Có lẽ chưa một quốc gia nào mà xe máy lại phổ biến mạnh mẽ đến vậy như ở Việt Nam. Sẽ có những tranh cãi từ các bạn dlv rằng Jakarta hay Đài Bắc cũng chạy xe máy nhưng các anh hãy tính lại tỉ lệ số xe máy và xe hơi để thấy không nước nào có tỉ lệ này kinh khủng như ở Việt Nam cả. Tính đến đầu năm nay, số lượng xe máy của Việt Nam đã lên đến con số 60 triệu chiếc trên tổng số dân gần 100 triệu người.

Tưởng giá rẻ nên người dân mới đổ xô đi mua xe máy thay xe hơi. Ai ngờ giá xe máy cũng trên trời không kém. Như trong link bên dưới, giá xe máy của Việt Nam thường mắc hơn từ 30-50% so với giá xe của các quốc gia lân cận như Indonesia hay Ấn Độ. Hậu quả của thuế má cao và chính sách không sản xuất xe máy thật hài hước.

Văn hoá giao thông của người Việt Nam cũng khủng khiếp. Đường thì nhỏ, xe hơi thì chạy cả vô làn của xe máy, xe bus thì bạt mạng, người chạy xe máy thì chạy vô làn người đi bộ. Điều này dẫn đến một sự kẹt xe vô bờ bến không lối thoát tại nội đô hai thành phố lớn. Đường không rộng, giao thông công cộng cũng không phát triển các công trình lại thường kéo dài rất lâu thời gian thi công. Lái xe, cho dù xe hơi hay xe máy đều là cực hình tại Việt Nam.

Văn hoá chạy xe máy còn làm sản sinh phụ phẩm về tâm lý người Việt Nam: sự bực dọc. Ai từng chạy xe máy ở Việt Nam chắc cũng hiểu được việc phải hít khói bụi, đi đường thì nắng noi, chật chội, ngoài đường thì chen lấn mà không có lối thoát. Nhà cách cơ quan chừng 5 km nhưng có khi mất nửa tiếng kẹt trong biển người mới về tới nhà. Đừng trách tại sao người Việt Nam hay nổi nóng với nhau, hay tâm hồn người Việt Nam càng ngày càng lệch lạc, hãy suy nghĩ về những cảm nhận hàng ngày của họ khi đi trên chiếc xe máy. Người ta dễ dàng cãi vã nhau chỉ vì một tranh cãi nhỏ nhặt và đối xử thô lỗ với nhau hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Việc chạy lấn làn của các loại xe ở Việt Nam cũng thể hiện sự không coi trọng bình quyền, thích lách luật và luồn lách của con người Việt. Muốn xem văn minh của một nước như thế nào, hãy xem cách họ chạy xe.

Thời gian đi bộ của người Việt là rất thấp so với các nước tôi từng đi qua. Việc lấy xe máy rất tiện lợi khiến người dân rất lười đi bộ và cũng ảnh hưởng đến việc lười tập thể dục. Mỗi ngày, một người Việt Nam chỉ đi bộ trung bình chừng 4000 bước chân, thua xa mức trung bình toàn thế giới là khoảng 5000 bước chân/ ngày. Điều này có thể giải thích cho sức khoẻ tim mạch yếu và cả nạn béo phì đang gia tăng tại Việt Nam. Việt Nam cũng không có trạm metro như tại các nước tân tiến để đi bộ đến.

Lái xe máy đồng nghĩa với việc phải chịu đựng gần hết toàn bộ những mặt trái của xã hội Việt Nam. Người lái xe máy chịu rủi ro rất cao đối với tai nạn giao thông, có lẽ chiếm đến 70-80% số vụ tại Việt Nam. Có lẽ lỗi cũng do họ một phần nhưng có những cái chết rất lãng xẹt. Vụ tai nạn ở Long An vào đầu năm 2019 khi xe tải đâm vào làn xe máy đang ở phía trước dừng đèn đỏ làm 4 người chết và 25 người bị thương là một ví dụ điển hình của sự mạo hiểm của giao thông Việt Nam. Khi mà xe tải, xe hơi chạy chung làn với xe máy thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Người lái xe máy cũng chịu gần như toàn bộ nỗi đau của việc ngập nước đô thị. Có lẽ không nước nào trên thế giới mà cường độ ngập nước đô thị rộng khắp như Việt Nam. Mưa nhỏ, ngập nước. Mưa lớn, ngập nặng hơn. Mưa siêu to, ngập nửa bánh xe. Điều này ảnh hưởng to lớn lên giao thông, đồng thời đến độ bền xe máy cũng như người lái xe máy. Các cán bộ cấp cao phần lớn đều có xe hơi riêng hay chạy xe công vụ, họ sẽ không hiểu điều này có ảnh hưởng thế nào đến tâm lý người dân.

Trong vòng hơn 30 năm nay, số lượng xe máy chỉ có tăng chứ không giảm do nhiều yếu tố. Giá xe hơi quá cao, sự tiện lợi trong việc chạy xe máy, thói quen và đặc biệt là bãi xe hơi cũng không phổ biến. Quy hoạch về đường xá, về bãi đậu xe, về phương tiện công cộng ở Việt Nam cũng không thuận lợi cho việc thay đổi sang phương tiện khác. Điều này đã làm hình thành một thứ văn hoá xe máy lâu dài, trong đó người dân bon chen hơn, mệt mỏi hơn, tâm lý bất ổn hơn và sẽ mắc nhiều bệnh hơn mà người Việt Nam không mong sẽ thoát khỏi trong tương lai gần.