NGHỀ STREAMER - SƯỚNG HAY KHỔ?
Khoảng vài năm trở lại đây, cụm từ “Streamer” hay “Streaming” xuất hiện rất nhiều trên nền tảng trực tuyến hay các trang mạng xã...
1. Sự phát triển của ngành Streaming
Khoảng vài năm trở lại đây, cụm từ “Streamer” hay “Streaming” xuất hiện rất nhiều trên nền tảng trực tuyến hay các trang mạng xã hội. Có khá nhiều người đang còn nhầm lẫn hoặc chưa hiểu hết định nghĩa về hai từ này. Đầu tiên, Streaming là một hoạt động truyền tải những dòng nội dung được phát trực tiếp lên mạng Internet qua các nền tảng phát trực tuyến như Youtube, Facebook hay Twitch. Còn Streamer là chỉ một người thực hiện hoạt động streaming trên.
Ở bài viết này tôi sẽ viết riêng ở khu vực Việt Nam để mang lại sự gần gũi cho những ai muốn tìm hiểu về ngành nghề này.
Ngành streaming ở Việt Nam mới nổi trong khoảng 3 năm trở lại đây. Những Streamer đời đầu đều có những xuất phát điểm rất đa dạng. Người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành streaming tại Việt Nam chính là Pewpew. Với xuất phát điểm là một Caster - Bình luận viên cho những giải đấu Dota hồi còn đang du học tại Úc. Kết thúc đại học với tấm bằng Kế toán trong tay, Pewpew quyết định chọn một con đường trái ngược hẳn với ý muốn của gia đình. Về Việt Nam, Pewpew thành lập Pewpew Studio với hướng đi chuyên về mảng bình luận, xây dựng cộng đồng và thành lập một đội tuyển thi đấu trong tựa game Dota 2. Chính sự kiện này là khởi đầu cho toàn bộ mọi hoạt động streaming ở Việt Nam.
Có thể nói, Streaming đang là một trong những nghề có thu nhập khá cao ở Việt Nam thời điểm hiện tại. Trong một buổi talkshow do Creatory tổ chức, Pewpew chia sẻ thu nhập của bản thân rơi vào khoảng 20 triệu/tháng, còn Độ Phùng (Mixigaming) rơi vào khoảng 40 – 50 triệu/tháng. Thu nhập của những Streamers đứng đầu đang cao hơn khá nhiều so với những ngành nghề khác. Vậy thu nhập đó đến từ những nguồn nào?
Đọc thêm:
2. NGUỒN THU NHẬP
Thu nhập của một streamer khá đa dạng. Nếu livestream ở trên Youtube, họ sẽ kiếm được những khoản thu nhập khi là một Youtube Partner (Đối tác của Youtube). Nếu livestream ở các nền tảng khác như Nimo, Nono, Facebook… họ cũng sẽ có những hợp đồng riêng.
Tiền “Donate” từ người xem cũng là một nguồn thu nhập khác. Donate có thể nói vui là hoạt động cho tiền online, khi người xem muốn tương tác gần hơn với Streamer. Với Donate, người xem sẽ chấp nhận bỏ ra một số tiền để phần bình luận hay câu hỏi của mình được Streamer để mắt đến. Với những Streamer nổi tiếng, mức thu nhập từ tiền Donate ở mức khá cao. Nhiều bạn nghĩ mỗi lần Donate chỉ mất có 8 – 10 nghìn nhưng vài chục cho đến gần trăm người làm như vậy trong một buổi stream, rồi nhân lên với số ngày trong tháng thì số tiền đó còn hơn cả lương mấy bạn mới đi làm văn phòng.
Tiền quảng cáo từ các nhãn hàng (chủ yếu là ở bên Gaming) là một nguồn thu nhập nữa. Pewpew trước kia có kết hợp với Nvidia – Một hãng sản xuất chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa và công nghệ chipset hay Độ Mixi mới đây đang nhận quảng cáo cho bên Corsair – Nhà sản xuất linh kiện và phụ kiện máy tính của Mỹ. Một vài game thủ hết thời như QTV cũng từng cộng tác với ASUS ROG (Republic of Gamers).
Nếu ở bên nước ngoài, Tyler ‘Ninja” Blevins – chàng Ninja không đến từ Nhật Bản, nhận được một khoản tài trợ khủng từ hãng đồ uống nước tăng lực Reb Bull thì ở Việt Nam thời điểm hiện tại chưa có ai đạt được điều đó. Tuy nhiên đây lại là một tín hiệu tích cực cho thấy ngành streaming ở Việt Nam còn rất nhiều vùng đất màu mỡ để khai thác.
Với thu nhập cực kỳ hấp dẫn như vậy, những bạn trẻ thế hệ Gen Z (đang trong độ tuổi từ 15 – 20 tuổi) đang có định hướng muốn đi theo ngành nghề này. Tuy nhiên ngành nghề này lại có nhiều những góc khuất đằng sau mà rất ít khi các Streamer tâm sự.
Đọc thêm:
3. NHỮNG KHÓ KHĂN, RÀO CẢN TRONG NGHỀ
Hãy thử tưởng tượng đến một ngày, bạn nói với bố mẹ rằng con muốn trở thành game thủ, một Streamer thì bố mẹ sẽ phản ứng như thế nào? Rào cản từ phía gia đình là một yếu tổ cản trở cực lớn trong hành trình trở thành một Streamer thực thụ. Khi mà Streamer ở Việt Nam mới được giới trẻ đón nhận như một cái nghề, thì bố mẹ, những người ở thế hệ trước sẽ khó lòng hiểu được con cái họ sẽ sống ra sao khi bước đi trên con đường Streaming này. Bố mẹ nào cũng thương con, cũng mong con cái có một cái nghề ổn định. Đi theo con đường an toàn đó không những tốt cho con cái mà còn làm “nở mày nở mặt” bố mẹ. Bản thân những Streamer đời đầu cũng không hẳn là đã theo được nghề Streaming này ngay từ đầu. Pewpew cùng với đội tuyển Dota 2 PewpewVN sau khi đã gặt hái được rất nhiều thành tích ở trong nước và Đông Nam Á đã phải giải tán. Bản thân Pewpew Studio – một trong những đơn vị bình luận Dota 2 đầu tiên ở Việt Nam cũng đã phải giải thể. Sau quãng thời gian đó, với áp lực về tiền bạc bủa vây, Pewpew quyết định đầu quân cho Nvidia với vai trò Giám Đốc cộng đồng. Tại thời điểm đó, Streaming chỉ là một hoạt động mà Pewp tew làm vào mỗi buổi tối với mục đích giải trí là chính. Còn về phía Độ Mixi, trước khi lấn sân sang lĩnh vực Streaming, cũng là một nhân viên trong một công ty du lịch. Viruss (Đặng Tiến Hoàng) thì đặc biệt hơn chút khi anh trước đó là một game hủ Liên Minh Huyền Thoại của đội tuyển Hanoi Dragons. Những Streamer hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, không ai có thể bước hẳn sang ngành Streaming này ở những bước đi đầu tiên cả.
Khó khăn tiếp theo chính là vấn đề về sức khỏe. Streaming cũng có thể coi là một chương trình giải trí, mang lại tiếng cười, phục vụ người xem sau những giờ đi làm, đi học căng thẳng. Chính vì vậy, khoảng thời gian mà các Streamer hay làm thường vào buổi tối cho đến gần sáng hôm sau. Việc ngồi trước máy tính trong thời gian dài, đồng thời giao tiếp và chơi game phục vụ người xem liên tục khiến sức khỏe của các Streamer bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngoài ra, việc thức đêm hay thời gian ăn uống bị đảo lộn cũng khiến nhiều Streamer lâm vào cảnh “sống không giống con người”. Viruss đã từng stream 48 tiếng liên tục và đã phải nhập viện, truyền 8 chai nước biển sau đó. Uyên Pu, người thường dành 10 – 12 tiếng cho công việc, đã gặp phải những vấn đề như: chóng mặt, buồn nôn, chán ăn. Có một khoảng thời gian Uyên Pu từng bị đau dạ dày và có dấu hiệu tăng cân chóng mặt do stress.
Khi đã có chỗ đứng trong nghề, đã được nhiều người biết đến, sự tự do của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều. Bản thân Độ Mixi là người hiểu rõ cảm giác này nhất. Độ Mixi từng chia sẻ việc đi đâu mọi người cũng biết mặt, xin chụp ảnh nhiều khiến anh ngại ra ngoài hơn. Cuộc sống của gia đình và con cái anh cũng bị đe dọa. Độ Mixi tâm sự đã từng nhận được mail rủa con mình, vợ mình chết của những thành phần trẻ trâu không não. Số điện thoại hay địa chỉ nhà riêng của anh cũng bị lộ ra ngoài, gây nhiều phiền nhiễu cho gia đình.
Đọc thêm:
Không chỉ những khó khăn trên mà tuổi đời của nghề này cũng rất ngắn. Độ tuổi trung bình của một Streamer rơi vào khoảng từ 18 – 35 tuổi, cũng ngắn như cuộc đời của một cầu thủ bóng đá. Việc hàng ngày có hàng tỷ những nội dung được tạo ra ở trên mạng cũng như thị hiếu người xem thay đổi từng ngày là một nguyên nhân dẫn đến sự đào thải của các thế hệ Streamer. Việc một Streamer giữ được vị thế, chỗ đứng trong thời gian dài là rất khó. Chính vì vậy, nhiều Streamer đã tính đến con đường sau khi giải nghệ. Ở thời điểm hiện tại, đa phần các Streamer hàng đầu đang thực hiện nhiều dự án kinh doanh của mình. Pewpew mới đây đã khai trương 2 chi nhánh Bánh mì PewPew ở Sài Gòn. Ngoài ra Pewpew cũng đang tập tành nuôi tôm cũng như đầu tư vào lĩnh vực nghỉ dưỡng. Uyên Pu cũng đang là chủ của quán Bánh canh Cá Lóc ở Đà Lạt. Độ Mixi đang kinh doanh MixiFood (Đồ ăn) và Mixishop (Quần áo). Viruss với nền tảng về âm nhạc, từng là thực tập sinh của SM Entertainment hồi còn ở Hàn Quốc, đang dần chuyển mình thành một nhạc sĩ.
Tuy với thu nhập tương đối cao, nhưng với những khó khăn, rào cản kể trên, liệu thế hệ Gen Z hay những bạn trẻ có dám đánh đổi? Không có miếng pho mát nào là miễn phí cả. Hay như Huấn Rose từng nói: “Có làm thì mới có ăn, không làm thì chỉ có ăn đ** b**, ăn c**”.
Tìm hiểu thêm:
1. Vì sao Độ Mixi lại nổi tiếng đến thế?
2. Lũ gamer - lũ không có tương lai.
3. Nas và PewPew ra clip mới về 'cho-nhận' ở Việt Nam, gây tranh cãi vì 'dị văn hóa'.
2. Lũ gamer - lũ không có tương lai.
3. Nas và PewPew ra clip mới về 'cho-nhận' ở Việt Nam, gây tranh cãi vì 'dị văn hóa'.
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất