Khi một người bắt đầu xây dựng một công ty, một doanh nghiệp mới để kinh doanh trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, người đó sẽ mau chóng nhận ra rằng kế hoạch trước đây của họ có nhiều vấn đề khi va chạm với thực tế, và rằng họ phải thử nhiều cách, thay đổi liên tục để tồn tại. Những lần thử nghiệm và thay đổi đó sẽ dẫn đến những chính sách kỳ lạ, bất hợp lý, hoặc gây ra sự tức giận cho người dùng. Nhưng đó không phải là những hành vi lừa đảo.
Đây là cách bạn lừa đảo.
Ngày 04/06/2020, hãng xe điện Nikola phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) sau khi sát nhập vào một SPAC tên là VectoIQ Acquisition. Trong vòng một tháng giá cổ phiếu Nikola tăng lên 93,99 đô la, đưa giá trị vốn hóa của một công ty chưa có sản phẩm lên mức kỷ lục 28 tỉ đô la, có lúc còn cao hơn hãng xe lâu đời Ford.
SPAC (Special Purpose Acquisition Company) là một công ty được niêm yết chỉ để sau này sáp nhập một công ty khác, tức là loại công ty muốn niêm yết nhưng không đủ điều kiện hay muốn đi tắt không thông qua con đường IPO nhiêu khê. SPAC như thế chỉ là một vỏ bọc nhằm làm bệ phóng cho một công ty khác. Dĩ nhiên những người lập ra các SPAC là những tay tài phiệt lọc lõi tìm cách hưởng lợi nhiều nhất từ các phi vụ làm bệ phóng này.
Nhờ có SPAC, Nikola đã mang lại khoản lời khủng khiếp cho các tài phiệt đầu tư, bất chấp việc hãng này khi đó CHƯA bán được bất kỳ một chiếc xe điện thương mại nào. Sau khi ăn một cú lời đậm thì cổ phiếu Nikola bắt đầu xì hơi và gần như rơi tự do, CEO của tập đoàn, ông Trevor Milton thì từ chức vào tháng 9 năm đó sau khi nhận được các cáo buộc lừa đảo từ Hindenburg Research.
Cả Ủy Ban Chứng Khoán Và Giao Dịch (SEC) và Bộ Tư Pháp Mỹ đều mở các cuộc điều tra sau khi Milton rời đi và bị truy tố vào tháng 7/2021. Ông bị truy tố với tội danh quảng cáo sai sự thật và gian lận tài chính với mục đích thao túng giá cổ phiếu. Các nhà điều tra kết luận rằng ông Milton đã nói dối tất cả các nhà đầu tư về mọi thứ liên quan tới Nikola, từ công nghệ của tập đoàn cho tới các kế hoạch phát triển sau này.
Quay trở lại Vinfast, có một thông tin đang được lan truyền trên Internet rằng tất cả những gì tập đoàn này đang làm chỉ là một chiêu trò để được phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York (NYSE) và thu một món lời lớn sau khi "úp sọt" các nhà đầu tư. Thuyết âm mưu này được lan truyền sau việc Vinfast tổ chức lễ xuất khẩu 999 chiếc xe điện VF 8 qua thị trường Mỹ vào hôm 25/11/2022.
Thật ra về mặt tích cực mà nói, nó là một phiên bản nhẹ hơn của "kế hoạch lừa đảo của Vinfast" vốn được cộng đồng mạng thai nghén từ khi nghe công ty này thành lập năm 2017. Đây là dòng thời gian của kế hoạch đó:
- Năm 2017: Vinfast lại là bánh vẽ, không xây được nhà máy ở Hải Phòng.
- Năm 2018 - 2020: Xe Vinfast chỉ là hàng giá rẻ, lắp ráp linh kiện từ Đức và Trung Quốc đem về Việt Nam bán cắt cổ. Vinfast xài hàng thừa từ BMW.
- Năm 2021: Vinfast "úp sọt" nhà đầu tư vì bỏ xe xăng, Vinfast lại làm bánh vẽ ô tô điện, kiểu gì cũng "bỏ bom" những người mua xe điện.
- Năm 2022: Vinfast dùng chiêu trò để IPO trên NYSE nhằm thu lời lớn cho các cổ đông.
Chúng ta có thể thấy kế hoạch lừa đảo năm 2022 nó không khác năm 2021 lắm vì hàm ý của nó vẫn là sau khi Vinfast IPO thì họ sẽ bỏ rơi người tiêu dùng. Tuy nhiên chúng ta thấy từ "bánh vẽ nhà máy ô tô" đến "IPO trên NYSE" thì đúng là một bước tiến lớn của "trò lừa Vinfast".
Nhưng kế hoạch lừa đảo này có một điểm yếu, đó là: khi bạn đã đi lừa đảo bạn không đầu tư để làm ra món hàng bạn lừa đảo. Mọi người đi lừa đảo là để thu về món tiền khổng lồ với chi phí bỏ ra thấp nhất. Nếu bạn lừa đảo bán chung cư, bạn sẽ không xây chung cư mà chỉ bán trên giấy. Nếu bạn lừa đảo đi bán máy lạnh, bạn sẽ không nhập máy lạnh về bán mà chỉ thu tiền cọc rồi bỏ trốn. Nếu bạn lừa đảo hỗ trợ đường dây đi du học, bạn không bỏ công đi ký kết hợp tác với trường đại học mà bạn nói là đối tác, bạn không đi làm hồ sơ du học cho khách hàng, bạn chỉ lấy tiền của khách hàng rồi bỏ trốn.
Vậy nếu Vinfast muốn lừa đảo thì việc họ xây nhà máy ở Hải Phòng, xây hai nhà máy pin xe điện ở Hà Tĩnh và sản xuất hàng chục nghìn xe động cơ đốt trong (ICE) cũng như hàng nghìn xe điện, lại còn mở showroom ở Mỹ và châu Âu, bán cho khách hàng ở Mỹ, là điều ngu ngốc nhất họ có thể làm để đi lừa người khác. Nếu bạn lừa bán ô tô cho người khác, và bạn xây nhà máy để sản xuất chiếc ô tô đó, rồi lại giao nó cho khách hàng của bạn theo đúng hợp đồng, thì bạn vừa thất bại trong việc lừa đảo. Chính điều này khiến mình tự hỏi người nghĩ ra thuyết âm mưu Vinfast IPO ở NYSE để úp sọt nhà đầu tư có bao giờ họ thực sự vận hành một công ty và nhìn bảng số liệu chi phí vận hành bao giờ chưa, có bao giờ lên kế hoạch phát triển đường dài cho công ty và xoay sở mất ngủ vì phải xử lý các vấn đề liên quan đến sự tồn vong của công ty chưa?
Với mình, mình chỉ nhìn Vinfast như một tập đoàn kinh doanh như các tập đoàn khác, và tuy mình có mong rằng Vinfast sẽ thành công nhưng mình không có niềm tin sắt đá về tập đoàn này, cũng như cảm thấy "tự hào, ngạo nghễ" khi họ làm được nhiều thứ đầu tiên cho Việt Nam: hãng xe điện đầu tiên, tập đoàn ô tô đầu tiên xuất khẩu qua Mỹ, tập đoàn xây dựng nhà máy pin đầu tiên ở Việt Nam.
Có lẽ trường hợp của Vinfast là một trường hợp kinh điển về hậu quả của việc trộn lẫn thương hiệu tập đoàn với chủ nghĩa dân tộc, dẫn đến cảm xúc tiêu cực gắn liền với hình ảnh tập đoàn. Mình thấy rằng văn hóa "tung hô, tự hào" của Việt Nam đã tạo ra hai thái cực khi đánh giá về tập đoàn này. Lúc nào cũng sẽ có một phe vô cùng tự hào và tung hô Vinfast như sự hiện diện của tập đoàn đó là một điều thần kỳ của quốc gia, trong khi có một bên khác thì luôn chỉ trích mạnh mẽ tập đoàn này trong mọi tình huống, mọi quyết định.
Theo mình quan sát được thì nhóm chỉ trích này đang tập trung quá nhiều vào Vinfast một cách đầy cảm tính, cho dù họ sẽ lập luận để cho người đọc cảm thấy họ suy diễn rất logic. Sự cảm tính khiến cho các chỉ trích bị đẩy lên ở mức cực đoan. Thật ra chúng ta trong mùa World Cup cũng đang được chứng kiến sự chỉ trích đầy cảm tính này ở quy mô lớn hơn, đó là việc truyền thông phương Tây chỉ trích nước chủ nhà Qatar vì liên quan tới các vấn đề nhân quyền. Mình sẽ trích từ báo The Economist ở đây:
"Những người lao động nhập cư thường bị đối xử tệ hại. Ở quốc gia này có ít tự do tình dục hơn các quốc gia phương tây. Đây không phải là quốc gia dân chủ. Những đánh giá này là đúng đối với Qatar, nơi giải đấu bóng đá World Cup kéo dài một tháng sẽ được tổ chức bắt đầu từ cuối tuần này. Các đánh giá này cũng đúng đối với Nga, quốc gia đăng cai kỳ World Cup trước đó, hay là Trung Quốc, chủ nhà của thế vận hội Olympics mùa đông gần đây. Thật sự thì Qatar là quốc gia phù hợp hơn cả hai nước kia trong việc tổ chức sự kiện thể thao lớn.
Nếu nói nhẹ nhàng thì các chỉ trích của phương Tây về quyết định trao Qatar quyền tổ chức sự kiện cho thấy họ không phân biệt được đâu là một thể chế cường bạo và một chính quyền có nhiều vấn đề. Nếu nói nặng thì các chỉ trích này là sự mù quáng. Có rất nhiều người chỉ trích nói như thể họ không ưa người đạo Hồi hay là người giàu.
Qatar có thể không phải là một quốc gia dân chủ, nhưng nó không phải là nơi bị cai trị bởi một gã độc tài tàn ác. Người cai trị trước của họ đã hoàn toàn tự nguyện xây dựng hệ thống bầu cử, không dưới áp lực nào. Ông ta cũng thành lập kênh truyền thông Al Jazeera vốn có nhiều phát ngôn tự do hơn các tờ báo Arab khác, cho dù tờ này vẫn thường mềm mỏng khi nhắc về Qatar. Đó là sự khác biệt một trời một vực so với nước Nga của Vladimir Putin, nơi bạn sẽ bị bỏ tù vì mô tả tình hình ở Ukraine là cuộc chiến tranh, chứ chưa nói đến là chỉ trích nó. Và sự khác biệt này cũng là rất lớn nếu so với Trung Quốc, nơi không ai được phép bày tỏ bất kỳ một sự bất đồng chính trị nào. Còn ở Argentina, chính quyền quân sự độc tài thì vứt những người chỉ trích họ ra khỏi trực thăng khi họ tổ chức kỳ World Cup 1978."
Đọc toàn bộ bài viết ở đây.
Điều này cũng đúng với các chỉ trích mà Vinfast đang hứng chịu. Những gì mà nhiều người coi là tồi tệ, không chấp nhận được đối với Vinfast, nó chỉ ở mức "tệ bình thường" so với những gì hãng xe khác đang thực hiện. Chúng ta có một vài ví dụ ở đây.
Ví dụ lớn nhất cho việc bán hàng không đúng quảng cáo đến từ Tesla với tính năng tự lái cho xe của họ. Hãng xe Tesla đang dính cáo buộc rằng xe của họ không thông minh như họ quảng cáo dẫn đến hiểu nhầm lớn cho người tiêu dùng trong nhiều năm qua. Tesla đã bán xe có chế độ tự lái từ năm 2016 bất chấp việc tính năng đó chưa được kiểm định an toàn, và nó là nguyên nhân hàng đầu gây ra rất nhiều vụ tai nạn liên quan tới xe của hãng. Đây được coi là kiểu bán hàng vô trách nhiệm hàng đầu trong ngành lịch sử ô tô vì nó đã dẫn tới cái chết của nhiều người.
Ví dụ tiêu biểu cho việc hãng xe muốn móc túi người tiêu dùng là BMW và Mercedes với chính sách đóng phí hàng tháng để mở khóa tính năng. Theo đó trên các mẫu xe BMW có tính năng sưởi ghế, hãng cho phép người dùng đóng phí 17 euro/tháng (hoặc 18 USD/tháng ở Mỹ) để dùng tính năng này, còn nếu muốn mở khóa vĩnh viễn tính năng thì người dùng phải bỏ ra 400 Euro. Có thể nói BMW là hãng đi tiên phong trong việc móc túi khách hàng bằng cách bán gói dịch vụ số theo xe bao gồm: gói đèn thông minh, gói hệ thống tự lái thông minh, gói camera an ninh. Cách bán hàng này được duy trì bất chấp sự chỉ trích rất mạnh mẽ từ truyền thông và người dùng. Sự chỉ trích này lớn đến mức BMW Hoa Kỳ đã phải đưa ra giải thích biện hộ cho các gói dịch vụ mà họ gọi là "functions on demand" này. Bạn có thể đọc ở đây.
Trong hình là các tùy chọn theo xe của cửa hàng BMW bên vương quốc Anh, với các gói dịch vụ được đánh dấu "Trial Now".
Tồi tệ thay là cách bán hàng này của hãng xứ Bavaria lại được đồng hương Mercedes noi theo và đưa lên tầm cao mới khi cho phép khách hàng đóng khoản phí 1200 Euro/tháng để mở khóa tính năng động cơ, giúp xe điện của họ tăng tốc nhanh hơn...1 giây. Gói này chỉ áp dụng cho dòng xe điện EQS họ mới ra mắt có giá bán khởi điểm quanh 100,000 Euro.
Còn vấn đề về độ an toàn thì chúng ta có xe điện bZ4X của hãng "quốc dân" Toyota với lỗi...rớt bánh. Hai tháng kể từ tháng 4/2022 khi hãng mở bán dòng xe này ở thị trường Mỹ, doanh số mẫu xe này của họ vẫn ghi nhận là 0. Lý do là vì họ đã phải triệu hồi toàn bộ xe vì có rủi ro rớt bánh xe khi vận hành. Nguyên nhân khiến mẫu ô tô điện đầu tiên của Toyota bị triệu hồi có vẻ bắt nguồn từ bu-lông trên bánh xe. Theo đó, bu-lông này có thể bị lỏng và khiến bánh rơi khỏi xe, gây mất an toàn nghiêm trọng. Có tổng cộng 2.700 chiếc Toyota bZ4X 2023 bị triệu hồi vì nguy cơ "rớt" bánh khi đang chạy. Trong số này, có 260 chiếc tại thị trường Mỹ, 2.200 chiếc ở châu Âu, 110 chiếc ở Nhật Bản, 20 chiếc ở Canada và những chiếc còn lại ở các thị trường khác trên thế giới.
Đó là chưa kể đến việc xe bZ4X này của Toyota cũng đang bị chỉ trích vì quãng đường chạy được khi sạc đầy điện của xe trên thực tế chỉ bằng khoảng 75% so với hãng tuyên bố. Theo đó các cuộc kiểm tra thực địa tại Na Uy trong tháng 11/2022 cho thấy xe của hãng khi đầy điện chỉ đi được quanh mức 318 km, thấp hơn nhiều so với con số 470 km mà hãng quảng bá.
Nếu chúng ta đặt những vấn đề mà người dùng xe Vinfast gặp phải trong 4 năm có mặt ở thị trường Việt Nam so với các vấn đề được liệt kê ở trường, chúng ta sẽ thấy các vấn đề đó bình thường đến mức nào. Hãy nhìn lại các chỉ trích phổ biến cho xe Vinfast: nhân viên bán hàng lố về việc xe lái hay như BMW, hay so sánh Vinfast với xe sang từ châu Âu, xe khấu hao nhanh, chính sách giá thay đổi liên tục làm thiệt cho người mua, chính sách thuê pin (nhưng sau này đã cho mua luôn pin), xe giá cao, độ hoàn thiện các mẫu đời đầu không cao, hay bị lỗi vặt, chính sách kiểm soát truyền thông.
Đối với mình nó là điều xảy ra phổ biến khi bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tạo ra một sản phẩm phức tạp như xe hơi. Tuy nhiên chúng ta không nên vì một sự ác cảm có sẵn với thương hiệu Vin mà phóng đại các vấn đề này lên và lan truyền niềm tin tiêu cực rằng doanh nghiệp này chỉ đang là một trò lừa tinh xảo.
Mình thấy rằng doanh nghiệp này dù sau này có thất bại nhưng ít nhất những di sản nó để lại vẫn rất là tích cực: quốc gia có một lứa sinh viên kỹ thuật ra trường được làm việc với máy móc công nghệ cao, biết về các kỹ thuật tân tiến liên quan tới điện, tới pin xe điện, một lứa các quản lý có kinh nghiệm vận hành các nhà máy lớn theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, một kho kinh nghiệm trong việc huy động vốn ở thị trường tài chính quốc tế.