Thuở thơ bé, tôi chỉ là một nhành cỏ rướn mình hứng lấy làn gió văn chương nhiều phong vị. Len lỏi vào tâm hồn tôi lúc ấy là những nỗi buồn day dứt trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Cái chất văn mộc mạc, lắng đọng chất phèn của miền sông nước giản dị mà khó quên ấy đã khiến tâm hồn mong manh của tôi xao động. Phải, cái đẹp bao giờ cũng buồn! Văn Nguyễn Ngọc Tư đẹp lắm, sáng trong lắm nên mới chảy tràn nỗi buồn lấp đầy cả không gian.
        Lúc nào đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư, tâm hồn tôi cũng đều hóa thành một hòn đất mềm nhũn sau một cơn mưa dai dẳng. Nỗi buồn lại len lỏi, nhẹ nhàng từng chút một nhưng gai lại tua tủa, sắc lẹm. Tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt cũng khoác lên mình nỗi buồn man mác, đặc trưng của văn cô Tư. Cuốn sách rất mỏng thôi nhưng cứ thế mà len sâu vào lòng tôi, nỗi buồn thấm thía được dịp cứ trào ra như nhựa cây gặp vết cắt sâu của kim loại.
        Sáu câu chuyện trong quyển sách này đều lóng lánh cái buồn, chẳng cái nào giống cái nào. Mỗi truyện là một màu buồn khác nhau. Buồn man mác, buồn dìu dịu, buồn thăm thẳm, buồn rười rượi… Bao nhiêu là cái buồn khó cắt nghĩa, khó gọi tên. Chúng như tiếng thở dài, như lời oán trách, như sự nghẹn ngào, đọng ứ nơi cổ họng. Tác giả phủ lên mỗi câu chuyện một lớp màu khác nhau dù cái nào cũng xám xịt, u tối. Đó là cái buồn nhớ về người ông, một chứng nhân lịch sử trong cuộc chiến khốc liệt của dân tộc. Đó là nỗi buồn giữa hiện tại chai sạn, ê chề với quá khứ trong veo của một cô gái. Đó là nỗi buồn bị má xa lìa, lạnh lùng của cô gái mới mười bảy. Đó là nỗi xót xa khi phát hiện người yêu mình hôn cô gái khác. Đó là nỗi lòng của một chàng trai nghèo không nắm được hạnh phúc. Đáng ngưỡng mộ ở chỗ văn buồn quá nhưng phong vị lại khác nhau, buồn nhẹ nhàng chứ không phải thứ buồn được đẩy lên cao trào, đỉnh điểm, không lối thoát. Văn cô Tư là thứ nước ngầm rỉ rả rồi thấm sâu chứ không phải mưa nguồn, bão lũ xối xả, ào ạt từng cơn rồi qua đi để lại hoang tàn.
        Trong Ngọn đèn không tắt vẫn là cô Tư với giọng văn mộc mạc, giản dị. Mộc mạc lắm, cô đem sông nước quê hương trải dài trên tác phẩm, đem cánh lục bình dập dềnh lên chữ nghĩa văn chương. Hương quê đậm vị phảng phất trên từng câu chữ của Nguyễn Ngọc Tư. Cả những cái tên người, tên đất cũng đậm chất miền Tây, cũng phèn chua, đất cục, gần gũi biết bao. Chẳng cần phải câu từ long lánh, chẳng cần phải trau chuốt thật sáng ngôn từ, văn cô Tư cũng đủ sức cuốn hút. Hút bởi cái hương đồng cỏ nội, hút bởi cái phong vị riêng như bánh chưng, bánh giầy với nguyên liệu giản đơn, chẳng cao sang gì nhưng vẫn đọng mãi trong lòng con cháu rồng tiên chúng ta.
        Đối với tôi, văn Nguyễn Ngọc Tư còn khơi gợi lại những kỉ niệm xa xăm về mảnh đất miền Tây, từng một thời đối với tôi là thân thương vô ngần. Tôi yêu cả cảnh vật và yêu luôn cả những người xung quanh, những đối tượng đã làm nên cái thần của mảnh đất này. Những kỉ niệm xa xăm, những miền kí ức về con người, cảnh vật nơi cứ cứ chực ùa về khi những dòng viết của Nguyễn Ngọc Tư hiện ra trên trang giấy. Thật lắm, đời lắm nên mới đủ sức quay ngược mũi tàu, đưa tôi trở về với bao nỗi nhớ.
        Góp phần tạo nên sức hút cho tác phẩm, đôi câu văn có những hình ảnh liên tưởng khá đắt, làm điểm nhấn cho câu chuyện. Diễn tả cái dằng dặc của đêm trường, nhà văn đã đưa ra phép so sánh giàu sức gợi “Đêm giống như bà cụ còm chống gậy chậm rãi đi qua”, cái chậm, cái lê thê của thời gian dường như có mang chút buồn theo đó. Có đôi lúc, tôi lắng lòng trước nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được đan lồng khéo léo vào ý văn tạo độ sâu cho câu chữ, cho ý nghĩa mà cô Tư muốn chuyển tải “Khi chuyến tàu chạy tuyến Cái Nước xa rồi, sao tự nhiên tôi buồn, buồn quá. Nỗi buồn này nặng hơn, trong suốt, và nhiều gai nhọn hơn nỗi buồn của cha tôi”. Nỗi buồn đâm nhói tâm can con người bỗng chốc đã thành hình, thành khối, bỗng có sức nặng, có hình dáng hẳn hơi. Nó hóa thành một thực thể mà con người có thể nhìn thấy đươc, cảm nhận rõ ràng được bằng thị giác, xúc giác. Còn nỗi buồn nào cụ thể hóa hơn thế này nữa? Và có lắm lúc, những câu văn, những nghệ thuật tài tình được nhẹ nhàng thổi vào tác phẩm trở thành điểm sáng trong cái tối tăm bao trùm của nỗi buồn lo.
        Bằng sự trải đời cùng sự gắn bó với quê hương mà Nguyễn Ngọc Tư đã dựng lại số phận của bao cô gái, chàng trai miền Tây sông nước. Có thể cuộc đời một số phận người không êm đềm, phẳng lặng nhưng Nguyễn Ngọc Tư luôn hướng ta về những tia sáng của niềm vui đang chói loà phía trước. Những nhân vật, những cuộc đời ở đây không rơi vào ngõ cụt tăm tối như thời Lão Hạc, chị Dậu, anh Pha... Họ không có trọn vẹn hạnh phúc, họ bị rơi vào những hố sâu nhưng vẫn có lối ra, vẫn có thể ngoi lên được. Ta hãy cứ tin vào những điều tốt đẹp, hãy biến nỗi buồn thành giấy rồi xếp nó lại, cất ở một góc nhà.