Khi bạn thấy một tòa nhà cao đến tưởng đâm toạc chân trời, bạn sẽ cảm thấy khiêm nhường trước sự kì vĩ của nó, hay là … tự hào vì những gì con người đã làm được đến thời điểm hiện tại?
Trước đây thì thú thật tôi cảm thấy vế thứ nhất nhiều hơn; sau khi đọc cuối suối nguồn, tôi mới cảm nhận rõ vế thứ hai.
Suối nguồn là một bản anh hùng ca về hình ảnh con người có-thể-là hoặc như-nó-phải-là.
Tết này tôi vừa mới hoàn thành xong cuốn sách lần thứ hai, và lần này vẫn mang lại cho tôi nhiều suy ngẫm như lần trước. Những câu chữ của Ayn Rand đã để lại cho tôi một dư vị không ngọt cũng không đắng, nhưng đủ mạnh để in sâu trong tâm tưởng của tôi, đọng lại thành những giọt suy tư âm ỉ khiến tôi phải xả nó ra bằng con chữ. Dưới đây là một số suy ngẫm của tôi về Suối Nguồn, hy vọng có thể cho các bạn thêm một góc nhìn khác về cuốn sách kinh điển này.
Howard Roark trong phim The Fountainhead
Howard Roark trong phim The Fountainhead

Người sáng tạo và người sống thứ sinh

Những người đưa xã hội tiến lên thường bị đám đông xem thường, thậm chí là chống đối. Galileo bị giáo hội ngược đãi vì đi ngược lại quan niệm trái đất là trung tâm của vũ trụ và ủng hộ thuyết nhật tâm của Corpenicus, nhưng chính thuyết Nhật Tâm đã đặt nền tảng cho thiên văn học hiện đại.
“Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm ra cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi Trái Đất này.”
Những phát kiến vĩ đại thường không được sư ủng hộ của đám đông lúc đầu, mà qua thời gian nó mới dần được đón nhận.
Thế nên, nếu chỉ chăm chăm nghĩ đến người khác khi sáng tạo sản phẩm mới, ta sẽ không bao giờ đưa loài người tiến lên, giống như Henry Ford từng nói: “Nếu tôi hỏi mọi người họ muốn gì, rất nhiều người sẽ trả lời ngựa nhanh hơn.” Người sáng tạo phải có khả năng đi ngược lại ý kiến của đám đông và theo đuổi sáng kiến của mình đến cùng.
Mà để làm được điều này đòi hỏi ta có một tình yêu nội tại lớn lao đối với điều ta làm. Nếu động cơ của ta đến từ những yếu tố ngoại cảnh như sự công nhận của người khác, thì chắc chắn khi bị đám đông tác động, ta sẽ khó mà kiên trì với con đường của mình.
Điều đó dẫn ta đến với dạng người thứ sinh. Đây là những người thường mong muốn được người khác công nhận là người sáng tạo, nhưng họ không đủ khả năng. Thế nên họ mới cố ăn cắp phát kiến của người sáng tạo và ngộ nhận nó là của mình. Họ là những người làm tất cả cốt để có được sự “tôn trọng” từ đám đông, như một bằng chứng cho sự vĩ đại mà họ không thể tự cảm thấy từ chính bản thân mình.
“Người sáng tạo sống với lao động của mình. Anh ta không cần ai khác. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những người khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta.”
Thế gian này vốn dĩ người sáng tạo thực sự thì hiếm, mà những kẻ sống thứ cấp muốn trở thành người sáng tạo thì nhiều.
Ảnh Galileo được tạo bởi AI
Ảnh Galileo được tạo bởi AI

“Ta có thể chết vì một người, nhưng không thể sống vì một người”

Điều tệ nhất bạn có thể làm với người bạn yêu thương đó là dành cả cuộc sống của mình cho họ, và bỏ quên chính bản thân bạn. Bởi lẽ, nếu bạn hết mình vì người khác trong khi chính bạn còn vụn vỡ, những gì bạn dâng hiến cho họ sẽ chỉ là những cặn bã mà chính bạn cũng muốn chối từ.
Mặc dù Howard rất yêu Dominique, nhưng anh biết nếu anh bắt cô từ bỏ tất cả để ở bên cạnh anh, và nếu anh từ bỏ kiến trúc để ở bên cạnh cô, thì điều đó là quá tàn nhẫn. Bởi nếu anh bỏ đi kiến trúc - đam mê lớn nhất của đời anh, và thay thế cô vào vị trí mà đáng lẽ anh phải dành cho kiến trúc, hiển nhiên anh sẽ mất đi điều đã khiến Dominique bị cuốn hút bởi anh - niềm đam mê mãnh liệt; và thứ còn lại trong anh sẽ chỉ là một thân xác thiếu sức sống chỉ biết làm những điều mà cô muốn anh làm.
Anh sẽ cướp đi người mà cô yêu nhất - bản thân anh, và để lại cho cô một kẻ đã chết trong lòng. Thế có phải là hành động hy sinh cao cả? Hay là hành động hủy hoại chính mình và người khác?
Điều này cũng đúng với tất cả các dạng tình cảm khác chứ không riêng gì tình cảm lứa đôi. Mình hiểu, đôi lúc chúng ta cũng cần phải thỏa hiệp giữa cái tôi của mình và mong muốn của người khác, nhưng nếu có bất kỳ điều gì xâm phạm đến giá trị cốt lõi của bạn, hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của bạn, thì từ chối sẽ là điều tốt nhất cho cả hai bên.

“Để nói “Anh yêu em” thì người ta phải nói “Anh” trước đã.”

Hôm trước mình mới tâm sự với bạn mình, và một quan điểm về tình yêu của nó đã khiến mình suy ngẫm đến tận bây giờ: “Thực ra, tình yêu vô điều kiện chỉ có thể xảy ra khi ta yêu người khác như chính bản thân mình”. Câu nói của nó đã làm mình liên tưởng đến tư tưởng chủ đạo về tình yêu được khắc họa trong cuốn sách suối nguồn.
Các bạn có thể hiểu nó qua câu chủ đề của phần này (câu thoại của Howard Roark), và câu thoại của Gail Wynand:
“Anh yêu em, Dominique. Anh yêu em nhiều đến mức chẳng cái gì quan trọng với anh nữa - ngay cả chính em. Em có hiểu được điều đó không? Chỉ có tình yêu của anh - chứ không phải câu trả lời của em. Thậm chí cả sự thờ ơ của em cũng không… Anh chưa bao giờ thực sự mong muốn bất cứ cái gì. Không phải theo kiểu mong muốn tột cùng, mong muốn trọn vẹn; không phải theo kiểu một mong muốn có ý nghĩa như một tối hậu thư, hoặc có hoặc không, và người ta không thể chấp nhận câu trả lời “không” mà lại vẫn có thể sống tiếp được. Em là tất cả những điều đó với anh. Nhưng khi một người đã đạt đến giai đoạn đó, thì cái đối tượng của ham muốn cũng chẳng quan trọng nữa, chỉ có bản thân cái ham muốn là quan trọng. Không phải em, mà là anh. Là cái khả năng ham muốn như thế… Anh yêu em, Dominique, anh yêu em. Em đang để cho anh nói điều đó vào lúc này, anh yêu anh.”
Khi ta yêu một người, liệu ta có thể bỏ quên cái tôi của bản thân? Ta yêu họ vì chính họ, vì xã hội, và vì danh phận người yêu ép buộc ta phải quan tâm họ? Hay ta quan tâm họ bởi vì điều đó làm ta vui, bởi vì ta cảm thấy như đang chăm sóc chính mình; và khi thấy người ta yêu vui thì ta cũng cảm thấy như chính ta đang vui?
Nguồn: Dishari Roy
Nguồn: Dishari Roy

Sự ngu hóa gây ra bởi truyền thông

Một khía cạnh có vẻ ít được bàn đến về cuốn sách Suối Nguồn là sự nguy hiểm của truyền thông. Trong cuốn sách, chúng ta có thể thấy được sức mạnh điều khiển đám đông của báo chí, bằng cách cung cấp cho độc giả thứ họ muốn, không phải là thứ họ cần. Và điều này có thể làm dân trí trở nên suy đồi, hay nói cách khác là “ngu hóa người dân”.
Thông thường đại chúng sẽ bị thu hút bởi các thông tin dạng mỳ ăn liền, giải trí, giật gân, và gây ra các cảm xúc kích động. Một nghiên cứu của Robertson et al. (2023) phân tích hơn 105 nghìn tiêu đề trên trang Upworthy.com cho thấy những câu chuyện có từ khóa tiêu cực, gây ra các cảm xúc như giận dữ, xấu hổ sẽ có lượt click cao hơn là những câu chuyện có từ khóa tích cực.
Thử tưởng tượng, nếu tất cả các cơ quan sản xuất nội dung đều chiều theo đại chúng nhằm có lượt tiếp cận lớn hơn; để rồi trên mạng xã hội tràn ngập những thông tin giải trí và gây giận dữ, thì thế giới sẽ đi theo chiều hướng như thế nào? Kết quả có thể là một đám đông như trong cuốn sách Suối Nguồn.
Ở đó những người tiêu thụ nội dung không hề có bất kỳ chính kiến nào, hùa theo những gì người khác khen hay; để rồi những tác phẩm rác rưởi sẽ được phong lên làm tuyệt tác, trong khi đó những tuyệt tác thật sự thì chết dần chết mòn. Ở đó sẽ sản sinh ra đám đông kích động, khi chưa thực sự hiểu gì về người khác, chưa hiểu được 1/10 câu chuyện đã vội chửi bới người khác, để thể hiện sự “văn minh” của bản thân (cái này thì thế giới thực cũng tồn tại nhan nhản rồi).
Điều này giống lên hồi chuông cảnh báo đối với cả giới truyền thông lẫn những người tiêu thụ nội dung. Đối với những người làm truyền thông, chúng ta cần nỗ lực hơn trong việc tìm giao điểm giữa điều độc giả muốn và điều họ thực sự cần. Tất nhiên không thể nào hoàn toàn đi ngược lại thị hiếu, nhưng ít nhất cũng hãy phân bổ đều giữa các nộidung ngắn, giật gân, với nội dung sâu và ý nghĩa. Nếu không thì người lãnh hậu quả không chỉ là số đông đại chúng, mà là cả con cháu và người thân của chính những người sản xuất ra các dạng nội dung đó.
Còn đối với chúng ta, những người tiêu thụ nội dung hàng ngày, điều quan trọng nhất là ta cần rèn luyện tư duy phản biện trước khi xem bất kỳ nội dung nào. Đừng vội tin bất kỳ bài báo nào khi chưa đọc kỹ và tìm hiểu thêm thông tin đằng sau nó. Nếu biết tiếng Anh thì bạn hãy tìm đọc những nguồn nào được kiểm tra chéo (peer-reviewed), nó sẽ uy tín hơn là chỉ đọc ý kiến chủ quan của một người. Và đặc biệt hãy làm ơn đọc hết một bài viết trước khi nhảy xuống phần comment =))
Nguồn: Gnash Six
Nguồn: Gnash Six

Kết

Thực ra, cá nhân mình vẫn thấy một số tư tưởng trong sách Suối Nguồn khá là cực đoan, hẳn bởi tác giả đang chủ đích khắc họa một thế giới “như-nó-phải-là”. Trên thực tế, mình tin rằng mọi thứ thường màu xám chứ không phải hoặc trắng, hoặc đen. Chúng ta cần giữ chủ kiến của bản thân, nhưng cũng nên mở lòng để lắng nghe ý kiến của người khác. Chúng ta nên tôn vinh tầm vóc của con người, nhưng cũng không vì vậy mà chối bỏ cảm giác nhỏ bé trước thiên nhiên và tạo hóa. Và bộ óc tập thể, theo mình, vẫn tồn tại, chỉ là ta cần làm rõ nó là tổng hòa của nhiều bộ óc cá nhân, chứ không phải là của chung tập thể.
Ngoài cảm giác hơi cực đoan mà nó mang lại, Suối Nguồn quả thực đã cho mình một lăng kính mới về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vị nhân sinh, khác xa so với những gì mình đã được học khi sinh ra trong một đất nước xã hội chủ nghĩa. Giờ đây, mình càng thêm tin vào tầm quan trọng của việc đắp xây cái tôi cá nhân, nhất là trong một thế giới đa văn hóa và đa quan điểm như hiện tại. Nếu không xây dựng cho mình khả năng tự suy nghĩ và xét đoán, đến cuối cùng ta cũng sẽ chỉ như một con thú cưng, nghe theo bất cứ quan điểm nào được số đông và các phương tiện truyền thông ủng hộ.