(Ảnh: Sưu tầm)
Hôm nay mình muốn hỏi nhỏ một vấn đề: Bạn thường trích dẫn như thế nào? Mình biết đại đa số chúng ta có thói quen bốc một câu từ tác phẩm "trúng ý" ta, ghi thêm tên tác giả, là xong. Nhưng, cái câu mà ta trích có phản ánh tư duy của tác giả không, có đại diện cho tư tưởng của tác giả đó được không?
Xin thưa, phần lớn là không.
Trừ những tác giả bị cái bệnh "bức cung nhân vật", nghĩa là để nhân vật (BẤT CHẤP trình độ, thân phận, hoàn cảnh sống, trải nghiệm thế nào) nói những câu thoại đầy tính nhân văn, đầy cảm hứng và có thể được trích dẫn độc lập, đúng ở mọi hoàn cảnh, thì hầu hết những câu thoại hoặc lời dẫn truyện của tác giả có-tâm đều dựa trên bối cảnh, cốt truyện, tính cách và lập trường của nhân vật (đó là chưa kể đến những trường hợp nhân vật vì một lý do gì đó phải nói khác với suy nghĩ của bản thân). Những câu nói ấy không bao giờ phản ánh được chính xác tư tưởng của tác giả (phiên phiến thì nhiều khả năng là có, đối với nhân vật chính chính diện). Vì sao lại như vậy? Ví dụ, nhân vật chính trong truyện của bạn là một gã tội phạm biến thái, có ai đó trích một phát ngôn của gã, kiểu như "đàn bà trên đời đều là lũ khốn nạn đáng chết", chú thích "tác giả XYZ từng nói", bạn có muốn tát vêu mồm nó vì tội điêu ngoa không... à nhầm vu khống không?
Một trích dẫn đại diện cho tư tưởng của tác giả chỉ nên là trích dẫn từ lời phát biểu, bài báo hoặc những tác phẩm phi tiểu thuyết của tác giả ấy. Vì khi đó, tác giả đại diện cho chính bản thân mình, đứng trên lập trường của mình mà phát ngôn.
Vậy, lần sau, nếu đọc truyện thấy câu nào tâm đắc quá, bạn vui lòng chú thích thêm: "Nhân vật A trong truyện B của tác giả C có câu rằng...", đừng nhét chữ vào mồm tác giả, oan ức lắm Bao đại nhân ơi!