NGƯỜI ĐÀN BÀ CAM CHỊU
Tôi cũng chỉ là một đứa trẻ mới vào đời, người ta còn gọi là đồ ranh con chưa trải sự đời. Mà có là thế, tôi cũng có câu chuyện muốn...
Tôi cũng chỉ là một đứa trẻ mới vào đời, người ta còn gọi là đồ ranh con chưa trải sự đời. Mà có là thế, tôi cũng có câu chuyện muốn chia sẻ cùng các bạn, đọc một chút, ngẫm một chút. Xin thứ lỗi nếu tôi có nói gì không hay.
Mấy hôm nay dịch Covid-19 khiến mọi người điêu đứng, mọi thứ điêu tàn, tôi cho là thế hoặc là sắp thế. Về nhà “trốn” dịch, lại thấy sao mà mọi thứ nó thay đổi nhanh thứ cơ chứ! Hoặc là nó vẫn ở đó, ngay trước mắt tôi thế mà tôi chẳng để ý đến.
Số là có một người đàn bà, tôi gọi bà ấy là “Người đàn bà cam chịu”. Không phải xuất phát từ lòng thương cảm, mà là tôi nhìn thấy thế thôi. Người đàn bà ấy đã ngoài tuổi tứ tuần, có một người chồng và mấy đứa con. Cuộc sống không quá túng thiếu nhưng cũng không thể nói là thoải mái. Bà ấy làm việc cả ngày, rồi còn phải chăm lo cho chồng con. Đến cái cửa nhà có khi còn không bước ra. Giản dị, tinh tế, hòa nhã, đối nhân xử thế thì tốt vô cùng. Đó là tất cả những gì tôi nhìn thấy trong con người bà ấy. Nhưng có một điểm này, tôi không tài nào hiểu nỗi, đó là sự cam chịu của bà ấy. Tôi có nên gọi đó là “đức tính cam chịu”? Có ai nói thế không nhỉ? Đến đây phải nói đến chồng bà, một người đàn ông cũng đã chịu khổ cả một nửa cuộc đời. Người chồng ấy, nhìn từ ngoài vào là một người cha tốt, yêu vợ thương con. Nhưng mà nhìn từ trong ra, là một người cha hung dữ, mắng chửi vợ con thậm tệ, luôn khiến con cái sợ hãi khép nép mỗi khi ông ta say xỉn. Khi tỉnh chẳng có lấy một lời nói khó nghe, ấy vậy mà khi say, ông ấy đem hết tất thảy những gì mình nghĩ mà phun ra. Chẳng hề biết, nó đâm vào lòng vợ con làm máu ứa ra từ ruột gan. Lúc lên đến đỉnh điểm thì là những đòn roi hay bất kì thứ gì giáng xuống người của vợ con. Vậy mà, người đàn bà ấy, cam chịu tất cả. Không chia sẻ cùng ai, không một lời than thở. Bà chỉ biết khóc, núp ở một nơi nào đó, run rẩy mà khóc rồi nhẹ giọng khuyên giải người chồng. Nhìn chồng đánh chửi con cái cũng không dám tiến đến cản. Rồi bà lại khóc, khóc cho vơi đi nỗi sợ, vơi đi khổ sở trong lòng. Giống như khi bà khóc xong, mọi thứ sẽ bị lãng quên, chưa từng xảy ra. Ngày hôm sau, bà ấy lại làm việc, con cái lại đi học, người chồng lại chẳng nói một lời. Tất cả đều diễn ra như bình thường đến khi người đàn ông lại say xỉn. Tôi nhìn người đàn bà ấy sống qua từng ngày, mỗi ngày, bà ấy lại khô cằn đi một chút. Trong tâm hồn lẫn cả thể xác. Có người hỏi bà ấy, sao không bỏ quách ông chồng đó đi, bà chỉ cười cười cho qua. Cái giọng điệu không có nỗi một chút sức sống: “Nó say mà, làm sao mà nói nó được. Say lên thì thế chứ bình thường nó thương con cái lắm.” Một người khác lại nói, bỏ đi rồi mấy mẹ con đi vào thành phố, bao bọc lẫn nhau mà sống, còn hơn là ở đây chịu khổ thế này. Rồi thì bà lại cười cho qua. Từng lời khuyên nhủ cứ thế cứ thế ít dần. Vì người ta biết, có nói mãi cũng thế, bà ấy chẳng thể nào bỏ lại người cùng chăn gối mấy chục năm mà đi. Vốn cũng là chuyện nhà người ta, khuyên không được thì thôi, hà cớ gì mà nói nhiều.
Ấy thế mà tôi lại nghe người đàn bà khóc với con mình, trong cơn nấc nghẹn, từng lời bà ấy nói cứ khiến tôi nghĩ mãi mấy ngày. Bà nói thế này: “Mẹ không bỏ ba con được. Con đừng hỏi mẹ sao không li hôn đi. Dù sao cũng là người mà mẹ yêu thương bao nhiêu năm, con còn nhỏ không hiểu được. Không còn tình thì vẫn còn cái nghĩa vợ chồng. Ba con cực khổ mỗi ngày để kiếm tiền, ổng cũng vì cực quá, khổ quá nên mới vậy. Cuộc sống cơ cực biến đã biến ổng thành như vậy. Nên ba nói gì con cứ nghe hết, đừng cãi lại, cũng đừng oán trách. Ba đã hi sinh rất nhiều cho các con. Mà con còn tuổi ăn học, nếu mẹ đi thì lấy gì nuôi mấy đứa đi học, tiền đâu mà lo cho mấy đứa đủ đầy. Dù có chuyện gì xảy ra, vẫn phải đi học, kiếm chữ thì mới không như mẹ. Mẹ không thấy khổ, mẹ chịu được, đến khi mấy đứa ổn định thì mẹ cũng sẽ không hối hận. Mẹ sợ người ta nói ra nói vào nhà mình, nói mẹ không chồng, nói con là đồ không cha…”
Người đàn bà vì chuyện tiền cho con đi học, vì chuyện mặt mũi với người ngoài, vì cái nghĩa vợ chồng mà cam chịu tất cả những lời mắng chửi đòn roi từ ông chồng. Bà sợ người ta đàm tiếu nhà bà, sợ con không có tiền đi học, sợ chồng không có người chăm sóc. Mà bà chẳng nghĩ, liệu rằng cứ tiếp tục thế này, con cái có tiếp tục chịu đựng được, chính bà ấy có tiếp tục cam chịu đến lúc ấy không? Hay là đến lúc nào đấy, dù có khéo che khéo đậy đến đâu, thì chỉ một khắc, mọi thứ tan nát, vụn vỡ không thể nào xây lại?
Đây là câu chuyện của bà ấy, chứ tôi nghĩ, nếu là tôi, có khi tôi lại bỏ nhanh ông chồng như thế, chứ đừng nói chi đến chuyện mãi cam chịu thế này. Người chồng thì gia trưởng, người vợ thì nhu nhược, con cái thì còn nhỏ không thể lên tiếng. Một tổ hợp gia đình đau khổ. Vì tôi lớn lên trong một thế hệ khác, khi mà mọi người đều có quyền bình đẳng, vợ chồng như nhau, không ai có quyền hiếp đáp ai. Tôi không thể cảm thông được cho bà ấy. Dù rằng mẹ tôi đã nói với tôi phụ nữ Việt Nam thì phải thương chồng thương con, phải biết hi sinh và cam chịu. Đó là truyền thống từ xưa, phải kế thừa và phát huy. Nhưng tôi không nghĩ được sao cái “đức tính cam chịu” lại là cái điều tốt đẹp mà người ta hay ca tụng. Theo tôi thì tùy vào tính chất khác nhau của mỗi chuyện chứ có lí nào chuyện nào cũng phải chịu. Đấy là chuyện chẳng hề đúng. Yêu thương gia đình là điều hiển nhiên. Nhưng yêu thương đến cái mức mà để bản thân héo mòn như thế? Là vợ là chồng, ai cũng nó những nỗi khổ riêng. Vậy nên chia sẻ và thấu hiểu là mấu chốt để có một gia đình hạnh phúc chứ không phải là sự cam chịu từ một phía. Người ta nói, yêu mình rồi mới yêu người. Các bạn giúp tôi nghĩ xem, tình yêu thương người đàn bà ấy dành cho chồng con như vậy, là đúng hay sai? Tôi không chắc là nó đúng. Nhưng nào có được câu trả lời chính xác cho vấn đề thế này đâu. Muôn đời vẫn thế.
Mà tôi nghĩ, ở nước mình, không chỉ có mỗi người đàn bà trong câu chuyện này là có cuộc sống cam chịu như vậy. Khi nhìn vào căn nhà này hay căn nhà kia, liệu trong những căn nhà đó, lại có một “Người đàn bà cam chịu”?
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất