Chị Nguyễn Phương Dung, một trong số những tác giả của cuốn sách
“Người trong muôn nghề: Ngành Kinh tế có gì?” đồng thời là Marketeer
với 10 năm kinh nghiệm làm việc, giữ các chức vụ quản lý cấp cao trong
lĩnh vực Marketing & Truyền thông tại các Tập đoàn đa quốc gia như Unilever Vietnam, Unilever Asia, HEINEKEN Vietnam,...
sẽ trở thành nhân vật trên Humans of Spiderum lần này.
Dù chị Dung không phải cây viết trên Spiderum, nhưng đội ngũ chúng tôi tin rằng câu chuyện của chị sẽ truyền cảm hứng cho các bạn nữ nhà Nhện trong ngày 8/3 này.

Là một phụ nữ nắm giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các Tập đoàn, đồng thời hoạt động trong lĩnh vực Marketing luôn biến chuyển từng ngày, chị có gặp khó khăn hay ngăn trở nào không?

Trong nhiều bài phỏng vấn, Dung từng nhận được câu hỏi như: “Chị gặp những khó khăn, thử thách gì khi là một nữ quản lý?” hay “Phụ nữ đã lập gia đình rồi liệu có phù hợp với những ngành nghề năng động và sáng tạo”. Sự thật là, Dung không có khái niệm mình là phụ nữ, chỉ nghĩ mình là Nguyễn Phương Dung, là một cá nhân. Và một cá nhân sẽ luôn có điểm mạnh, điểm yếu nhất định, hãy dựa vào những điều đó để tìm ra nhịp điệu và công việc phù hợp với bản thân để nỗ lực vươn lên. Đối với Dung, nó thiên về kỹ năng làm việc và những gì một người lãnh đạo có thể mang lại cho doanh nghiệp, hơn là nghĩ về việc mình là phụ nữ trong vai trò này.

Trở thành quản lý ở độ tuổi khá trẻ, hẳn chị có nhiều bài học thú vị?

Mình may mắn được công nhận là một tài năng trẻ tại hầu hết công ty mình từng làm. Điều thú vị là đa phần đội ngũ mình từng dẫn dắt có rất nhiều thành viên dày kinh nghiệm hơn mình. Đôi khi mình cũng gặp một số khó khăn. Vì thế, mình cố gắng cởi mở và kêu gọi những đóng góp từ các thành viên để vượt qua sự non trẻ trong kinh nghiệm của bản thân. Mình luôn có niềm tin rằng nhà lãnh đạo là người có khả năng tập hợp tất cả mọi người để đóng góp vì mục tiêu chung.
Càng thăng tiến trong sự nghiệp và nấc thang của tổ chức, bạn sẽ càng hiểu rằng có rất nhiều lãnh đạo giỏi, và thậm chí nhỏ tuổi hơn bạn, nhưng lại vô cùng tài năng. Vì thế, có lúc sự tự tin nơi bạn cũng bị thử thách đôi chút. Điều quan trọng là bạn quay về đúng hướng, suy nghĩ, và tập trung vào những gì thực sự ý nghĩa với bản thân. Đâu là mục tiêu cuối cùng mà bạn muốn đạt được ở công việc này, với đội nhóm này?
Các bạn trẻ hãy tin vào khả năng của bản thân. Chỉ khi bạn tin vào chính mình bạn mới có thể chia sẻ cảm hứng và động lực đến những đồng đội, từ đó, các bạn cùng nhau làm việc và có được thành công. Hơn nữa, hãy cởi mở và khiêm tốn. Nghe có vẻ mâu thuẫn đúng không? Thực ra, đó chính là tôn trọng sự khác biệt của những thành viên trong nhóm, chấp nhận sự thật rằng có rất nhiều thứ mà chúng ta không biết và chúng ta cần cùng nhau vượt qua những “điểm mờ” đó. Điều này đòi hỏi tinh thần đội nhóm thật vững vàng và phối hợp nhịp nhàng.
Và điều cuối cùng, hãy tập trung, các bạn phải đặt ra được những gì cần ưu tiên, điều gì quan trọng với sự nghiệp của mình, và tập trung tất cả năng lượng, sức mạnh vào chúng, để tất cả những cố gắng và động lực của bạn có thể biến điều đó thành hiện thực.

Đạt được những thành công trên sự nghiệp từ khá sớm, có phải quãng thời gian đi học chị nắm giữ “bí kíp” gì đặc biệt không?

Mình học cả bằng Cử nhân và Thạc sĩ tại RMIT và rất trân trọng thời gian học tập tại đây. Có bạn nói kiến thức trong trường Đại học mơ hồ và khó áp dụng. Nhưng trải nghiệm của cá nhân Dung lại chứng minh điều ngược lại.
Giai đoạn đầu tiên, Dung học Cử nhân Thương mại. Quãng thời gian ở trường, mình được trang bị không chỉ về kiến thức mà còn cả kỹ năng sẵn sàng cho công việc lẫn cuộc sống. Nhờ thế, mình không bị bỡ ngỡ khi đặt chân vào thế giới công sở. Tất cả các kỹ năng như trao đổi phản biện, làm presentation, nghiên cứu, phân tích,... đều đã được học tại trường, nên khi đi làm mình không mất công học lại từ đầu hay quá “choáng ngợp”.
Giai đoạn thứ hai, sau khi đi làm 5 năm, Dung nghĩ mình cần có tư duy chiến lược và tổng quan hơn khi làm việc để có thể thăng tiến lên vị trí cao trong môi trường Big Corp. Dung quyết định học Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế và vẫn tin tưởng vào “cái duyên” với RMIT. Đây cũng là trải nghiệm giúp mình nhào nặn được rất nhiều về tư duy, và chuẩn bị được tâm thế làm chủ doanh nghiệp tốt hơn. Định hướng chương trình mang tính thực tiễn cao, mình liên tục làm việc theo case study, hay có những môn simulation (lớp học mô phỏng kinh doanh), đặt ra các tình huống để xem với tư cách là chủ doanh nghiệp, mình sẽ có những hành động gì? Và khi mình đưa ra quyết định, kết quả sẽ hiển hiện và theo dõi được. Đó là điều Dung thấy thật sự tuyệt vời bởi nó giúp mình chuẩn bị cả về mặt kiến thức, kỹ năng, cũng như tâm lý khi kinh doanh trong thực tế.
Dung nghĩ mỗi tấm bằng có được từ RMIT lại song hành cùng mình trong những chặng đường rất khác nhau. Điểm nổi trội là nó luôn thực tiễn, áp dụng ngay được, không hề lý thuyết hay văn hoa.
Nói như vậy không có nghĩa các bạn lệ thuộc và cho rằng cứ hoàn thành chương trình Đại học là đủ. Đặc biệt với ngành Kinh tế nói chung và Marketing nói riêng, bạn không thể học được tất cả mọi thứ từ sách vở. Dung khuyến khích các bạn hãy để tâm hơn, chịu khó suy nghĩ, quan sát hơn một chút tất cả những gì gặp ở ngoài đời, ngoài thị trường hiện tại.

Chị có thể nói cụ thể hơn về chuyện quan sát, suy nghĩ đó không?

Ví dụ, hôm nay bạn là một nhân viên văn phòng, làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ tối. Tan sở, bạn gọi Grab về nhà. Khi ấy, bạn đóng vai trò là người tiêu dùng của Grab. Nếu không để tâm, bạn đơn thuần chỉ đặt cuốc xe đó đi về, mọi thứ tiếp diễn rất bình thường; nhưng nếu để tâm, bạn sẽ quan sát kỹ hơn trải nghiệm từ lúc gọi xe, lên xe, đến lúc về nhà và tự hỏi: “Mình cảm thấy thế nào?”, “Mình thấy cuốc xe này tốt hơn hay tệ hơn cuốc xe đã đi hôm qua?”, “Vì sao điều này lại xảy ra?”, “Nếu mình là Brand Manager của Grab, mình có thể làm được gì tốt hơn không?”,... Chỉ bằng việc trải nghiệm những hoạt động thường ngày với tâm thế như vậy, bạn có thể trở rèn luyện tính phản biện, sao sát với thị trường hơn. Và đấy cũng là cách thức mà Dung luôn có từ khi còn rất nhỏ (cũng không hiểu tại sao). Thói quen quan sát và suy nghĩ này có lợi cho bạn rất nhiều, bởi dần dần, chúng sẽ tích tụ trong suy nghĩ, hình thành kiến thức nền rất rõ rệt cho các bạn.

Spiderum được biết chị từng là Innovation Manager tại HEINEKEN Vietnam. Chức danh của công việc này khá lạ, chị có thể chia sẻ rõ hơn về vị trí này?

Đây là một trong những vị trí thú vị nhất mà mình từng đảm nhiệm và cũng là bước nhảy lớn trong tư duy nghề nghiệp của bản thân. Hiểu một cách ngắn gọn, Innovation Manager là người đi tìm kiếm những cơ hội mới để thúc đẩy tăng trưởng cho một công ty. Cơ hội đó có thể đến từ việc tung ra các thương hiệu mới, các sản phẩm mới, cũng có thể đến từ việc theo đuổi kênh bán mới hoặc tiếp cận người tiêu dùng theo một cách khác đi. Innovation Manager không chỉ nhìn vào market insight mà còn nhìn vào market foresight để định hướng và tư vấn cho Ban Giám đốc.
Khi nói về marketing, ý nghĩ đầu tiên bật lên trong đầu mọi người là: Marketing sẽ làm quảng cáo, truyền thông. Phải, mình không hề từ chối việc đó: Quảng cáo, truyền thông là một phần lớn trong phạm vi marketing. Nhưng sau khi đảm nhiệm vị trí Innovation Manager, Dung đã có góc nhìn rộng hơn. Quảng cáo truyền thông là các bước gần như cuối cùng trong hành trình đưa một sản phẩm ra thị trường. Sâu xa hơn nữa, mình phải trả lời các câu hỏi: “Vì sao tôi lại tung sản phẩm này? Vì sao lại hướng vào thị trường này? Vì sao chọn kênh bán này? Ý nghĩa của nhãn hàng với người tiêu dùng là gì?”. Đó là phần rất quan trọng.
Lên kế hoạch kinh doanh để ươm mầm một sản phẩm mới là nhiệm vụ đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị. Khi tung sản phẩm này tôi sẽ nói thông điệp gì? Tiếp cận người tiêu dùng mới đấy ở đâu? Bán hàng vào siêu thị hay quán xá thế nào? Tính toán lời lỗ ra làm sao? Triển khai kích cầu và xây dựng hình ảnh kiểu gì? Đấy là cả một “trận chiến” dài hơi mà không phải lúc nào mình cũng có cơ hội trải nghiệm trong vai trò marketeer.
“What get you here won’t get you there”, tạm dịch: “Những thứ đưa bạn tới vị trí của hiện tại sẽ không thể đưa bạn tiến xa hơn”. Đây là câu quote mà Dung rất tâm đắc, là tư duy đã thay đổi sau khi đảm nhiệm vị trí Innovation Manager.

Nhắc đến việc “tiến xa hơn”, chị nghĩ người trẻ cần làm gì để khai phá tiềm năng của bản thân?

Mình cho rằng, trong mỗi con người luôn tồn tại những sở thích, đam mê riêng biệt; nhưng do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan tác động, (nhiều khi) chúng ta lãng quên và không thể tìm thấy nó. Lời khuyên của Dung dành cho các bạn là (1) Hãy lắng nghe chính mình và tập thói quen chiêm nghiệm: nhìn lại cảm xúc, suy nghĩ một cách thấu đáo cho những sự kiện xảy ra để hiểu bản thân hơn; (2) Chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở với một người bạn, hoặc tìm một người mentor mà bạn thấy có thể nói chuyện được. Với vị trí khách quan của một người ngoài, họ có thể cho bạn cái nhìn và lời khuyên sáng suốt.
Ngoài ra, mình nghĩ việc khám phá không chỉ dừng lại ở chiều sâu mà còn là chiều rộng: thay đổi môi trường làm việc cũng cần thiết để giúp bạn có được cái nhìn toàn diện hơn về thế giới bên ngoài. Trong suốt 10 năm đi làm, Dung may mắn cứ khoảng 3 năm là được thay đổi công việc. Mỗi lần thay đổi là một lần được thử sức trong những lĩnh vực khác nhau, mang lại những kiến thức mới và khám phá thêm khả năng của bản thân. Dung nghĩ không nên gắn chặt với một vị trí quá lâu, vì bạn có thể rơi vào tư duy theo lối mòn. Theo trải nghiệm của Dung, đặc biệt với ngành Marketing, cứ khoảng 2 - 3 năm, mình cần refresh lại bản thân, thay đổi đó sẽ giúp mình năng động và linh hoạt hơn.
Việc thay đổi còn có thể giúp bạn phá vỡ giới hạn của bản thân. Dung thấy, các bạn trẻ hoặc nhóm quản lý cấp trung khi làm ở corporate thường đảm nhiệm một chức năng nhất định trong cả bộ máy (như marketing, tài chính, hoặc nhân sự,...) và bạn sẽ xây dựng chuyên môn rất sâu ở từng vị trí đó. Nhưng khi bắt đầu kinh doanh riêng, thế giới quan và cách nhìn nhận công việc của bạn rộng hơn rất nhiều. Người chủ sẽ phải kiêm nhiệm đủ các vị trí.
Ví dụ: Bên ngoài công sở, Dung còn có một vai trò thứ hai là Co-founder & Chief Experience Officer (Giám đốc kiến tạo trải nghiệm) tại Puluong Glamping nên ngoài chuyên môn marketing sẽ cáng đáng thêm cả tài chính, nhân sự, sales,... Nhờ đa nhiệm như vậy, Dung được thay đổi góc nhìn về cách vận hành việc kinh doanh và hiểu các chức năng trong một doanh nghiệp cần liên kết với nhau ra sao. Dù việc kinh doanh chỉ mới ở quy mô nhỏ, nhưng nó đã đem lại những bài học rất mở mang tầm mắt. Và với trải nghiệm đó, mình đưa trở về áp dụng trong công việc chính tại các Tập đoàn: nhìn nhận rõ sự cộng tác của mình với các phòng ban khác cần phải được cải thiện hoặc phối hợp, điều hướng ra sao.
Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi lần thay đổi, công việc mới có giúp bạn học hỏi được gì mới và tốt hơn so với công việc cũ hay không? Dung cũng quan sát nhiều bạn trẻ hay nhảy việc, nhưng vì lý do gì? Vì lương cao hơn? Vì chức danh công việc tốt hơn? Bạn không nên nhảy việc quá nhiều nếu những bước nhảy đó vô nghĩa. Vô nghĩa là chỉ để có chức danh tốt hơn nhưng chưa chắc đã làm được nhiều việc hơn, đem lại những kết quả tích cực hơn.

Chị nhìn nhận như thế nào về các bạn trẻ hiện nay?

Các bạn trẻ ngày nay nhiều năng lượng và nhạy bén nhanh với thị trường. Các bạn cũng can đảm đưa ra chính kiến hơn thời Dung mới ra trường rất nhiều. Trước đây, không phải ai cũng mạnh dạn chia sẻ quan điểm và đóng góp ý kiến trong các cuộc họp hay lên kế hoạch cho một nhãn hàng, nhưng bây giờ các bạn rất tự tin vào việc đó.
Dù vậy, còn rất nhiều bạn trẻ chỉ tập trung vào việc đi nhanh mà không rèn luyện “sức mạnh” để đi nhanh, cũng không nắm rõ được đi nhanh để làm gì. Nhiều bạn đi làm, lúc nào cũng nói em muốn được làm chủ dự án này, muốn được là người ra quyết định, nhưng bản thân làm việc còn vô cùng lộn xộn. Công ty không thể tự tin giao cho bạn dẫn dắt dự án được. Cũng có nhiều bạn luôn trình bày nguyện vọng trở thành Manager, nhưng khi được hỏi muốn trở thành Manager để làm gì, và có biết làm Manager cần những bộ kỹ năng gì không, bạn lại không biết.
Tuổi trẻ có ước mơ và đam mê. Chúng hiện hữu với lý do và mục đích rõ ràng, làm động lực cho bạn bước tới. Chúng khác với ảo tưởng. Ảo tưởng là những kỳ vọng mơ hồ, không có mục đích, được hình thành bởi người khác áp lên mình.
Dung luôn mong và chúc các bạn trẻ giữ được lòng khiêm tốn, tinh thần cầu thị, thói quen học hỏi và có mục đích rõ ràng trong mọi bước đường đi. Hãy luôn là một phiên bản tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Đó đã là một bước nhảy lớn đáng tự hào!
Thực hiện: Spiderum
Thiết kế: Isa Quan