Đó là những ngày mùa hè đẹp trời đương bước vào mùa mưa. Trời thường nóng già đến giữa trưa rồi một cơn mưa rào bất chợt ập đến, khiến cho mặt đất xộc lên một mùi ngai ngái kèm theo cái nóng hầm hập làm khó chịu con người. Nhưng dù sao tôi vẫn thấy những ngày ấy vô cùng đẹp trời. Tôi yêu thích những buổi chiều không còn nắng gắt với từng cụm mây xam xám trên cao chỉ chực chờ kết bè kéo lũ rồi đổ nước mưa xuống tưới tắm mặt đất. Những ngày ấy lúc nào cũng có thêm vài làn gió thoảng.
Tôi lên 9 tuổi. Hè lớp bốn.
Thời ấy thật giản dị. Không wifi, không điện thoại. Lịch trình hằng ngày của trẻ con là ăn ngủ ị học luôn luôn. Nhưng khi hè đến là lúc chúng có tới ba tháng để làm phiền cha mẹ chúng cả ngày. May mắn sao tôi còn có sở thích đọc sách để giết thời gian. Nhưng thật tình những trang sách đôi khi cũng làm tôi chán ngán những ngày trưa hè oi ả. Lúc ấy, lời mời gọi ùa ra đường chơi của đám bạn trông ra hấp dẫn hơn hẳn. Tôi chẳng bao giờ từ chối chúng nó. Một đám loắt choắt trốn ngủ trưa tụm năm tụm bảy bay nhảy khắp nơi. Chúng tôi chạy quanh khắp xóm làng, hoặc tụ tập nơi sân ngôi thánh đường gần nhà, “địa bàn” của trẻ con chỉ gần gũi và đơn sơ như thế. Cha mẹ luôn biết tìm chúng tôi ở đâu để lôi cổ về khi cần thiết, có lẽ vì từng khúc đường làng, từng bãi đất trống, hay khu vực này, lãnh địa kia cũng chính là những ngày tháng tuổi thơ đã trôi tuột mãi vào quá khứ của họ. Cái làng chúng tôi nhỏ bé mà thân thương, và vốn vẫn ưa tục lệ người làng kết hôn với người làng để giữ của cải và nghề nghiệp, thế nên, họ hàng chúng tôi cũng quanh quẩn cùng xóm với nhau cả.
Và trong cái địa bàn ấy, thỉnh thoảng xuất hiện một bà điên.
Một vài đứa con gái gọi bà là "điểm điên”, vì chúng nghe ba mẹ chúng gọi thế. Thời ấy tôi cứ nghĩ rằng “điểm điên” chính là một cụm từ chính thống mà người ta gán cho những kẻ không được bình thường, giống như “tâm thần” vậy. Mãi sau này mới biết, hóa ra Điểm là tên thời con gái của bà. Lấy chồng xong, một vài người thân thiết gọi bà là “chị Dụng” theo tên chồng. Nhưng bị điên xong thì không thể gọi là “Dụng điên” được, thế thì xúc phạm người chồng mất. Phải lôi cho bằng được cái tên cúng cơm của bà mà gọi để thể hiện rõ nhất cái sự phỉ báng người ta dành cho bà.
Tại sao bà lại điên? Thời ấy tôi chẳng hiểu rõ. Lũ trẻ chỉ biết kháo nhau bà ta bị bỏ bùa, cũng là từ thắc mắc mà đem hỏi cha mẹ. Nhưng không có cha mẹ nào giải thích cặn kẽ. Về sau mới hiểu, có giải thích cặn kẽ thì lũ trẻ cũng sẽ đứng tròn mắt mà ngây ra. Vì cái bùa ấy là bùa yêu. Và vì là yêu, nên đây là chuyện người lớn.
À không, gọi “bùa yêu” cũng chẳng chính xác. Đúng hơn là “bùa nguyền rủa tình yêu”. Bà Điểm thời con gái xinh đẹp thuộc dạng nhất nhì làng, mới chớm mười bảy đã có người dạm hỏi. Cha mẹ bà tính tình cổ hủ, cũng chỉ mong gả bà quách đi cho xong, vì sau bà còn có sáu người con nữa đang nheo nhóc. Thời ấy chẳng có thú vui gì sất, người ta cứ ôm ấp lấy nhau để làm vui rồi đẻ con như rạ, kế hoạch hóa gia đình chắc chưa ai biết đến khái niệm, nói chi là áp dụng để đời bớt khổ.
Thế là bà Điểm có chồng, ông ta tên Dụng. Cha mẹ bà gả bà nhanh chóng vì nhà ông Dụng này gia cảnh cũng khá lắm chứ, có nghề làm bánh tráng ăn nên làm ra qua vài thế hệ rồi, mối thông gia ngon như vậy không chớp nhanh lại để vuột khỏi tầm tay. Nhưng có một điều họ không biết, à mà chắc có biết nhưng cũng nhắm mắt cho qua, chẳng cần nghĩ cho con gái mình, đó là nhà ông Dụng này nổi tiếng hà khắc và máu lạnh, vì thế mà chẳng ai ưa. Bà Điểm nào có yêu gì ông ta, nghe đâu bà đang qua lại với ông nào làng trên, nhưng nhà ông ấy có ít của cải quá, thành ra không ưng được bụng cha mẹ bà, nên bà nén nước mắt để chịu cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Ông Dụng lớn hơn bà tới cả 15 tuổi, người vợ đầu đã mất mà không để lại mụn con nào. Ông Dụng khó chịu lắm với cái tiếng góa vợ, sẵn gia cảnh có chút khá giả nên chỉ sau khi tiễn vợ cả về trời được sáu tháng, ông ưng mắt và cưới luôn bà Điểm về.
Bà Điểm tỏ ra chẳng mặn mà gì với chồng rõ ràng như ban ngày làm cho cha mẹ chồng đều nhận ra. Hai vị bắt đầu tỏ ra không ưng nàng dâu mới, thường xuyên nói kháy để yêu cầu con dâu chấn chỉnh lại thái độ. Đỉnh điểm là một năm sau đó, ông Dụng chết bất đắc kỳ tử. Người ta phán ông đột quỵ mà chết, nhìn vào trăm ngàn cái thói xấu của ông thì rõ: rượu chè suốt ngày, thuốc lào không dứt, lại ăn ở dơ dáy, mà cái tính nết thì cũng xấu nốt, luôn mồm lăng mạ người khác. Nhưng cha mẹ ông không cho rằng con trai mình chết vì sức khỏe, mà từ đầu đã định đoạt tội luôn cho nàng dâu: con Điểm khắc chết chồng mình! Ừ, gò má nó cao thế kia mà lị!
Lúc chồng chết, bà Điểm đang mang bầu bảy tháng. Không chịu nổi cảnh cha mẹ chồng chì chiết và đối xử hà khắc suốt ngày, sau khi sinh, bà bế con gái về nhà cha mẹ ruột nương nhờ. Nhưng nhà cha mẹ ruột nhỏ, lại đông con, vả lại ông bà cũng không ưng cái chuyện bị người làng nói ra nói vào là chứa chấp con gái đã có chồng như thể có xích mích với thông gia, ông bà vì cái danh hơn cái tình mà năm lần bảy lượt đuổi con gái về nhà chồng, thậm chí còn dẫn cả hai mẹ con về tận nơi ấy, gọi là “đem trả con cháu cho người ta”, vì đã gả con gái đi rồi, nó đâu là con mình nữa. Bà Điểm ở cữ trong tủi nhục và cực khổ, mấy khi có một sự phụ giúp của cha mẹ chồng. Một tháng sau sinh, bà phải đi cuốn miến thuê cho người ta để có tiền trang trải cuộc sống dù nhà chồng khá giả. Con gái ở nhà đói sữa, thường xuyên khóc lóc. Cha mẹ chồng vốn trọng nam khinh nữ, nên đã chẳng quan tâm chăm sóc cháu lại còn tỏ ra bực tức khó chịu, bắt bà Điểm phải bế con đi làm luôn. Độ chừng nửa năm sau, có lẽ đến đỉnh điểm của sự chịu đựng, bà Điểm để con lại và bỏ đi đâu biệt tích.
Năm năm sau, người ta thấy bà quay về làng. Bà đi cùng với một người đàn bà khác nữa, người này lạ mặt, không phải người trong làng nên nhiều người tò mò. Khốn thay, bà Điểm lúc này đã không còn tỉnh táo, thường xuyên lên cơn nổi cáu, la hét không thôi. Người đàn bà kia giải thích, “Có quen biết cô Điểm khi cổ lên Sài Gòn xin vào rửa chén trong một quán ăn nọ. Thường xuyên tâm sự thì biết hoàn cảnh và xuất thân của cổ, nên giờ mới biết đường đưa cổ về nhà cho người nhà trông nom. Vì tình hình cô Điểm bây giờ hoàn toàn không ổn. Cũng vì cái tình yêu làm cho ra mù quáng”.
Cha mẹ chồng cô Điểm gặng hỏi chuyện tình yêu gì mới vỡ lẽ, “Cô Điểm có quen biết và qua lại với một người đàn ông thường lui tới quán ăn trưa. Nhưng khổ nỗi ông này đã có vợ con, mà phải lòng cô Điểm sâu nặng đến nỗi bỏ bê cả gia đình để đưa đón cô Điểm về căn nhà ông ta thuê bên ngoài mỗi ngày. Chẳng bao lâu thì cô vợ biết chuyện. Mà cô này thì nổi tiếng dữ dằn và đanh đá. Cô ta thuê ngay một pháp sư làm cho cổ một cái bùa yểm, và cô ta dùng nó để làm cho cô Điểm ra thế này đây. Bây giờ cô Điểm chẳng còn biết gì nữa rồi, hỏi tên mình cũng không nhớ, cũng chẳng thể nhận ra ai vào với ai, lại mất hết khả năng làm việc, suốt ngày ngồi một mình thơ thẩn, liên tục nói chuyện một mình, lắm lúc cười rống lên, đôi khi lại khóc lóc la hét. Nhà chủ hết chịu nổi, đuổi cổ ra đường không chứa chấp nữa. Em thấy tội quá, mới đem cô Điểm về đây, ở gần gia đình họ hàng có khi lại mau lành. Thôi thì, cả nhà ráng chăm sóc cho cổ, thành ra nông nỗi này cũng chẳng ai mong muốn đâu”.
Nhưng người đàn bà này đã phán đoán sai. Vốn dĩ đã chẳng ưa nàng dâu từ trước, nay nàng ấy xuất hiện trở về mà lại còn chẳng tỉnh táo, nhà chồng không bao giờ chấp nhận được, quyết liệt đuổi đi ngay từ ngày đầu trở về. Nhà cha mẹ đẻ cũng lắc đầu ngán ngẩm dù buồn bã không thôi, vì hằng ngày luôn phải chịu lời ra tiếng vào miệt thị. Hai ông bà vốn đã kiệt quệ thể xác để lo ăn mặc cho sáu đứa con còn lại, nay hẳn kiệt quệ luôn cả phần tinh thần vì đứa con gái mình dứt ruột đẻ ra cuối cùng lại mang tội “sát chồng, lẳng lơ và điên loạn”. Một thời gian sau, họ không chịu nổi nữa mà qua đời. Một vài người tốt bụng dẫn bà Điểm – vì không có một mái nhà nào để lưu trú và nương tựa nên đành phải quanh quẩn ngoài đầu đường xó chợ – đến nhìn mặt cha mẹ lần cuối, nhưng đau đớn thay, bà lại ngồi cười ngờ nghệch, chẳng đủ tỉnh táo để nhận ra vấn đề, mà rơi cho các đấng sinh thành một giọt nước mắt chia li từ biệt. Nhưng tôi vẫn tự hỏi, sau năm lần bảy lượt từ mặt con, liệu bà ta còn có đủ cảm xúc yêu kính để khóc thương cho cha mẹ ruột, kể cả khi bà ấy không trở nên điên loạn khốn cùng?
(Còn nữa).