Bí mật của sự sáng tạo - Nghệ Thuật "Đánh Cắp" Ý Tưởng (Austin Kleon)
“Nghệ thuật là sự đánh cắp.” - Picasso
“Nghệ thuật là sự đánh cắp.” - Pablo Picasso
Austin Kleon đã từng nói thế này về tác phẩm của mình tại TEDxKC: "All creative work builds on what came before. Every new idea is just a remix or mash-up of one or two previous ideas." (Mọi tác phẩm sáng tạo đều được tạo nên từ những gì đã có trước đó. Mọi ý tưởng mới chỉ là bản phối lại hoặc pha trộn của một hay hai ý tưởng trước đó). Dựa trên cốt lõi đó, Austin đã mang đến một góc nhìn mà nhiều người có lẽ không nhận ra về sáng tạo. Sáng tạo thực chất là sự "đánh cắp".
"Nghệ Thuật "Đánh Cắp" Ý Tưởng" hay bản tiếng Anh "Steal Like an Artist", trở thành cuốn sách gối đầu giường, quyển "kinh thánh" cho những người làm sáng tạo, tác phẩm lý giải cách những người nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm “độc nhất” của họ.
“Sáng tạo là gì?”, “ranh giới giữa tìm cảm hứng và đạo nhái?”, “làm sao để làm tốt hơn việc mình đang làm?” và “ý tưởng đến từ đâu?”...
Như Thomas Stearns Eliot, người từng đoạt giải Nobel văn học năm 1948 đã nói: “Những nhà thơ non trẻ chỉ biết bắt chước; nhà thơ già dặn thì biết đánh cắp; một ngòi bút kém cỏi sẽ làm xấu đi thứ họ lấy, còn ngòi bút sắc sảo sẽ biến nó thành một thứ tốt hơn, hoặc ít nhất cũng đem lại sự khác biệt. Nhà thơ giỏi sẽ tôi luyện thứ gã đã đánh cắp thành một thứ cảm xúc hoàn toàn khác biệt và độc nhất so với nguyên mẫu.”
Đôi nét về tác giả
Austin Kleon, anh là nhà văn và nghệ sĩ với hơn một thập kỉ làm sáng tạo, sống tại Austin, Texas, tác giả quyển “kinh thánh” của giới sáng tạo - Steal Like An Artist, cũng đồng thời là diễn giả về chủ đề sáng tạo trong thời đại kỹ thuật số cho Pixar, Google, SXSW, TEDx và The Economist. Tờ The Atlantic gọi anh là “một trong những người thú vị nhất trên Internet”.
Về cuốn sách
Nghệ thuật “đánh cắp” ý tưởng là các bài học, câu chuyện, là sự đúc kết từ những gì mà Austin đã học hỏi được qua hơn một thập kỷ cố gắng tìm tòi cách làm nghệ thuật. Những điều ấy không chỉ viết riêng cho những người làm sáng tạo mà nó còn dành cho tất cả mọi người. Cuốn sách hứa hẹn sẽ phơi bày cho độc giả thấy những sự thật về sáng tạo mà có lẽ chưa ai từng nhắc đến. Và cũng giống như “Thằng tôi năm 19 tuổi - lúc cần lắm vài lời khuyên”, Austin sẽ giải đáp mọi thắc mắc bằng những trải nghiệm đầy thực tế của anh thông qua cuộc sống và cả những câu chuyện của những con người thú vị làm nghệ thuật.
1. Đánh cắp như một nghệ sĩ
Nếu bạn hỏi một người làm nghệ thuật lấy những ý tưởng ở đâu để sáng tác ra tác phẩm của mình thì một người nghệ sĩ trung thực sẽ trả lời bạn rằng “Tôi đánh cắp chúng”. “Đầu tiên, anh ta tìm ra thứ gì đó đáng để ‘đánh cắp’, sau đó tiếp tục tìm đến thứ tiếp theo. Thật ra chỉ có vậy.”
Như “con tắc kè hoa” vĩ đại của âm nhạc - David Bowie với gần 5 thập kỉ không ngừng tự làm mới hình ảnh và sáng tác trong âm nhạc đại chúng đã từng nói: “Tôi chỉ học thứ nghệ thuật mà tôi có thể đánh cắp được.” Một khi bạn chịu nhìn thế giới theo cách này thì sẽ không còn lo lắng về thứ gì là “tốt” hay “dở” nữa - mà chỉ còn những thứ đáng để “đánh cắp” và những thứ không đáng “đánh cắp”.
Austin nói rằng “một người nghệ sĩ giỏi sẽ hiểu được rằng chẳng có gì xuất phát từ hư vô. Mọi tác phẩm sáng tạo đều được xây dựng trên những gì đã có từ trước. Không có gì là hoàn toàn nguyên gốc cả.” Ngay cả trong Kinh Thánh cũng viết: “Chẳng có gì là mới mẻ dưới ánh mặt trời.” (Trích Ecclesiastes 1:9). Hiểu được điều cốt lõi nhưng ít ai chấp nhận này thì bạn mới thoát ly khỏi gánh nặng của việc cố gắng trở nên thật nguyên bản và độc nhất.
“Sự nguyên bản là gì? Là đạo nhái chưa bị phát hiện.” - William Ralph Inge (Tác giả người Anh)
Di truyền học là một ví dụ tuyệt vời của việc hòa trộn các ý tưởng đơn lẻ để tạo lên một bức tranh tổng thể tuyệt vời. Chúng ta là một bản phối lại của bố mẹ và cả những thế hệ trước nữa. Và cũng giống như phả hệ của một gia đình, ta cũng có cây phả hệ của những ý tưởng. Bạn thực chất là một hỗn hợp, một bản phối của những gì bạn chọn cho cuộc đời mình. Như nhà thơ người Đức Goethe từng nói, “Chúng ta được định hình bởi những thứ mà ta yêu thích”.
Mẹ của Austin thường bảo với anh rằng: “Garbage in, garbage out” hay “Rác vào, rác ra”, một thuật ngữ hay dùng trong IT - có nghĩa là chất lượng đầu vào sẽ quyết định chất lượng đầu ra. Những ý tưởng bạn thu thập được trong quá trình tìm tòi khám phá chính mình và thế giới là nguyên liệu tuyệt vời để xây dựng một kho lưu trữ. Cái quan trọng hơn là bạn để những thứ gì vào cái kho ấy, bạn phải chủ động chọn để cho thứ gì vào bên trong, đó là những ý tưởng chất lượng. Càng thu thập được nhiều ý tưởng hay thì bạn càng có nhiều sự lựa chọn cho những ý tưởng sẽ ảnh hưởng đến bạn.
“Hãy đánh cắp bất cứ thứ gì có khả năng gây cảm hứng và tiếp thêm năng lượng cho sức tưởng tượng của bạn. Hãy say mê ngấu nghiến những bộ phim cũ và mới, những bài hát, những cuốn sách, bức tranh, những tấm ảnh, bài thơ, những giấc mơ, những cuộc trò chuyện bất chợt, công trình kiến trúc, những cây cầu, biển báo, cây cối, bóng tối và ánh sáng. Hãy chỉ đánh cắp từ những thứ chạm trực tiếp đến tâm hồn bạn. Khi đó, tác phẩm (và bản nhái) của bạn sẽ trở thành chân thực.” - Jim Jarmusch (đạo diễn và biên kịch phim người Mỹ)
Trường học và giáo dục là hai phạm trù không phải lúc nào cũng trùng nhau. Cho dù có còn đến trường hay không thì bạn phải luôn có nghĩa vụ đi tìm sự học cho riêng mình, đào sâu vào những thứ mình yêu thích, tò mò về thế giới xung quanh. “Đừng đặt câu hỏi trước khi bạn Google nó. Vì hoặc là bạn sẽ tìm ra câu trả lời hoặc là bạn sẽ đặt được một câu hỏi hay hơn”. Một cách cổ điển nhưng còn hiệu quả hơn đó là sách, hãy luôn đọc, hãy đến thư viện, cuốn sách bạn đọc đôi lúc lại không quan trọng bằng việc nó sẽ dẫn bạn đến cuốn sách nào tiếp theo.
Chúng ta thường tự tin vào khả năng ghi nhớ của mình để rồi những ý tưởng thú vị bị lãng quên vào hư vô chỉ vì không được lưu trữ cẩn thận. Hãy luôn có bên mình một cuốn sổ hoặc phần mềm ghi chú, bất cứ khi nào cảm thấy hứng thú hãy lưu chúng lại. Sao chép những đoạn yêu thích từ sách, phim, ghi lại những cảnh mà bạn thấy đẹp, “mỗi khi bạn thấy thứ gì đó đáng đánh cắp, hãy cho nó vào tệp sưu tầm. Mỗi khi bạn cần chút cảm hứng? Hãy mở tệp sưu tầm ra.”
2. Đừng đợi khi biết mình là ai mới bắt đầu
Có một thực tế hiện hữu trong những người trí thức. Một hội chứng được gọi với cái tên “hội chứng kẻ mạo danh” (Imposter Syndrome), định nghĩa y học của nó là “một hiện tượng tâm lý mà người mắc không có khả năng nhận thức các thành quả mình gặp hái được”. Có nghĩa là bạn cảm thấy bản thân chỉ là kẻ giả mạo, mình không thông minh, sáng tạo hay tài năng như thực tế, rằng bạn chỉ làm việc một cách hời hợi và cũng chẳng biết mình đang làm gì. Thú vị thay, chính những người làm sáng tạo đỉnh cao cũng không thực sự biết ý tưởng của mình đến từ đâu, “họ chỉ đơn giản là làm công việc của họ, rồi ý tưởng sẽ tự tới. Mỗi ngày.” Vì thế, hãy cứ bắt tay vào làm việc, trong quá trình đó, chúng ta sẽ tìm ra được mình là ai, thay vì chỉ chờ đợi cho đến khi tìm ra được bản thân là người như thế nào rồi mới bắt tay vào làm việc.
“Fake it until you make it”, hãy cứ diễn cho đến khi bạn đạt vai. Austin đã chia nó ra làm hai cách để hiểu:
1. “Hãy cứ giả vờ làm một thứ gì đó cho đến khi bạn trở thành nó - diễn vai đó đến khi bạn thành công, đến khi mọi người nhìn bạn y như cách bạn muốn; hay là
2. Giả vờ như bạn đang làm gì đó cho đến khi bạn thực sự làm gì đó thật.”
Như nhà văn Glenn O'Brien đã từng nói: “Bạn bắt đầu như một kẻ mạo danh, và cuối cùng thành danh.”
Những người làm sáng tạo thường có một nỗi ám ảnh phải đi tìm và có một phong cách riêng. Nhưng ngay từ thuở ban đầu, từ khi sinh ra, chúng ta đều giống nhau, không có phong cách hay tiếng nói riêng nào hết. Giống như những đứa trẻ, chúng ta học bằng cách bắt chước. Ta học đi xe bằng cách nhìn người khác đi, chúng ta học nấu ăn từ những công thức có sẵn, chúng ta học vẽ bằng cách sao chép từ những tác phẩm trước đó, hay tập viết bằng cách đọc thật nhiều sách. Ta đang nói đến quá trình học hỏi và thực hành, không phải đạo nhái và biến từ tác phẩm của người khác thành của mình. Trong cuốn sách, Austin đã viết: “Hãy nhớ rằng: Đến cả ban nhạc The Beatles cũng từng là một ban nhạc hát lại. Paul McCartney từng nói, “Tôi đã bắt chước ban nhạc của Buddy Holly, Little Richard, Jerry Lee Lewis, Elvis. Chúng tôi đều đã làm vậy.” McCartney và cộng sự của ông John Lennon đã trở thành một trong những nhà sáng tác nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử, nhưng theo McCartney nhớ lại, họ chỉ bắt đầu sáng tác như một cách “để tránh việc các ban nhạc khác có thể chơi lại bản nhạc của mình.” Như Salvador Dali đã nói, 'Những người không muốn bắt chước bất kỳ thứ gì, sẽ chẳng tạo nên thứ gì cả.'”
Một lời khuyên khác đi kèm với việc sao chép đó là đừng bao giờ sao chép từ chỉ một nguồn, đó là đạo nhái, nhưng nếu bạn sao chép từ nhiều nguồn, đó là sự nghiên cứu, cuối cùng nó sẽ là sự “nguyên bản” của riêng bạn. Đừng chỉ đánh cắp phong cách, hãy đánh cắp cách suy nghĩ đằng sau phong cách đó, bạn sẽ muốn nghĩ được giống như những người bạn vẫn hằng ngưỡng mộ.
Người dẫn chương trình Conan O'Brien nói rằng: “Chính sự thất bại trong việc trở thành hình mẫu lý tưởng của mình mà cuối cùng sẽ định hình chúng ta và làm ta trở nên đặc biệt.” Ông cố bắt chước để được như thần tượng của mình là David Letterman nhưng giờ đây lại trở thành Conan O’Brien. Chính bởi vì chúng ta không có khả năng tạo ra những bản sao hoàn hảo, chính việc không thể bắt chước ai đó một cách hoàn toàn đã giúp ta khám phá ra cái riêng của mình nằm ở đâu.
3. Hãy viết cuốn sách mà bạn muốn đọc
Từ hồi còn bé, một niềm say mê với bộ phim Công viên Kỷ Jura đã thôi thúc Austin viết ra phần tiếp theo của chính mình ngay sau ngày sinh nhật lần thứ 10 và cũng là ngày công chiếu bộ phim. Cậu bé năm ấy đã lưu lại câu truyện fan fiction do chính mình sáng tác vào ổ cứng. Một vài năm sau Công viên Kỷ Jura II cuối cùng cũng được công chiếu và đối với Austin thì nó thật tệ hại. Lời khuyên “Viết những gì bạn biết ấy” cho câu hỏi “Tôi nên viết gì đây?” luôn dẫn đến những câu chuyện dở tệ không có một chút thú vị nào. Lời khuyên tốt nhất là đừng viết những gì bạn biết, mà hãy viết những gì bạn thích, những gì mà bạn muốn đọc ấy. Cũng như cuộc sống và sự nghiệp, mỗi khi cảm thấy lạc lối không biết phải làm gì tiếp theo, hãy tự hỏi bản thân rằng: “Điều gì sẽ làm nên một câu chuyện hay hơn?”
“Bản tuyên ngôn của chúng ta là: Hãy vẽ bức tranh mà bạn muốn ngắm, hãy mở doanh nghiệp mà bạn muốn điều hành, hãy chơi thứ nhạc mà bạn muốn nghe, viết cuốn sách mà bạn muốn đọc, chế tạo những sản phẩm mà bạn muốn dùng - hãy làm những việc mà bạn muốn được nhìn thấy thành hiện thực.”
4. Làm việc thủ công
“Tôi đã nhìn chằm chằm vào cái màn hình phẳng sáng chói của máy tính đủ lâu rồi. Hãy cho bản thân thêm thời gian để làm những việc ngoài đời thực... Như trồng một cái cây, đưa chó đi dạo, đọc một cuốn sách hãy đi nghe hòa nhạc.” - Edward Tufte
Rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của máy tính và kỹ thuật số trong thời đại phát triển như ngày nay. Tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó, chính việc lệ thuộc vào những công cụ hiện đại này đã và đang bào mòn đi cả sức khỏe thể chất và khả năng sáng tạo của chúng ta. Máy tính đã cướp đi cái cảm giác rằng ta đang thực sự tạo nên thứ gì đó. “Nghệ sĩ Stanley Donwood, người làm toàn bộ bìa album cho ban nhạc Radiohead, cho rằng máy tính cô lập chúng ta vì chúng đặt một tấm kính giữa chúng ta và những thứ đang diễn ra. ‘Bạn sẽ chẳng bao giờ chạm vào bất kỳ thứ gì bạn đang làm trừ khi bạn in nó ra,’ Donwood nói.”
Vậy chẳng nhẽ chúng ta phải từ bỏ máy tính và các thiết bị kỹ thuật số trong quá trình sáng tạo hay sao? Có lẽ là không cần và ta cũng không nên làm thế. Lời khuyên ở đây là hãy linh hoạt sử dụng cả thủ công và kỹ thuật. Hãy lên thật nhiều ý tưởng với cái bàn thủ công đầy những tờ giấy màu, bút chì, kéo, tẩy,... Sau đó, bạn có thể chuyển sang làm việc tại bàn kỹ thuật số để triển khai và xuất bản tác phẩm hoàn thiện của mình. “Mỗi khi bạn cảm bản thân đang hụt đà, hãy trở lại chiếc bàn thủ công và vui đùa.”
5. Dự án bên lề và sở thích đều quan trọng
“Những dự án ngoài lề mới là thứ sẽ thăng hoa. Khi tôi nói dự án ngoài lề, ý tôi là những thứ mà bạn tưởng như mình chỉ đang nghịch ngợm hay chỉ làm cho vui. Đó thực sự mới là những thứ chất lượng. Là lúc mà phép màu xuất hiện.”
Hãy làm nhiều dự án cùng một lúc, khi chán cái này hãy chuyển sang cái khác. Hãy trì hoãn một cách năng xuất. Những ý tưởng hay ho nhất thường đến vào những lúc ta thấy chán ngán và không làm gì cả. Austin yêu việc tự là quần áo - nó thật nhạt nhẽo, nhưng lần nào anh cũng có thêm ý tưởng hay khi làm việc đó. “Dành thời gian để xáo trộn mọi thứ xung quanh. Hãy đi lạc. Lang thang. Bạn không biết được nó sẽ dẫn bạn đến đâu đâu.”
Nhiều người khuyên chúng ta hãy chỉ tập trung vào một thứ nếu bạn muốn thành công, nhưng rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng và buồn chán trong chính thứ bạn yêu thích một khi nó đã trở thành công việc. Nhà biên kịch Steven Tomlinson muốn nói rằng nếu bạn yêu thích nhiều thứ, hãy cứ tiếp tục dành thời gian cho nó. “Hãy để những đam mê của bạn hòa quyện vào nhau và điều gì đó sẽ bắt đầu xảy ra thôi.” Việc có cho mình một sở thích riêng thật đáng trân trọng, bạn sẽ không cố gắng để làm giàu hay trở nên nổi tiếng nhờ nó, bạn thích nó đơn thuần vì nó làm bạn vui. Giống như việc ta yêu thương một ai đó, “Sở thích là thứ chỉ cho đi chứ không lấy lại.” Một ngày nào đó bạn sẽ nhìn lại và thấy rằng mọi thứ đều có ý nghĩa của riêng nó.
6. Bí quyết: Làm ra những sản phẩm tốt và chia sẻ chúng
Đầu tiên, hãy tận hưởng sự vô danh của mình khi bạn còn có nó. Nhà văn Steven Pressfield từng nói: “Không phải là mọi người xấu tính hay tàn nhẫn đâu, họ chỉ quá bận bịu mà thôi.” Đây thực chất là một điều tốt, một khi không ai biết bạn là ai, bạn sẽ chẳng có chút áp lực nào mà tự do làm điều mình muốn. Được thử nghiệm, không phải giữ gìn hình ảnh trước ai, không phải lo có người lợi dụng mình. Bạn sẽ không bao giờ lấy lại được sự tự do đó một khi ai đó bắt đầu chú ý đến bạn, đặc biệt là khi họ bắt đầu trả tiền cho bạn.
Tiếp theo, làm những thứ chất lượng và chia sẻ chúng với mọi người. Ở cuốn “ Show Your Work “ hay “Nghệ thuật PR bản thân”, Austin đã giải thích rất rõ và đưa ra những chiến lược cụ thể để giúp người khác tự tìm đến bạn. Việc làm ra những thứ chất lượng rất khó khăn, không có lối tắt hay mẹo nào, đơn giản chỉ là làm và làm, cải thiện các sản phẩm của bạn mỗi ngày cho đến khi nó đạt độ “chín”. Chấp nhận rằng mình sẽ thất bại và sản phẩm cũng như khu vườn sẽ thu hoạch toàn những trái sâu và hỏng là điều khó tránh khỏi với những người mới bắt đầu. “Hãy thất bại và làm tốt hơn trong lần tới”. Còn việc chia sẻ thì hãy cứ đăng những tác phẩm lên mạng, cởi mở chia sẻ về đam mê của chính mình, kể những câu chuyện hay, dạy ai đó những gì bạn giỏi, rồi đến một lúc nào đó người ta sẽ phải chú ý.
“Đừng lo về việc có ai đó đánh cắp ý tưởng của bạn. Ngay cả khi ý tưởng của bạn thật sự hay, bạn cũng còn phải thuyết phục làm sao để người khác tin nữa đấy.” - Howard Aiken
7. Vị trí địa lý không còn là rào cản
Trong quá trình sáng tạo, nếu cảm thấy tắc nghẽn ở đâu đó, cảm thấy bản thân quá trẻ, quá già, quá túng thiếu hay bị bó buộc ở một chỗ nào đó, hãy mở lòng. Ngoài kia có cả một cộng đồng to lớn để bạn có thể kết nối. Không phải ở một vùng đất xa xôi nào đó mà ở ngay trong màn hình máy tính, điện thoại của bạn. “Franz Kafka từng viết: ‘Bạn không cần thiết phải ra khỏi nhà. Hãy ngồi vào bàn và lắng nghe. Thậm chí đừng lắng nghe, hãy cứ chờ đợi. Mà cũng đừng đợi, hãy ngồi im trong đơn độc. Cả thế giới sẽ mở ra trước bạn.’ Và Kafka sinh ra một thế kỷ trước khi Internet ra đời!”
Nói rằng vị trí địa lý không còn là vấn đề không có nghĩa rằng địa điểm không còn quan trọng nữa. Nơi ta chọn để sống vẫn có tầm ảnh hưởng to lớn đến công việc mà ta làm. Bạn cần làm cho não bộ khó chịu bằng cách thỉnh thoảng dành thời gian ở một vùng đất mới, nơi có những con người khác, và khi thế giới trông mới mẻ hơn, não bộ sẽ hoạt động nhiều hơn.
Việc được vây quanh bởi những người thú vị cũng rất có ích cho bạn, và thật là hạn hẹp nếu chỉ giao du với những người cùng sở thích, chung quan điểm và cùng công việc. Austin kết bạn với nhà làm phim, nhạc sĩ và cả những con “mọt công nghệ” sống ở Texas. Đến những nơi có đồ ăn ngon, nơi có những thứ có thể nuôi dưỡng bạn - nuôi dưỡng sức sáng tạo, nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội, tâm linh, và cả chính bạn theo nghĩa đen.
8. Sống thân thiện (Thế giới này rất nhỏ bé)
“Những người mà tôi kết bạn là những người mà tôi có thể học hỏi được” - Questlove
Harold Ramis, diễn viên và đạo diễn nổi tiếng với vai Egon trong phim Ghostbusters, từng chia sẻ về bí quyết làm nên thành công của ông: “Tìm người tài năng nhất trong căn phòng mà bạn đang có mặt, và nếu người đó không phải là bạn thì hãy đi đến đứng cạnh và bắt chuyện với họ đi. Hãy cố gắng có ích.”
Hãy tích cực theo dõi những người thông minh hơn, tài năng hơn và thú vị hơn bạn. Bạn phải theo dõi những người giỏi nhất trên mạng, đây không chỉ là cách để học hỏi mà còn là nguồn động lực vô tận trên hành trình phát triển của bản thân. Nếu một lúc nào đó mà bạn nhận ra rằng mình là người tài năng nhất ở một nơi, bạn cần đi đến một nơi khác.
Có một vấn đề với những sản phẩm sáng tạo đó là: Đôi khi đến lúc mọi người nhận ra giá trị thực sự của những thứ bạn làm ra thì một là bạn đã phát ngán về nó và hai là bạn đã qua đời mất rồi. Do đó mà bạn không thể tìm sự công nhận từ bên ngoài, từ một nơi mà bạn không thể kiểm soát. Không phải ai cũng hiểu và thậm chí là hiểu sai về những gì bạn làm với những lời chế giễu. Nếu đã không thể kiểm soát thì đừng để tâm đến nó, hãy cố trở nên thật bận bịu để không còn thời gian mà chú ý đến chúng nữa. Thậm chí biến sự bất mãn và giận dữ của bạn thành nguồn động lực và cảm hứng để sáng tạo ra những thứ tuyệt vời hơn.
Đôi khi, ta may mắn có được vài lời khen ngợi từ ai đó trên mạng là một điều quý giá. Tuy nhiên, cảm giác ấy sẽ không đến quá lâu, rồi nó sẽ giảm dần đi và sau vài tuần ta lại trở về với những ngày bản thân muốn từ bỏ. Đó là lý do tại sao bạn nên lưu giữ mọi lời chúc, mọi lời khen ngợi và mạnh dạn xóa bỏ những lời khó chịu ra khỏi bộ nhớ. Sử dụng những lời khen ngợi như cách để thúc đẩy chính bản thân trong những ngày đen tối, nhưng cũng không được phép để bị lạc lối trong vinh quang của quá khứ.
9. Trở nên nhàm chán (Đó là cách duy nhất để hoàn thành công việc)
Sáng tạo là việc tốn rất nhiều năng lượng, và nếu lãng phí nó vào những thứ khác thì nhất định không thể lấy lại. Chính vì lý do này mà Patti Smith bảo các nghệ sĩ trẻ nên đi khám răng. Ăn sáng. Chống đẩy. Đi bộ thật lâu. Ngủ thật nhiều. Một cơ thể khỏe mạnh là cơ thể khỏe cả về thể xác lẫn tâm hồn, vậy nên hãy yêu thương chính mình bằng cách tự chăm sóc nó. Đừng có nghe ai đó, cháy hết mình để rồi thành than thì chẳng có đáng đâu.
Ông nội của Austin thường nói với bố của anh rằng: “Con trai, số tiền con làm ra không quan trọng, mà là số tiền con nắm giữ được.” Hãy lập lại ngân sách cho mình. Sống trong khả năng và tiết kiệm từng xu một. Tránh xa nợ nần (trừ nợ tốt) nếu có thể để khỏi phải suy nghĩ quá nhiều đến cuộc sống trước khi lao vào sáng tạo.
“Diễn viên hài Jerry Seinfeld có một phương pháp lên lịch giúp anh bám sát việc viết truyện cười hàng ngày của mình. Jerry khuyên rằng bạn nên dùng cuốn lịch năm treo tường. Sau đó, chia nhỏ công việc của hình thành nhiều phần nhỏ hàng ngày. Mỗi ngày, khi đã hoàn thành công việc mình đặt ra, hãy đánh một dấu X to lên đó. Thay vì chỉ hoàn thành công việc, giờ đây bạn sẽ có một chuỗi.” Chỉ cần duy trì và chuỗi X sẽ dài hơn mỗi ngày, đó sẽ là một chiến thắng nhỏ mỗi ngày, khi nhìn vào đó, bạn sẽ có động lực to lớn để không phá vỡ cái chuỗi đầy tự hào đó của mình.
10. Sự sáng tạo là phép trừ
Trong thời đại bùng nổ thông tin, những người có thể thăng tiến là những người biết phải bỏ qua việc gì, để có thể tập trung vào những việc quan trọng hơn. Cho rằng bản thân có thể làm được hết mọi thứ là một suy nghĩ đáng sợ và phi lý. Trong công việc sáng tạo thì việc đặt ra giới hạn nghĩa là bạn được tự do. Ví dụ như viết một bài hát trong giờ ăn trưa. Vẽ bức tranh mà chỉ có duy nhất một màu. Quay bộ phim chỉ với chiếc điện thoại và vài người bạn... “Những sự gò bó hợp lý sẽ dẫn bạn đến thành quả tốt nhất. Như Dr. Seuss, người đã viết Cat in the Hat với chỉ vỏn vẹn 236 từ khác nhau, vậy nên biên tập viên của ông đã cá rằng ông không thể viết được cuốn sách chỉ với 50 từ. Và thật bất ngờ là Dr. Seuss đã thắng ván cược đó với cuốn Green Eggs and Ham cực kỳ nổi tiếng với chỉ 50 từ và trở thành cuốn sách cho thiếu nhi bán chạy nhất mọi thời đại.
Lời kết
Phía trên là toàn bộ 10 điều mình tổng hợp lại qua cuốn sách “Nghệ thuật “đánh cắp” ý tưởng” của Austin Kleon dành cho những người làm sáng tạo hay bất cứ ai muốn cuộc sống của mình thêm phần thú vị hơn. Mình tin rằng mỗi điều trong cuốn sách sẽ để lại cho bạn, những người đã, đang và sẽ đọc cuốn sách này một chút kiến thức, một chút động lực nào đó. Rằng “Điều làm chúng ta thú vị không chỉ là những thứ mà ta đã trải nghiệm mà còn là những điều ta chưa thử qua. Điều nãy cũng áp dụng trong công việc của bạn: Bạn phải biết đón nhận những giới hạn mình đặt ra và bước tiếp. Vì cuối cùng sự sáng tạo không chỉ là những thứ chúng ta chọn để thể hiện, nó còn là những gì chúng ta chọn để bỏ ra. Vậy nên hãy chọn một cách khôn ngoan. Và chúc vui vẻ.”
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất