Tôi tự hỏi tại sao mà các bậc cha mẹ luôn bắt những người con cái là chúng ta phải biết vâng lời, phải làm cái này cái nọ, phải tuân theo những lễ nghi gia giáo, phải chọn học ngành này, chọn công việc kia, ngay cả đến việc chọn vợ gã chồng, đôi khi chúng ta cũng không được tự do toàn quyền quyết định. Tại sao cha mẹ đã sống cuộc đời của mình rồi, nhưng vẫn luôn muốn ảnh hưởng đến của đời của con cái mình như vậy?

Từ xa xưa, truyền thống đạo lí ở các châu Á cũng như Việt Nam nói riêng luôn răng dạy con cái phải luôn đặt chữ Hiếu lên hàng đầu. Tôi đã thấm nhuần tư tưởng ấy qua những bộ phim Phật giáo mà gia đình tôi hay xem mỗi dịp rãnh. Sự tích về Phật Thích Ca, về bà Mục Liên Thanh Đề,... tôi đã xem không biết bao nhiêu lần. Chẳng phải hứng thú gì chỉ là do hồi đó nhà tôi chưa có Internet, chỉ có mỗi cái đầu đĩa DVD, còn đĩa phim Phật giáo thường được phát miễn phí nên mỗi lần mẹ đi chùa lại mang về vài ba đĩa cả nhà cùng xem. Và kể từ đó, chẳng biết tôi có trở nên tốt hơn không, nhưng tôi khá chắc là tôi đã bắt đầu có rất nhiều nỗi sợ, sợ ma, sợ nói dối phải xuống địa ngục cắt lưỡi, sợ trở thành người xấu, và trên hết thảy là nỗi sợ bị gán cho hai chữ "bất hiếu".

Ba mẹ tôi không sống cho mình, ba mẹ luôn sống cho hai chị em chúng tôi. Lo cho chúng tôi từng chút từng chút. Những món đồ ăn ngon trong nhà, ba mẹ luôn dành cho chúng tôi mà chẳng mảy may suy nghĩ gì cả. Khi còn nhỏ, tôi cảm thấy điều đó là một niềm hạnh phúc, chẳng phải lo nghĩ gì, suốt ngày rong chơi. Lúc đó tôi xem tình yêu của ba mẹ là nghĩa vụ, vì ba mẹ là ba mẹ nên ba mẹ phải yêu thương con. Nhưng càng lớn, tôi cảm thấy bản thân càng khát khao một điều gì đó to lớn hơn, tôi khát khao được tự do, được độc lập. Và tình yêu thương ngày nào ba mẹ dành cho tôi dần trở thành một chiếc lồng kiên cố, ngăn cản tôi chấp đôi cánh bay đi để chinh phục giấc mơ. Tôi tự hỏi liệu tình yêu ấy đến từ đâu, có phải là do mối quan hệ máu mủ ruột thịt tạo nên không?

Ở Việt Nam, những câu chuyện về những người cha mẹ nghèo, làm lụm vất vả, tối ngày "bán lưng cho đất, bán mặt cho trời" luôn được kể đi kể lại trên báo đài, TV và trong các buổi chào cờ đầu tuần mà tôi chẳng thể nào quên được. Họ như một tấm gương vĩ đại về sự hi sinh cao thượng dành cho con, là đại diện cho tình yêu, là niềm tự hào của dân tộc. Và đứa con được sinh trưởng trong những gia đình ấy ắt hẳn sẽ cố gắn học tập thật siêng năng, thật cần cù, thật chăm chỉ, trở thành những "tấm gương nghèo vượt khó hiếu học", sau này sẽ công thành danh toại và đem lại sự đổi đời cho cả gia đình, báo đáp công ơn dưỡng dục.

Nhưng thực tế theo kinh nghiệm sống chỉ mới vỏn vẹn 20 năm ngắn ngủi. Dù vậy, tôi hiếm khi nào thấy một gia đình hoàn hảo như những gì được kể. Những đứa trẻ mà tôi biết lớn lên trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy chúng cũng thậm chí còn dễ dàng trong việc sa đà vào những thói hư tật xấu hơn là những đứa may mắn sinh ra trong gia đình có đủ điều kiện. Tôi hồi trước có hay cùng lũ bạn kéo nhau ra mấy tiệm trò chơi điện tử, và thấy đa số những thanh thiếu niên trong đó đúng thật là kiểu "trẻ trâu chính hiệu" hút thuốc cũng có, rồi chửi bới thì đủ kiểu, nghe nhức cả lỗ tai. Có nhiều đứa tôi nhắm chừng chỉ học cấp 1, hoặc có khi đã dừng học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thú thật là tôi chắc biết gì về gia đình của chúng. Nhưng chỉ cần nhìn sơ qua thôi cũng thấy ở chúng phần nào khắt khoải cái hình ảnh của sự nghèo khó, cơ cực.

Tôi tự hỏi có khi nào những đứa trẻ đó sau này lớn lên, vẫn sẽ cố gắn chấp nhận và thích nghi với cuộc sống khó khăn như vậy. Rồi chúng sẽ lấy vợ rồi sinh con. Thay vì cố gắn để tốt hơn, để làm giàu thì chúng lại phấn đấu để trở thành những người cha mẹ "nghèo khó vất vả nhưng đầy tình yêu thương", và trông mong rằng con của chúng sẽ là tấm vé tiếp theo để đưa cả nhà thoát khỏi cái nghèo khổ cơ cực, và vòng lặp đó cứ lặp đi lặp lại đến vô tận, cho đến khi một đứa trẻ "xuất chúng" nào đó ra đời. Nghĩ đến điều đó tôi chợt nổi da gà, có khi nào cuộc đời của tôi rồi đây cũng sẽ rơi vào một vòng lặp lẩn quẩn như vậy, vòng lặp của cái nghèo của những mong đợi và của sự hi sinh.

Nguồn Google
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, cha mẹ luôn muốn áp đặt con cái, luôn muốn con cái phải sống theo ý mình, có phải do cha mẹ đã sống một cuộc đời không như ý, không trọn vẹn không? Và đứa con sinh ra như một cơ hội thứ hai để cha mẹ được sống một lần nữa, một phiên bản hoàn thiện hơn, không được phép mắc phải những sai lầm mà họ đã từng mắc phải trong quá khứ. Và rồi đứa con ấy vì "chữ hiếu" vì công ơn sinh thành dưỡng dục mà từ bỏ ước mơ để sống cho cha mẹ, liệu cuộc sống như vậy có trọn vẹn không? Ai cũng chỉ có một lần để sống, vậy thì tại sao lại không sống cho bản thân mình?

Có quãng thời gian tôi đã từng sống vì ba mẹ, gia đình tôi nghèo. Tình yêu thương ba mẹ dành cho chị em chúng tôi dần trở thành những áp lực vô hình đè nặng đôi vai. Tôi đã luôn cố gắn phải học giỏi, phải đạt những con điểm cao, phải trong top xếp hạng của lớp. Tất cả những điều đó chỉ để đạt như hình ảnh "cha mẹ nghèo khó, có con hiếu học". Đa số những việc cần đưa ra quyết định khi đó của tôi, mẹ tôi đều chọn hộ, mỗi khi tôi có ý định gì đó của riêng mình thì lại bị vùi dập bởi mấy câu đại loại "con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Mẹ tôi luôn bảo rằng "Ba mẹ nói đúng thì phải nghe", nhưng hình như càng lớn, càng nhận ra nhiều điều thì như những cái đúng của ba mẹ, nay đã không còn đúng với tôi nữa rồi. Hệ quả là tôi cảm thấy bản thân mình thật thiếu quyết đoán trong mọi việc, vì luôn để mẹ quyết định hộ cho. Mua món đồ gì, đi xin việc làm, đi khám bệnh,... luôn có mẹ tôi bên cạnh, cảm giác chẳng khác gì đứa trẻ con ngày nào. Đến khi tôi quyết tâm thay đổi, tôi bắt đầu đưa ra những quyết định riêng cho cuộc đời, thì kể từ đó gia đình ngày càng lục đục, cãi vã ngày càng nhiều hơn. Mỗi lần như vậy thì mẹ tôi thường có câu "Con dù lớn vẫn là con của mẹ,.." , thú thật là tôi căm ghét câu nói ấy vô cùng. Tôi nghĩ rằng từ khi đứa con được sinh ra, nó đã là một sinh vật tách biệt với ý chí và linh hồn của riêng nó, nó không còn là của mẹ nữa rồi. Điều duy nhất liên kết nó với gia đình chỉ có thể là tình yêu máu mủ ruột thịt, nhưng chẳng phải tình yêu đến từ sự tự nguyện và không ràng buộc sao?

Rốt cuộc thì tôi cũng chẳng thể trách ba mẹ sao họ không hiểu mình, ba mẹ sống trong một thế giới đã quá xa vời so với tôi. Thế giới của ba mẹ, một quá khứ mang đậm truyền thống và lễ nghi, nơi mà danh tính của một người lệ thuộc rất nhiều vào dòng dõi của người đó. Chỉ cần một người làm quan là cả họ được nhờ và có khi ngược lại, chính vì lẽ đó mà cuộc sống con người luôn bị bó buộc dưới danh nghĩa của gia đình và dòng tộc. Ba mẹ tôi đã sống trong một thế giới hà khắc như vậy đó, nhưng trong xã hội hiện đại, những mối ràng buộc ấy dường như ngày càng phai nhoà. Ngày nay con người ta sống độc lập, khao khát từ do, chinh phục và khẳng định giá trị bản thân hơn bao giờ hết. Chủ nghĩa bình đẳng giới nở rộ và đi lên, một trật tự xã hội mới dần được hình thay và thay thế đi những gì gọi là truyền thống. Bản thân tôi bây giờ ít khi nghĩ về sự ổn định, về gia đình như những gì mà ba mẹ kì vọng, tôi dành cho mình những giấc mơ xa vời, những khát khao được tự do, được đặt chân tới những vùng đất mới, được trải nghiệm, được phiêu lưu, được mở mang tầm mắt.

Sau này, trước khi trở thành cha, tôi tự nhủ phải có đủ về tài chính cái đã. Tôi xem việc có con như một trải nghiệm mới của cuộc đời, cảm giác được trở thành một người cha ắt sẽ thú vị lắm. Tuy nhiên tôi không hề xem việc này là một trách nhiệm để duy trì nòi giống, bởi suy cho cùng thì dân số trên thế giới chẳng phải quá đông rồi sao?

Tôi không mong con cái sẽ trở thành niềm vui sống của mình, tôi cũng chẳng cần nó sau này phụng dưỡng tôi gì cả. Con tôi có thể là con ruột, cũng có thể là con nuôi, tôi vẫn sẽ yêu thương con mình, mang đến cho con nhiều hơn cơ hội trải nghiệm, cố gắn cho con hưởng một nền giáo dục tốt nhất trong khả năng. Nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ tình yêu của tôi lại có thể ví được với núi Thái Sơn, với tình yêu mà ba mẹ đối với chúng tôi, tình yêu của tôi nhỏ bé và ích kỉ hơn rất nhiều.
Nguồn Google

Tôi sẽ sống cho mình, sẽ sống vì ước mơ và lí tưởng của tôi. Để con tôi sau này có thể được sống cho nó, sống với ước mơ và lí tưởng của nó.

Trên đây chỉ à suy nghĩ của một đứa trẻ trâu 20 tuổi khi nghĩ về chuyện gia đình sau này. Có thể những suy nghĩ này sẽ gây bất đồng với nhiều người.
Nhưng dù vậy xin dành lời cảm ơn đến những người đã đọc hết đến đây hehe <3