Sau cuộc chiến pháp lí với Công ti PT với phần thắng thuộc về mình, hoạ sĩ Lê Linh tiếp tục đưa những phát ngôn liên quan đến bộ phim chuyển thể từ truyện Thần đồng đất Việt. Hành động phát ngôn này thực chất không mang tính pháp lí, nó mang tính than vãn trên mạng xã hội. Hành động than vãn kết hợp với sự hung hăng của fan Lê Linh chưa biết có tạo ra giá trị tốt đẹp gì hay không, chỉ biết nó đã khiến nhiều người trong giới chuyên môn khó chịu và bất bình.
Chết vì chính fan của mình không phải hiện tượng hiếm, gần đây Lê Linh cùng sản phẩm truyện tranh của ông đang dần bị giới chuyên môn săm soi và tìm lỗi chỉ vì những lời khen mang tính “khen để cho nó chết” của chính fan Lê Linh. Giới chuyên môn luật thì chỉ trích ông có những phát ngôn sai về luật trên mạng xã hội khiến đám đông hiểu nhầm. Giới Hán học thì săm soi bộ truyện và cho biết nhiều tình tiết trong bộ truyện “thuần Việt” (trích lời Lê Linh) lại có nguồn gốc từ Trung Quốc [1].
Bài viết này, với tư vấn từ giới chuyên môn luật, phần đầu sẽ cho thấy Lê Linh chỉ có những quyền gì trong vụ lùm xùm này. Phần thứ hai sẽ xét đến chất lượng của bộ truyện mà Lê Linh vẽ (tập 1-78). Phần thứ ba sẽ cho thấy những hành động mà Lê Linh làm đang kéo mọi thứ đi xuống tình trạng cùng thua.


I. VỀ MẶT PHÁP LUẬT CỦA VẤN ĐỀ



1. Ông Lê Linh có những quyền gì?

Bởi vụ kiện của Lê Linh với Công ti PT là tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nên dưới đây tôi sẽ sử dụng Bộ luật dân sự 1995 [2], Luật Sở hữu Trí tuệ 50/2005/QH11 [3] và Bản án 774/2019/DSPT ngày 03/09/2019 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ [4] (bản án của chính vụ kiện giữa Lê Linh và Công ti PT).
Thực ra công việc của tôi ở phần này đơn giản là đọc hiểu các văn bản luật đó rồi tóm tắt lại cho ai chưa đọc và chưa hiểu. Tất nhiên tóm tắt sẽ có những phần lược bỏ, nhưng tôi cam đoan là vẫn đúng. Văn bản đầy đủ được dẫn cuối bài cho mọi người tự kiểm tra.
Với mục đích là để tránh không còn anh chị nào phát biểu ngô nghê như thế này về tính hợp pháp của bộ phim chuyển thể.

Dưới đây là nội dung bản án.
Thứ nhất, đối tượng của vụ kiện chỉ là hình vẽ của 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo, chứ đối tượng không phải là cả bộ truyện Thần đồng đất Việt như nhiều người lầm tưởng. Ông Lê Linh kiện để đòi mình được là tác giả duy nhất của hình vẽ 4 nhân vật (chứ không phải bộ truyện) thay vì là đồng tác giả với bà Hạnh như trong hợp đồng kí năm 2002.
Thứ hai, ông Lê Linh chỉ có quyền nhân thân, chứ không phải có toàn bộ quyền tác giả như nhiều người lầm tưởng. Quyền tác giả bao gồm 2 quyền: quyền nhân thân và quyền tài sản; trong đó quyền nhân thân bao gồm 4 quyền (sẽ nói bên dưới). Quyền bán bộ truyện cho bên khác làm phim là quyền tài sản, ông Lê Linh chỉ giữ quyền nhân thân, Công ti PT giữ quyền tài sản.
Thứ ba, ông Lê Linh chỉ là người lao động vẽ thuê cho Công ti PT, mặc dù ông Lê Linh tự nhận mình chỉ hợp tác với Công ti PT chứ không phải lao động theo hợp đồng, nhưng ông không chứng minh được nên lời nói vô hiệu. Do đó, theo luật, những tập truyện ông Lê Linh vẽ khi ở Công ti PT (1-78) sẽ là tài sản của Công ti PT, quyền tài sản của bộ truyện được Công ti PT giữ.
Thứ tư, Công ti PT phải chấm dứt khai thác bộ truyện Thần đồng đất Việt (từ tập 79 trở đi và các ấn phẩm Thần đồng đất Việt khác) bởi vì nó vi phạm quyền nhân thân của ông Lê Linh, chừng nào Công ti PT chưa chứng minh được nó là tác phẩm phái sinh, chừng ấy nó vẫn vi phạm quyền nhân thân và phải đình bản. Như vậy tức là nếu một tác phẩm là tác phẩm phái sinh thì sẽ không phạm vào quyền gì của ông Lê Linh cả. Phim chuyển thể được coi là tác phẩm phái sinh, và người giữ quyền làm tác phẩm phái sinh là Công ti PT.
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây: 
a) Làm tác phẩm phái sinh;
[...]
8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Lưu ý ở đây vẫn chỉ là vi phạm quyền nhân thân chứ không phải quyền tài sản, và do đó Công ti PT chỉ phải đền tiền luật sư (15 triệu) cho ông Lê Linh, đồng thời xin lỗi trên báo; chứ không phải là đền tiền tác quyền – số tiền này sẽ vô cùng lớn nếu tính bằng doanh thu của tập 79 trở đi, chưa kể các ấn phẩm Thần đồng đất Việt khác.
Cũng phải nói rõ là những năm 2008 ông Lê Linh cũng lầm tưởng như fan bây giờ nên định kiện để đòi tiền, rất may hồi đó ông đã hiểu ra và rút đơn. [5] Nhưng fan của ông đến bây giờ có vẻ vẫn chưa hiểu được như ông từng hiểu.
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Như vậy, ông Lê Linh chỉ có quyền nhân thân như 4 quyền bên trên, việc bán bộ truyện cho đoàn làm phim là quyền của Công ti PT, ông Lê Linh không có quyền ngăn cản việc bán.
Thậm chí quyền được ghi tên mình lên phim ông Lê Linh cũng không có. Quyền 2, được đứng tên thật lên tác phẩm, thì tác phẩm ở đây là hình vẽ 4 nhân vật do ông vẽ, chứ không phải phim người khác làm. Bộ phim là tác phẩm phái sinh, và do tác giả khác làm.
Ông Lê Linh cũng không thể kiện đoàn làm phim nhờ quyền 4, bởi quyền này bảo vệ tác phẩm của ông (hình vẽ nhân vật trong truyện) mà thôi, và đoàn làm phim không chỉnh sửa, cắt xén, xuyên tạc gì ở hình vẽ nhân vật của ông cả.
“Trung thành với nguyên tác” là một khái niệm chủ quan, trong luật không có yêu cầu nào về độ trung thành của TPPS đối với nguyên tác. Và công dân được làm mọi điều mà luật không cấm.
Nên nhớ gia đình Tolkien rất phản đối bộ 3 phim Chúa Nhẫn mà còn không kiện được, thì ông Lê Linh không thể là ngoại lệ. Việc đoàn làm phim mời tác giả tham gia bộ phim là việc tự nguyện chứ không phải theo luật.
Đừng suy nghĩ một cách ngây thơ và sính ngoại rằng việc mời tác giả là “đạo đức”, là “cái tình” của đoàn làm phim nước ngoài. Hãy nhớ phim Interview with a Vampire chuyển thể từ truyện của Anne Rice mà Anne Rice không được mời vào đoàn làm phim dù truyện bán rất chạy. Đơn giản vì người giỏi viết truyện chưa chắc đã giỏi làm phim, và cũng đơn giản vì đoàn làm phim có thể không muốn nhờ đến tác giả.

2. Ông Lê Linh đã làm những gì?

Sau bài than vãn trên mạng xã hội vào 28/12/2020, ngày 26/1/2021 ông Lê Linh lại tiếp tục lên báo nói những câu và ngôn từ tương đối giống bài than vãn năm 2020.

Cụ thể, năm 2020 khi vụ kiện đã kết thúc với những chấm dứt, đền bù và xin lỗi thoả đáng theo pháp luật, ông Lê Linh vẫn lên bài gọi Công ti PT là “bọn cướp” (trích), việc này rõ ràng không đúng pháp luật khi mà bị đơn đã bị xử rồi và đền bù rồi. Cạnh đó ông còn gọi những người đại diện pháp luật là “bọn quan tòa vô cảm” (trích). Hành động này khá khó hiểu bởi quan toà làm việc vô cảm là chính đáng, xử án mà đưa cảm tính vào mới là cái nguy hiểm cho đất nước; và bằng việc dùng ngôn từ như thế này dường như ông Lê Linh đang tỏ thái độ bất mãn nào đó với pháp luật.
Tiếp theo, ông gọi bộ truyện ông vẽ với Công ti PT (1-78) là “đứa con mình rứt ruột đẻ ra bị nhào nặng không thương tiếc dưới tay lũ rác rưởi” (trích), phát ngôn này sai trầm trọng vì bộ truyện này là sản phẩm của ông làm cho Công ti PT, một giữ quyền nhân thân, một giữ quyền tài sản, một bên là người lao động, một bên là người thuê lao động, như tôi đã nói theo bản án phía trên.

Bằng việc liên tục phát ngôn những lời như thể bộ truyện là của riêng ông, ông đã phủi sạch công sức (hợp pháp) của rất nhiều người làm nên nó. Ai có kiến thức thường thức cũng hiểu một quyển truyện tranh không ra đời dưới tay một người, nó cần người đi nét (nếu có), người biên tập, người in ấn, người mua giấy phép xuất bản, người làm truyền thông. Rồi thậm chí khi ra thị trường có thể bị ghét bỏ và thua lỗ, và người gánh chịu rủi ro này là Công ti PT chứ không phải người vẽ thuê nhận lương ổn định như ông Lê Linh.
Và thậm chí, để ông vẽ được bộ truyện đến tập 78 thì càng cần phải kể đến công của Công ti PT, bởi không giống tiểu thuyết khi tác giả viết một lần hết quyển luôn rồi bán, truyện tranh là thứ vừa bán vừa sáng tác tiếp, giả sử sau tập 1 Công ti PT không thuê ông vẽ nữa và không trả tiền nếu ông vẫn cứ vẽ, thì không thể nào ông có được bộ truyện đến tập 78 như vậy.
Ông Lê Linh dường như đang chỉ nhìn vào kết quả là thành công của bộ truyện, rồi ông phủi sạch đi những rủi ro vẫn luôn đồng hành cùng nó – những rủi ro ông không phải gánh chịu. Suy nghĩ này khiến ông sa vào những ảo tưởng về quyền lực của bản thân, cho rằng bộ phim rất cần đến tác giả, và việc đoàn làm phim không tìm đến ông từ sớm cũng là một cái sai.
Nhưng như tôi đã nói theo luật, ông Lê Linh không thể kiện được nếu chỉ vì phim quá khác với nguyên tác, hãy nhìn trường hợp gia đình Tolkien. Và nếu ai nói phim Chúa Nhẫn không khác nguyên tác thì hãy đọc bài riêng về nó do tôi viết. [6] Cũng như ví dụ về Interview with a Vampire của Anne Rice sẽ cho thấy suy nghĩ đoàn làm phim buộc phải mời tác giả là một ảo tưởng quyền lực.

Cuối cùng, nói về cái tình thì lại càng bất lợi đối với ông Lê Linh, cái tình là cái quy ước với nhau trên cơ sở anh có tình với tôi thì tôi có tình lại với anh. Thế nhưng ông Lê Linh trước tiên luôn miệng phủi sạch công sức của ê-kíp làm nên bộ truyện, sau đấy lại từ chối đoàn làm phim và rêu rao sự từ chối ấy lên mạng xã hội, dẫn đến hậu quả ai cũng đoán được. Cạn tình với người khác nhưng lại đòi người khác có tình với mình, lí nào như thế?
Nhưng ngay cả những người được cho là có tình với ông Lê Linh: đám đông, thì cũng xin cẩn thận, đám đông chưa bao giờ trung thành và “cái tình” của đám đông là thứ chưa bao giờ đáng tin, việc này tôi bàn ở phần III.


II. VỀ TÍNH KHÔN LỎI CỦA BỘ TRUYỆN GỐC



1. Nguồn gốc của tình tiết truyện

Ở đây tôi chỉ khảo sát bộ truyện ông Lê Linh vẽ (tập 1-78).
Về tình tiết truyện, đây là cái tác giả Lê Linh cũng không giấu giếm rằng ông sao chép từ văn học dân gian (giai thoại cổ, truyện tiếu lâm, mẹo dân gian v.v.). Việc sao chép này dẫn đến hậu quả nhãn tiền: bộ truyện là sự pha trộn giữa trí thông minh và trí khôn vặt.
Những tình tiết liên quan đến trí thông minh gồm: Xuất thân của Tí vốn quan nhà trời, mượn từ truyền thuyết xuất thân của vua Lê Thánh Tông. Một loạt tình tiết như cân voi, gọi bưởi là mượn từ giai thoại Trạng Lường, tình tiết làm voi đất biết đi và đối câu đối với quan là mượn từ giai thoại Trạng Hiền, v.v.
Những tình tiết liên quan đến trí khôn vặt gồm: Trộm mèo của con tể tướng, mượn từ giai thoại Trạng Quỳnh, lừa bá hộ Mão ăn cứt dê, lừa cho ba ông quan triều đình nhận thưởng 300 roi, đều mượn từ truyện tiếu lâm, v.v.
Nguyên văn lời của đạo diễn phim, ông ta nói “nhiều” và “những” chứ không phải “toàn” và “chỉ”
Nói tóm lại ý kiến cho rằng bộ truyện này dùng nhiều (“nhiều”, chứ không phải là “toàn”) mánh lới khôn vặt là không sai. Từ đó mà việc nói bộ truyện này có tính giáo dục là rất có vấn đề.
Bởi bất cứ ai có kiến thức sơ đẳng về giáo dục hoặc triết học đạo đức phải biết rằng: Người ta cần phải tránh làm việc xấu trước, rồi mới nghĩ đến chuyện làm việc tốt. Hay theo thuyết công lợi tối thiểu (negative utilitarianism) thì người ta nên giảm đau khổ đến tối thiểu trước, rồi hẵng nghĩ tới tăng hạnh phúc lên tối đa.
Không thể nhìn nhận một người làm 10 việc xấu rồi làm 11 việc tốt thì rốt cuộc người đó đã làm 1 việc tốt và 0 việc xấu được. Cái xấu sẽ gây ra những hậu quả tương ứng và những hậu quả một khi đã xảy ra thì không gì rút lại được, không thể có lí luận ngô nghê là so sánh số lượng cái xấu/tốt rồi xem cái nào chiếm nhiều phần hơn là thắng, rồi mang ra làm phép tính trừ.
Không nền giáo dục nào vừa dạy điều xấu, vừa dạy điều tốt cho học sinh cả, nếu có cái gì như vậy, nó không phải là giáo dục.

2. Vấn đề của tinh thần truyện

Nếu như tình tiết truyện là cái khó kiểm soát với tác giả bởi tác giả đã xác định sao chép lại văn học dân gian, thì tinh thần truyện là cái tác giả có thể kiểm soát phần nào. Sau đây chúng ta sẽ xem xét.
Bộ truyện này, từ tập 1 đến 78, có thể chia làm ba giai đoạn: Tí ở làng, Tí làm quan, Tí đi sứ Trung Quốc.

a. Tí ở làng:

Ngay cả khi Tí mang danh thần đồng, những việc làm ở làng của Tí không hề tương xứng với cái danh đó. Với bạn bè, Tí không khiến chúng tiến bộ lên, thậm chí đi thi cha mẹ chúng đút lót để được thi đỗ, Tí hoàn toàn thờ ơ với hành động này. Với dân làng, Tí không khiến họ tốt đẹp hơn, mặc dù đã “dạy cho họ một bài học” rất nhiều lần nhưng bá hộ Mão vẫn nham hiểm, mụ Tám Tiền vẫn tham lam, bác Xã Bạc vẫn nát rượu (ấy là chưa kể đến hình ảnh Tí ngồi nhậu với bác Xã Bạc rất phi giáo dục).
Tập 11, trang 74
Không những thế, tác giả xây dựng Tí là một bần nông mang căn tính ghét người giàu vô lối và chơi khăm một cách độc ác.
•     Ở tập 7, mụ Tám Tiền bán vại với giá đắt cắt cổ khiến dân làng không mua nổi. Là thần đồng, những tưởng Tí sẽ giúp dân làng vẫn có vại dùng mà không cần mụ Tám Tiền, hoặc giảng cho mụ Tám Tiền hiểu có hàng mà bán không chạy thì cũng không phải là cái lợi cho người bán.
Nhưng không, việc Tí làm là bày mưu cho dân làng vào đập nát vại của mụ Tám Tiền, tức là xúi dân làng làm việc phi pháp trên tài sản hợp pháp của người khác, rồi cả làng vỗ tay khen thế là hay.
•     Ở tập 8, nhà Tí nghèo đến mức không sắm đủ lễ cho Tí vào sổ Hương ẩm của làng. Bá hộ Mão ra điều kiện sẽ cho tiền nếu bán Tí đi ở đợ cho lão một năm. Đây đơn thuần là giao kèo thuận mua vừa bán, Tí có thể từ chối và không vào sổ Hương ẩm nữa. Thế nhưng việc Tí làm là giăng bẫy để bá hộ Mão vừa mất tiền vừa không phải đi ở đợ cho lão.
Tập truyện này vừa thể hiện sự khiếp nhược của người nông dân trước quyền thế (phải sắm lễ vật tốn kém), vừa thể hiện trò khôn lỏi hại người của phường lưu manh (lừa bá hộ Mão mất tiền). Là thần đồng, những tưởng Tí sẽ làm gì đó để phản kháng trước hủ tục của làng, nhưng không, Tí toa rập với hủ tục và chuyển sang… trừng trị người giàu, dù người giàu đó không làm gì sai, họ chỉ đưa giá để thuận mua vừa bán.
“Cái tình” đấy! (Tập 7, trang 33)
•     Ở tập 30, trớ trêu là lúc này Tí đã đỗ Trạng nguyên, nhưng căn tính ghét người giàu vẫn không bỏ. Tí và các bạn lên kinh thành gặp một ông Tiến sĩ hống hách, ban đầu hai bên thi đối câu đối, Tí thắng và có thể coi đây là sự trừng trị cho lão Tiến sĩ. Thế nhưng sau đó hai bên cùng thuê một phòng trọ, Tiến sĩ nhiều tiền hơn nên được chủ trọ ưu ái, nhóm của Tí phải ngủ ở ngoài.
Cốt lõi vấn đề ở đây rõ ràng nằm ở tư duy trọng kẻ nhiều tiền, và tư duy đó đại diện qua người chủ trọ, chứ không phải lão Tiến sĩ. Thế nhưng Tí đã làm gì? Thay vì lên án tư duy trọng vật chất, Tí chuyển sang… trừng phạt người giàu. Và Tí đã dùng mưu mẹo để chính người trong nhà trọ hành hung lão Tiến sĩ. Đây gọi là ném đá giấu tay, mượn dao giết người.
•     Căn tính ghét người giàu còn thể hiện qua tập 22 (Tí phá đoàn kịch được bá hộ Mão thuê hợp pháp, chỉ vì lí do bá hộ Mão không chịu diễn kịch miễn phí), và tập 44 (Tí phá quán cơm của mụ Tám Tiền, chỉ vì lí do mụ không chịu bán cho người nghèo, trong khi người bán luôn có quyền từ chối phục vụ bất kì ai).
Tóm lại, cái mà Tí làm với dân làng không phải để kéo tất cả đi lên (tất cả cùng giàu, hoặc bá hộ Mão hướng thiện, mụ Tám Tiền hiền lại, chẳng hạn), nhưng không, thay vào đó Tí phá công việc làm ăn của người giàu, để đến kết cục tất cả cùng bị kéo thấp xuống ngang nhau.

b. Tí làm quan triều đình

Có thể nói phần này khác về giai đoạn nhưng tinh thần truyện vẫn thế: dùng mưu mẹo chơi khăm, cốt để kéo tất cả xuống, chứ không nâng ai lên cả.
• Ở tập 27, Tí được vua gọi lên làm lễ phong Trạng nguyên, ở đây Tí đã có cơ hội vạch mặt bọn gian thần ăn hối lộ trước vua. Là thần đồng, bây giờ đỗ Trạng nguyên, những tưởng Tí sẽ làm gì đó để bộ máy cai trị được trong sạch, nhưng không. Việc Tí làm là chơi khăm bọn gian thần bằng cách khiến chúng ăn 100 roi, và hết. Để lại bộ máy cai trị vẫn thối nát như xưa.
Tập 65, trang 90
• Ở tập 65, lúc này Tí lên làm quan cao lắm rồi, được vua tin tưởng lắm rồi. Trong một cuộc thi võ, Dương Bá Tuất bị đối thủ chơi gian lận, Tí biết, và đáng lẽ dưới tư cách quan lớn Tí nên dùng cái tài và cái danh của mình để kẻ gian lộ mặt trước vua. Nhưng không, việc Tí làm là cũng dùng lại trò bẩn với kẻ gian, sặc mùi ăn miếng trả miếng rất tầm thường so với địa vị của Tí khi ấy.
• Ở tập 56, con gái tể tướng hống hách ức hiếp dân, coi mạng con mèo lớn hơn mạng dân. Tí lúc ấy là quan chính thức của triều đình, những tưởng sẽ dùng quyền hành của mình để xử lí một cách trực tiếp vấn đề, nhưng không, Tí chọn cách xử lí… con mèo. Tập này mượn từ giai thoại Trạng Quỳnh trộm mèo. Việc trả đũa con mèo này rõ ràng chỉ để thoả mãn cái tôi của Tí, chứ không giúp con tể tướng hướng thiện, từ đó người dân tránh được đòn thù của con tể tướng.
Đến giai đoạn này của truyện, chúng ta mới thấy rõ cái khập khiễng khi tác giả cứ mãi sao chép giai thoại. Bởi vì sao? Những giai thoại khôn lỏi luôn lấy trung tâm là những người dân thấp cổ bé họng. Họ thấp bé nên không thể thay đổi vấn đề từ thượng tầng, nên chỉ có thể trả đũa trong thoáng chốc mà thôi. Họ cũng yếu đuối nữa, nên họ mới cần dùng trò lươn lẹo để vừa có thể trả đũa, vừa không sợ bị phạt tội.
Nhưng vấn đề ở đây là Tí đang là quan lớn trong triều, Tí đang ở thượng tầng rồi, tại sao phải dùng trò bẩn để trả đũa, thay vì dùng trí tuệ và quyền hành để kéo đất nước đi lên? Rõ ràng là bởi vì tác giả đã sao chép giai thoại khôn lỏi nên phải cố bẻ nhân vật cũng khôn lỏi theo cho hợp. Nhưng nhân vật bây giờ quá lớn không phù hợp với giai thoại nữa, và e là còn quá lớn đối với cả trình độ của tác giả.

c. Tí đi sứ Trung Quốc

Giai đoạn này có lẽ là sáng nhất trong bộ truyện vì ít dùng đến trò khôn vặt, mặc dù vẫn có trò khôn vặt mượn từ giai thoại Trạng Quỳnh vẽ 10 con giun đất, nhưng thôi, có lẽ tôi không cần kể chi tiết nữa.
Cái tôi muốn nói ở đây là nhìn lại tất cả việc Tí từng làm cho dân làng và cho triều đình, chúng ta chỉ thấy số 0 tròn trĩnh. Tí không kéo dân làng đi lên, Tí cũng không kéo triều đình đi lên, thời điểm Tí đi sứ, vua vẫn nhu nhược và tể tướng vẫn lộng hành.
Nguỵ biện đổ ngược gánh nặng chứng minh (Tập 49, trang 94)
Thế thì việc đi sứ để giữ bộ mặt của quốc gia thật vô nghĩa. Nó phản ánh tính sĩ diện hão của người Việt thì đúng hơn, đó là thà để nội bộ khinh bỉ nhau còn hơn để người ngoài khinh bỉ chúng ta. Trong khi về cốt lõi là chúng ta phải trau dồi để tốt lên, thì không ai chịu làm.
Rất có thể việc giữ mọi nhân vật đóng chết một tính cách là thủ pháp của tác giả, để từ đó có thể viết nhiều tập truyện dạng sitcom hơn. Nhưng vô hình trung việc này khiến tinh thần cả bộ truyện rất có vấn đề.
Không thể lôi lí do “Truyện thiếu nhi thôi mà” ra để làm bình phong cho những trò khôn vặt, và cả những đầu voi đuôi chuột trong truyện. Đơn giản là nếu giai thoại không phù hợp thì đừng đưa vào truyện, hoặc vấn đề quá lớn không giải quyết được thì đừng đưa vào truyện.
Người đọc chỉ khoan dung những gì có thể khoan dung được, như việc Tí là quan văn mà được phong làm võ tướng, khoan dung được bởi nó tuy vô lí nhưng không xấu. Còn tính khôn lỏi là thứ xấu xa không thể chối cãi và bao biện được.


III. TẤT CẢ CÙNG THUA



Trở lại với vụ kiện, tôi xin dẫn lời của luật sư Phan Vũ Tuấn: “Phán quyết cũng đã tuyên, Công ty Phan Thị hay Lê Linh là người chiến thắng thật ra cũng không quan trọng. Nhưng cộng đồng sáng tạo và nền công nghiệp không khói còn non trẻ của Việt Nam lại thua đau…” [7]
Sở dĩ nói ngành sáng tạo thua đau bởi Luật Sở hữu Trí tuệ sinh ra vốn để bảo vệ sản phẩm sáng tạo cho những tác giả yên tâm sáng tạo tiếp. Thế nhưng vụ kiện này, rất giống tinh thần của Trạng Tí, đang kéo cho tất cả cùng chết; và tranh thủ sự ủng hộ của đám đông để che lên cái sai về lí. Cả ông Lê Linh lẫn Công ti PT đều không thể tiếp tục sản xuất bộ truyện Thần đồng đất Việt, đây là cái lose-lose thứ nhất.
Chỉ còn hi vọng mong manh là Thần đồng đất Việt được làm tác phẩm phái sinh (phim) nhưng chính ông Lê Linh bằng việc lên bài than vãn, đã thả xích fan của ông để phá luôn bộ phim, ngay cả khi fan của ông có dấu hiệu nói xằng bậy về luật, ông đều không lên bài giải thích những sai trái đó, đây là cái lose-lose thứ hai. 
Cái đáng quý của con người với xã hội là anh lao động tạo ra sản phẩm đóng góp cho xã hội, miễn không phải sản phẩm độc hại, dở không phải lí do để cấm làm. Nhưng cả xã hội bây giờ toàn những kẻ không sáng tác được thành phẩm gì để đóng góp cho cộng đồng, mà chỉ biết cắn càn không để cho ai làm việc.

Cạnh đó, ông Lê Linh đang tạo ra tiền lệ xấu, gây khó khăn cho công việc sáng tạo sau này người khác sẽ làm, và gây khó khăn cho cả chính ông Lê Linh nếu như ông có dự định sáng tác tiếp. Bởi ai còn dám làm việc với người không tôn trọng luật pháp, và có thể dùng luật rừng bằng cách thả fan ra cắn càn bất kì lúc nào? Cũng như Thần đồng đất Việt bây giờ trở thành thứ không ai dám động vào làm tác phẩm phái sinh nữa.
Cũng giống như trường hợp Salvatore Giuliano [8] hôm trước được đám đông tung hô như thần, hôm sau bị đám đông quay lưng như tội đồ, có rất nhiều người đã “chết vì chính fan của họ”. Việc ông Lê Linh được đám đông ủng hộ hiện nay chỉ là trùng hợp với mục đích của họ (họ cần lấy cớ để chửi rủa bên thứ ba) hoặc của những hạng cơ hội như Tifosi (kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan) chứ không phải vì họ tôn trọng tác giả. 
Gia đình Tolkien rất ghét phim Chúa Nhẫn, nhưng đám đông không hề ủng hộ gia đình Tolkien, đó là ví dụ.
Hi vọng được ở đạo đức của những người như thế này?
Giữa giới chuyên môn và đám đông, chỉ có đám đông là thứ có thể đạp lên, bởi chúng ta làm việc trước tiên phải cần giới chuyên môn đã, đám đông không thể gánh chịu rủi ro cho người vẽ thuê, cũng không mua giấy phép xuất bản hay bản quyền cho người làm sách thuê.
Cũng như giữa luật pháp và luân lí, đạo đức, chỉ có luật pháp là thứ không thể ngồi lên. Không tồn tại đạo đức ở trong đám đông, hạng người đã táng tận lương tâm đến mức lôi cậu bé vô tội đóng vai Tí ra miệt thị ngoại hình được, thì đó là hạng người có thể cắn bất kì ai, một cách điên loạn tột cùng.
Chặn họng ngắn: Bài viết này không liên quan đến bộ phim và chất lượng của nó.



Phần về luật (Phần I) của bài viết này nhận tư vấn và tham khảo từ Bùi Hữu Duyệt ở hai bài sau:
    Chú đã nhào nặn ký ức của chúng ta như thế nào? (Đang chờ link)

[1] Loạt bài cho thấy nhiều giai thoại tưởng thuần Việt nhưng lại có nguồn gốc Trung Quốc ở đâyở đây



TORNAD
30/1/2021