Đi tìm giá trị thực sự của “môn đăng hộ đối”?

Khi nói về khái niệm “môn đăng hộ đối”, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên? Có phải bạn đang nghĩ đến việc một người xuất thân giàu có, quyền lực thì phải kết hôn với một người tương xứng?
Theo từ điển tiếng Việt của Ủy ban Khoa học xã hội, Viện Ngôn ngữ học thì “môn đăng hộ đối” là một quan niệm hôn nhân phong kiến, chỉ sự tương xứng về mặt địa vị xã hội và tài sản của 2 bên gia đình khi kết hôn.
Về căn bản, người xưa nhận định, vợ chồng phải có cùng hệ quy chiếu mới có thể hòa hợp lâu bền. Sở dĩ quan niệm này một phần xuất phát từ bối cảnh lạc hậu của xã hội. Khi con người không thể toàn quyền tự do định đoạt cuộc đời mình thì gia đình chính là chuẩn mực xã hội để đánh giá về ai đó.
Gia đình có hoàn cảnh, giáo dục khác nhau sẽ dẫn đến cách hành xử khác nhau của con người. Tập quán sinh hoạt khác nhau hình thành tính cách khác biệt khiến chúng ta đôi khi rất khó để thấu hiểu. Điều này gây ra những cú sốc nghiêm trọng trong cuộc sống hôn nhân. Vì thế, “môn đăng, hộ đối” là quan niệm được hình thành một cách có cơ sở.
Dù hôn nhân mĩ mãn không chỉ dựa vào gia đình mà cần rất nhiều nỗ lực nhưng sự tác động của thế giới quan đến hạnh phúc hôn nhân là điều không thể chối cãi. Đó chính là giá trị thực sự của “môn đăng hộ đối”.
Tất nhiên, chúng ta cũng có thể viện dẫn hàng ngàn trường hợp làm bằng chứng “đi ngược” với quan điểm này.  Và rất có thể những câu chuyện đó là thật. Nhưng chúng ta cần bao nhiêu tình yêu và nỗ lực để làm được chuyện đó. Và có phải ai cũng vượt qua được khó khăn đến từ sự chênh lệch hoàn cảnh?
Cá nhân mình cho rằng, tình yêu luôn tồn tại mãi mãi nhưng nó không se nồng nhiệt và hào nhoáng như lúc ban đầu. Tức là dù có yêu nhau đến đâu, quyết liệt chống lại định kiến xã hội đến đâu thì một ngày tình yêu cũng sẽ mờ nhạt. Điều này thông thường đến từ việc thiếu thấu hiểu cho hoàn cảnh, vị trí của nhau. 
Và vì vậy, giải pháp duy nhất mà chúng ta có thể làm chính là nỗ lực để trở nên xứng tầm với người bên cạnh. Trong tình yêu, đúng là chết vì nhau vẫn dễ dàng hơn là sống bên nhau trọn đời.
Có kinh nghiệm hôn nhân dày dặn, cha mẹ chúng ta ắt là người hiểu rất rõ về việc kết hôn với ai đó hoàn toàn khác việc yêu một ai đó. Yêu là cảm xúc, còn kết hôn là quá trình. Trong quá trình này, “yêu” mới chỉ là khởi đầu, là chất kết dính. Đó cũng chính là lí do nhiều bậc phụ huynh mong muốn con cái kết hôn với người “môn đăng hộ đối”

Thời 4.0 nói chuyện “xứng đôi vừa lứa”

Mang theo hơi thở của thời đại, ta đã thôi nói chuyện “môn đăng hộ đối” từ lâu và thay vào đó là câu chuyện “xứng đôi vừa lứa”. Về bản chất, 2 quan niệm này đều chỉ sự tương xứng trong hôn nhân. Vì thời này hay thời nào thì tình yêu và hôn nhân cũng là những phạm trù nhất quán không thay đổi. Tức là tình yêu thì luôn cần cảm xúc còn hôn nhân thì luôn cần sự tương đồng, dung hòa, thấu hiểu, trách nhiệm,…
Thời 4.0, chúng ta không phủ nhận tác động to lớn của gia đình đến quá trình hình thành cá tính, giá trị con người nhưng cũng không thể dựa vào hoàn cảnh gia đình để đánh giá một người. 
Xã hội chính thức thoát khỏi hàng loạt định kiến cổ hủ, chúng ta được tự do đi học, tiếp xúc bạn bè, giao lưu với nhiều nền văn hóa, tri thức thì chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn được cuộc đời cho riêng mình. Chúng ta giàu hay nghèo, vị trí cao hay thấp,… tất cả đều do thực lựa và lựa chọn của bản thân. Nếu bố mẹ bạn không có đủ điều kiện học hành cao, gia đình khó khăn thì điều đó không có nghĩa là bạn cũng vậy.
Nếu muốn gắn bó với 1 người có địa vị cao trong xã hội thì bản thân không nhất thiết phải có gia đình “môn đăng hộ đối”, mà ý chính là chúng ta phải "xứng tầm". "Xứng tầm" chỉ sự cân bằng, tương đồng về cách nhận thức, lý tưởng, công việc, tiềm năng phát triển,... Sự xứng tầm cũng giúp ta tự tin, độc lập, làm chủ cuộc đời cua mình và không cảm thấy "thấp kém" trong hôn nhân.
Chốt lại vấn đề, tiền bạc, địa vị là thứ có thể nỗ lực đạt được. còn tình cảm thì không đơn thuần có được nhờ cố gắng. Chính vì vậy, tình cảm vẫn là điều rất quan trọng. Khi đã lựa chọn dành tình cảm cho ai đó, hãy nuôi dưỡng nó bằng sự thấu hiểu, cảm thông và chấp nhận khác biệt.