Bạn đã đọc và viết đúng cách chưa? Bàn về Chapter “Về đọc và viết” trong cuốn “Zarathustra đã nói như thế”
“Zarathustra đã nói như thế” tựa đề: “tác phẩm dành cho tất cả và không dành cho một ai”, là một cuốn sách kể về Zarathustra một nhà tiên tri, nhà truyền giáo người Ba Tư, hắn đi khắp mọi nơi, cô độc một ...
Dẫn nhập
Xin chào các bạn, những người yêu triết học, đang đi tìm sự tự do, và sáng tạo. Hôm nay mình muốn bắt đầu một series về phân tích các chương trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế” (Thus spoke zarathustra) của Nietzsche. Bài phân tích đầu tiên trong series này, mình muốn một phân tích chương “Về đọc và viết”, nó là một chương khá bị bỏ qua, hiếm được trích dẫn. Nhưng thực ra đây là một chương sách then chốt, chứa đựng đầy đủ triết lý quan trọng của Nietzsche.
Giới thiệu tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế”
“Zarathustra đã nói như thế” tựa đề: “tác phẩm dành cho tất cả và
không dành cho một ai”, là một cuốn sách kể về Zarathustra một nhà tiên tri, nhà truyền giáo người Ba Tư, hắn đi khắp mọi nơi, cô độc một mình đi giao giảng triết rằng “CHÚA ĐÃ CHẾT”, vị chúa mới đã xuất hiện, đó là “Siêu nhân”. Toàn bộ các bài giảng và hành trình đi truyền đạo của Zarathus được kể qua bốn phần của cuốn sách. Điều đặc biệt là Nietzsche đã sử dụng cách kể chuyện và hành văn bắt trước “kinh thành” để giới thiệu những ý niệm trái ngược một cách triệt để với quan niệm về đạo đức và truyền thống của “Thiên chúa giáo” và “Do Thái giáo”. “Zarathustra đã nói như thế” không chỉ là một tác phẩm triết học thông thường mà nó còn là một tác phẩm văn học. Thomas Mann, người được nhận giải Nobel văn học năm 1929 đã nói rằng nếu thế kỉ 19 có giải Nobel văn học thì nó xứng đáng được trao tặng cho Nietzsche. Chính bằng giọng văn hoa mỹ bậc thầy, nghệ thuật ẩn dụ châm biếm sâu cay của Nietzsche đã lấp đầy tủ sách của triết học hai nghìn năm lịch sử bằng một khoảng trống lớn, một khoảng trống mà chính chúng ta phải là người tự điền đáp án của mình vào trong đó. Do đó “Zarathustra đã nói như thế” là một cuốn sách mà bạn không thể hiểu hết nó trong một lần đọc, mà sau mỗi lần đọc chúng ta sẽ lại rút ra cho mình một triết lý mới cho bản thân và hiểu được những tâm tư, triết lý của Nietzsche. Đặc biệt mỗi đọc giả khi đọc tác phẩm của Nietzsche thì lại rút ra cho mình một triết lý và cách hiểu riêng cho từng câu văn và ý thơ, khiến cho trải nghiệm của mỗi người là khác nhau. Dẫu cho tất cả đều tựu chung về triết lý “Siêu nhân” và ý trí quyền lực nhưng hiểu chúng góc độ là tiêu cực hay tích cực thì tùy mỗi cá nhân.
Phân tích chương “Về đọc và viết”
1
Trong tất cả những thứ được viết ra, ta chỉ yêu những gì được tác giả viết bằng máu của chính mình. Ngươi viết bằng máu đi, rồi ngươi sẽ biết được rằng máu chính là tinh thần. Hiểu một dòng máu xa lạ không phải là điều dễ: ta thù ghét tất cả những kẻ vô công rồi nghề ngồi đọc sách.
Mở đầu chương “Về đọc và viết”, đoạn văn trên là một quan điểm khá
dễ hiểu của Nietzsche về người độc giả và sự hy sinh, cống hiến của các tác giả chân chính.
Câu văn trên của Nietzsche nhắc đến viết bằng "máu”, vậy “máu” ở
đây được hiểu là gì? Khi chúng ta cố gắng viết hoặc sáng tạo, ta dễ dàng biểu thị những thứ có trong đầu hoặc cóp nhặt từ nguồn khác một cách dễ dàng. Nhưng những thứ mà ta khó diễn đạt hoặc vấn đề còn quẩn quanh trong lòng thì ta thật khó đưa nó ra ngoài phạm vi suy nghĩ và đưa vào trong giấy. Đó là một quá trình đầy khó khăn và đau đớn của những người tác giả chân chính. Những thứ mà họ viết ra không chỉ là những câu chữ in bằng giấy trắng, mực đen mà nó còn là “máu” của người viết ra chúng. “Ngươi viết bằng máu đi, rồi ngươi sẽ biết được rằng máu chính là tinh thần.” Thật vậy, chính tác phẩm này được Nietzsche viết bằng chính "máu" của mình, khi đó ông vừa đang trong tình trạng sức khỏe suy yếu mà còn đang mang trọng trách cứu lấy xã hội thối nát nước Đức khỏi kiếp tiện nhân, bằng cách đi ngược với nhân loại, truyền đạt thông điệp về “Siêu nhân”, về “CHÚA ĐÃ CHẾT”.
Nhưng dù là một người bình thường hay một kẻ quyền quý để hiểu
được “dòng máu xa lạ không phải là điều dễ”. Huống chi những kẻ đọc lên dòng chữ được viết bằng "máu" của tác giả lại chỉ là những kẻ tiện nhân, “kẻ vô công rồi nghề ngồi đọc sách”. Đối với Nietzsche đó là một sự xúc phạm với tinh thần mà người tác giả muốn truyền đạt vào cuốn sách, vào triết lý của họ. Muốn hiểu được những “dòng máu đó” người đọc không chỉ là người có học sâu hiểu rộng mà còn phải thấu hiểu cả con người, tâm tư của tác giả được gửi gắm qua từng câu văn và dòng chữ. Như Lênin đã từng nói: “Điều quan trọng trước hết là học cách đọc, cách viết và cách hiểu những điều đã học”.
2
Kẻ nào đã biết rõ độc giả thì sẽ chẳng làm gì cho người độc giả nữa. Hãy còn cả một thế kỷ độc giả nữa, - và chính tinh thần cũng sẽ bốc mùi hôi thối. Dành cho mọi người quyền học đọc, rốt cuộc lại làm hại đến chẳng những là văn tự, nhưng cả tư tưởng nữa. Xưa kia, tinh thần là Thượng đế, rồi tinh thần trở thành người, rồi bây giờ nó hóa thân thành đám tiện dân.
Để hiểu rõ ba câu trên ta cần biết được bối cảnh hình thành tác phẩm này là vào cuối thế kỷ 19 - thời điểm đó châu Âu bắt đầu chuyển sang xóa mù chữ vì tin rằng điều này sẽ mang lại sự phát triển về tinh thần và tiến bộ cho xã hội. Nhưng đồng thời nó mang lại cho các tác giả một số lượng độc giả mới khổng lồ, người mà trước kia chỉ là giới quý tộc biết chữ. Điều đó với Nietzsche lại chính là sự hạ thấp tinh thần của những người viết, bởi vì chính đám tiện dân kia đã có cơ hội tiếp xúc với những trang chữ được viết bằng "máu" và đồng thời rấy bẩn tinh thần của chúng. Nó đã làm suy yếu các tác giả, khiến họ không còn hào hứng trong việc sáng tác bằng “máu” nữa. Nietzsche cảnh báo: điều này về lâu dài có thể làm băng hoại cả một thế hệ tinh thần tác giả. Khi đó thay vì thúc đẩy và nâng cao tinh thần con người, xã hội tự do sẽ biến nó thành thói quen hèn hạ, lười biếng.
Đặc biệt ở câu văn thứ ba: “Xưa kia, tinh thần là Thượng đế, rồi tinh thần trở thành người, rồi bây giờ nó hóa thân thành đám tiện dân”. Chỉ một câu văn diễn tả hoàn toàn quan điểm của Nietzsche về một sự suy đồi về văn hóa đọc và viết của cả một thế hệ tinh thần, mà phải rất lâu khi “Siêu nhân” thắng thế và vươn lên thống trị xã hội mới có thể cứu rỗi sự suy đồi ấy. Khi lần đầu mình đọc câu văn ấy, lúc đó mình còn chưa tìm hiểu về bối cảnh lịch sử Châu Âu thế kỷ 19, mình nghĩ ý Nietzsche muốn nói là: Giai đoạn con người thời nguyên thủy, tinh thần con người là thượng đế làm chủ ý chí bản thân, không quy phục bất kỳ thế lực nào. Nhưng khi nhà nước ra đời tinh thần đã quy phục và trở thành con người. Đến khi triết học và tôn giáo xuất hiện thì tinh thần lúc đó trở thành đám tiện nhân, nô lệ của những lời răn đạo đức cứng nhắc. Phải đến lần đọc lại gần đây, khi tìm hiểu sâu về sách mình mới nhận ra răng ông chỉ đang phê phán một thế hệ tác và độc giả lười biếng, hèn hạ mà thôi.
3
“Kẻ nào dùng máu mình để viết những châm ngôn đều không muốn được đọc đến, nhưng muốn được học thuộc lòng. Trên miền núi cao, con đường ngắn nhất là con đường dẫn từ đỉnh này sang đỉnh kia; nhưng muốn theo con đường ấy, ngươi phải có đôi chân vạn dặm. Những châm ngôn phải là những đỉnh cao, vì những kẻ mà ta ngỏ lời phải lànhững con người cao đại trăng kiện.”
Thoạt nhiên khi đọc ba câu trên, ta tưởng nó là ba câu đơn giản, dễ hiểu của Nietzsche về sự tiếp thu kiến thức của độc giả. Nhưng nếu để ý kĩ sự thay đổi từ “máu” sang “những châm ngôn” thì đó là cả một thiếu sót lớn nếu đọc giả nào bỏ lỡ nó. Việc đề cập “những châm ngôn” ở đây là thứ đặc trưng của văn học, triết học cả Nietzsche và cả của văn học lãng mạn thế kỷ 19. Xưa kia, triết học được diễn giải bởi các triết gia như Aristotle, Descartes, Kant… được gây dựng một cách có hệ thống và khoa học. Nhưng với những châm ngôn của Nietzsche, nó ngắn gọn, đơn giản và thâm thúy. Nó là những đỉnh núi, mà muốn leo lên nó phải tốn công vạn dặm như việc học và tìm hiểu hệ thống triết học của các triết gia kể trên vậy. Việc leo từ núi này qua núi nọ qua các châm ngôn của Nietzsche là việc không hề đơn giản. Vì vậy những độc giả trẻ cần có một đôi chân dài, có chiều cao của nhận thức, thì mới có thể sải bước qua các châm ngôn, đỉnh núi của tri thức. Với mỗi bước đi qua những ngọn núi, độc giả không chỉ đọc chúng một cách vu vơ mà còn học thuộc lòng, tiếp thu chúng và biến chúng thành một phần trong dòng "máu" của mình.
Bên cạnh đó, những tác giả mà viết ra những câu tục ngữ mà chỉ một số ít người hiểu được. Họ phải biết rằng vẫn sẽ luôn có nhà lữ hành đang cố gắng leo những ngọn núi cao vời ấy. Những đọc giả đó đang khát khao trải nghiệm các cuộc đời của tác giả qua mỗi chặng núi. Đọc qua trăm câu tục ngữ, leo qua trăm ngọn núi tri thức, trải nghiệm trăm cuộc đời, đó là thứ các độc giả cao quý muốn chinh phục. Vì vậy “những con người cao đại trăng kiện” kia phải nỗ lực sáng tạo ra những châm ngôn để đời cho những độc giả nhiệt huyết, phải cống hiến cho một xã hội mới, vì một tương lai sự vô mình, ngu dốt biến mất hoàn toàn.
4
Không khí nhẹ nhàng thanh khiết, mối nguy hiểm gần kề và tinh thần tràn đầy một vẻ hung bạo vui tươi, đấy là những gì thích hợp. Ta muốn chung quanh ta có những yêu ma quỷ quái, vì ta là người can đảm. Lòng can đảm đuối xa những ma quỷ và tự tạo cho mình những yêu ma quỷ quái, - lòng can đảm ước muốn được cười.
Châm ngôn Nietzsche có câu: “Điều gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn”. Một câu có thể tóm gọn toàn bộ ý của đoạn trên. Đó là bước chuyển chủ đề bài giảng Zarathustra, từ quan điểm “Về đọc và viết” sang một khía cạnh hoàn toàn khác. Tinh thần can đảm mà Nietzsche nói bên trên thuộc về sức mạnh của “Siêu nhân”. Bởi trên con đường “Siêu nhân” đi, không hề tồn tại vật cản, thứ duy nhất mà “Siêu nhân” phải vượt qua chính là bản thân mình. Con đường ấy tách biệt khỏi xã hội nên dẫu có bao nhiêu “yêu ma, quỷ quái” cũng không thể chùn bước đi của “Siêu nhân”. Là thực thể không gì quật ngã được ý chí của họ, vì vậy ước muốn được cười là hành trang mà họ luôn đem theo mình trên mọi con đường. Bởi đối với “Siêu nhân” nụ cười là biểu hiện cho sự tự do, sáng tạo, tinh thần vượt lên chính mình.
5
Các ngươi nhìn lên cao khi các ngươi khát vọng sự thăng tiến. Còn ta, ta cúi nhìn xuống thấp bởi vì ta đã lên đến chốn cao vòi mù tuyệt. Ai trong các ngươi có thể cười ngất khi được nâng lên trên những đỉnh cao? Kẻ nào đã leo những ngọn núi cao nhất đều bật cười về tất cả những bi kịch giả tạo hay có thực. Vô tư lự, giễu cợt, tàn bạo, - đấy là những gì mà trí huệ hiển minh đòi hỏi nơi ta: trí huệ hiền minh là phụ nữ và chỉ có thể yêu những chiến sĩ.
Bản chất của con người là “ý chí quyền lực”, khát khao ganh đua, mong muốn vươn tới đỉnh cao hơn người khác. Nhưng họ phải leo đến bao giờ mới có thể lên được cái đỉnh ấy, khi ngọn núi mà họ chinh phục có cả tỷ con người cũng đang muốn chinh phục. Họ phải nỗ lực leo lên cái ngọn núi mà trên đầu họ là dấu chân của kẻ khác và dưới chân họ là bộ mặt đau đớn của người đi sau. Chặng đường đau khổ vĩnh cửu của loài người. Khi mà loài người, những con “Lạc đà” ngước nhìn đỉnh cao chỉ khát khao mà chẳng thể với tới, thì “Siêu nhân” lại nhìn xuống, bởi họ đã “lên đến chốn cao vòi mù tuyệt”. Ở trên cao, Nietzsche ngắm nhìn những thủ đoạn của con người lừa dối nhau để dùng chân mình đạp lên mặt người khác, ông cười, cười trên nỗi đau của người khác. “Chẳng phải loài người vẫn luôn cười như vậy sao?”. Đó là nụ cười của sự chiến thắng tự thân, chiến thắng quá khứ, cười vì nhân loại vẫn đi trên con đường lầy mà chân ta đã đi qua. Nhưng tiếc rằng dấu chân ấy đã rẽ sang một hướng đi mới – hướng đi của sự tự do, sáng tạo, chiến thắng.
Con đường mà mỗi “Siêu nhân” chọn không hề có bạn đồng hành chung bước. Con đường trở thành vị “Chúa mới” tràn đầy cảm giác cô độc, cũng giống như Kitô giáo chỉ có duy nhất một một Chúa để thờ phụng - Giêsu Kitô, “Siêu nhân” họ cũng là người đứng trên cao ngắm nhìn thế giới. Nhưng họ không đưa ra phán xét đúng - sai, không lôi kéo tín đồ nào phải theo họ. Quan điểm ấy “dành cho tất cả mọi người nhưng không dành cho một ai”. Đó là cảm giác cô độc mà bất kỳ “Siêu nhân” nào cũng phải trải qua, như Nietzsche có câu: "Ngay cả thần linh cũng khốn khổ chống lại sự buồn chán”.
Tinh thần vô tư, giễu cợt như trẻ thơ nhưng tàn bạo như bạo chúa. Người coi trời bằng vung, coi trần gian là chốn “yêu ma, quỷ quái”. Tinh thần như chiến sĩ luôn gồng mình chống chọi với cuộc đời để đạt được trí tuệ hiền minh. Nó như người phụ nữ chỉ yêu những người chiến sĩ bởi chỉ có tinh thần của một chiến sĩ mới đủ can đảm tiếp nhận sự thật của chân lý, không chùn chân lảng tránh để chìm sâu vào lời dụ ngọt của đám “yêu ma, quỷ quái”. Theo quan điểm của mình, việc so sánh trí tuệ hiền minh như người phụ nữ với Nietzsche chỉ là sự an ủi cho bản thân ông. Nếu ông là một chiến sĩ thì sau mỗi trận chiến với cuộc đời và nhân loại thì thứ duy nhất ông nhận được chỉ là người “phụ nữ” ấn lấp trong phép so sánh “trí tuệ hiền minh” của ông mà thôi. Vì trong cả cuộc đời ông, tình yêu là thứ xa xỉ, đã vậy đó còn là thứ tình yêu với người phụ nữ đã có chồng. Dù có rất nhiều châm ngôn chỉ trích sự ngu ngốc vầ điên rồ của tình yêu nhưng nó chỉ cho thấy ông đã thiếu thốn và khổ sở vì tình yêu như thế nào.
6
Các ngươi bảo ta: “Cuộc đời thật là kiên khổ khi phải mang theo". Nhưng tại sao buổi sáng ngươi lại kiêu hãnh và buổi chiều ngươi lại cúi đầu khuất phục? Cuộc đời thật kiên khổ khi ta phải mang theo: nhưng các ngươi đừng có cái bộ điệu trìu mến dịu dàng thế kia! Tất cả chúng ta đều là những con lừa đực và lừa cái trên lưng mang đầy gánh nặng. Chúng ta có chung điều gì với nụ hồng đang run rẩy vì một giọt sương trĩu nặng? Quả thực chúng ta yêu thương cuộc đời không phải vì chúng ta quen thuộc với cuộc đời, nhưng vì chúng ta đã quen thuộc với tình yêu. Trong tình yêu, luôn luôn có một chút điên cuồng. Nhưng trong sự điên cuồng, luôn luôn có một chút lý trí.
Mình hỏi các bạn: “Tại sao chúng ta phải sống?”. Chúng ta luôn có hàng tá lý do để giúp chúng ta tồn tại nhưng ta đang sống hay là chỉ tồn tại. Con người chấp nhận răng cuộc sống là một gánh nặng và tự hào vì mình có thể chịu đựng hàng ngàn gian khổ trên cuộc đời. Nhưng điều đó có gì mà phải tự hào? Chẳng phải “Siêu nhân” vẫn phải đối mặt nhưng gian khổ như con người nhưng họ vẫn cười đấy thôi sao? Tại sao phải định nghĩa “gian khổ” trong khi trong từ điển của “Siêu nhân” không có từ đó? Con người không mỏng manh như cánh hồng nhưng kiên cường như một chú “lạc đà”. Họ có thể gánh vác mọi gánh nặng nhưng tốt nhất không nên biến nó thành đức tính, một chuẩn mực của đạo làm người.
Quay lại câu hỏi ban đầu, “Tại sao chúng ta phải sống?”, “Chúng ta có tự thân, vốn dĩ có yêu cuộc đời không?”. Để trả lời câu hỏi này ta cùng phân tích triết học chủ nghĩa khuyến sinh (Natalism) và chủ nghĩa phản sinh (Anti – Natalism). Chủ nghĩa khuyến sinh cho rằng “Trời sinh voi, sinh cỏ”, mọi vật tồn tại đều là điều tốt, thuận theo ý tự nhiên. Theo đó, không tồn tại thứ gì là điều xấu bởi “Chúa” không tạo thứ gì là thừa thãi và loài người mang sứ mệnh của chúa phải sinh sản và chinh phục thế giới. Đối nghịch chủ nghĩa khuyến sinh, đó là chủ nghĩa phản khuyến sinh. Nó đong đếm khái niệm khổ, tồn tại, hạnh phúc để suy xét xem loài người có nên tiếp tục hay không. Đối với chủ
nghĩa phản khuyến sinh nếu ta sống mà phải chịu đau khổ thì tức khắc đó là điều xấu và không nên tồn tại để nếm trải nó. Nhưng kể cả ta được sống trong điều kiện đủ đầy về vật chất và tinh thần nhưng việc phải đối mặt với tuổi già vẫn là quá tồi tệ để chịu đựng. Nên a vẫn không nên tồn tại.
Bên trên, một quan điểm quá tích cực để con người trai lì chịu mọi khổ cực của cuộc sống. Điều đó chẳng khác nào biến con người thành những cỗ máy, nô lệ để người ta mặc sức bóc lột cả tinh thần và vật chất. Dưới góc nhìn một chiều tích cực về thế giới của chủ nghĩa khuyến sinh đã ngăn con người chống trả kiếp làm “lạc đà” để tiến hóa thành “sư tử” rồi “đứa trẻ”. Mặt khác, chủ nghĩa phản khuyến sinh thì quá tiêu cực mà quên đi những giá trị hạnh phúc mà con người có thể thụ hưởng khi sống trên đời. Việc nhìn nhận tiêu cực về tuổi già và cái chết – hai thứ tất yếu của đời người như một sự mất mát không thể chịu đựng là một quan điểm bị chi phối bởi thuyết kiến tạo, tâm lý học chi phối. Bởi vì bản chất của con người dễ dàng bị đánh lừa khi chỉ nhận phần lợi nhưng không dám chịu mất mát. Chẳng phải về mặt lý trí thì đầu tư 20tr ngày hôm nay để nhận về 100tr mai sau là có lợi sao. Vì vậy, theo mình: Chúng ta nên theo đuổi hạnh phúc và vui vẻ vĩnh viễn. Đó là điều do chính ta kiểm soát được nên để đạt được ta cần cố gắng trở thành “Siêu nhân” như Nietzsche để sống một đời không nuối tiếc.
7
Và cả đối với ta, người thương yêu đời sống, ta thấy rằng những cánh bướm, những bọt xà phòng cùng tất cả những người nào giống như cánh bướm và bọt xà phòng đều là những kẻ nếm trải hạnh phúc tuyệt vời nhất. Chính khi nhìn thấy những tấm linh hồn nhẹ nhàng, điên rồ, duyên dáng và khoái hoạt đó bay lượn thênh thang, Zarathustra mới muốn khóc òa và ca hát. Ta sẽ chỉ có thể tin vào một đấng Thượng đế biết khiêu vũ.
“Cánh bướm”, “bọt xà phòng” và “khiêu vũ” là những hình ảnh ẩn dụ
cho việc tự do, phóng khoáng, mong muốn thoát ly khỏi thực tại. Nghĩ về hai hình ảnh “cánh bướm” và “bọt xà phòng” mình lại liên tưởng đến những ngày còn bé. Lúc đó ta rất thích chơi đùa và theo bản năng muốn bắt lấy nhưng con bướm và bọt xà phòng đang tự do bay lơ lửng trong không trung. Qua đó nhìn lại thực tại xã hội, ta lại thấy rằng đứa trẻ kia như “những đám đông bảo thủ” muốn tóm lấy những “cánh bướm”, “bọt xà phòng” không để chúng mặc sức tự do và sáng tạo mà nó muốn dập tắt nó ngay lập tức. Với Nietzsche chỉ nhưng tâm hồn tự do, sáng tạo như vậy mới có thể đạt được hạnh phúc cao với nhất. Được ngắm nhìn những tâm hồn ấy ông mới cảm thấy mình không cô đơn, cảm thấy thế giới này vẫn còn tồn tại những con người mạnh mẽ, tự do, phóng khoáng mang dáng dấp của một “Siêu nhân”.
Còn hình ảnh “khiêu vũ” có thể nó tương tự như “cánh bướm” và “bọt
xà phòng” nhưng nó được đặt lên một bối cảnh khác khi ta liên tưởng ẩn dụ của nó. Đó là hình ảnh của những đôi chân tự do đang nhảy, không ở trên mặt đất mà họ nhảy băng qua các đỉnh núi của châm ngôn sau khi đã viết ra bằng "máu" của mình. Chỉ những người như vậy mới thực sự tận hưởng sự tồn tại của mình, bay trong đó như những con bướm, những linh hồn tự do. Zarathustra, kẻ vô thần, kẻ giết chúa đã phải nói: “Ta sẽ chỉ có thể tin vào một đấng Thượng đế biết khiêu vũ”.
Nhưng đến với hai câu sau ta mới biết kẻ thù thực sự của “cánh bướm”, “bọt xà phòng” và “người khiêu vũ” đó chính là “tinh thần trì độn nặng nề” (bản dịch tiếng anh “spirit of gravity”):
Mỗi khi nhìn thấy con quỷ hộ mạng ta, ta đều thấy nó có vẻ trang trọng, tế toái, sâu hút và long trọng: nó là hiện thân của tinh thần trì độn nặng nề - chính nó kéo rơi mọi vật xuống mặt đất. Người ta giết người không phải bằng sự giận dữ mà bằng tiếng cười. Nào, hãy giết chết tinh thần trì độn nặng nề đi!
“Họ cười tôi vì tôi không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau” quả thực dùng câu nói này của Joker để khái quát đoạn văn trên là hoàn toàn phù hợp. Nhưng mình không muốn biểu dương Joker là một trong đại diện của “Siêu nhân” trong triết học Nietzsche mà chỉ cho ta thấy một chút sự tương đồng giữa câu nói của hai người thôi. Quả thực, con người đã bị trọng lực của truyền thống, đạo đức kìm nén khả năng của đôi chân, đôi cánh tri thức quá nhiều. Điều đó khiến cho ta quên mất rằng ta có khả năng khác biệt, có khả năng đánh bại cả thế giới. Tại sao người ta luôn giao giảng về làm chính bản thân mình? Trong khi bản thân ta là do thuyết kiến tạo hình thành. Nếu ta sáng tạo, thay đổi nhưng vẫn hạnh phúc khi làm nó thì chẳng phải đó vẫn là chính mình sao? Nhiều người hay nói tôi đã thay đổi quá nhiều và đây không phải tôi. Họ nghĩ tôi là người giả tạo và đang đánh lừa, dấu diếm họ. Nhưng họ đâu biết rằng tôi không có sơi xích nào trói chân và nó giúp tôi nhảy từ núi này sang núi nọ một cách dễ dàng. Vì vậy đừng để bất kỳ thế lực nào chi phối và ngăn cản bước đi của bạn. Nếu nó giúp bạn hạnh phúc và phát triển thì hãy thích nghi và chiếm lấy nó.
8
Bài viết cũng đã dài, còn lại hai câu cuối cùng của chương. Mình sẽ không phân tích nó mà để các bạn tự cảm nhận và đưa ra quan điểm của chính mình:
Ta đã học đi; từ đó ta để cho mình mặc sức chạy. Ta đã học bay, từ đó, ta không cần thiên hạ mó tay đẩy mình đổi chỗ. Giờ đây, ta nhẹ nhàng, giờ đây ta bay bổng phiêu bồng, giờ đây, ta tự nhìn thấy mình ở bên dưới chính mình, giờ đây, một thần linh đang khiêu vũ trong ta.
Kết
Chương sách “Về đọc và viết” trong cuốn “Zarathustra đã nói như thế” là chương sách khá ngắn nhưng chứa đựng rất nhiều khái niệm, quan điểm chủ chốt trong triết học Nietzsche. Đồng thời chứa rất nhiều các chi tiết ẩn dụ hay đặc trưng của văn phong Nietzsche. Qua bài viết này muốn giúp cho các bạn hiểu thêm về triết học Nietzsche và con người ông. Vẫn như đầu bài, nếu các bạn có những ý kiến khác và đóng góp cho bài phân tích thì hay chia sẻ dưới phần comment. Mình mong nhận được sự ủng hộ của các bạn với series vì còn rất nhiều chương sách cực kì hay mà mình muốn giới thiệu nó đến các độc giả yêu triết học nói chung và Nietzsche nói riêng. Cảm ơn các bạn đã đi với mình đến cuối bài viết.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất