NHẬT KÝ CAI NGHIỆN NỖI ĐAU
#Buoisangngaydautien #Nholainhungngaylucnho Tôi là một người trầm cảm...rất tích cực. Tôi biết và sống cùng với trạng thái này...
#Buoisangngaydautien #Nholainhungngaylucnho
Tôi là một người trầm cảm...rất tích cực. Tôi biết và sống cùng với trạng thái này từ khi là học sinh lớp 9. Thời điểm đó người ta còn mơ hồ về khái niệm trầm cảm, chỉ có vài ba bài báo tâm lý nói thoáng qua thôi, và giới trẻ bắt đầu tò mò. Họ ngộ nhận, liên tục trượt dài trong suy nghĩ rằng mình thế nọ, thế kia, rồi từ cái không phân định trạng thái bệnh án rõ ràng của mình, họ làm người lớn chán ghét và xem trầm cảm như một thứ ma túy bệnh hoạn. Những biểu hiện trầm cảm thời đó không hề rõ ràng, nhưng nó cứ lớn lên và bành trướng mỗi ngày, khác là không ai hay, không ai biết mấy năm sau chúng trở thành một vấn đề tâm lý thật nặng nề.
Thời đó, mình luôn nghe những người bạn ở các lớp khác kể về những lần họ bị giáo viên chủ nhiệm phê bình trước lớp, thậm chí liệt bạn vào danh sách những đứa ''con ghẻ'' của lớp. Lý do là vào lớp cứ im im, nhìn cứ kiểu lì lì,...Và đó là rất nhiều những thứ mà mọi người hay ''nhìn'', hay ''thấy'', hay áp những nhận định và quy chuẩn của bản thân cho người khác. Đâu ai quy định rằng người ít nói là người không hề chú ý đến những thứ xung quanh, thậm chí, trong một số trường hợp, họ là những người rất nhập tâm, và đủ sự bình ổn, óc quan sát để giải quyết mọi việc. Đâu ai quy định những người im lặng sẽ không thể tham gia vào các hoạt động xã hội hay những hội nhóm ồn ào? Họ chính là những nốt trầm, đầy thấu hiểu và sự nhạy cảm, lắng nghe và tường tận những sự cô đơn mặt trái từ đám đông. Cơ bản là, trong quá khứ hay hiện tại, đâu đó vẫn luôn tồn tại rất nhiều những sự phán xét rất tàn nhẫn, bắt đầu từ những lời nói tưởng như là chân lý. Từ giảng đường ra những gốc tối của thành phố, nơi nào có định kiến, nơi đó có người dễ rơi vào bi quan, tiêu cực.
Mẹ của tôi là một giáo viên tiểu học, thời đó dù bà ấy không biết trầm cảm thật chất có những biểu hiện thế nào, nhưng bà lờ mờ nhận ra những biến đổi bất thường của tôi - dễ rơi vào trạng thái im lặng và bi quan đến cùng cực. Mẹ tôi cứ luôn nơm nớp lo sợ khi tôi suốt ngày cứ chơi với bạn tiêu cực, ủ dột và không thích tiếp xúc với đông người. Phần đông trong số đó luôn tồn tại và đấu tranh với những ý nghĩ oán trách cuộc đời và tìm đến tự sát khi còn rất trẻ. Có người oán gia đình, cũng có người oán trách quá khứ, cũng có người từng vì một lời miệt thị của giáo viên chủ nhiệm trước lớp mà trở nên trầm lặng hơn hẳn với ý nghĩ rằng mình cũng tồi tệ như những gì cô giáo nói.
Tôi cũng từng chứng kiến một giai đoạn bọn trẻ chạy theo một thứ trào lưu chết chóc: rạch tay. Những ngày cầm chiếc điện thoại nokia dò dẫm lên FB, tôi phát toáng lên được khi cố bấm vào một tấm ảnh bàn tay đầy máu, hoặc những vết rạch có chữ đang mưng máu. Có những người sáng nay vừa gặp còn cười nói, còn rất vui tươi và hoạt bát, tối về họ cãi nhau với gia đình, cãi nhau với người yêu, xong rồi phanh tay hay một nơi nào đó trên người ra mà rạch. Có một người từng nói với mình rằng, làm vậy họ thấu được nỗi đau. Còn mình thì lại thấy, làm vậy ba mẹ họ thấu được nỗi đau mà những người tỉnh táo khác thấu được sự sợ hãi. Khi nỗi đau tinh thần không được lắng nghe hay thấu hiểu đúng cách, khi ấy con người ta buông lỏng cái đau thể xác mất rồi.
Những năm tháng cấp 2 với mình trôi qua không hề dễ dàng, bởi khi đó là độ tuổi mở cánh cửa dậy thì, phức tạp và đầy hoang mang vì những điều kéo ta khỏi sự ngây thơ và cản ngăn ta đến với sự chín chắn. Gia đình mình trải qua những biến cố lớn, việc học mình sa sút (theo cái nhìn và sự đòi hỏi của người lớn làm giáo dục trong dòng họ) vì sa vào mối tình đầu trẻ dại, sức khỏe thì sa sút vì kiệt sức thiếu ngủ quên ăn. Mình bắt đầu uống bia, rượu, dính vào những câu chuyện tình tay ba, những lần ẩu đả và đánh nhau của nhóm bạn cùng bàn (Lớp mình là lớp cá biệt nhất trường, mình là lớp phó, cô xếp cho ngồi quản lý nhóm học sinh cá biệt ở bàn cuối. Và bọn nó cũng là những thanh niên bất trị nhất trường). Người ta nói không có ai hoàn toàn, hay tự nhiên mà có tính xấu, cũng không phải đứa trẻ nổi loạn nào cũng là do bản chất. Mỗi người một câu chuyện, mỗi người một hoàn cảnh, mà chính vì hiểu và thương những câu chuyện đó, mà suốt năm lớp 8 và lớp 9 của mình trôi qua đầy sóng gió, khó khăn, và biến động. Đến độ khoảng thời gian đó trở thành những cơn ác mộng trong lòng mình.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất