Không thể phủ nhận rằng những điều tốt của sự hiện đại mang đến cho Tết. Tuy nhiên, nếu phải bỏ lại những mùi vị đặc trưng xưa cũ để đón nhận cái mới thì liệu nó có còn ý nghĩa với chúng ta hay không?

Thời khắc chuyển giao và đón chào tân niên mang lại những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Năm cũ qua đi, năm mới lại đến, nhà nhà tất bật chuẩn bị để có một cái Tết thật sung túc. Nhưng khi mọi thứ đang trở nên hiện đại, hình ảnh của dịp lễ đầu năm đang ngày một khác đi. Những thanh âm về một cái Tết Cổ Truyền dường như ít được vang vọng trong thời buổi bây giờ. 
Ngày nay, người trẻ bị ảnh hưởng và thay đổi bởi nhiều điều mới lạ, ít cơ hội tiếp xúc và hiểu giá trị xưa. Họ dễ dàng nhăn nhó, chê bai những thứ cũ kỹ, lạc hậu. Khi đó, bậc ông bà, cha mẹ sợ rằng “vị đậm đà” của ngày Tết sẽ sớm thôi không còn nữa. Vậy rồi, một ngày sum họp của hai thế hệ làm sao để có thể dung hòa.

Mùi vị Tết Cổ Truyền đang dần nhạt đi khi mọi thứ trở nên hiện đại

Tết hiện đại đang rất được lòng của mọi người. Ngày nay, nhà nhà dễ có sự đủ đầy, sung túc mà không cần phải tốn quá nhiều công sức chuẩn bị như ngày xưa. Việc “ăn Tết” và “chơi Tết” cũng trở nên đa dạng hơn khi có nhiều mặt hàng quà bánh, thú vui cùng góp mặt. Những người con ở phương xa lựa chọn phương tiện về quê đoàn tụ cùng gia đình cũng đơn giản hơn. Tất cả quả thật thuận tiện để mọi người đón không khí sum vầy ngày đầu năm. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà chúng ta bỏ qua những mặt trái của sự hiện đại đối với Tết. Nhìn nhận một cách tinh tế hơn, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp đã bị mờ dần đi, cái tình giờ cũng đang hời hợt. Mùi vị của Tết theo sự hiện đại mà nhạt bớt phần nào. Vậy hiện đại liệu có phải lúc nào cũng tốt?

Người trẻ nói với nhau rằng: “Tết hiện đại quá cũng buồn lắm, chẳng còn mùi vị Tết nữa rồi!”. Ngày xưa, chúng ta được tự tay tạo nên Tết, đặt hết tấm lòng mình vào trong. Song, háo hức đón chào nó xuất hiện rồi hưởng trọn những niềm vui cùng bao điều tốt lành. Còn cái Tết bây giờ nhiều khi chỉ là một sự hào nhoáng của vẻ bề ngoài. Mọi thứ được trang hoàng đầy đủ sắc màu làm mình dễ dàng choáng ngợp. Không còn cái tình, sự tận tâm bằng cả tấm lòng và những niềm mong ước, tận sâu bên trong mỗi người, Tết đã bị vơi đi một chút ý nghĩa. Chúng ta cũng đã mất đi một phần nào niềm vui. 

Tết là dịp để mọi người trong gia đình vui vẻ sum vầy, cùng trò chuyện và gợi nhớ về những khoảnh khắc thiêng liêng. Thì nay, cũng là với sự hiện đại, Tết đoàn tụ nhưng càng xa cách. Chúng ta tụ họp về nhà, tuy nhiên, lại tạo nên một không gian riêng cho mình. Mọi người thích cầm chiếc điện thoại, máy tính bảng hay giành riêng một kênh trên chiếc tivi để kết nối với thế giới bên ngoài hơn là cùng nhau tương tác và gắn chặt tình cảm. Có lẽ, lướt chiếc smartphone, nhấn thả những biểu tượng yêu thích, haha, wow khiến chúng ta cảm thấy đầm ấm hơn. Rồi phải chăng, khi quá hiện đại, cả sự đầm ấm, hạnh phúc cũng đã được mã hóa 4.0 và những lần trò chuyện trực tiếp trở nên lạc hậu?
Mọi thứ dần thay đổi theo xã hội hiện đại và Tết cũng vậy. Nó đã để một phần nét truyền thống lại phía sau mà vươn lên phía trước. Thế nên cái mùi vị của một dịp Tết Cổ Truyền cũng đang dần bị nhạt đi.
Đọc thêm:

Sẽ thế nào nếu như Tết không còn giữ vị xưa?


Ngày nay, cái thời mà người ta luôn truyền tai nhau về sự hiện đại 4.0 cũng đã ít nhiều làm cho Tết bị gắn mác theo. Tuýp “mô-đen” được nhiều người ưa chuộng và quên đi những phong tục truyền thống. Vị xưa, đó không phải những điều lạc hậu, cũ kỹ mà là bản chất, ý nghĩa tận sâu bên trong của Tết, cái hồn của dân tộc Việt Nam. Nhưng. Sẽ thế nào nếu như Tết không còn giữ vị xưa?
Khi những điều cốt lõi dần bị mất đi, giá trị của cái đẹp chỉ còn thể hiện qua vẻ bề ngoài. Có thể sau này, vẫn với cái tên gọi đó, nhưng Tết sẽ trở nên xa lạ, không còn khoảnh khắc đầm ấm và hạnh phúc sum vầy ngày đầu năm. Hoặc nó chẳng khác nào một kỳ nghỉ dài ngày để người trẻ được tự do theo sở thích riêng, là lúc mà cái tôi cá nhân cao hơn sự hòa hợp gia đình, xã hội. 
Thật buồn nếu như hồn Tết bị mất đi. Bao nhiêu người sẽ phải nuối tiếc về một tuổi thơ với vị đậm đà trong giá trị tinh thần của nó.
Đọc thêm:

Giữ hồn Tết để vẫn có thể được đón Tết

Theo thời gian mỗi người đều lớn dần, thời đại tiến bộ, phát triển hơn sau 10 hay 20 năm nữa. Vậy nên, sự xuất hiện của Tết cũng sẽ theo đó mà thay đổi. Không thể phủ nhận rằng những điều tốt của sự hiện đại mang đến cho Tết. Tuy nhiên, nếu phải bỏ lại những mùi vị đặc trưng xưa cũ để đón nhận cái mới thì liệu nó có còn ý nghĩa với chúng ta hay không?
Lựa chọn kiểu ăn Tết như thế nào sẽ là quan điểm riêng của mỗi cá nhân. Dù truyền thống hay hiện đại cũng hãy lưu giữ giá trị cốt lõi vốn có của nó. Để từ đó, chúng ta cảm nhận được ý nghĩa của yêu thương trọn vẹn, của quan tâm và gắn kết gia đình. Song, tất cả sẽ được lưu giữ và gợi nhớ mỗi dịp về sau.