Giao tranh Nga – Ukraine: một lát cắt trong lòng nước Mĩ
Phải chăng Nga đang trở thành “vật tế thần tiện lợi” (convenient scapegoat) cho trật tự thế giới mới?
Bài viết không nhằm chứng tỏ bên nào đúng, bên nào sai hay đưa ra khẳng định về nguyên nhân của cuộc giao tranh. Bài viết đơn thuần là cung cấp một góc nhìn khác từ những sự kiện gần đây. Ngoài ra, khi nhắc đến tên một quốc gia là tôi đang nhắc đến chính phủ của đất nước đó; chính phủ của một quốc gia không đại diện cho người dân của họ.
Russiagate
Năm 2016, Donald Trump bất ngờ giành được chức Tổng thống Mĩ. Phía Hillary Clinton cũng như Đảng Dân chủ bắt đầu một chiến dịch truyền thông và cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mĩ năm 2016 khiến Donald Trump thắng cử. Christopher Steele, một (cựu) điệp viên Anh, đã tuồn tin cho một tổ chức của Đảng Dân chủ với nội dung rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Mĩ 2016 để giúp Donald Trump thắng cử. Sau đó, truyền thông chính thống cánh tả Mĩ đã đưa tin này trên các mặt báo, dẫn đến sự vào cuộc của các cơ quan điều tra và cơ quan tình báo. Donald Trump bị Quốc hội Mĩ điều trần sau đó. Đặc vụ Robert Mueller dẫn đầu cuộc điều tra, và sau 3 năm cuộc điều tra kết thúc mà không có bất kì bằng chứng trực tiếp nào khẳng định sự tồn tại mối quan hệ giữa chiến dịch bầu cử của Donald Trump và chính phủ Nga.
Chính vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc trên, đặc vụ John Durham dẫn đầu một cuộc điều tra khác nhằm lật tẩy nguồn gốc dẫn tới cuộc điều tra của Mueller. Cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, nhưng những thông tin ban đầu đã cho thấy rằng chính Hillary Clinton và Đảng Dân chủ đã theo dõi bất hợp pháp chiến dịch tranh cử của Trump và ngụy tạo bằng chứng giả cho “Hồ sơ Steele” (Steele Dossier) bằng những thông tin thu thập được.
Sự thật thì có những bằng chứng rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Mĩ năm 2016, tuy nhiên có vẻ như họ hoạt động độc lập và thông qua một số tổ chức nhỏ. Số tiền mà họ bỏ ra cũng rất nhỏ: các tổ chức của Nga chi khoảng 45 nghìn USD để chạy quảng cáo trên Facebook, so với 81 triệu USD của cả Trump và Clinton. Tổng chi phí của các tổ chức đó vào khoảng 1.25 triệu USD mỗi tháng, so với 1.2 tỉ USD của đội Hillary Clinton và 617 triệu USD của đội Donald Trump.
Laptop của Hunter Biden
Đến năm 2020, lại một kì bầu cử nữa đến. Trước thềm bầu cử 1 tháng, New York Post (một kênh truyền thông chính thống cánh hữu) có đăng tin về việc một chiếc laptop của Hunter Biden (con trai của ứng cử viên tổng thống Joe Biden lúc đó) bị bỏ quên và được giao nộp lại cho FBI. Chiếc laptop đó được cho là chứa nhiều email và hình ảnh liên quan tới Hunter Biden, cụ thể là các email liên quan đến việc Hunter Biden lợi dụng sự ảnh hưởng của bố để làm ăn với nước ngoài và các hình ảnh ăn chơi.
Vụ việc này ngay lập tức trở thành một sự kiện tai tiếng nhất trong kì bầu cử đó. Gần như ngay lập tức, các mạng xã hội lớn (Facebook, Twitter) đều thẳng tay ban bất kì ai truyền tay nhau bài báo đó của New York Post với lý do rằng đó là tài liệu bị hacked (mặc dù không phải). Thậm chí ngay cả trang Twitter của New York Post cũng bị khóa, Twitter yêu cầu bài báo đó phải bị gỡ trước khi mở lại. Tuy nhiên, hành xử kì quặc đó của Facebook và Twitter đã được gỡ bỏ sau vài ngày (sau này trở thành một trong những lý do khiến CEO của Facebook và Twitter phải điều trần trước Quốc hội Mĩ, tuy nhiên khuôn khổ bài viết này sẽ không đề cập). Trong thời gian đó, các kênh truyền thông chính thống cánh tả đưa tin rằng bản tin đó của New York Post là tin giả. Họ viện dẫn chứng rằng một tổ chức nghiên cứu tin giả phát hiện thấy những dấu vết điển hình của tin giả đến từ Nga. 51 “cựu quan chức tình báo Mĩ” đã kí vào một văn bản gửi lên Quốc hội Mĩ với nội dung tương tự, rằng mặc dù họ không có bất kì bằng chứng nào nhưng họ tin rằng bản tin đó là “tin giả từ Nga”.
New York Times – được mệnh danh là “the paper of record” (nghĩa là nếu cái gì được đăng trên New York Times thì điều đó là sự thật, thể hiện độ tin cậy) – cũng từng đăng bài nói rằng tin của New York Post là tin giả. Để rồi vào ngày 16 tháng 3 năm 2022 vừa qua, chính New York Times đã xác nhận là tin của New York Post là tin thật.
Who are the “bad actors”?
Một trong những lý do mà cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine đã không xảy ra vào thời Trump là vì không ai có thể lường được phản ứng của Trump. Có một đoạn hội thoại thú vị giữa Trump và một người bạn, rằng Trump nói Putin là bạn của ông, nhưng ông cũng sẽ không ngần ngại mà thả bom vào Moscow nếu như Putin gây chuyện (tấn công Ukraine).
Không phải ai cũng thích hay hiểu cách ngoại giao của Trump, nhưng chính vì thế mà Mĩ và Triều Tiên đã có những tiến triển về mặt ngoại giao, và Thỏa thuận Abraham được kí kết. Và mặc dù mạnh mồm là thế, Trump đã không đưa nước Mĩ vào bất kì cuộc chiến nào – điều mà các tổng thống Mĩ trước đó đã không thể làm được. Vậy nên, có thể suy luận rằng những người mong muốn hạ bệ Trump cũng chính là những người đã góp phần đẩy cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine xảy ra. Và nếu như Trump có thực sự là “con rối” của Nga như những cáo buộc mà Đảng Dân chủ Mĩ đã đưa ra, thì hẳn là Putin có nhiều lý do hơn hẳn cho việc tấn công Ukraine dưới thời Trump chứ không đợi tới thời Biden.
Điểm chung của 2 vụ tai tiếng mà tôi kể trên là gì? Là chúng đều dính dáng tới “cơ quan tình báo”. Một câu hỏi cần đặt ra là tại sao tình báo Mĩ lại mặc nhiên đổ tất cả những thứ xấu xa xảy đến với đất nước mình lên đầu nước Nga? Một câu hỏi khác là trước khi cuộc giao tranh xảy ra, tình báo Mĩ liên tục tung tin rằng Nga sẽ tấn công Ukraine, dù rằng nhiều người nghi ngờ vào điều đó – cũng dễ hiểu thôi, với tình cảnh hiện tại thì việc tấn công Ukraine đã trở thành một thất bại chiến lược của Nga. Liệu tình báo Mĩ đã “dự đoán” được hay đã “gây ra” sự kiện này?
Scott Adams @scottadamssays đưa ra giả thuyết rằng tình báo Mĩ đã góp phần gây ra sự kiện này. Cụ thể hơn, trong các cơ quan tình báo Mĩ hiện tại có quá nhiều “chuyên gia” về Nga (có thể là do tồn tại từ thời chiến tranh lạnh). Vì công việc của họ là cảnh báo các mối nguy hiểm đến từ Nga, hiển nhiên là họ sẽ mất địa vị và quyền lực nếu như Nga trở thành đồng minh của Mĩ (hoặc chí ít là có mối quan hệ tốt hơn hiện tại). Đó là xu thế tất yếu của bất kì tổ chức lớn nào đặt trọng tâm vào mục tiêu, thay vì quá trình/hệ thống – để duy trì sự tồn tại của tổ chức đó, chính nó phải duy trì những vấn đề mà nó được thành lập để giải quyết. Các tổ chức tình báo cũng tồn tại tương đối độc lập so với phần còn lại của chính phủ, và họ là người quyết định xem những lãnh đạo của đất nước sẽ được nghe cái gì. Nhiều chuyên gia tình báo Mĩ đã chuyển sang làm biên tập viên ở các kênh truyền thông chính thống, điển hình như MSNBC, CNN... Các kênh truyền thông chính thống dần biến thành “cơ quan ngôn luận không chính thức” của các cơ quan tình báo, kiểm soát ý thức của công chúng. Các cơ quan tình báo, qua thời gian, dần trở thành “chính phủ ngầm” (Glenn Greenwald @ggreenwald).
Ở phía bên kia, có lẽ chính Putin đã đưa ra quyết định sai lầm dựa vào các cơ quan tình báo. Có thể là các cơ quan đó nói với Putin rằng Ukraine sẽ không phản kháng quyết liệt, người dân Ukraine sẽ chào đón quân đội Nga và các nước phương Tây sẽ không dám phản ứng quá mạnh.
Who are the masterminds?
Mặc dù nhiệm vụ của các cơ quan tình báo là bảo vệ lợi ích quốc gia, song họ vẫn là con người, họ vẫn có thể bị mua chuộc, hay thậm chí chủ động cấu kết với các thế lực khác để bảo vệ và tăng cường vị thế của họ. Ví dụ như vào năm 2020, đại biểu Eric Swalwell (Đảng Dân chủ, California) được cho là đã bị điệp viên của Trung Quốc có tên Fang Fang (hay Christine Fang) tiếp cận và gây ảnh hưởng. Eric Swalwell là ủy viên trong Ủy ban tình báo Hạ viện Mĩ. Nhiều đại biểu Đảng Cộng hòa đã chỉ trích và yêu cầu Eric Swalwell phải rời khỏi Ủy ban, song ông ta vẫn ở đó.
Nếu chúng ta nhìn rộng ra về cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine, chúng ta có thể thấy rằng Mĩ và Trung Quốc là 2 quốc gia được lợi nhiều nhất từ sự kiện này. Cú sốc của những trừng phạt từ phương Tây sẽ khiến kinh tế Nga kiệt quệ và phải xoay trục sang phía Trung Quốc. Khi Nga không còn có thể đa dạng hóa các quan hệ kinh tế với các nước khác, sự lệ thuộc và rủi ro khi mở rộng quan hệ với Trung Quốc sẽ ngày càng lớn hơn (quản lý rủi ro 101). Phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc giao tranh này cũng rất dè chừng, một mặt giúp Nga giải quyết áp lực kinh tế, mặt khác vẫn không đưa ra quan điểm ủng hộ hay phản đối để tránh liên lụy. Nếu xu hướng này tiếp tục, Nga dần sẽ trở thành “sân sau” của Trung Quốc – cũng giống như cách Mĩ biến các nước Mĩ Latin thành sân sau của mình. Ở phía ngược lại, Mĩ củng cố được vị thế của mình trong NATO cũng như sự tồn tại của NATO, tư bản Mĩ tiếp tục tận dụng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tính chất đối trọng của Mĩ đối với Trung Quốc, cũng như mối liên kết giữa đồng minh của Mĩ ở châu Á và Mĩ cũng sẽ thay đổi; có thể việc đối đầu với Trung Quốc của nhiều nước châu Á sẽ không còn nhiều giá trị đối với Mĩ mà chỉ mang tính hình thức. Trật tự thế giới mới có thể hình thành với 2 cực là Mĩ và Trung Quốc.
Vậy điều này có thể ảnh hưởng gì tới Việt Nam? Có lẽ cây tre sẽ chết.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất