“Nếu chúng ta đồng ý, chấp nhận đầu tư kiến thức lâu dài thì ngành Công Nghệ Thông Tin sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho bạn. Còn nếu bạn không phải tuýp người kiên nhẫn thì đừng nên theo học ngành Công Nghệ Thông Tin.”
Trong số Human of Spiderum lần này, hãy cùng gặp gỡ một nhân vật vô cùng quen thuộc, đó là anh Nguyễn Hiển. Tại sao anh Nguyễn Hiển lại rất gần gũi với Spiderum? Bởi anh chính là tác giả của cuốn sách DevUp, một sổ tay hướng nghiệp toàn diện dành cho các lập trình viên đã, đang và sẽ bước chân vào ngành Công Nghệ Thông Tin. Tổ đội podcast Người Trong Muôn Nghề may mắn mời được anh đến với chương trình và lắng nghe anh chia sẻ những kinh nghiệm làm việc, những câu chuyện mà ít ai biết tới trong lĩnh vực IT. Những tư duy cần có trong ngành IT là gì? Thu nhập của lập trình viên có “khủng” như đứa em sinh năm 96 trong truyền thuyết? Hãy cùng Human of Spiderum khám phá câu trả lời trong trích đoạn của podcast Người Trong Muôn Nghề với host Yo Le dưới đây nhé.

TƯ DUY KHI ĐI HỌC IT

Yo Le: Mọi người hay phân vân giữa hai phương án là đi học đại học hay theo học các khóa học ngắn hạn khi theo đuổi ngành lập trình viên. Theo anh Hiển đâu sẽ là phương án tốt nhất?
Nguyễn Hiển: Anh nghĩ rằng kết quả mỗi cá nhân nhận lại sẽ tương xứng với sự đầu tư mà bản thân đã bỏ ra. Trong bất cứ ngành nghề nào đều sẽ tồn tại hai trường phái. Thứ nhất là trường phái Đào tạo bài bản. Đây là con đường học tập ở các trường đại học. Chúng ta sẽ phải đầu tư thời gian, tiền bạc nhưng kết quả nhận lại sẽ là kiến thức có chiều sâu và bền vững hơn, các bạn sẽ sẵn sàng đi đường dài với ngành nghề này. Thứ hai là trường phái hướng đến thị trường, nhanh chóng thu được kết quả. Với những bạn mong muốn có những giá trị nhanh chóng cho bản thân như kiến thức và kinh tế thì những khóa học ngắn hạn là lựa chọn phù hợp.
Tất nhiên khi phải lựa chọn, chúng ta cần cân nhắc về các yêu tố như: xác định lộ trình, tính kiên nhẫn... Học đại học mất trung bình tới 4 năm. Đó là khoảng thời gian rất dài. Các khóa học thì thường chỉ mất đến 6 tháng. Nhưng học đại học lại có những lợi ích mà học ngắn hạn không có được:
- Các khóa học với thời gian quá ngắn sẽ không bao quát được một hệ thống kiến thức cơ bản. Muốn bao quát được hệ thống kiến thức lớn như vậy chỉ các trường đại học mới có.
- Về yếu tố mối quan hệ, chất lượng mối quan hệ khi bạn theo học tại các trường đại học chắc chắn sẽ tốt hơn, có tính gắn kết hơn. Có một sự thật đó là đa số những học sinh giỏi đều chủ yếu nằm ở trường đại học. Khi được tiếp xúc với những cá nhân xuất sắc thì chúng ta cũng sẽ nâng cao khả năng của mình hơn?
- Ở các trường đại học, chúng ta có thể tham gia các cuộc thi có chất lượng và chuyên môn cao. Đây là cơ hội để mình đo đạc được năng lực của bản thân. Với các khóa ngắn hạn, cuộc thi cũng khá hiếm và rất khó để so sánh khả năng hay trình độ của mình.
Bạn chọn đi con đường dài hay muốn thử nghiệm? Xác định được điều đó, bạn sẽ tìm được hướng đi phù hợp cho mình.
Yo Le: Theo anh, đối với ngành Công Nghệ Thông Tin chúng ta nên đi làm sớm hay tập trung vào việc học?
Nguyễn Hiển: Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào con đường mà mỗi người lựa chọn. Cá nhân anh khi còn là sinh viên, anh có thể vừa học vừa làm mà vẫn có thể hoàn thành chương trình và ra trường đúng thời hạn. Nhưng anh cũng biết những bạn rất giỏi trong lĩnh vực này nhưng họ lại từ chối những lời mời công việc bên ngoài chỉ để tập trung hoàn toàn vào việc học. Nhưng nếu còn phân vân giữa việc đi học hay đi làm thì cứ hãy tập trung việc học. Thời gian cho công việc sẽ còn rất dài và chúng ta cũng không nhất thiết phải hy sinh nó thời gian việc học. Cho dù mình lựa chọn theo con đường nào, nếu xác định được con đường cụ thể thì chúng ta sẽ tới cái đích mà mình mong muốn. 
Khi đi học, chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề học sâu hay học rộng. Chắc chắn học sâu sẽ cần sự kiên trì. Nhưng quan trọng hơn là ngưỡng học tập của mỗi người. Nếu mình lựa chọn việc học sâu nhưng lại không đến được cái ngưỡng đủ sâu thì chuyên môn cũng sẽ không bằng người học rộng và ngược lại. Giả sử bạn mong muốn lên các chức vụ có chuyên môn cao thì thậm chí bạn phải vừa học sâu và phải vừa biết rộng. Ví dụ điển hình chính là các ông lớn công nghệ như Grab hay Facebook. Học chính là kết tinh của câu chuyện học sâu và biết rộng, kết hợp các ngành nghề với một nền tảng công nghệ. Còn với những bạn hoàn toàn chưa có định hình hay có thể gọi là một tờ giấy trắng thì chúng ta nên dành thời gian từ 3 tới 6 tháng để thử cả hai hướng đi này.
Yo Le: Với các bạn học sinh cấp 3 chưa có nhiều mối quan hệ hay những nền tảng nhất định thì các bạn ý nên bắt đầu từ đâu?
Nguyễn Hiển: Anh nghĩ rằng sẽ có rất nhiều phương án dựa vào sự đầu tư và thời gian mà các bạn có:
- Phương án số 1: Các bạn có thể thử đi học các khóa ngắn để nhận xét bản thân có phù hợp với ngành này hay không.
- Phương án số 2: Tham khảo các khóa học lập trình cho trẻ em. Những khóa học này dạy cho trẻ em từ cấp 1 cho tới cấp 2 và cấp 3 rất phù hợp cho các bạn học sinh có thể thử nghiệm. Kết quả có thể không quá chính xác so với việc thử nghiệm các khóa học nhưng thời gian các bạn bỏ ra sẽ không quá nhiều.
- Phương án số 3: Các bạn có thể đến tận nơi quan sát, tham quan một số công ty để thấy được nhân sự trong lĩnh vực này làm việc như thế nào, có phù hợp với mình hay không
- Phương án số 4: Tham khảo những người đi trước hay lắng nghe các chương trình hướng nghiệp như podcast Người Trong Muôn Nghề chẳng hạn. :D

TƯ DUY KHI ĐI LÀM TRONG NGÀNH IT

Yo Le: Tồn tại một câu chuyện trên mạng được mọi người đồn thổi rất nhiều đó là “Mình có đứa em sinh năm 96, tự mày mò học code rồi đi làm remote cho công ty Mỹ. Mỗi tối online 3-4 giờ là xong việc. Lương tháng 3k6. Làm gần được 3 năm mà nhà xe nó đã mua đủ cả.” Có phải ngành lập trình sẽ đạt được mức lương cao hơn hẳn so với những ngành nghề khác?
Nguyễn Hiển Có 1 điều phải thẳng thắn thừa nhận đó là ở thời điểm hiện tại, mức lương trong ngành IT sẽ cao hơn so với mặt bằng chung những ngành nghề khác. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đa số các nước trên thế giới đều như vậy. Có một vài lý do:
- Nhu cầu thị trường lớn.
- Ngành Công Nghệ Thông Tin tương đối vất vả nên mức lương cao như vậy cũng tương ứng với công sức nhân sự phải bỏ ra.
Ngành nghề nào cũng đều có mức độ giới hạn của nó. Nhưng chỉ những người xuất sắc mới thành công trong việc thể bứt phá giới hạn này, đặc biệt là mức lương.
Nhưng không phải bất cứ ai cũng có khả năng đó. Cũng có những người không đạt được đến mức bứt phá như vậy. Chuyện đó hoàn toàn bình thường. Ở một số nước phát triển hiện tại chia thành 2 thái cực khác nhau. Điển hình như ở Mỹ hoặc Úc thì mức lương của lập trình viên rất cao so với mặt bằng chung. Nhưng với Nhật thì mức lương này có cao nhưng so sánh với mặt bằng chung và các ngành nghề khác thì cũng không cao hơn là bao nhiêu.
Yo Le: Nhân sự trong ngành Công Nghệ Thông Tin sẽ có những đặc điểm gì khác biệt so với các ngành khác?
Nguyễn Hiển: Mọi người sẽ dễ dàng nhận ra 3 đặc điểm khác biệt nhất gồm:
- Không phụ thuộc vào môi trường địa lý, bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu.
- Không phụ thuộc vào thể chế. Đó là việc bạn có thể làm ở có rất nhiều công ty khác nhau hoặc thậm chí tự mở công ty.
- Không chịu áp lực về nơi công sở bởi ngành này rất cởi mở.
Đó là những tiêu chí mà mọi người có thể cân nhắc khi bước vào lĩnh vực IT.
Yo Le: Có một tính cách người ta hay nói là dân IT thường trầm tính, chỉ biết mỗi lập trình còn các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm họ thường không tốt. Anh nghĩ như thế nào về nhận định này?
Nhìn dưới một góc độ khác, những anh chàng lập trình viên cũng rất thú vị. Họ sinh hoạt, sáng tạo rất nhiều điều vui vẻ trên các không gian mạng ví như ở Voz hay cách đây một vài năm là Haivl. Theo như anh quan sát, mọi người thường trầm tính với những người khác ngành nghề có thể do lệch tần sóng. Còn khi với những người cùng lĩnh vực, họ cũng rất vui vẻ, đôi khi còn hơi “bát nháo”.
Về kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm thì đây lại là những kỹ năng cần thiết không chỉ trong lĩnh vực Công Nghệ Thông Tin mà là trong mọi lĩnh vực. Những sản phẩm phần mềm hoặc các hệ thống tốt trên thế giới hiện nay hầu đều được lập trình bởi một nhóm lập trình viên. Họ phải cộng tác cùng với nhau để cùng tạo ra sản phẩm nhất quán và mang chất lượng tốt nhất.
Yo Le: Cuối cùng, anh có muốn dành lời khuyên nào cho các bạn mong muốn bước chân vào ngành IT không?
Công Nghệ Thông Tin là lĩnh vực có nhiều cơ hội nhưng cần có sự đầu tư. Nếu bạn chấp nhận đầu tư lâu dài thì ngành IT sẽ mang lại cho bạn rất nhiều cơ hội. Còn nếu bạn không phải tuýp người như vậy thì bạn đừng nên theo học ngành Công Nghệ Thông Tin. Nó sẽ đỡ vất vả hơn cho bạn.
Đồng thời, rất nhiều ngành nghề hiện nay đều cần kỹ năng tự học. Đối với ngành IT thì kỹ năng này thậm chí còn cao hơn nữa. Ngoài những kiến thức ở trường đại học, hãy bổ sung cho mình kỹ năng tự học để có thể tiếp thu bất kỳ kiến thức nào mà chúng ta mong muốn.
Các bạn có thể lắng nghe đầy đủ những chia sẻ của anh Nguyễn Hiển về chủ đề ngành Công Nghệ Thông Tin tại đây: https://b.link/NguyenHien-NTMN-Podcast
Đừng quên đăng ký theo dõi Kênh Người Trong Muôn Nghề để khám phá thế giới công việc rộng lớn và đầy thú vị tại:
Nếu bạn có những câu hỏi hoặc thắc mắc liên quan tới công việc, hãy cùng chia sẻ với chúng mình tại Người Trong Muôn Nghề Confession nhé: https://b.link/NTMN-Confessions