ trong vòng 7 năm, nó đã thắng thế cả "gà" nhà QQ? Cùng nhìn giao diện chính của Wechat chút nào:

Giao diện chính của Wechat gồm 4 mục lớn: Chats, Contacts, Discover và Me. Mình sẽ guide từng mục một nhé, rất nhiều thú vị đang chờ đón đấy ạ :v
Mục Chats khá đơn giản, bao gồm lịch sử chat, 1 hòm mail liên kết khi bạn đăng ký. Ở đây mình dùng là exmailqq, chuyên để check có khách hàng nào gửi Inquiry hay reply từ Alibaba thông báo về không.
Phần đáng chú ý ở đây là dấu "+" bên góc phải màn hình.

Phần "new chat", chỉ là tìm 1 người có sẵn trong danh bạ để bắt đầu trò chuyện, đây là giao diện khi mình click vào chat với 1 người bạn:

Trong mục đính kèm, ngoài các chức năng đơn thuần như gửi ảnh, video, gọi thoại, gọi video. Wechat có bổ sung mục gửi vị trí, hồng bao, chuyển tiền, danh thiếp và mục Favourite không liên quan lắm, là những mục mình thích và lưu lại trên này.

Đọc thêm:

Khi bạn gửi hồng bao, Wechat sẽ yêu cầu số lượng tiền, lời chúc, sau khi chuẩn bị xong, bạn được link đến Wechat Pay, đồng ý bằng cách nhấp vân tay hoặc nhập password. Người nhận sẽ chỉ biết họ nhận được bao nhiêu tiền khi mở hồng bao. Tương tự như vậy, transfer cho phép bạn gửi xèng, nhanh gọn hơn, show luôn số tiền bạn gửi. Thao tác cũng tương tự như khi gửi hồng bao, nhập tiền rồi mật khẩu/ vân tay. 
Gửi hồng bao
Chuyển tiền trực tiếp
Phần add contact, bạn có thể tìm qua số điện thoại hoặc ID. Phần này có 1 chỗ nhỏ hay hay là Join Private Group. Nhóm này thường được mở trong các cuộc họp lớn, hội thảo hoặc tập huấn. Người lập nhóm sẽ đặt password gồm 4 chữ số, sau đó các thành viên còn lại nhập mã để tham gia nhóm. Sau khi đã là thành viên của nhóm này rồi, bạn có thể mời bạn bè của mình tham gia nhóm, mà người bạn đó không cần nhập mật mã. 
Mục " Scan QR code" tương đối đơn giản, chỗ nào cần code thì scan :v, phần sau mình sẽ nói kỹ hơn nhé. Bởi vì quan trọng nhất ở phần "Chats" chính là "Money" ( đúng rồi, tiền lúc nào chả quan trọng :v). 

Đây là phần bạn thanh toán bằng mã, nhưng là người khác quét mã QR của bạn để nhận tiền. Mục này ít được dùng, chỉ trong trường hợp bạn đến ga tàu điện ngầm để đi nhưng không có tiền lẻ, phải vay tiền mặt và trả lại bằng tiền trên Wechat. Và đây là mục thanh toán riêng cho những người không nằm trong danh bạ Wechat của bạn hoặc thanh toán ở siêu thị khi bạn có thẻ tích điểm nhé. Khá tiện lợi.
Giả sử bạn có 20 tệ, và muốn đổi lấy 5 tệ tiền mặt, người lạ tốt bụng cho bạn vay 5 tệ, nhưng họ cũng không có 15 tệ để trả lại cho bạn? Thì đừng lo lắng, vẫn ứng dụng Money, bạn click "Receive Money", Wechat sẽ hiện ra mã QR giao diện màu vàng (bên trên trả là xanh nhé), ok done! Bạn đã được trả 15 tệ vào tài khoản Wechat.

Xong phần "Chats", phần tiếp theo là "Contacts", tương tự Zalo, mình sẽ không đề cập đến. Bởi 2 mục lớn hay ho nhất là "Discover" và "Me", tất tật bí mật của Wechat sẽ được bật mí tại đâyyyyy :v

Đọc thêm:


Mục "Moments" giống hệt Newsfeed của Facebook, là góc lượn lờ xem thiên hạ đang sống ảo ra sao. "Scan QR code" giống hệt bên mục "Chats", cơ mà để bên này tiện dùng hơn :)) Phần "Shake" là tính năng khá mới mẻ này, mình từng thấy có ứng dụng này riêng, nhưng nó đã được bổ sung vào Wechat rất tiện lợi. Này nhé, bạn đang đi đường, hay ở rạp chiếu phim ngồi chờ suất chiếu, hay vô tình nghe 1 giai điệu quen quen, hay hay mà không nhớ hoặc không biết tên? Mở ngay Wechat -> Discover -> Shake. Tèn ten ten ten, bài hát đây rồi, còn có cả lời, phát luôn nhạc để đối chiếu nhé :p
Thích không này? :p
Tiếp đến là anh " Top Stories", cập nhật những tin tức nóng hổi trong ngày, cả dạng báo chữ và video nhé, từ đây bạn khỏi cần ứng dụng đọc báo riêng.
Mục "Search" thay bạn mở Baidu, search hú họa 1 cái tên xem sao, và đây là kết quả:

Tiếp theo là cha" People Nearby", ứng dụng tìm những người xung quanh. "Games" là danh sách các game đang hot, rồi gợi ý game này, những ai trong list bạn bè đang dùng. "Mini programs" là những ứng dụng của bên thứ 3 mượn Wechat để thanh toán như Mobike - ứng dụng đi xe đạp công cộng, KFC - bắt đầu từ cuối 2017, KFC liên kết với Wechat để thanh toán trực tuyến, không cần phải xếp hàng đợi đến lượt mua nữa. Bạn chọn món, thanh toán xong, mang mã QR ra quầy thanh toán, nhân viên sẽ bê đồ ăn đến sau vài phút ngồi chờ, tiện ha :p

Vâng, phần đáng hóng nhất đã tới trong mục "Me" rồi đây. Bạn có giàu không? Bạn hay sống ảo như thế nào? Một tháng bạn tiêu xài bao nhiêu, bạn đặt những dịch vụ gì? Tất cả sẽ được show ngay chỗ này :v 

Gạch đầu dòng đầu tiên, chính là cái ava be bé, che tên đỏ đỏ kia kìa, bao gồm tên của bạn (tên hiển thị trên Wechat thôi nha) và Wechat ID. Góc ngoài cùng bên phải có mã QR để người khác scan kết bạn, bên cạnh đó là một số thông tin cơ bản như ảnh profile, tên, giới tính, quốc gia, what's up. What's up này sẽ hiển thi ngay dưới ava của bạn, ngắn thôi, kiểu tự bạch trên FB ấy.
Phần mũi tên đỏ chính là What's up nhé. Đây là tường nhà bạn mình, xinh lém :p
Nếu như mục "Chats" có phần" Money" là quan trọng nhất, nhưng chỉ dùng để thanh toán với người lạ, thì đâyyyy, "Wallet" chính là kho tài chính của chúng ta. Để có thể dùng ví thanh toán trên Wechat, bạn bắt buộc phải đăng ký số chứng minh thư nhân dân, nhập tên, ngày sinh. Và thông tin này cũng chính là thông tin duy nhất bạn được dùng cho Wechat. Chính phủ kiểm soát bạn, ngay cả khi bạn sống ảo nhé. Những thông tin này cực kỳ quan trọng cho việc bạn đặt hàng qua mạng, vi phạm luật giao thông, hay tệ hơn là bị điều tra, thì chỉ cần từ số điện thoại => Wechat => số chứng minh thư, và bạn ở đâu đi nữa, cũng không chạy khỏi vòng vây pháp luật. Còn chuyện người dùng hack Wechat của nhau thì không có đâu nhé, vì sao á? Đọc tiếp đi, mình kể cho mà nghe này :p
Giao diện của phần "Wallet"
Bạn thấy trên cùng bên phải có biểu tượng 4 ô vuông không? đó chính là "Pay Center".   

Mục này bao gồm toàn thông tin quan trọng, lịch sử giao dịch - transactions: bạn tiêu bao nhiêu, cho những việc gì, ứng dụng nào, bạn nạp vào Wechat bao nhiêu, bạn nhận hồng bao hay chuyển khoản từ ai, tất tật đều rõ ràng, chi tiết kèm thời gian theo từng tháng nhé. 
Bản kê hóa đơn hàng tháng Wechat 
Tiếp theo là anh" Payment Management", mục sống còn với tài khoản của bạn này. Ưu tiên dùng Pay with Touch ID - dùng vân tay mỗi khi chuyển khoản, thanh toán để tránh trường hợp lộ password hay bị hack Wechat nhé!

2 mục nhỏ còn lại là Payment security và Help center xem tham khảo, không có gì đáng đề cập nhiều bằng những phần phía dưới đây.
Phần "Money" chính là "Money" ở mục "Chats". "Balance" là số dư tài khoản, và ngạc nhiên chưa? Mục này bạn có thể nạp tiền Wechat bằng thẻ ngân hàng trong mục "Cards", và rút tiền mặt ở phần "Withdraw".

Đọc thêm:

Đến đây thì mắt chữ A miệng chữ O chưa ạ? :p
Hàng loạt tiện ích được tích hợp tiếp theo đây hẳn khiến bạn thích thú với anh Wechat này. Card Repay liên kết với thẻ ngân hàng của bạn nhé còn Mobile top up là nơi bạn nạp tiền điện thoại - ở bên này người ta không bán thẻ cào như mình nữa, mà thanh toán ngay trên Wechat. Trường hợp máy bạn hết tiền, 4G cũng không thể vào được, thì bạn bè của bạn có thể nạp giúp bằng cách click vào Mobile top up, chọn số điện thoại, chọn mệnh giá. Ngay lập tức, hệ thống sẽ gửi tin nhắn về cả điện thoại và Wechat. À, nạp thẻ điện thoại mất phí nhé, thường là 0.1 nhân dân tệ/ giao dịch.

Phần Wealth - thôi lại tiền, toàn tiếng Trung mà mình cũng không có liên kết thẻ ngân hàng nào hết nên bỏ qua :p Utilities là mục tiện ích đa chức năng, mỗi tội tiếng Trung cùi mía không dịch được cái gì :(( cũng không có tiếng Anh luôn, chuyên dân bản địa dùng :3

May quá QQ Coins thì mình biết, là nơi bạn mua thẻ nạp chơi Game. Public Services là ứng dụng tìm bệnh viện, trường học, công ty, văn phòng gần nơi bạn ở, trong đó có cả rating từng nơi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Vâng, bao gồm thêm Wechat Map nữa :v, nghĩ ra lắm trò thật :D 

Em cuối cùng trong mục Powered by Tencent kết thúc rất nhân văn, đó là Tencent Charity. Mục này bao gồm những bài báo, clip về những trại trẻ mồ côi, những nhà tình thương, những hoàn cảnh cần giúp đỡ trên đất nước. Bạn có thể quyên góp trực tiếp hoặc liên hệ với những địa chỉ trên để quyên góp.
Một ứng dụng rất nhân văn
Mục tiếp theo được sử dụng nhiều sau chat và video call chính là các ứng dụng từ bên thứ 3 của Wechat, nơi bạn có thể đặt vé tàu, vé máy bay, order thức ăn, mua vé xem phim, đặt phòng khách sạn, mua chung theo nhóm, dùng ứng dụng đi xe đạp công cộng, thậm chí cả Home services - chuyển đồ, giúp việc...
Đến đây bạn đã thấy Wechat tích hợp các ứng dụng hay ho như thế nào chưa? Chẳng thế mà Yuhua Wang, một học giả ở Thượng Hải nhấn mạnh trong một bài tham luận được giảng dạy trong trường báo chí Annenberg School rằng "WeChat ngày càng khiến người ta khó mà từ chối dùng nó".

Sau khi trải nghiệm ứng dụng này, chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi: "Vì sao Tencent (cha đẻ của Wechat) lại thành công?" Theo mình, một phần là bởi tính dị thường của thị trường  Trung Quốc. Người phương Tây đã quen sử dụng nhiều ứng dụng một lúc để truy cập  Internet còn người Trung Quốc thì quá quen với việc chỉ đi qua một cửa. Không  giống như phương Tây, ứng dụng nhắn tin miễn phí gần như không có đối thủ ở  Trung Quốc. Chi phí nhắn tin thông qua nhà mạng bình thường rất đắt đỏ, và email  cũng không phổ biến ở Trung Quốc đơn giản vì thời kỳ email bùng nổ thì ở Trung  Quốc internet còn chưa phát triển.
Nhưng chúng ta cũng không thể không kể đến khả năng cải tiến sáng tạo của Tencent. Nhiều  người Trung Quốc lớn lên cùng với QQ – cũng là một ứng dụng của Tencent nhưng  hoạt động trên máy tính cá nhân, hiện vẫn có hơn 800 triệu người dùng. QQ là bản  sao của ICQ – dịch vụ nhắn tin do người Israel phát triển được Tencent học tập  và đã cải tiến để phù hợp với người dùng. Khi WeChat ra đời người dùng dễ dàng  chuyển danh bạ trên QQ sang ứng dụng mới.
Kết, trong khi thế giới vẫn đang loay hoay với hàng tá ứng dụng, người Trung Quốc chỉ  dùng WeChat là có thể làm mọi thứ. Wechat sinh sau đẻ muộn nhưng lại trở thành ứng dụng chiếm thị phần cao nhất ở Trung Quốc, một phần cũng nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ. Việc từ chối Google, Facebook và các mạng xã hội nổi tiếng trên thế giới vô hình chung đã kích thích sự sáng tạo vượt bậc, không chỉ trong việc đi sâu vào đời sống người dùng, phục vụ trực tiếp đời sống của họ mà còn giúp chính phủ quản lý an sinh xã hội. 
Từ Tàu lại nói chuyện sang ta, đến khi nào chúng ta mới dũng cảm từ chối những sản phẩm từ nước ngoài, để sáng tạo riêng ra các ứng dụng "made in Vietnam" mà toàn thể dân ta sử dụng như thế? Zalo có thể coi là một mạng xã hội thành công nhất ở nước ta hiện nay, nhưng tính năng còn quá đơn thuần, phục vụ nhu cầu giải trí là chính, chưa thực sự theo sát được cuộc sống hằng ngày của người dùng. Liệu chúng ta cũng có nên tích hợp vào Zalo, để người người nhà nhà ra đường mua hàng hóa, sử dụng các tiện ích và dịch vụ công cộng qua một ứng dụng trên smart phone? 
Và, vẫn với tư tưởng của một thanh niên yêu nước lạc quan, mình tin tưởng trong tương lai không xa, những Millenium và Igen của chúng ta sẽ còn vươn xa, vươn cao, đem tầm vóc trí tuệ Việt để sáng tạo ra những sản phẩm Việt, phục vụ người Việt. 
Một số nguồn tham khảo: