Đồ họa: Luật Khoa.
Đồ họa: Luật Khoa.
Tôi tạm đồng ý với nhận định của một số quan chức Việt Nam rằng tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối. Bản chất của quyền tự do ngôn luận chưa bao giờ là quyền tuyệt đối.
Ngay từ thời đại của John Stuart Mill, của John Locke, của các quốc phụ Hoa Kỳ, v.v. chưa ai nghĩ rằng tự do ngôn luận là muốn nói gì thì nói.
Quyền tự do ngôn luận được xây dựng để bảo vệ công dân khỏi sức mạnh vũ lực tuyệt đối của các chính quyền, bảo đảm rằng những phản biện xã hội, phàn nàn chính sách và chỉ trích nhắm tới các quan chức chính quyền không bị trừng phạt một cách phi lý.
Ở Việt Nam, khó mà nói rằng tự do ngôn luận theo nghĩa như vậy đang tồn tại.
Tuy nhiên, sau hai vụ việc bắt giữ nhà báo - luật sư Hàn Ni và doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, cùng với cách mà công chúng phản ứng trước các sự kiện, một bức tranh toàn cảnh có vẻ còn tệ hơn dần lộ ra.
Quyền tự do ngôn luận theo nghĩa chính trị - pháp lý thông thường không chỉ không tồn tại, mà người Việt dường như đang mất dần đi khả năng thảo luận, chấp nhận và “chịu đựng” sự khác biệt của nhau một cách hòa bình, dân sự.
Mọi thảo luận và bất đồng chính kiến đều dẫn đến sự mạt sát, thóa mạ.
Việc một bên phải vào tù được ăn mừng và xem như là chiến thắng cuối cùng, cao quý nhất cho các tranh luận.
Và điều đáng nói là cộng đồng xã hội nói chung đang xem quá trình (hay nói đúng hơn là rủi ro) hình sự hóa mọi phương thức và nội dung biểu đạt như một trò cười, một niềm vui, một lẽ thường xứng đáng được ủng hộ và tung hô.
Cảnh sát phong tỏa các tuyến đường quanh khu vực nhà bà Nguyễn Phương Hằng, trong khi cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám xét nhà bà Hằng. Ảnh chụp tối 24/3/2022. Nguồn: VnExpress.
Cảnh sát phong tỏa các tuyến đường quanh khu vực nhà bà Nguyễn Phương Hằng, trong khi cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám xét nhà bà Hằng. Ảnh chụp tối 24/3/2022. Nguồn: VnExpress.

Hệ quả của một nhà nước công an trị

Nhà nước Việt Nam thường được mô tả như là một nhà nước chuyên chế (authoritarian state). [1]
Hiểu đơn giản, nhà nước chuyên chế là một mô hình chính thể không chấp nhận đa nguyên chính trị, hạn chế quyền tự do cá nhân và các nguyên tắc pháp quyền nền tảng.
Tuy nhiên, nhà nước Việt Nam cũng có thể được xem là một nhà nước công an trị (police state). [2]
Theo đó, một nhà nước chuyên chế dồn nguồn lực lớn để chuyên môn hóa và toàn diện hóa công cụ bảo an của mình - tức lực lượng công an tại Việt Nam. Đây sẽ là lực lượng can thiệp vào mọi mặt của đời sống xã hội tại một quốc gia, với mục tiêu giám sát, ghi nhận thông tin, kiểm soát và cuối cùng là can thiệp bạo lực khi bất kỳ nhóm đối tượng nào có thái độ và xu hướng hành vi đi ngược lại kỳ vọng của nhà cầm quyền.
Tuy nhiên, một chính quyền như vậy vẫn có thể đủ khôn khéo để duy trì các thành tựu kinh tế nhất định cùng lúc với việc phát triển, hoàn thiện và bình thường hóa dần các công cụ bảo an (như việc tuyển số lượng lớn các nhóm bình dân vào hệ thống an ninh cấp thấp). Trong một không gian sống chấp nhận được và yên bình, tính cách chuyên chế (authoritarian personality) và sự ủng hộ của đại bộ phận xã hội dành cho các hoạt động có tính chất đàn áp tự do biểu đạt sẽ có xu hướng ngày càng tăng cao.
Đến nay, xu thế phát triển này dường như tương thích với những gì đang diễn ra ở Việt Nam.
Một mặt, chính quyền Việt Nam vẫn đang nhận được rất nhiều khen ngợi về các thành tựu kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Mặt khác, quyền lực của các cơ quan công an lan tỏa gần như trong mọi ngóc ngách của đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội.
Từ vị thế của lực lượng này trong cơ cấu của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến việc họ phủ sóng toàn bộ sinh hoạt thường nhật và trong tương lai là những hoạt động dân sự khác như đăng kiểm phương tiện cơ giới, bạn gần như không thể tồn tại ở Việt Nam mà không gặp công an vài lần trong đời.
Hình ảnh của giới trị an vì vậy trở thành một phần “bình thường” của đời sống xã hội. Nó phổ biến đến mức việc sử dụng vũ lực đặc trưng của nhà nước mà giới này nắm giữ để giải quyết mọi khác biệt và tranh chấp dân sự thông thường trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội Việt Nam.
Hàng xóm hát karaoke quá ồn, tranh chấp nhỏ ở khu phố, xác nhận nhân thân và cư trú, v.v. Người dân không còn biết đến bất kỳ cơ quan nào khác để giải quyết ngoại trừ gọi công an phường.
Danh tính và nơi ở cá nhân cũng trở thành đối tượng điều chỉnh của lực lượng công an từ cấp cơ sở theo luật định. Không khó để nhìn ra một tương lai nơi các thảo luận, biểu đạt, tranh cãi mạng xã hội cũng phải bị xem xét dưới lăng kính của giới trị an.
Như vậy, việc một nhóm người dân (cũng như bà Hàn Ni) ăn mừng sau khi bà Phương Hằng bị bắt, rồi sau đó một nhóm người dân khác cũng ăn mừng và hả hê khi bà Hàn Ni bị bắt cho thấy sự thành công vượt trội của mô hình công an trị mà chính quyền Việt Nam dành nhiều thập niên để hoàn thiện.
Công an trên đường phố Hà Nội. Ảnh: AP.
Công an trên đường phố Hà Nội. Ảnh: AP.

Sự chuyên chế của giai cấp lao động

Tuy nhiên, sự đón nhận “nồng nhiệt” của đại chúng nói chung với mô hình này cũng có thể được lý giải không chỉ với tư cách là thành công chính sách của chính quyền Việt Nam.
Nó còn có thể được xem là hệ quả đương nhiên theo “chính đề Lipset”, liên quan đến cái thường được biết đến trong giới nghiên cứu với tên gọi “sự chuyên chế của giai cấp lao động” (working-class authoritarianism). [3]
Được giới thiệu lần đầu tiên đến giới khoa học vào năm 1959 trong nghiên cứu “Democracy and Working-Class Authoritarianism” bởi tác giả Seymour Martin Lipset, một trong những tượng đài của giới khoa học chính trị thế giới, “sự chuyên chế của giai cấp lao động” trở thành một trong những chính đề quan trọng nhưng cũng gây tranh cãi dữ dội. [4]
Theo đó, Lipset thách thức sự nhấn mạnh của hầu hết các học thuyết chính trị cánh tả (mà người viết nghĩ ngay đến Karl Marx) vào giai cấp vô sản (the proletariat) hay tầng lớp lao động, trung lưu (working-class, middle class). Đây là những học thuyết luôn mặc định các giai tầng nói trên là giai cấp tiên phong của các phong trào “tự do”, “công bình xã hội”, hay “cấp tiến”.
Phản bác lại, Lipset đưa ra quan điểm cho rằng những khẳng định về “huyền thoại” của quyền lực xã hội hay tinh thần “khai phóng” của giới lao động đã và đang bị giải ảo như hàng loạt các truyền thuyết kiến tạo xã hội khác của các học giả cánh tả.
Theo đó, bằng việc thu thập các tư liệu phỏng vấn, nghiên cứu khác nhau, Lipset cho thấy thứ thu hút cánh lao động, giới bình dân vào chủ nghĩa cộng sản và nhiều học thuyết cánh tả khác không phải là sự đại đồng, sự bình đẳng hay các lời hứa về dân chủ/ lợi ích dân sự.
Hoàn toàn ngược lại, họ bị thu hút bởi chủ nghĩa cộng sản vì khía cạnh chuyên chế, tuyệt đối và bất khoan dung của nó đối với mọi nền tảng và quan điểm chính trị khác.
“Chủ nghĩa cộng sản là con đường duy nhất của sự phát triển xã hội loài người.”
“Cách mạng bạo lực hướng tới xã hội cộng sản là đương nhiên.”
“Sự lãnh đạo chuyên chế của giai cấp vô sản, của giai cấp công nhân tiên phong là tuyệt đối.”
Đây đều là những diễn ngôn và tư duy chính trị được nhìn nhận là rất phù hợp với cách tiếp cận đơn giản và một màu của giới bình dân: trong chính trị, những kẻ bất đồng quan điểm với tôi là bọn xấu xa!
Điều này khiến cho những lời kêu gọi “cách mạng tuyệt đối”, “cách mạng triệt để”, “diệt cỏ tận gốc” luôn được yêu thích bởi giới bình dân và người lao động.
Thay vì phải thảo luận, nghiên cứu, cân nhắc và tìm hiểu một cách kỹ lưỡng để thấy rằng cải cách cần phải diễn ra trong một môi trường kinh tế - chính trị - xã hội rất phức tạp, thay vì hiểu rằng sự thay đổi cần thời gian và sự dung thứ cho các quan điểm của nhau thì việc chỉ mặt điểm tên và trừng phạt người khác ý kiến với mình là sự hấp dẫn khó cưỡng của chủ nghĩa cộng sản đối với đại chúng.
Cách tiếp cận này của Lipset không phải là không gây tranh cãi.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này và cân nhắc tình hình tự do biểu đạt tại Việt Nam, có thể thấy nhận định của Lipset không hẳn là không có cơ sở.
Một mặt, có thể người dân Việt Nam đã sống quá lâu và tự thích ứng trong môi trường mà trừng phạt quan điểm, nhận định của người khác trở thành truyền thống văn hóa nối liền từ thời kỳ phong kiến cho đến giai đoạn cầm quyền của Đảng Cộng sản.
Mặt khác, phần đông giới bình dân và người lao động Việt Nam - trong tư duy chuyên chế tiềm thức của mình - luôn ủng hộ những cách tiếp cận đơn giản và “quyết đoán” của chính quyền cộng sản liên quan đến vấn đề ngôn luận: bịt miệng, cấm khẩu người nói là chưa đủ. Bỏ tù họ mới là hình thức trừng phạt thích đáng.
***
Người viết thừa nhận rằng hai cách lý giải trên chỉ là một vài lát cắt rất nhỏ cho vấn đề tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong một xã hội mà không gian thảo luận bị hạn chế và các thảo luận tương tự nói trên rất ít ỏi, người viết tin rằng đây đều có thể là những điểm nghiên cứu khởi đầu cho việc tìm hiểu tự do ngôn luận tại Việt Nam thay vì phải dựa vào các nền tảng pháp lý và chính trị khác trên thế giới. Trong đó, chính đề Lipset có thể là một chủ thuyết đáng tham khảo để tham chiếu cho không gian ngôn luận ở nước ta.
---
Chú thích:
1. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2023, February 15). Authoritarianism | Definition, History, Examples, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/authoritarianism
2. police state. (n.d.). Oxford Reference. https://doi.org/10.1093/oi/authority.20110803100334379
3. Paul Dekker and Peter Ester, ‘Working-Class Authoritarianism: A Re-Examination of the Lipset Thesis’ (1987) 15 European Journal of Political Research 395.
4. Seymour Martin Lipset, ‘Democracy and Working-Class Authoritarianism’ (1959) 24 American Sociological Review 482.