Nghiệp (Karma) nghĩa gốc là hành động, nhưng là hành động có đem lại hệ quả sau đó cho người thực hiện hành động đó. Như vậy, mặc dù nghĩa gốc là hành động, nghĩa thường được biết là hệ quả của hành động, nhưng chính xác Nghiệp chính là cả nhân và quả thường thông qua ba con đường ý – khẩu – thân.
Bất cứ một hành động nào cũng sẽ để lại một hệ quả sau đó, không chỉ ảnh hưởng đến kiếp này, mà còn là nhân mang tính quyết định cho quả ở kiếp sau. Vì vậy, Nghiệp chính là thứ giữ chúng ta ở lại vòng luân hồi. Muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi, chúng ta phải thoát ra được sự ràng buộc của Nghiệp. Không còn chịu sự chi phối của Nghiệp, thoát ra khỏi vòng luân hồi, đó chính là đích đến tối thượng, sau cùng của cả Ấn giáo và Phật giáo, là trạng thái mà hai tôn giáo lần lượt gọi là Giải Thoát (Moksha) và Niết Bàn (Nirvana).
Đúng là Nghiệp, Giải Thoát, Niết Bàn, Luân Hồi và nhiều khái niệm khác nữa đều có khởi nguyên từ Kinh Vệ Đà, thế nhưng, ở thời kì Vệ Đà, những khái niệm này vẫn vô cùng đơn giản và chưa rõ ràng. Phải đến thời kì của Upanishads (Áo Nghĩa Thư), tương đồng với thời điểm Đức Phật Thích Ca đản sinh, những khái niệm về Nghiệp và Luân Hồi mới thực sự được đem ra tranh luận nhiều và trở thành những khái niệm cốt lõi của Phật giáo và Bà La Môn giáo (sau là Ấn giáo) nói riêng mà toàn bộ nền triết học, tôn giáo Ấn Độ nói chung.
buddha-shiva
Đức Phật Thích Ca và Thần Shiva (google)

Đọc thêm:

Tuy là có cùng một nghĩa gốc, cùng sinh ra trong một nền tảng xã hội, văn hóa, triết học, nhưng trải qua thời gian, với những lý giải khác nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, rồi lại tách biệt, cho đến thời điểm hiện tại, có thể chỉ ra được những điểm giống và khác nhau cơ bản ở mức độ không sâu về Nghiệp trong Ấn giáo và Phật giáo. Trước khi đi vào chi tiết, cần phải nhấn mạnh, Ấn độ giáo không phải là một tôn giáo mà là một tập hợp các tôn giáo có chung truyền thống Vệ Đà. Bản thân bên trong Phật giáo cũng tồn tại rất nhiều các tông phái khác nhau. Vậy nên, các ý dưới đây chỉ đại diện cho những quan điểm phổ biến chứ không đại diện cho tất cả các tôn giáo trong Ấn giáo cũng như các tông phái Phật giáo.

I. GIỐNG NHAU

  1. Sự khổ và Luân Hồi

Cả Ấn giáo và Phật giáo đều tin rằng Nghiệp chính là nguyên nhân dẫn tới sự khổ và tái sinh luân hồi. Theo đó, khi một người hành thiện, tạo ra nghiệp tốt thì sẽ được hưởng những điều tốt đẹp không những ở trong kiếp này, mà kiếp sau cũng vẫn nhận được phúc đức. Và ngược lại, nếu hành ác, người đó sẽ nhận lại quả báo. Hơn thế nữa, Nghiệp cũng sẽ có vai trò quyết định đến hình hài, trạng thái của hậu kiếp. Dựa vào Nghiệp của mỗi người trong kiếp này (và những kiếp trước) mà có thể tiếp sau chúng ta sẽ được tái sinh trong một trạng thái (thần linh, con người, súc sinh…) cao hơn hoặc thấp hơn.
  1. Giải thoát

Trong cả Ấn giáo và Phật giáo, giải thoát ra khỏi luân hồi đều là đích đến sau cùng của hành trình tu tập và chỉ có thể thoát ra khỏi vòng sinh tử khi chúng ta không còn chịu ràng buộc bởi Nghiệp. Cứ chịu ràng buộc bởi Nghiệp thì đều mang lại khổ đau. Ngay cả Nghiệp tốt cũng là chướng ngại đưa ta đến giải thoát vì đó chỉ là những hành động mang lại những hệ quả tạm thời, ta sẽ luôn bị lệ thuộc và ám ảnh bởi phải làm những việc tốt. Và ngay cả định nghĩa thế nào là việc tốt cũng không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ phân định. Chính vì vậy, cả hai tôn giáo đều đề cao vai trò của Nghiệp, chính xác hơn là hành trình tu tập để thoát ra khỏi Nghiệp.
  1. Pháp (Dharma)

Cả Ấn giáo và Phật giáo đều tin rằng, Nghiệp có thể thoát ra được hoàn toàn hoặc một phần nếu như chúng ta có cách tu hành đúng đắn. Con đường tu hành đó được gọi là Pháp (Dharma). Bằng cách hành trì Pháp, ta sẽ thoát ra khỏi được sự ràng buộc bởi Nghiệp và thoát ra khỏi vòng quay luân hồi. Pháp tuy có điểm khác nhau ở hai tôn giáo nhưng đều là những việc thiện như không nói dối, không tà dâm, phải rèn luyện tình yêu thương, lòng trắc ẩn…
  1. Biệt Nghiệp và Đồng Nghiệp

Nghiệp do bản thân tạo ra, chính bản thân mình sẽ thụ hưởng. Nếu như ta gieo nhân tốt thì sẽ gặt quả tốt. Đó chính là Biệt Nghiệp, nghiệp của cá nhân. Ngoài ra còn có đồng nghiệp, tức nghiệp chung, là nghiệp ta phải chịu chung cùng cả gia đình, bạn bè, người thân, cộng đồng mà ta đang sinh sống. Nếu như ta sinh ra trong một gia đình, cộng đồng đã gây ra những nghiệp xấu, cho dù ta sinh ra sau, không hề có liên hệ trực tiếp đến những việc ác đó, nhưng vẫn phải gánh chịu phần nào đó nghiệp chung. Nói đến nghiệp xấu thì có thể lý giải đồng nghiệp bằng hiện tượng “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” trong niềm tin dân gian Việt Nam ta.
Tuy nhiên, vì có sự tồn tại của nghiệp chung, nên khi ta làm việc thiện, gây nghiệp tốt, người thân, cộng đồng của chúng ta cũng có thể cùng nhận được hệ quả tốt kéo theo đó. Trong Phật giáo có câu chuyện về Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ trong Vu Lan Bồn chỉ rõ, Mục Kiền Liên dù pháp lực có mạnh đến đâu cũng không thể trong một cử chỉ có thể cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ vì đó là nghiệp chướng mà bà phải chịu do những hành động sai lầm trong tiền kiếp. Nhưng với sự hướng dẫn của Đức Phật, sự đồng lòng phát nguyện từ bi của chư phật mười phương, quả tốt do nghiệp tốt từ Mục Kiền Liên và chư phật đã phần nào đó hóa giải bớt nghiệp chướng của người mẹ.

Đọc thêm:

II. KHÁC NHAU

  1. Vai trò của nghi thức cúng tế

Trong Ấn giáo, thờ phượng cũng đồng nghĩa với Nghiệp tốt. Khi ta thực hiện nghi lễ hiến tế, cầu nguyện, niệm hồng danh thần linh, Thượng Đế, hành hương, hành trì các nghi thức tôn giáo thường xuyên…, đó cũng được tính là nhân lành và sẽ giúp ta nhận được quả lành phía sau. Và vì con người là không hoàn hảo, dù có hạn chế thì vô tình hay hữu ý chúng ta vẫn mắc phải những sai lầm, làm những việc không đúng đắn, thì việc thờ phượng thần linh sẽ giúp chúng ta cân bằng lại những nghiệp xấu đó.
Phật giáo, trái ngược, hoàn toàn phủ nhận vai trò của cúng tế thần linh sẽ đem lại quả lành. Phật giáo chỉ tin vào những hành động đúng đắn của chính cá nhân mỗi người mới có thể giúp người đó thoát ra khỏi vòng luân hồi của nghiệp báo.
Tuy nhiên, cũng có những tông phái Phật giáo áp dụng các phương thức tu tập có hình thức tương tự cúng tế, thờ phượng, gọi tên các vị Phật, Bồ Tát để nhận được sự cứu rỗi. Ví dụ điển hình nhất là pháp môn tịnh độ của Phật giáo, theo đó, các tín đồ thông qua việc trì niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà, quán tưởng đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì sẽ nhận được tha lực từ giúp thúc đẩy nhanh quá trình tu tập hơn. Việc trì niệm hồng danh Bổn sư Thích Ca hay Quán Thế Âm Bồ Tát cũng tương đối phổ biến.
  1. Phạm vi của Nghiệp

Trong Ấn giáo, Nghiệp chỉ ràng buộc những vạn vật dưới trần gian, các vị thần sẽ nằm ngoài vòng luân hồi cũng như không chịu tác động của Nghiệp. Cũng sẽ có những trường hợp cho thấy những hành động của thần linh cũng có hệ quả tốt xấu kéo theo, nhưng đó không phải nghiệp báo mà được giải thích bằng những lý do khác như sự an bài của Thượng Đế thần quyền.
Trong Phật giáo, chỉ duy nhất những ai đạt đến trạng thái Niết Bàn, trở thành Phật mới có thể thoát ra khỏi vòng luân hồi và không bị ràng buộc bởi Nghiệp. Phải nói rõ thêm, Phật giáo là một tôn giáo nhân thần, không thờ thần linh, thượng đế. Tuy nhiên, Phật giáo không phủ nhận sự tồn tại của Quỷ Thần. Vì rõ ràng trong 6 cõi luân hồi có cõi thần và cõi quỷ. Như vậy không có nghĩa đánh đồng quỷ thần trong Phật giáo giống với quỷ thần trong các tôn giáo thần quyền khác. Quỷ Thần trong Phật giáo vẫn chịu ràng buộc của luân hồi, vẫn phải tái sinh lên hoặc xuống các cấp bậc luân hồi.
  1. Ngã

Cũng giống như câu chuyện thần linh, Ấn giáo tin vào sự tồn tại của Linh Hồn Vũ Trụ hay còn gọi là Đại Ngã (Brahman) hay Thượng Đế và Linh Hồn cá nhân hay Tiểu Ngã (Atman). Ngã là linh hồn bất tử, bất diệt, không chịu sự ràng buộc của nghiệp. Trong đó, Đại Ngã là linh hồn vũ trụ toàn năng, khởi nguồn của vạn vạt và tận cùng của vạn vật.

Phật giáo không tin vào sự tồn tại của linh hồn bất diệt, Đại Ngã hay Tiểu Ngã vì tất cả các ngã đều chỉ là hư không. Vạn vật đều được tạo ra từ tứ đại giai không do duyên mà hợp thành. Không có gì là vĩnh cửu, trường tồn. Linh hồn cũng vậy. Vũ trụ cũng vậy và cá nhân từng con người cũng là giả, không phải thực.
  1. Sự can thiệp của thần linh, Thượng Đế vào Nghiệp

Phật giáo tin rằng, nghiệp là do bản thân mình tạo ra và thụ hưởng. Bằng cách rèn luyện ý-khẩu-thân nghiệp, tự bản thân đi theo chính đạo thì mới có thể thoát khỏi nghiệp báo luân hồi. Tất cả những thứ xảy đến với mình đều là kết quả của những hành động chính mình tạo ra trước đó, không thể trách cứ ai khác.
Ấn giáo cũng tin như vậy, nhưng ngoài ra, Nghiệp còn chịu sự tác động của thần linh và Đại ngã nữa. Tức là Ấn giáo ở một chừng mực nào đó cũng tin vào số phận đã được an bài bởi các vị thần, bởi Thượng Đế do một lý do nào đó. Nếu như ta biết phụng sự thần linh, làm hài lòng Thiên Chúa và nhận được sự che chở, tình yêu thương, sự cứu rỗi từ Người, thì ta cũng có thể thay đổi số phận, nghiệp báo.
  1. Phương pháp tu hành thoát nghiệp

Tứ Diệu Đế – giáo lý cốt lõi của Phật giáo đã chỉ ra có một con đường 8 nhánh gọi là Bát Chính Đạo để giải thoát khỏi khổ đau, nghiệp chướng, luân hồi.
  • Chánh Kiến: hiểu biết đúng đắn
  • Chánh Tư Duy:  suy nghĩ đúng đắn
  • Chánh Ngữ: lời nói đúng đắn
  • Chánh Nghiệp: hành động đúng đắn
  • Chánh Mạng: nghề nghiệp đúng đắn
  • Chánh Tinh Tấn: kiên trì, phấn đấu để nâng cao trí tuệ, đạo đức
  • Chánh Niệm: tâm niệm điều đúng đắn
  • Chánh Định: tập trung tinh thần vào những điều đúng đắn
Theo truyền thống Ấn giáo có 4 con đường dẫn tới giải thoát
  • Bhakti Yoga (con đường sùng tín): Chỉ cần hết lòng tôn kính đấng tối cao, Tiểu Ngã sẽ có thể hòa làm một với Đại Ngã.
  • Karma Yoga (con đường hành động): Khi ta hành động phụng sự Đại Ngã mà không mưu cầu thưởng phạt trần tục, ta sẽ đạt được trạng thái giải thoát
  • Jnana Yoga (con đường tri thức): Tu hành, nâng cao tri thức, thoát ra khỏi sự cám rỗ của thế giới vật chất cũng là một con đường đưa đến giải thoát.
  • Raja Yoga (con đường thiền định): Giải thoát thông qua con đường thiền định, trì trú, luyện tập các pháp môn phát triển tâm thức.