Nói với cả thế giới rằng tôi không hoàn hảo
'Im not perfect. I made mistake. But i'm trying. Trong một buổi gặp mặt đầu tiên với những người sẽ làm việc với nhau, bạn leader...
Trong một buổi gặp mặt đầu tiên với những người sẽ làm việc với nhau, bạn leader yêu cầu chúng tôi tìm ra 3 từ để giới thiệu về mình.
Ai cũng cố gắng suy nghĩ trong chốc lát xem bản thân mình thực sự là như nào, rồi đưa ra những mỹ từ 'hùng hổ' nhất để thể hiện bản thân mình: tự tin, tử tế, nhiệt huyết, can đảm, hoà đồng, ham học hỏi...
Rồi sau vài tuần làm việc chung, cũng chính những người đấy lại bộc lộ những nét tính cách trái ngược với những gì họ tuyên ngôn.
Người tự tin lại chần chừ trước một bước tiến khó khăn, người tử tế lại lập group chat nói xấu leader, người nhiệt huyết lại là người hay chậm deadline nhất, và người cho rằng mình nên tôn trọng người khác lại là người chuyên phán xét hành động của những người xung quanh.
Thực ra, tôi nghĩ, khi chúng ta nghĩ về những đức tính tốt đẹp, thường nó là những điều mà chúng ta nghĩ mình sẽ, chứ không phải điều mà chúng ta là.
Đó là lý do mà chúng ta thường hay thất vọng với những người lắm tuyên ngôn. 'Mấy người nói đạo lý thường sống như ***'. Tôi rất hạn chế những cuộc hẹn mong muốn được gặp gỡ của những người quen biết tôi trên mạng xã hội. Bởi ở trên này, tôi thể hiện mình là một người sâu sắc, điềm đạm, trầm tính đến đâu thì ở ngoài đời, tôi lại trẻ con, bốc đồng và xàm xí ngang bằng như vậy. Bạn tôi thường xuyên đi nói chuyện với người khác về tình yêu, hiểu biết rất nhiều về cách mà hai người yêu nhau nên đối xử thế nào, nhưng với người mình yêu thì luôn làm ngược lại, hành động theo cảm tính và cũng đầy những sai lầm.
Nhưng tại sao chúng ta lại thích nói những điều tốt về bản thân đến vậy?
Chủ nghĩa hoàn hảo khiến chúng ta tin rằng mình phải là phiên bản mà nhiều người khao khát trở thành. Một tài khoản Instagram với những bức ảnh hưởng thụ cuộc sống. Những dòng stt 'bạn nghĩ gì về tôi' nhưng lại mong muốn người ta nói tốt về mình, rồi phản ứng khó chịu khi có ai đó nói ra 'sự thật' mà bạn nhất mực chối bỏ.
Khi không chấp nhận những điều không hoàn hảo từ mình, chúng ta khó lòng nào mà chấp nhận và tha thứ cho người khác. Jean-Paul Sartre từng viết, “Người khác chính là địa ngục.” Chúng ta không chấp nhận những điểm xấu xí của người khác, nhưng thực ra là đang chối bỏ những biểu hiện đó ở bản thân mình.
Chừng nào bạn còn chối bỏ bản thân, bạn chẳng thể nào quan sát và nhận biết sự việc một cách sáng tỏ như cái nó đang là. Bạn chỉ đang nhìn thấy ý muốn của bản thân được phóng chiếu lên thôi.
Vậy nên, khi chúng ta chấp nhận rằng bên trong chúng ta tồn tại một kẻ đầy tham vọng, một đứa trẻ bốc đồng và hay hờn dỗi, hay khi chúng ta chấp nhận rằng chúng ta cũng vô dụng, bất tài, yếu đuối, cô đơn,... chúng ta sẽ tự tạo ra nguồn năng lượng để cảm thông cho chính mình, chữa lành chính mình.
Từ đó mà hiểu và cảm thông cho người khác.
Tôi muốn nói với cả thế giới rằng, tôi là một kẻ ích kỷ, chỉ nghĩ đến hạnh phúc của bản thân, nên luôn mong muốn người mình yêu cư xử vừa vặn với hy vọng mình đặt lên. Tôi là một kẻ lười biếng, để nhà cửa bừa bộn và cũng sắp xếp lộn xộn những suy nghĩ trong tâm trí mình. Tôi là một kẻ tham lam, mê tiền, yếu đuối, bốc đồng, đôi lúc dè bỉu và coi thường những người mà tôi nghĩ họ kém cỏi hơn mình.
Tôi không hoàn hảo như những gì mình thể hiện. Tôi không thực sự yêu quý bản thân mình. Tôi thấy mình kinh tởm chết đi được.
Nhưng vì vậy mà tôi sống. Vì vậy mà tôi là con người.
Cuộc sống này luôn rất khó khăn, đã vậy và sẽ như vậy. Mong tôi vững vàng.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất