Tiểu luận Bàn về sáng tạo, 1959
Tác giả Isaac Asimov
Người dịch Tornad

Ghi chú từ Arthur Obermayer, bạn của tác giả:

Năm 1959, tôi làm khoa học cho Tổ chức Nghiên cứu Đồng minh ở Boston. Đây là công ti spin-off của đại học MIT, vốn tập trung nghiên cứu vào tác động của vũ khí hạt nhân lên cấu trúc máy bay. Công ti nhận được bản Cương lĩnh chỉ đạo về việc Nghiên cứu Chống tên lửa từ Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến để tìm ra cách thức sáng tạo nhất cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Chính phủ thấy rằng dù có đổ bao nhiêu tiền để cải thiện và mở rộng công nghệ hiện có thì vẫn là không đủ. Họ muốn chúng tôi cùng vài nhà thầu khác làm sao vắt óc cho ra ý tưởng đột phá.
Ngay khi bắt tay vào dự án, tôi liền đề đạt để ông bạn vàng Isaac Asimov được cùng tham gia. Ông ấy rất sẵn lòng và đã dự một vài buổi họp. Nhưng cuối cùng lại xin thôi, bởi ông không muốn tiếp cận thông tin mật; việc đó hạn chế quyền tự do bày tỏ của ông ấy. Tuy nhiên trước khi rời đi, ông đã viết một bài luận về sáng tạo, coi như là đóng góp chính thức và duy nhất đến nhóm. Bài luận này chưa từng được công bố hay sử dụng ở đâu ngoài nhóm nhỏ chúng tôi. Gần đây khi thấy lại nó trong lúc dọn dẹp tài liệu cũ, tôi nhận ra nội dung bài luận hết sức xác đáng với thời đại nay, y như đã từng xác đáng với thời ông ấy viết. Nó không chỉ mô tả quá trình sáng tạo và bản chất của người sáng tạo, mà còn cả về những dạng môi trường thúc đẩy óc sáng tạo.

BÀN VỀ SÁNG TẠO

Isaac Asimov

Làm thế nào người ta nảy ra ý tưởng mới?
Có lẽ thế này, quá trình sáng tạo, dù sáng tạo cái gì, về cơ bản đều giống nhau từ đỉnh cao nhất cho đến đáy thấp nhất, vậy nên những cuộc phát triển hình thức nghệ thuật mới, chi tiết máy mới, nguyên lí khoa học mới, tất thảy đều có một nhân tố chung. Tuy chúng ta rất quan tâm đến việc “sáng tạo” ra nguyên lí khoa học mới hoặc một ứng dụng mới từ nguyên lí cũ, nhưng ở đây hãy bàn về cái cốt lõi đã.
Cách điều nghiên vấn đề này là xem xét những ý tưởng vĩ đại trong quá khứ được nảy ra như thế nào. Xui xẻo thay, cách thức nảy ra ý tưởng cũng không hề rõ ràng với chính người nảy ra ý tưởng.
Sẽ ra sao nếu một ý tưởng trác tuyệt đồng thời ập đến hai người tách biệt? Có lẽ lúc này cái nhân tố chung sẽ hé lộ. Hãy xét đến thuyết tiến hoá do chọn lọc tự nhiên, được nảy ra một cách độc lập từ hai người là Charles Darwin và Alfred Wallace.
Có rất nhiều điểm chung ở đây. Cả hai đều chu du khắp chốn, quan sát nhiều loài động và thực vật xa lạ cũng như khác biệt giữa chúng từ nơi này đến nơi khác. Cả hai đều tận tâm tìm lời giải cho vấn đề, và cả hai đều thất bại trước khi đọc được Tiểu luận về dân số của Malthus.
Rồi cả hai đều thấy ý tưởng quá tải dân số và loại bớt cá thể (Malthus áp dụng cho loài người) rất phù hợp với học thuyết tiến hoá do chọn lọc tự nhiên (áp dụng cho tất cả các loài).
Như vậy, rõ ràng điều cần thiết ở đây không chỉ là những bậc thầy trong một lĩnh vực nhất định, mà còn là những người có thể kết nối giữa điều này và điều kia mà bình thường trông chúng dường như không liên quan.
Chắc chắn là nửa đầu thế kỉ thứ 19 có rất nhiều nhà tự nhiên học nghiên cứu về khác biệt giữa các loài. Rất nhiều người đã đọc Malthus. Có lẽ vài người cả nghiên cứu loài lẫn đọc Malthus. Nhưng thứ ta cần là ai đó vừa nghiên cứu loài, vừa đọc Malthus, vừa có khả năng đan chéo hai việc lại.
Cái điểm chéo này là điểm hiếm có mà ta cần tìm kiếm. Một khi đã đan chéo thành công, mọi chuyện rất dễ thấy. Tương truyền Thomas H. Huxley đã thốt lên thế này sau khi đọc Bàn về nguồn gốc các loài, “Ta thật ngu xuẩn quá khi có thế cũng không nghĩ ra.”
Nhưng tại sao chúng ta có thế cũng không nghĩ ra? Lịch sử tư tưởng của loài người cho thấy dường như chúng ta rất khó ghép thành ý tưởng ngay cả khi tất cả mảnh ghép đều đã được bày sẵn. Việc đan chéo các sự kiện đòi hỏi tính táo bạo. Bắt buộc phải táo bạo, bởi bất cứ hành vi đan chéo nào không đòi hỏi tính táo bạo để đồng thời thực hiện và phát triển thì đều không phải là “ý tưởng mới”, mà chỉ là “hệ quả của ý tưởng cũ” mà thôi.
Chỉ mãi về sau thì cái ý tưởng mới đó mới có vẻ hợp lí. Thuở ban đầu, ý tưởng mới trông thường vô lí. Quá sức là vô lí khi cho rằng trái đất hình cầu thay vì phẳng, hoặc trái đất quay quanh mặt trời thay vì ngược lại, hoặc vật thể có lực ngăn chúng lại khi chuyển động, thay vì có lực để duy trì chuyển động của chúng, cùng những ý tưởng tương tự khác.
Một người sẵn sàng bác bỏ những gì được cho là đúng đắn, là quyền lực, là lương thức [*] thì hẳn là người vô cùng tự tin. Bởi người như thế rất hiếm, nên y hẳn sẽ khác người (ít nhất là ở khía cạnh đó). Kẻ đã khác người ở một khía cạnh thường cũng khác người ở khía cạnh khác.
Do đó, những người dễ nảy ra ý tưởng nhất là những bậc thầy trong một lĩnh vực và bất tuân lương thức. (Nói thế không có nghĩa mấy tên ấm đầu đủ tiêu chuẩn nhé.)
Tranh: Andy Friedman
Khi đã có đúng những người các anh muốn, câu hỏi tiếp theo là: Anh có nên để họ gặp nhau và cùng thảo luận vấn đề, hay nên đưa mỗi vấn đề cho mỗi người và để họ giải quyết trong đơn độc?
Theo tôi thấy, đối với việc sáng tạo thì bắt buộc phải đơn độc. Người sáng tạo dù trong trường hợp nào cũng luôn làm việc cật lực. Thông tin lúc nào cũng vần vũ trong đầu họ, kể cả khi họ không nhận ra điều đó. (Chắc ai cũng biết trường hợp Kekule tìm ra cấu trúc của benzene trong giấc mơ.)
Hiện diện của người khác chỉ gây ra ức chế quá trình này, bởi sáng tạo là việc cần kín đáo. Với mỗi ý tưởng mới nảy ra, ta có trăm ngàn vạn ức ý tưởng ngờ nghệch mà cố nhiên không muốn cho ai biết.
Tuy nhiên, tổ chức buổi gặp mặt cho những con người ấy có thể để hướng đến mục đích khác với sáng tạo.
Không hai người nào có vốn tri thức giống hệt nhau. Người này có thể biết A mà không biết B, người kia có thể biết B mà không biết A, hoặc biết cả A lẫn B, cả hai có thể nảy ra ý tưởng—không nhất thiết phải nảy ra ngay hay sớm.
Hơn nữa, thông tin có thể không chỉ là A và B, mà có thể là tổ hợp A-B chẳng hạn, dù nó có thể không đáng để tâm. Tuy nhiên, nếu người này đưa ra tổ hợp dị thường A-B và người kia đưa ra tổ hợp A-C, rất có thể tổ hợp A-B-C mà chưa ai nghĩ đến có thể dẫn đến câu trả lời.
Theo tôi thấy mục đích của các buổi hội luận không phải để nghĩ ra ý tưởng mới mà để cho hội viên hiểu về sự kiện và tổ hợp sự kiện, về học thuyết và ý nghĩ vu vơ.
Nhưng làm sao để những người sáng tạo chịu tham gia? Đầu tiên và trên hết, phải có cảm giác dễ chịu, thoải mái, và đồng thuận về một môi trường tự do. Người đời nhìn chung không ủng hộ sáng tạo, và sáng tạo trước quần chúng là thảm hoạ. Ngay việc suy đoán trước quần chúng thôi cũng khá phiền hà. Vì vậy mỗi cá nhân phải có được cảm giác mình không bị người khác phản đối.
Nếu một cá nhân tham dự mà không cảm thông với những ý kiến ngờ nghệch tất yếu sẽ xuất hiện trong buổi luận, thì số người còn lại sẽ câm lặng. Cá nhân thiếu cảm thông ấy có thể là mỏ vàng thông tin, nhưng tổn hại y gây ra sẽ lớn hơn những gì y bù đắp. Vậy nên, tôi thấy bắt buộc là thảy những người trong hội luận phải sẵn lòng nói ra cũng như lắng nghe ý kiến ngờ nghệch.
Nếu một cá nhân tham dự có danh tiếng hơn, hoặc hùng biện giỏi hơn, hoặc có tố chất chỉ huy hơn mọi người, y có thể lấn át hội nghị và dìm số người còn lại xuống thấp hơn cả tay sai. Cá nhân như thế có thể vô cùng hữu dụng, nhưng chắc y hợp làm việc đơn độc hơn, vì y đang vô hiệu hoá những người khác.
Số lượng tối ưu thành viên trong nhóm có lẽ sẽ không cao. Tôi áng chừng không nên quá năm người. Nhóm lớn hơn có thể cung cấp nhiều thông tin hơn, nhưng dễ có căng thẳng vì phải chờ đến lượt nói, rồi dễ sinh ra bực dọc. Có lẽ tốt hơn hãy mở các hội luận với những người tham dự khác nhau, thay vì một buổi hội luận mời tất cả cùng dự. (Điều này dẫn đến việc phải nhắc lại vấn đề buổi trước, nhưng việc nhắc lại không có hại gì. Đó không phải ôn lại bài cũ, mà là truyền cảm hứng cho người đến sau.)
Để được kết quả tốt nhất, nên tạo ra cảm giác không trang trọng. Không khí vui nhộn, gọi tên thân mật, trêu chọc, nói đùa, tôi thấy điều đó tối quan trọng—không phải vì bản thân sự ấy, mà bởi vì sự ấy khích lệ người ta hoà mình vào cái chất điên điên của việc sáng tạo. Vì thế nên tôi nghĩ gặp gỡ ở nhà riêng ai đó hay ở trên bàn ăn nhà hàng nào đó thì hiệu quả hơn ở phòng hội nghị.
Có lẽ gây ức chế hơn cả là cảm giác trách nhiệm. Nhiều ý tưởng vĩ đại của nhiều thời đại đến từ những người không được trả tiền để nghĩ, hãy trả tiền để họ làm giáo viên, làm thư kí giỏi, làm viên chức tồi, hoặc đừng trả tiền gì cả. Ý tưởng vĩ đại chỉ đến như hệ quả phụ.
Cảm thấy tội lỗi vì không kiếm được tiền và không kiếm được tiền vì không nghĩ được ý tưởng vĩ đại là cách chắc chắn, theo tôi thấy, để đảm bảo là ý tưởng sẽ không đến trong lần này hay lần tới.
Dầu vậy công ti chạy chương trình này bằng tiền chính phủ. Nghĩ đến việc các nghị sĩ hay quần chúng đàm tiếu là giới khoa học đang ăn không ngồi rỗi, cợt nhả tục tĩu bằng tiền chính phủ thôi là chúng ta lạnh sống lưng. Thực tế, một nhà khoa học tầm trung cũng đủ lương tâm để không màng làm việc đó dù không ai biết đi nữa.
Tôi đề xuất cho các thành viên của hội luận được nhận vài nhiệm vụ nhỏ—viết báo cáo ngắn, hoặc tóm tắt luận điểm, hoặc trả lời nhanh các vấn đề đưa ra—và được trả tiền, tiền này sẽ dùng làm phí trả cho các buổi hội luận. Sau đó hội luận sẽ chính thức miễn phí và như vậy mọi người sẽ được thoải mái lên nhiều.
Tôi không cho rằng hội luận có thể vắng người chủ trì. Cần ai đó tương đương với bác sĩ phân tâm học để đảm nhiệm vị trí này. Bác sĩ phân tâm học, theo tôi hiểu, bằng cách hỏi đúng câu hỏi (ngoài việc đó thì càng ít can thiệp càng tốt), nhằm khiến bệnh nhân tự thảo luận về quá khứ đời họ và tự thân bệnh nhân nảy ra hiểu biết mới về quá khứ đời mình.
Bằng cách tương tự, người điều hướng cũng ngồi đó, khuấy động mọi người, hỏi những câu sắc sảo, chêm bình luận cần thiết, nhẹ nhàng dẫn mọi người về chủ đề chính. Vì người điều hướng sẽ không biết câu hỏi nào là sắc sảo, bình luận nào là cần thiết, chủ đề chính ở đâu, nên công việc này không hề dễ dàng.
Còn về “công cụ” để khơi gợi sáng tạo thì tôi nghĩ tự khắc sẽ xuất hiện trong các buổi hội luận. Nếu có bầu không khí thoải mái, được rũ bỏ trách nhiệm, được thảo luận tuỳ thích, và được bất tuân lương thức, thì tự các hội viên sẽ tạo ra phương tiện để kích thích thảo luận.

MIT Technology Review đăng với đồng thuận của bên giữ bản quyền cho Asimov.


Chú thích của người dịch:
[*] Từ lương thức tôi dùng để dịch common sense trong tiếng Anh, tuy từ này chưa có trong từ điển nhưng không phải lạ lẫm trong giới học thuật, ít nhất nó đã xuất hiện vài chục năm trước do Cao Xuân Hạo sử dụng. Thường thường common sense được dịch thành lẽ thường hoặc thói thường, tuy nhiên hai phương án này đúng nhưng chưa đủ. Khi ai đó làm theo lẽ thường tức là ít nhiều họ có một lí lẽ thôi thúc đằng sau, còn thói thường tức là do lối mòn thói quen của họ hoặc cộng đồng, trong khi common sense bao gồm cả hai nghĩa trên và còn nhiều hơn nữa.
Lương thức đã xuất hiện trong các cuộc triết luận từ thời Hi Lạp cổ, nó mang nghĩa là một tri thức đúng đắn và tự có mà không cần qua đào luyện hay suy tư. Ai cũng tự có tri thức này và không giải thích được tại sao có. Lương thức là thứ người ta sử dụng hằng ngày trong cuộc sống đời thường và có lẽ khó sống bình thường được nếu không có. Lương thức mang sắc thái tích cực cho đến Thời đại Khai sáng, lúc này ý nghĩa của nó vẫn thế nhưng mang thêm sắc thái tiêu cực vì lương thức nhiều khi đồng nghĩa với định kiến và thói thường. Bài luận của Isaac Asimov viết năm 1959 trong thời kì Chiến tranh Lạnh nên tất nhiên có thể tham chiếu đến cả hai sắc thái.


Bài gốc trên MIT Technology Review
Bài viết được tài trợ dịch thuật từ anh Minh Triet Luu, người sáng lập Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.