NỀN GIÁO DỤC QUỐC DÂN
Ý tưởng tẩy chay giáo dục tập trung đã ra đời từ thế kỷ 19. Leo Tolstoy, nhà đại văn hào vĩ đại ở Nga đã lập ra những lớp học kỳ dị...
Ý tưởng tẩy chay giáo dục tập trung đã ra đời từ thế kỷ 19. Leo Tolstoy, nhà đại văn hào vĩ đại ở Nga đã lập ra những lớp học kỳ dị theo mô thức mà bà Montessori (thế kỷ 20) đã cụ thể hóa và phát triển dữ dội sau này.
Leo Tolstoy cho rằng giáo dục ở nhà trường như chúng ta đang làm là đang hủy hoại loài người. Rằng, con người sinh ra đã hoàn hảo, thượng đế đã ban cho đứa trẻ những bản tính tuyệt vời. Đáng lẽ chúng ta chỉ nên mài sắc nó, để mầm non lớn lên tự nhiên như cây sồi, cây dẻ. Trái lại, giáo dục kiểu loài người đang làm lại biến trẻ em thành những cỗ máy, ép trẻ con phải làm những điều mà người lớn cho là tốt (thực tế chưa hẳn là tốt, thậm chí phản lại thiên tính của trời đất).
Vậy theo Leo Tolstoy thì như thế nào là giáo dục lý tưởng?
Đó là để đứa trẻ tự nhiên lựa chọn môn học như lựa đồ chơi. Giới thiệu cho đứa trẻ đủ các môn, đủ các thứ nhưng không mưu cầu thành quả phải thế này hay thế khác.
Ngày xưa ở Tàu, người ta dạy võ luôn gồm đủ cả 18 ban, với khí giới thì đủ cả 12 thứ vũ khí nhưng ông thầy dạy võ không mong và cũng không thể mong trò mình giỏi tất cả các môn đó. Ông ta chỉ yêu cầu đệ tử chọn một trong các món đó để dùng. Ngẫm ra như thế cũng phải lắm. Giáo dục bây giờ lại bắt mọi người học giống nhau, không có lựa chọn, đã thế lại còn phải đạt kết quả như nhau.
Tiếc thay! Khỉ leo cây nhưng bơi lại kém. Cá bơi được nhưng lại dốt leo cây. Khỉ và cá cùng học chung lớp lại cho ngồi làm bài thi giống nhau chẳng phải là việc làm vô ích hay sao?
Nhớ lại ở châu Âu, từ khi giáo dục cộng đồng, giáo dục quốc dân chưa ra đời, người giàu phải thuê gia sư đến nhà dạy, người nghèo hơn thì đưa con đến tận nhà thầy, cơm đóng gạo góp, ở với thầy đến hàng chục năm. Người thầy lúc đó phải biết hết các môn nhưng không cần phải giỏi tất cả. Ông ta sẽ tùy theo sở trường và đam mê của trò mà lựa môn, lựa cách dạy. Thiên tài do đó cứ nở hoa ầm ầm.
Sau này, tính từ năm 1907, bà Montessori lập ra lý thuyết dạy học kiểu tự nhiên dựa trên nền tảng tư tưởng của Leo Tolstoy. Người Tây hưởng ứng liền vì tư duy họ rất mở. Một số gia đình Tây bây giờ vẫn đi theo mô thức này.
Không dạy. Không thi, không điểm. Không gò ép. Không có trường và kỷ luật ra vào lớp. Giáo viên không nói câu nào nếu không có ai hỏi. Mọi thứ phô bày ra trước mắt, để học sinh tự triền miên theo đam mê và khám phá tự nhiên.
Quan điểm của tôi về lối giáo dục này như sau.
Thứ nhất, tôi ủng hộ nhưng nó không thể đưa vào làm nền giáo dục quốc dân vì người ta sẽ lo lắng cho hiệu quả của nó.
Thứ hai, cách giáo dục này tạo ra những thiên tài kiệt xuất nhưng cũng tạo ra những con thú hoang dại, ngu dốt. Tại sao vậy? Thiên tài bẩm sinh thì đã có một ngọn đuốc trong não soi đường. Họ có đam mê, và mải miết theo đam mê đó. Nhưng phần đa chúng sinh chẳng có gì đặc biệt. Bỏ kỷ luật thì họ biến thành dã thú liền.
Tại sao thời xưa đi học, có thể lớn hoặc nhỏ, nhưng ai cũng thành đạt?
Vì ngày xưa không có nền giáo dục đại trà. Những anh được gia đình cho đi học hoặc dám đi học đều phần lớn có tố chất khác thường rồi. Những anh xoàng xĩnh hoặc không có tố chất cầm bút thì đã lập nghiệp theo cách riêng của mình rồi. Bây giờ ta có giáo dục đại trà nên mới có nhiều khác biệt và phức tạp.
Tất cả đều có quyền đi học, và có quyền học lên cao! Đúng thế, nhưng năng lực con người lại khác nhau. Ai cũng có thể cầm bút ư? Quên cái lý luận phản khoa học này của tụi Tây đi.
Vì bởi lẽ là không phải ai cũng thích học và có căn quả cầm bút. Như trên tôi đã nói, con cá biết bơi nhưng không thể leo cây. Con khỉ biết leo cây nhưng lại không thể bơi. Với hai loại này, ta nên để chúng chơi hai trò chơi khác nhau. Đừng nên hô hào tất cả nhân dân đều nhảy lên cầm bút.
Thế nào mới là nền giáo dục quốc dân đúng đắn?
Theo tôi, sau khi học sinh học hết phổ thông, quốc gia nên phát triển dạy nghề để cho quần chúng thỏa được nhu cầu sinh tồn. Đại học chỉ nên để vài ngàn người tham gia thôi. Càng ít càng tốt.
Ngay cả phổ thông, chỉ nên chấm dứt ở kiến thức lớp 9 hiện nay (theo chương trình của Bộ GD ĐT Việt Nam). Xóa sổ chương trình cấp 3, giãn cách chương trình cấp 2, tăng cường dã ngoại, thực hành sao cho vẫn đủ thời gian như bình thường.
Ai nghĩ sao thì tùy vậy.
MỜI BẠN GHÉ THĂM FACEBOOK ĐỖ CAO SANG ĐỂ ĐỌC THÊM NHIỀU BÀI VIẾT HẤP DẪN!
Link FB: https://www.facebook.com/docaosangpta
Link FB: https://www.facebook.com/docaosangpta
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất